Trữ lượng dầu mỏ của Mỹ vượt Saudi Arabia và Nga
Xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Thái Lan
Dù kích cầu nhưng thị trường ô tô vẫn giảm
Campuchia xuất khẩu 268.190 tấn gạo nửa đầu năm
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-08-2016
- Cập nhật : 26/08/2016
Nhập siêu gần 270 triệu USD trong nửa đầu tháng 8
Sau khi xuất siêu hơn 560 triệu USD trong tháng 7, nền kinh tế đã quay lại nhập siêu gần 270 triệu USD trong nửa đầu tháng 8. Mặc dù vậy tính từ đầu năm đến nay, nền kinh tế vẫn xuất siêu 2,04 tỷ USD.
Cụ thể, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8 (từ 1 đến hết 15/8), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 7,25 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm hơn 446 triệu USD) so với nửa cuối tháng 7/2016.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2016 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 104,4 tỷ USD, tăng 5,9% (tương ứng tăng hơn 5,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong nửa đầu tháng 8 đạt hơn 7,52 tỷ USD, tăng 6,5% ( tương ứng tăng 460 triệu USD) so với nửa cuối tháng 7/2016.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2016 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 102,36 tỷ USD, giảm 0,4% (tương ứng giảm 393 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, nền kinh tế đã quay lại nhập siêu gần 270 triệu USD trong nửa đầu tháng 8. Mặc dù vậy tính từ đầu năm đến nay, nền kinh tế vẫn xuất siêu 2,04 tỷ USD.
Xét riêng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI), trong nửa đầu tháng 8 kim ngạch xuất khẩu của khối này đạt hơn 5,06 tỷ USD, giảm 6,1% (tương ứng giảm 329 triệu USD) so với nửa cuối tháng 7/2016.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2016 kim ngạch xuất khẩu của DN FDI đạt gần 72,81 tỷ USD, tăng 8,8% tương ứng tăng gần 5,91 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của khối DN FDI trong nửa đầu tháng 8 đạt gần 4,49 tỷ USD, tăng 7,2% (tương ứng tăng 301 triệu USD) so với nửa cuối tháng 7/2016.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2016 kim ngạch nhập khẩu của DN FDI đạt hơn 60,12 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2015 (tương ứng tăng 620 triệu USD), chiếm 58,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Như vậy trong nửa đầu tháng 8 khu vực DN FDI tiếp tục xuất siêu 570 triệu USD, nâng con số xuất siêu từ đầu năm lên 12.69 tỷ USD.(TBNH)
Cần cơ chế bù lỗ trong xử lý nợ xấu
Để xử lý nhanh gọn hiệu quả nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực cho rằng phải chấp nhận một số khoản bán lỗ và có cơ chế bù lỗ. Theo cơ chế bù lỗ này, nhà nước chịu một phần và các TCTD cũng có trách nhiệm một phần.
Xử lý nợ xấu (XLNX) tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống NH, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm của NHNN về định hướng điều hành trong những tháng tới.
Nhìn lại thời gian qua, nhiều giải pháp được các NH tích cực triển khai để XLNX như sử dụng dự phòng rủi ro, thương thảo khách hàng, đôn đốc thu hồi nợ, nhất là bán nợ sang VAMC. Với tư cách là cơ quan có nhiều “quyền năng” nhất trong XLNX, thời gian qua VAMC tích cực phối hợp với các NH để thu hồi, thanh lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án…
Nhất là mới đây, VAMC được cho phép mua nợ theo giá thị trường và Chính phủ ban hành Nghị định 69 về hoạt động kinh doanh mua bán nợ cũng đang được kỳ vọng sẽ xử lý nhanh hơn số nợ xấu đang tồn đọng trong hệ thống. Nhưng, theo các chuyên gia, ở Việt Nam khó thực hiện được mua bán nợ theo giá thị trường bởi vì cơ chế đấu thầu phức tạp, khó khăn.
