Vàng tiếp tục tăng nhẹ khi dư âm “cú sốc” Brexit chưa tan
Hậu Brexit: Nên tránh xa công ty năng lượng và trái phiếu
Tỷ giá trung tâm bật tăng mạnh ngay phiên đầu tuần
Thị trường chứng khoán: âm thầm tăng
Nhật Bản sẽ đơn phương can thiệp thị trường tiền tệ thời hậu Brexit
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-06-2016
- Cập nhật : 26/06/2016
Anh sẽ mất hàng ngàn việc làm ngành tài chính ngân hàng
Không còn là ước đoán hay đồn đoán, sau khi Anh quyết định rời EU, hàng ngàn việc làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ bị cắt giảm, bắt đầu từ tuần tới.
Theo Efinancialcareers, một cố vấn giấu tên của hãng tư vấn tài chính chiến lược tại London nói: “Người ta sẽ chứng kiến trong 12 tháng tới sẽ có khoảng 50.000 - 70.000 việc làm ngành tài chính bị chuyển ra nước ngoài. Số việc làm sẽ bị cắt giảm và việc cắt giảm này sẽ bắt đầu từ tuần tới”.
Giám đốc điều hành Jamie Dimon của Tập đoàn ngân hàng Mỹ J. P. Morgan đã gửi thông báo tới các nhân viên của hãng tại London cho biết Morgan “có thể cần một số thay đổi tại chi nhánh của tập đoàn ở châu Âu và thay đổi vị trí của một số công việc”.
Tất cả các ngân hàng đều đã chuẩn bị trước cho kịch bản Anh rời EU từ nhiều tuần nay. Và tới 7g30 sáng 24-6, mọi kế hoạch ứng phó bất ngờ đã được khởi động.
Những nhân viên ngân hàng tại London đang hi vọng có cơ hội chuyển tới làm việc tại Madrid hay Dublin hẳn sẽ thất vọng nặng nề. Các chuyên gia cố vấn tài chính đều đồng thuận trong quan điểm cho rằng các tập đoàn ngân hàng sẽ chọn cách cắt giảm nhân sự chứ không phải đưa người từ London tới làm việc ở nước khác.
Theo chia sẻ của ông John Van Reenen, giám đốc Trung tâm Kinh tế thuộc Trường Kinh tế London, với CNBC, những ảnh hưởng ngắn hạn của quyết định rời EU với Anh sẽ rất đau đớn.
Ông nói: “Sẽ xảy ra hiện tượng giống như bị “đơ” tức thì trong một giai đoạn khi các doanh nghiệp không muốn đưa ra những quyết định mới hay những khoản đầu tư mới vì họ cảm thấy không chắc chắn về tương lai. Các tác động tức thì sẽ làm chậm lại hoạt động đầu tư, chậm lại hoạt động tuyển dụng. Cũng sẽ có một sự giảm tốc tức thời trong sự phát triển của nước Anh”.
Tập đoàn ngân hàng ING của Hà Lan cho rằng: “Việc số liệu hóa tác động sẽ xảy đến của vấn đề Brexit là chuyện không đơn giản. Thường thì trong những sự kiện chấn động chưa từng có tiền lệ như thế này, những tít báo nêu ước tính về một ảnh hưởng kinh tế được số lượng hóa không đáng tin lắm…
Tuy nhiên những ước đoán như vậy ít nhất cũng giúp người ta hình dung được về mức độ của vấn đề. Chẳng hạn như một nghiên cứu của Quỹ German Bertelsmann ước tính, việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến GDP của khối eurozone sẽ giảm từ 0,01 - 0,03 điểm % mỗi năm”.
Người giàu nhất châu Âu mất 6 tỷ USD một ngày vì Brexit
Theo Billionaire Index của Bloomberg, 400 người giàu nhất thế giới hôm qua đã mất 127,4 tỷ USD, do chứng khoán toàn cầu lao dốc sau tin người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu - EU (Brexit). Tổng cộng, tài sản của họ giảm 3,2%, xuống còn 3.900 tỷ USD.
Người thiệt hại nặng nhất là Amancio Ortega - ông chủ hãng thời trang Inditex (Tây Ban Nha). Tài sản của ông bốc hơi hơn 6 tỷ USD. 9 tỷ phú khác mất hơn 1 tỷ USD, trong đó có Bill Gates, Jeff Bezos và Gerald Cavendish Grosvenor - người giàu nhất Anh.
