tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 27-08-2016

  • Cập nhật : 27/08/2016

VASEP: Nhiều hợp đồng xuất khẩu bị huỷ vì thuỷ sản nhiễm kim loại nặng

Cùng với tình trạng thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp cũng đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động khi đối tác nước ngoài huỷ phiếu do quan ngại thuỷ sản miền Trung nhiễm độc.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đại diện cho 270 doanh nghiệp trong ngành kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thiệt hại sau thảm hoạ môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, sự cố ô nhiễm đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến đời sống, việc làm cũng như sức khỏe của người lao động. Ngư dân lo lắng và không dám đi đánh bắt.

"Khách hàng quốc tế quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền trung. Các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn", VASEP nhấn mạnh.

Trước đó, một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là Công ty Trang (Mã CK: TFC) cũng bất ngờ ghi nhận thua lỗ 14,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi lớn. Một trong những lý do được ban lãnh đạo công ty đưa ra là sự kiện cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam đã ảnh hưởng đến uy tín ngành thuỷ sản, nhiều đối tác nước ngoài đơn phương huỷ hợp đồng.

"Sản lượng thu mua của doanh nghiệp giảm 60% so với cùng kỳ. Nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng trong khi đầu ra của sản phẩm cũng bị co lại, nên doanh nghiệp thu mua nguyên liệu trong 8 tháng chỉ đạt khoảng 40% và doanh số bán ra cũng bị giảm mạnh", VASEP thống kê thiệt hại.

Chẳng hạn, Công ty Nam Hà Tĩnh (Shatico) ở Kỳ Anh thu mua được 228 tấn sau 8 tháng, trong khi cùng kỳ 2015 được 580 tấn (giảm đến 60%). Công ty xuất khẩu chỉ được 160 tấn, kim ngạch 1,4 triệu USD trong khi cùng kỳ là 2,4 triệu USD.

Trước thực trạng uy tín ngành thuỷ sản lao dốc trên trường quốc tế, VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành khẩn trương đẩy mạnh công tác truyền thông để khách hàng nước ngoài không bị quan ngại và vẫn tin vào hình ảnh thủy sản của Việt Nam đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, hiệp hội này mong Chính phủ có sự can thiệp đối với Tập đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người dân ở 4 tỉnh miền Trung; đưa ra những chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gây ra.

Không chỉ gặp khó trên thị trường quốc tế, về thị trường nội địa, người dân trên cả nước cũng có tâm lý hoang mang, lo lắng nên không mua sản phẩm thủy sản miền Trung. Các doanh nghiệp và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Toàn bộ hàng nội địa phải bảo quản lâu ngày ở kho. Do đó, doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh như tiền điện, thuê kho...

Theo báo cáo của doanh nghiệp, đến giữa tháng 8/2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại, khiến các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn. 

Dự kiến các tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác. Nhiều công ty báo thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Với những thiệt hại và ảnh hưởng nêu trên, VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành có giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để duy trì sản xuất, trong đó có hỗ trợ thủ tục, cước phí tại cảng nhập khẩu... tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và mặt hàng mới.(Vnexpress)


Việt Nam là lựa chọn số 1 ASEAN cho doanh nghiệp Mỹ

Theo kết quả của ABOS, có tới 40% các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại ASEAN lựa chọn Việt Nam là nơi tiếp theo để mở rộng hoạt động kinh doanh, so với 38% của Indonesia. Như vậy, sau 2 năm liền bị mất ngôi quán quân vào tay Indonesia, Việt Nam đã trở lại vị trí số một. Ngoài ra, có 34% doanh nghiệp Mỹ lựa chọn Myanmar, và 30% chọn Thái Lan.

Được thực hiện bởi Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (Amcham) tại Singapore và có sự hợp tác của các Amcham ở những nước ASEAN khác, ABOS là kết quả khảo sát khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Đông Nam Á.

Nhìn chung, kết quả ABOS có rất nhiều điều đáng khích lệ cho Việt Nam. 80% số doanh nghiệp Mỹ đã có mặt tại Việt Nam cho biết họ đang có kế hoạch mở rộng thêm hoạt động, và 61% có ý định tuyển dụng thêm nhân lực trong năm nay. 72% số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho rằng môi trường đầu tư trong nước đang được cải thiện, và 87% tin rằng lợi nhuận của họ sẽ gia tăng trong năm 2017.