Quy định để được kinh doanh mua bán nợ cũng khá cao đối với các DN. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng đối với DN trong thời điểm này là quá lớn. Nhất là lại kinh doanh một “mặt hàng” xấu, rủi ro, khung pháp lý chưa rõ ràng như vậy sẽ là lực cản lớn đối với DN muốn “nhảy” vào đầu tư.
Trước khó khăn mà NH cũng như VAMC đang đối mặt trong quá trình XLNX, một chuyên gia NH đề xuất giải pháp mời tổ chức nước ngoài vào VAMC tư vấn thực hiện chứng khoán hoá (CKH) nợ xấu thành trái phiếu hoặc là cổ phiếu phát hành ra thị trường.
Thực tế, không phải đến thời điểm này đề xuất hóa nợ xấu mới được đưa ra mà đã một vài lần giải pháp này được các chuyên gia chia sẻ. Thực tế, CKH là một kênh bán nợ rất hữu hiệu tại nhiều nước trên thế giới. Ví dụ tại Mỹ, theo chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi mà NĐT mua trái phiếu nợ (nợ xấu các NH được gom lại thành trái phiếu) của công ty chứng khoán phát hành, họ được sang nhượng món nợ và có toàn quyền xử lý tất cả tài sản bảo đảm. Điều này giúp các khoản nợ xấu được xử lý nhanh hơn.
Nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Vào thời điểm này, đề xuất trên hoàn toàn không khả thi khi áp dụng tại Việt Nam. Bởi điều kiện tiên quyết thực hiện giải pháp này thành công là người mua chứng khoán đó được chuyển toàn bộ quyền đối với tài sản thế chấp. Nhưng ở Việt Nam đây lại là nhân tố đang làm cản trở quá trình XLNX của các NH. NH có nợ xấu, khách hàng chây ì buộc phải khởi kiện ra tòa nhưng trầy trật lên xuống vài ba năm mới thu được tài sản, thậm chí là tay trắng.
TS. Hiếu chỉ ra những trắc trở về thực hiện CKH nợ xấu: Ngay cả VAMC cũng không thể thanh lý tài sản bảo đảm từ các khoản nợ mua về nói gì đến chuyện mời người thứ ba vào để mua. Nên dù có mời chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam để cố vấn, mà khâu pháp lý không giải tỏa được thì vấn đề CKH cũng không thể thực hiện được.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng phương án CKH nên nghiên cứu một cách nghiêm túc để có thể triển khai tại Việt Nam vào một thời điểm phù hợp. Tốc độ triển khai nhanh hay chậm phụ thuộc vào khung pháp lý hoàn thiện sớm hay muộn. Chỉ khi pháp luật hoàn thiện, trao quyền thanh lý tài sản cho các chủ nợ tức là chủ nợ có thực quyền như vậy thì mới thực hiện CKH nợ xấu được. Còn với mớ bòng bong trong hệ thống pháp luật như hiện nay không thể CKH được.
Đấy là những đề xuất dài hơi, còn trước mắt để hỗ trợ VAMC xử lý hiệu quả nợ xấu hơn, theo TS. Lực phải giải quyết bài toán lỗ chênh lệch cho VAMC. Hiện tại, VAMC thực hiện mua bán nợ phải tính toán làm sao hòa vốn hoặc có lãi một chút để có chi phí hoạt động. Vì thế, công ty này mua bán nợ xấu rất thận trọng. Bởi chưa có quy định rõ ràng bảo vệ cán bộ VAMC, không may nếu để thất thoát sẽ bị quy trách nhiệm.
Để xử lý nhanh gọn hiệu quả nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực cho rằng phải chấp nhận một số khoản bán lỗ và có cơ chế bù lỗ. Theo cơ chế bù lỗ này, nhà nước chịu một phần và các TCTD cũng có trách nhiệm một phần.