Hôm qua, thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt đi xuống vì cuộc trưng cầu dân ý của Anh. Tại châu Á, Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm mạnh nhất với gần 8%. Trong khi đó, DAX (Đức) mất tới 10% ngay đầu phiên.
Chứng khoán Mỹ hôm qua cũng có phiên tồi tệ nhất 10 tháng. Cả 3 chỉ số chủ chốt - S&P 500, Dow Jones và Nasdaq giảm trung bình gần 4% khi đóng cửa.
Indonesia ngưng xuất khẩu than tới Philippines sau vụ bắt cóc thủy thủ
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuyên bố dừng các chuyến tàu chở than tới Philippines. Ảnh: Reuters.
Theo Reuters, giới chức Philippines cho biết họ chưa xác định được thủ phạm trong vụ 7 thủy thủ Indonesia bị bắt cóc hôm 20/6. Indonesia lo ngại nghi phạm là Abu Sayaf, nhóm khủng bố đã chặt đầu hai con tin Canada và tuần trước khi hết hạn nộp tiền chuộc.
"Lệnh hoãn xuất khẩu than sang Philippines sẽ được kéo dài cho đến khi nước này bảo đảm được an ninh. Vùng biển Sulu là nơi lưu thông than quan trọng hàng đầu thế giới, có lẽ nó sắp biến thành nơi có nhiều hải tặc như ở Somali", Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói trong cuộc họp báo hôm qua.
Mỗi năm Indonesia xuất khẩu 15 triệu tấn than, trị giá khoảng 800 triệu USD sang Philippines, chiếm 70% nhu cầu than của nước này. Quan chức Bộ Giao thông vận tải Indonesia tuyên bố những vụ bắt cóc là "không thể tha thứ" và cho biết sẽ tăng cường tuần tra tại vùng biển giáp Philippines.
Tháng trước, Indonesia, Philippines và Malaysia đã nhất trí tuần tra chung sau hàng loạt vụ bắt cóc gần đây. Phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc 14 thủy thủ Indonesia vào tháng 3 và giam họ tại miền nam Philippines.
Tương lai bất định của trung tâm tài chính London
Ngày 24/6, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người Anh ủng hộ tách khỏi Liên minh châu Âu (EU). Việc này đã khiến bảng Anh có lúc mất 10% so với USD, xuống thấp nhất 31 năm qua. Nó cũng làm dấy lên lo ngại kinh tế Anh sẽ rơi vào khủng hoảng.
Tách khỏi EU là một quyết định lịch sử và một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là thủ đô London. Trên thực tế, đa phần người dân London đã bỏ phiếu chọn ở lại.Từ trước đó, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản ở đây đã tỏ rõ quan điểm vẫn muốn là thành viên EU. Vì nếu Anh tách ra, họ có thể phải thay đổi hoàn toàn cơ chế hoạt động. Chỉ những công ty nhỏ hay nhân viên ngân hàng mới hứng thú với việc thoát khỏi hệ thống quy định rườm rà và cơ chế áp đặt tiền thưởng của EU.
Trong 30 năm qua, London đã được thế giới biết đến nhiều hơn, đặc biệt là với các ngân hàng Mỹ. Một trong những yếu tố giúp nơi này hấp dẫn là nhà đầu tư được phép tham gia vào các thị trường thành viên khác trong EU mà không gặp trở ngại nào.
Vì thế, sau tin tức người Anh chọn rời EU, JPMorgan cho biết có thể cắt giảm 4.000 vị trí tại Anh, trong khi HSBC có ý định chuyển 1.000 người sang Paris. Nhiều công ty khác cũng lên kế hoạch chuyển sang nơi khác tại châu Âu.
Lĩnh vực London chiếm ưu thế nhất chính là giao dịch ngoại hối. Đây là thị trường giao dịch đồng euro lớn nhất thế giới, với khối lượng giao dịch mỗi ngày tương đương 2.000 tỷ USD. Vì thế, việc Anh tách khỏi EU chắc chắn gây tác động không nhỏ.
Trước đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng cấm các tổ chức bên ngoài lập cơ sở giao dịch đồng euro. Anh thuộc EU, nhưng vẫn dùng đồng bảng, thay vì đồng euro.