Về mặt chất lượng nhân sự, người Việt Nam được cũng đánh giá khá tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự có ngoại ngữ tốt chỉ là 25%, so với 46% tại Thái Lan. Đặc biệt, năng lực kế toán và công nghệ thông tin của người Việt xem ra là tốt nhất Đông Nam Á, với chỉ lần lượt 3% và 13% doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn trong tuyển dụng. Đây là điều rất đáng nể nếu so với các con số tương tự của Singapore là 17% và 42%.

Bên cạnh đó, ABOS cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc về kế hoạch mở rộng sang nước ASEAN nào tiếp theo. Theo đó, Malaysia là lựa chọn hàng đầu với tỷ lệ 19%, theo ngay sau đó là Việt Nam với 17%.

Đánh giá về hiệp định TPP, 75% số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam tin rằng hiệp định này sẽ giúp ích cho công việc kinh doanh của họ, và chỉ 1% tin vào điều ngược lại.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng vẫn còn nhiều yếu tố cần phải cải thiện. Chỉ có 6% doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam hài lòng với sự trong sạch trong bộ máy công quyền. Dù đây không phải là kết quả quá kém nếu so với Indonesia (5%) hay Thái Lan (7%), nhưng so với Singapore (95%) và Brunei (53%) thì Việt Nam rõ ràng còn cần phải cố gắng nhiều.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ chưa hài lòng với các cơ quan hải quan (46%) và thuế vụ (42%) cũng là khá cao. Đáng chú ý hơn, chỉ có 9% hài lòng với hệ thống luật pháp, và có đến 89% tin rằng việc thực thi luật pháp chưa được công bằng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự quản lý và lãnh đạo tại Việt Nam là tương đối cao (62%) so với các nước khác.(NCĐT)


Mua 10 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước đang làm gì?

Theo nguồn tin của chúng tôi, đến tuần này, hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nướcđánh dấu mốc đạt 10 tỷ USD, tính từ đầu năm. Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia cũng tăng kỷ lục, đạt trên 40 tỷ USD.

Cùng thời điểm, Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ Financial Times (Mỹ) đưa ra công bố: lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tại buổi họp báo ngày 24/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng cao nhất từ trước tới nay; dòng vốn vào thuần đã tăng tới 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước; giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 6/2016 đạt trên 16 tỷ USD - mức kỷ lục.

Lợi cả đôi đường

Những thông tin trên phản ánh về Việt Nam - một điểm đến hấp dẫn. Trong đó, sự ổn định của tỷ giá USD/VND là một cơ sở quan trọng. Tính đến thời điểm này, 2016 đang là năm tốt nhất trong cả thập kỷ gần đây đối với nhà đầu tư nước ngoài, xét về mức độ rủi ro tỷ giá.

Nói cách khác, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã không bị “móc túi” như trước bởi rủi ro tỷ giá, thậm chí còn có lợi khi tỷ giá USD/VND đến nay thấp hơn đáng kể so với đầu năm.

Tỷ giá ổn định là một trong những điểm nhà đầu tư nước ngoài xem xét. Cùng đó, với sự cải thiện rõ rệt của dự trữ ngoại hối quốc gia, hẳn nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn vào khả năng chống đỡ rủi ro, hay năng lực giữ ổn định thị trường đã tốt hơn. Về mặt đối ngoại này, Ngân hàng Nhà nước đang ghi điểm.

Nhưng, trong nước, nổi bật những tháng gần đây là dấu hiệu cung tiền và tín dụng tăng khá mạnh, hay nói nôm na là trạng thái thừa tiền thể hiện rõ hơn ở các chỉ báo trên thị trường. Ở đây, mối liên hệ là lượng lớn VND đưa ra để mua khoảng 10 tỷ USD nói trên, cùng quan ngại về lạm phát.

Số liệu thống kê cập nhật mới nhất, đến tháng 8 và lũy kế 8 tháng đầu năm, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Gắn với những chỉ báo cung tiền và tín dụng tăng khá cao, khi lạm phát vẫn ở mức thấp thì có thể đánh giá tăng trưởng tín dụng đã thực chất hơn, dù độ trễ tác động của yếu tố tiền tệ đối với lạm phát vẫn còn phía trước.

Tất nhiên Ngân hàng Nhà nước không để dư thừa tiền quá nhiều. Như các bản tin chúng tôi cập nhật gần đây, hoạt động phát hành tín phiếu được đẩy mạnh; số dư tín phiếu đang lưu hành đã được đẩy lên khoảng 61.000 tỷ, để trung hòa bớt lượng tiền rất lớn đưa ra mua ngoại tệ.

Quyền lực nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước. Muốn giảm thiểu hơn nữa tác động của nguồn tiền lớn đưa ra mua ngoại tệ, họ có các kênh và công cụ để hút bớt tiền về nhiều hơn nữa. Song, nhà điều hành chính sách tiền tệ vẫn luôn nhìn sang Bộ Tài chính - nhà điều hành chính sách tài khóa.