“Một số khoản mồi ban đầu phải chấp nhận lỗ mới tạo ra cú huých để đẩy nhanh tiến độ. Nếu không, giả sử dù một năm VAMC xử lý hết 2.000 tỷ đồng thì so với số nợ xấu hơn 200.000 tỷ đồng, chẳng biết bao giờ mới xong. Mà càng để lâu thì cả nền kinh tế bị thiệt hại chứ không riêng NH. Vì vậy, thời điểm này rất cần giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt mới đẩy mạnh XLNX”, một chuyên gia khác chia sẻ thêm.(TBNH)
Nợ công và sự đánh đổi
Phải sớm đổi mới cơ chế quản lý và kiểm soát chi tiêu công hướng tới cơ chế thị trường và theo kết quả cuối cùng gắn với trách nhiệm về hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Kiên quyết hơn với vấn đề chi vượt dự toán.
Với tình hình hiện nay của nền kinh tế và tài chính Việt Nam, khả năng duy trì bội chi ngân sách ở mức 5% GDP là một thách thức quá lớn.
Để khắc phục tình trạng hiện nay, tăng trần nợ công trong ngắn hạn là một giải pháp đánh đổi tối ưu, theo PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân).
Trong báo cáo của Thủ tướng trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, khó khăn mà Thủ tướng nêu lên là vấn đề bội chi ngân sách và nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.
Trong hoàn cảnh của Việt Nam, bội chi NSNN thường phát sinh tăng là điều có thể hiểu và cần nhận được sự chia sẻ, cả với Chính phủ và với cơ quan điều hành NSNN.
Vấn đề đặt ra là chi tiêu phải hiệu quả, và chọn phương thức khắc phục hay bù đắp bội chi NSNN như thế nào. Nếu áp dụng phương thức đúng đắn, không những bội chi NSNN được ổn định một cách bền vững mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ngược lại áp dụng các giải pháp không hợp lý có thể sẽ làm cho vấn đề trầm trọng hơn, thậm chí rơi vào vòng luẩn quẩn và khủng hoảng nợ công sẽ không chỉ là nguy cơ.
Ông gợi ý phương thức nào? Thu thì đang khó mà chi vẫn nhiều?
Phải quyết liệt cắt giảm các khoản chi tiêu không thực sự cấp thiết, giảm cả những khoản chi tiêu công mà nó không tác động đến sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội (ví dụ Hà Nội đã cắt giảm tiền cắt cỏ, tỉa cây, góp phần giảm chi tiêu công). Kiên quyết loại những dự án đầu tư có dấu hiệu lãng phí, chậm tiến độ, tiêu cực. Thậm chí một số dự án lớn, phát huy tác động trong dài hạn cũng nên cân nhắc, nhường quyền ưu tiên cho các khoản cấp thiết hơn và sẽ thực hiện đầu tư sau khi cân đối thu - chi được cải thiện và đề xuất tăng trần nợ công được phê duyệt.
Kiên quyết xử lý những vi phạm kỷ cương kỷ luật tài chính công. Cần xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chi tiêu công (dựa vào PIFA) và triển khai áp dụng đánh giá hiệu quả chi tiêu công cho từng địa phương và trong cả nước. Đồng thời, có cơ chế cho các địa phương khi thực hiện chi tiêu công với hiệu quả được đánh giá cao hơn. Phải loại bỏ tình trạng “Bao nhiêu quy định là bấy nhiêu trường hợp ngoại lệ” đang khá là phổ biến.
Chúng tôi khuyến nghị cần trả lại những nguyên tắc của tài chính là tính thống nhất, sự công bằng và bình đẳng bởi nhiều định mức chi tiêu không còn phù hợp với thực tế nhưng các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các DN vẫn phải thực hiện theo các định mức đó.
Điều này đã vô hình “bắt buộc” các đơn vị chấp hành NSNN phải làm sai lệch sự thật như khai tăng (khống) khối lượng hay sản lượng hoàn thành, chia nhỏ đầu công việc và nhiều biện pháp để “lách”, “hợp lý hóa” việc thực hiện các chi tiêu theo quy định. Những vấn đề này dần dần đã tạo ra thói quen sai phạm và tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ của các cơ quan thanh tra, giám sát tăng cường kiểm tra, phát hiện và khi phát hiện thì sẽ có cơ hội tham nhũng tiêu cực còn Nhà nước là chủ thể duy nhất bị thiệt hại.