Tuy nhiên, những nỗ lực này đã thất bại sau phán quyết của Tòa án tối cao EU và Anh vẫn được phép mở trung tâm giao dịch đồng tiền này. Nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách ở Anh cho rằng, Anh có thể thắng là nhờ quyền thành viên EU.
Giới phân tích giờ lại đặt ra câu hỏi trung tâm tài chính nào tại châu Âu sẽ đắc lợi từ việc Anh quyết rời EU. Dễ thấy nhất, các ngân hàng nước ngoài với quy mô hoạt động lớn ở London sẽ dời sang những nơi mà họ có sẵn cơ sở, như Frankfurt, Dublin, Paris, Warsaw và Lisbon. Việc này sẽ khiến mảng dịch vụ tài chính ở châu Âu bị phân tán và kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, bản thân các thành phố này cũng có vấn đề. Dù là nơi ECB đặt trụ sở và là trung tâm tài chính của nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Đức, Frankfurt chỉ là một thành phố nhỏ với dân số chưa tới 700.000. Nó vẫn chỉ được xem là một tỉnh lẻ và không hấp dẫn với người xin việc.
Trong khi đó, Dublin (Ireland) dù là thành phố nói tiếng Anh với chính sách thuế hấp dẫn, lại khá chậm phát triển. Còn Paris gần đây liên tục có những động thái nhằm lôi kéo các ngân hàng từ London sang. Tuy nhiên, ngoại trừ HSBC, phần lớn các ngân hàng đều ngó lơ.
Ngoài ngân hàng, bảo hiểm cũng là lĩnh vực mà London chiếm ưu thế ở châu Âu. Đã có những đồn đoán rằng, các trung tâm tài chính châu Á - như Singapore hay Tokyo, sẽ là điểm nóng tiếp theo của thị trường bảo hiểm, khi Anh rời EU và không còn những đặc quyền để thâm nhập vào thị trường châu Âu.
Cuối cùng, việc nhiều tập đoàn, công ty dự định dời sang các trung tâm tài chính khác sẽ kéo theo việc London mất đi nhiều nhân viên tài năng. Nói cách khác, London có thể chảy máu chất xám.
Khi Anh còn là thành viên của EU, quy định cho phép đi lại tự do trong khối liên minh đã giúp London thu hút được nhiều người giỏi về làm việc. Số liệu điều tra dân số mới nhất cho thấy, EU là nguồn cung cấp nhân công lớn thứ 2 cho London, chỉ sau nguồn nhân lực nội địa. Còn riêng với London, gần 11% lao động ở London đến từ các quốc gia khác thuộc khối EU, trong đó phần lớn đều là Ireland, Pháp và Italy.
400 người giàu nhất thế giới mất 127 tỉ USD vì nước Anh ra đi
Chỉ tính riêng trong ngày 24-6, 400 người giàu nhất thế giới đã mất 127,4 tỉ USD do các thị trường chứng khoán chao đảo sau khi Anh quyết định rời EU.
Các tổn thất kinh tế từ sau quyết định rời EU của người Anh sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới - Ảnh: Internet
Theo Bloomberg, bảng xếp hạng tỉ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index) nhận thấy, các tỉ phú đã mất 3,2% tổng giá trị tài sản ròng của họ, đưa tổng số tài sản của nhóm tỉ phú giàu nhất này xuống còn 3,9 ngàn tỉ USD.
Thiệt hại lớn nhất rơi vào trường hợp tỉ phú giàu nhất châu Âu, Amancio Ortega. Ông Ortega mất hơn 6 tỉ USD sau cơn “địa chấn” dân Anh chọn rời liên minh châu Âu.
Trong khi đó, 9 tỉ phú khác mất hơn 1 tỉ USD, trong đó có các tỉ phú Bill Gates, Jeff Bezos và người giàu nhất Vương quốc Anh Gerald Cavendish Grosvenor.
Ngày 24-6 chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI giảm 4,8%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8-2011. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất hơn 600 điểm, tương đương 3,7%, chứng khoán châu Âu mất 7% trong ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Trong khi đó, theo Usatoday, chỉ trong 600 giây, tức là 10 phút giao dịch đầu tiên ngày thứ sáu, 24-6, thị trường chứng khoán London đã mất 164 tỉ USD.
Trang News (Úc) cũng cho biết, với thông tin Anh quyết định rời khỏi EU, thị trường chứng khoán Úc cũng đã bốc hơi 70 tỉ USD.