Không khó để kiểm chứng. Mỗi khi Bộ Tài chính tung trái phiếu Chính phủ ra, Ngân hàng Nhà nước lại ngừng nhịp phát hành tín phiếu, và ngược lại. Nhịp độ này có hàm ý: Ngân hàng Nhà nước muốn hỗ trợ hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, qua giữ nguồn vốn và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào, còn can thiệp bằng tín phiếu chỉ mức độ nhất định.

Đó cũng là sự hỗ trợ cho chi phí quốc gia. Với nhu cầu huy động lượng vốn lớn cho cân đối ngân sách, nếu Ngân hàng Nhà nước không “tạo điều kiện” gián tiếp như trên, cầu lớn và sức ép hoàn thành chỉ tiêu, thì lãi suất trái phiếu Chính phủ chắc chắn sẽ không được dễ chịu như thời gian qua và hiện nay (giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước).

Lãi suất trái phiếu Chính phủ dễ chịu thì chi phí ngân sách cũng đỡ nặng nề. Đổi lại, nó cũng bớt áp lực phá vỡ mặt bằng lãi suất chung trên thị trường - điều mà Ngân hàng Nhà nước đang có mục tiêu phải bình ổn, thậm chí giảm được trong năm nay.

Vậy nên, chỉ chưa đầy 8 tháng đầu năm, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đã đạt tới khoảng 90% kế hoạch. Theo đó, quý cuối năm nhu cầu thực hiện chỉ tiêu đã nhẹ, kênh trái phiếu Chính phủ bớt chèn lấn nhu cầu vốn trên thị trường, lãi suất và tín dụng ngân hàng có phần để thuận lợi hơn.

Mục tiêu nào của tỷ giá?

Trở lại với quy mô mua vào ngoại tệ tới 10 tỷ USD, đặt ngược tình huống: nếu Ngân hàng Nhà nước không mua vào, chắc chắn tỷ giá USD/VND đã thấp nhiều hơn nữa so với đầu năm.

Cụ thể hơn, nếu Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước không chặn mua ở giá 22.300 VND, giữ nguyên suốt 7 tháng qua, thì có thể lần đầu tiên sau nhiều năm, đặc biệt là từ kỳ căng thẳng 2008 cho đến 2015, thị trường đã được chứng kiến “kỳ vọng tỷ giá ngược” rõ ràng hơn.

Bởi cuối 2015 đầu 2016, hầu như tất cả mọi dự báo trên thị trường đều hướng về kỳ vọng tỷ giá USD/VND năm 2016 sẽ tăng thêm ít nhất 4%. Còn thực tế, tính theo tỷ giá trung tâm đến ngày 24/8 thì lại giảm 0,03% so với đầu năm.

Nhìn rộng ra bên ngoài, gần gũi nhất là so với 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu tính tỷ giá trung tâm, thì đồng tiền Việt Nam ổn định nhất, trong khi mức độ thay đổi so với USD của những đồng tiền này khá mạnh, từ 3-4,5%, cá biệt đồng Yên Nhật có thay đổi trên 16%.

Câu hỏi là, theo hướng điều hành những năm trước, mục tiêu tỷ giá USD/VND là các khoảng biến động từ 2-3%, còn nay là gì, bao nhiêu?

Câu trả lời cho đến nay vẫn là mục tiêu giữ ổn định mà không phải một biên độ, một mức thay đổi, hay một tỷ lệ mục tiêu nào cụ thể để nhà điều hành dẫn dắt tỷ giá đạt tới.

Mục tiêu đó nằm ở cơ chế và ý đồ khi tỷ giá trung tâm ra đời. Nó linh hoạt hàng ngày, phản ánh thị trường uyển chuyển hơn thay vì những lần điều chỉnh nhảy cóc. Mục tiêu lớn nhất của tỷ giá trung tâm sau 8 tháng vận hành có thể hiểu là tạo một bộ giảm chấn để tỷ giá và thị trường trong nước ổn định trước môi trường bên ngoài ngày càng nhiều biến động.