Phải sớm đổi mới cơ chế quản lý và kiểm soát chi tiêu công hướng tới cơ chế thị trường và theo kết quả cuối cùng gắn với trách nhiệm về hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Kiên quyết hơn với vấn đề chi vượt dự toán.
Áp lực chi tiêu và trả nợ lớn, trong khi nợ công đang có nguy cơ vượt trần còn tăng trưởng thì chững lại?
Nghiên cứu của Viện Ngân hàng - Tài chính cho thấy, trong điều kiện hiện nay, dường như chỉ phương án tăng trần nợ công mới có thể giải tỏa được những khó khăn của thu NSNN, giảm áp lực bội chi và xử lý nợ xấu. Chính phủ nên kiến nghị với Quốc hội xem xét tăng trần nợ công.
Tăng trần nợ công là việc làm khá nguy hiểm?
Tăng trần nợ công là cách mà nhiều quốc gia đã từng sử dụng. Dĩ nhiên tăng trần nợ công sẽ có những hệ lụy hay rủi ro cơ bản và đây là điều nhiều đại biểu Quốc hội, cơ quan giám sát hoạt động của Chính phủ và về chi tiêu NSNN cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia chưa muốn tính đến. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là một sự đánh đổi trong tình thế hiện nay.
Thứ nhất, tăng trần nợ công tức là tăng nợ Nhà nước đối với công chúng trong và ngoài nước. Nếu tiền thu về từ việc tăng nợ công không sử dụng một cách đúng mục đích và thực sự có hiệu quả, việc tăng trần nợ công sẽ làm tăng gánh nặng nợ trong tương lai, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ công là không thể tránh khỏi;
Thứ hai, trần nợ công tăng trong khi khả năng trả nợ hạn chế sẽ hạ thấp mức tín nhiệm và cạnh tranh quốc gia. Điều này sẽ tác động đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng chi phí huy động vốn trên trường quốc tế… Đây là những nhận định rất xác đáng của một số lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các nhà quản lý tài chính.
Và lo nhất, nguy hiểm nhất là nếu trần và quy mô nợ công tăng lên mà không có các biện pháp để quản lý sử dụng có hiệu quả thì trần nợ công mới sẽ nhanh chóng bị vượt và tình trạng gia tăng bội chi NSNN - tăng trần nợ công sẽ không có điểm dừng.
Tuy nhiên, những quan ngại đó không phải là không có giải pháp. Mặt khác, ngay cả ở những nước có nền tài chính mạnh và thông tin rất minh bạch, tình trạng vượt trần nợ công dẫn đến phải điều chỉnh vẫn xảy ra. Dẫu phải trả giá cho việc nâng trần nợ công nhưng nếu là sự đánh đổi, hy sinh trước mắt để bắt đầu cho một quá trình củng cố xây dựng nền tài chính công bền vững, năng lực cạnh tranh và uy tín lâu dài cũng là điều cần phải suy nghĩ một cách thực sự nghiêm túc.(TBNH)
Kiềm giữ lạm phát nhưng cần kích thích tiêu dùng
Điều hành CSTT đã giúp duy trì lãi suất cho vay ở mức ổn định, thậm chí một số lĩnh vực ưu tiên còn có xu hướng giảm, qua đó giúp cho các DN ổn định chi phí sản xuất và giá bán nên tác động tích cực đến kiểm soát lạm phát.
“Trong tháng 8, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố chủ quan đó là tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,91%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá sát với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô”. Đây là kết luận của Tổng cục Thống kê trong báo cáo tổng quan thị trường và giá cả tháng 8/2016.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2016 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,91%. Ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dù chịu nhiều tác động bất lợi từ thời tiết và thị trường thế giới, và dù có điều chỉnh giá giáo dục, y tế nhưng “do triển khai công tác điều hành của Chính phủ, các bộ ngành sát sao nên thị trường khá bình ổn.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8 năm 2016 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ. 8 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.
Tuy nhiên mưa bão vào mùa, và quy luật giá thường tăng vào các tháng cuối năm sẽ là yếu tố tác động đến CPI những tháng tới. Lạm phát cao không phải là nỗi lo, nhưng nếu thị trường ách tắc là lập tức đẩy giá tăng. Ông An có lưu ý cần kiểm soát thị trường bất động sản, lưu ý giám sát dòng tiền của xã hội đầu tư vào bất động sản để có giải pháp sao cho tiền không quá dồn vào đây mà làm giảm nguồn tiền cho tiêu dùng dịch vụ và hàng hóa khác trên thị trường.
Kiềm giữ lạm phát nhưng cần kích thích tiêu dùng vẫn là vấn đề điều hành chính sách tiếp tục lưu tâm, đây là ý kiến chung của nhiều chuyên gia. Lưu ý này gợi nhắc vấn đề tổng cầu vẫn yếu, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP. Ông An kiến nghị thêm giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn trái phiếu chính phủ, khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư, tăng thêm việc làm, tăng thu nhập dân cư từ đó góp phần tăng chi tiêu.
Trước diễn biến CPI và nhìn lại các giải pháp điều hành 8 tháng qua, chuyên gia kinh tế, TS.Vũ Đình Ánh khẳng định, năm nay hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5%.
Chuyên gia này cho rằng, CSTT hiện nay đã góp phần rất tốt trong việc kiểm soát lạm phát. Điều này được thể hiện ở việc điều hành CSTT đã giúp duy trì lãi suất cho vay ở mức ổn định, thậm chí một số lĩnh vực ưu tiên còn có xu hướng giảm, qua đó giúp cho các DN ổn định chi phí sản xuất và giá bán nên tác động tích cực đến kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó việc cung tiền, thanh khoản cho hệ thống NH được đảm bảo (thể hiện ở việc lãi suất thị trường liên NH đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2-3 năm qua) cũng góp phần vào giúp các NH có thanh khoản tốt, duy trì được lãi suất ổn định mà không dẫn tới tình trạng cạnh tranh vốn trên thị trường.
Trong khi đó, hoạt động điều hành tỷ giá ổn định vừa giúp tác động tích cực đến vấn đề tăng tổng phương tiện thanh toán liên quan đến ngoại tệ, vừa hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu (nhất là khi cho vay ngoại tệ với các DN xuất khẩu được mở lại). Hơn nữa, lãi suất và tỷ giá ổn định không những giúp ổn định chi phí lưu động của DN mà còn cả đối với chi phí để nhập khẩu máy móc thiết bị, qua đó mở rộng sản xuất kinh doanh.
TS.Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính cũng cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng hiện nay, với sự kiên định xuyên suốt trong điều hành của NHNN, chính sách tiền tệ đã vừa đạt mục tiêu kiềm giữ lạm phát vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giữ vững quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ. Các động thái nới lỏng tiền tệ ở mức thích hợp, cùng chỉ thị yêu cầu NHTM giảm lãi suất là phản ứng chính sách theo yêu cầu tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Chính phủ.
Việc NHNN cho phép các ngân hàng cho vay ngoại tệ trở lại với các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như chỉ thắt lại có chừng mực các giới hạn và tỷ lệ an toàn là một phản ứng chính sách cần thiết của NHNN trước đòi hỏi của thị trường, nhằm hạ bớt các rào cản, khơi thông dòng chảy tín dụng ngân hàng vào nền kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng khả quan trong khi không phải bơm tiền quá mạnh ra nền kinh tế.
“NHNN hoàn toàn có thể mạnh dạn và chủ động hơn trong CSTT nói chung và chính sách tín dụng nói riêng từ này đến cuối năm”, theo TS.Vũ Đình Ánh.(TBNH)