Một dẫn chứng, qua 8 tháng đã thấy rõ diễn biến tỷ giá USD/VND đã bớt lệ thuộc đi rất nhiều so với ám ảnh của đồng Nhân dân tệ; hay cả sự kiện Brexit tháng 6 vừa qua…

Áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, điều hành chính sách tỷ giá, mục tiêu cho đến nay cũng không phải là các tỷ lệ tăng hay giảm của tỷ giá USD/VND, mà ngoài sự ổn định trên, điểm tối ưu nhất của mục tiêu là tạo sự thông suốt cho cung - cầu, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường. Mở rộng nữa là tình trạng găm giữ ngoại tệ và đô la hóa đã hạn chế rõ ràng qua tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng giảm rất mạnh những tháng đầu năm nay, thay vì tốc độ tăng cao năm trước mà Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã từng có cảnh báo.

Bên cạnh việc định hình những mục tiêu trên của tỷ giá, thì việc mua vào được 10 tỷ USD, gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối, điều tiết nguồn vốn hỗ trợ cân đối ngân sách qua phát hành trái phiếu Chính phủ, bình ổn lãi suất… cũng là những giá trị xoay quanh, cũng như là kết quả mà Ngân hàng Nhà nước đã và đang làm.(VnEconomy)


Đoàn doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ lớn nhất từ trước đến nay đã tới gặp Thủ tướng và tìm hiểu cơ hội đầu tư

Đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Hoa Kỳ đến một quốc gia để tìm hiểu các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin, y tế, sản xuất thức ăn chăn nuôi....

Lắng nghe, trao đổi với các doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính, hệ thống chính sách để tạo môi trường thể chế minh bạch, vững mạnh hơn, tạo môi trường đầu tư có sức thu hút tốt hơn...

Chiều nay (25/8), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp (DN) cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) do ông Alex Feldman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành US-ABC dẫn đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong quan hệ hợp tác hai nước trong 10 năm qua, nhất là đầu tư và thương mại song phương đang phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng DN Hoa Kỳ đối với cộng đồng DN Việt Nam, nhất là các hoạt động hỗ trợ, hợp tác thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); hoan nghênh việc rà soát, đánh giá nhằm đưa ra và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả, phù hợp nhu cầu của cộng đồng DN Việt Nam trong thích nghi và tận dụng hiệu quả cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trên tinh thần này, Thủ tướng mong US-ABC tiếp tục hỗ trợ tích cực cộng đồng DN Việt Nam hoạt động hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh; cũng như đưa các tư vấn, khuyến nghị giúp Chính phủ Việt Nam trong quá trình điều hành phát triển đất nước.

Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển phương thức lãnh đạo từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân và DN; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hành động, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng cũng nêu rõ, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc cải cách hành chính, hệ thống chính sách để tạo môi trường thể chế minh bạch, vững mạnh hơn là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm tạo môi trường đầu tư có sức thu hút tốt hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư nước ngoài làm ăn thành công tại Việt Nam.

Do đó, Chính phủ Việt Nam hy vọng sẽ tạo tiền đề tốt thực thi hiệu quả Hiệp định TPP, cũng như giúp cộng đồng DN hoạt động ở Việt Nam tận dụng cơ hội từ Hiệp định này.

Với 37 DN hàng đầu Hoa Kỳ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, ông Alex Feldman cho biết: “Đây là đoàn DN lớn nhất từ trước đến nay mà chúng tôi đưa đến một quốc gia. Điều này là minh chứng rõ nét mối quan tâm sâu sắc của các DN Hoa Kỳ đối với thị trường Việt Nam”.

Chủ tịch US-ABC khẳng định các DN Hoa Kỳ mong muốn được đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, cam kết cả trách nhiệm xã hội trong quá trình làm ăn tại Việt Nam.

Ông cũng cho rằng, TPP là dấu mốc quan trọng trong thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư; hơn nữa, lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng DN hai nước đều ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Do đó cộng đồng DN Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và sớm chính thức phê chuẩn Hiệp định.

Các DN lớn của Hoa Kỳ hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin, y tế, sản xuất thức ăn chăn nuôi đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như bày tỏ quyết tâm mở rộng hoạt động , trở thành đối tác tin cậy của Việt Nam trong quá trình phát triển. Các DN Hoa Kỳ cũng góp ý, thể hiện băn khoăn về một số vấn đề như thủ tục hải quan, thanh toán quốc tế…

Trước những phản hồi trên, Thủ tướng cho biết sẽ giao các bộ, ngành, cơ quan chức năng làm việc trực tiếp với đoàn và các DN để trao đổi, xử lý theo tinh thần thẳng thắn, tin cậy, cùng đồng hành phát triển.

“Với tinh thần cải cách, đổi mới, chúng tôi mong muốn có làn sóng đầu tư mới từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn để các bạn làm ăn lâu dài tại Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ và cũng mong muốn các DN Hoa Kỳ làm gương trong việc chống chuyển giá, trốn thuế.(Chinhphu)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục