Thủ lĩnh Brexit: Anh vẫn sẽ được tiếp cận thị trường chung của EU
Trung Quốc lo ngại về các sản phẩm thép xuất khẩu bị áp thuế cao
Đồng nhân dân tệ đang sụt giá kỷ lục do cú sốc Brexit
Gạo Việt Nam chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc
Sữa Nhật nhập khẩu đạt tiêu chuẩn Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-06-2016
- Cập nhật : 27/06/2016
Xuất khẩu nông sản Việt sẽ gặp khó
Sau khi có thông tin Anh sẽ rời EU, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước- doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang EU cho biết, khả năng đồng Bảng (Anh) và Euro đều mất giá, đồng thời đồng USD sẽ tăng lên.
Theo ông Lĩnh, VND gắn liền với đồng USD, vì thế, xuất khẩu chắc chắn sẽ khó khăn. Chưa kể, lâu nay, hàng Việt Nam xuất EU đã quen về luật lệ, quy định, sắc thuế, nhưng khi Anh rời EU, có thể quy định nước này sẽ khác. Ông Lĩnh cho biết, DN của ông đang xuất khẩu tômkhoảng 22 triệu USD vào EU, trong đó riêng vào Anh khoảng 8-10 triệu USD.
Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư Ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), việc Anh rời khởi EU trong ngắn hạn, vấn đề xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này chưa bị ảnh hưởng gì lớn. Ông Hòe cho rằng, dù ra khỏi EU hay không, nhu cầu về thực phẩm của họ vẫn cần.
Theo ông Hòe, Anh rời khỏi EU không phải ngay lập tức, mà phải mất một thời gian xử lý các thủ tục, chắc cũng phải hai năm. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho biết, khi có thông tin Anh rời EU, sàn giao dịch hàng hóa nông sản như dính phải cú sốc.
Sàn gần như “đỏ rực”, giá rơi tự do và chưa biết tình hình sẽ đi về đâu. Theo ông Nam, đến chiều qua, giá cà phê trên sàn đã rơi 50 USD/tấn (khoảng 1.000 đồng/kg).
Chủ tịch Tập đoàn Intimex cũng cho rằng, thời gian tới, hàng hóa nông sản các nước xuất khẩu sẽ gặp rủi ro do vấn đề tài chính toàn cầu bị ảnh hưởng. Do vậy, lúc này, cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước, cần có những thông tin chính thức, nhận định rõ ràng hơn, tránh để người dân, các DN hoang mang về thị trường xuất khẩu.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Trưởng Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (Bộ NN&PTNT) cho biết, một số nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang EU thời gian qua như cà phê, thủy sản, rau quả, tiêu điều…có thể bị ảnh hưởng.
Anh rời khỏi EU: Tin buồn cho cả ngành công nghệ?
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 3 năm nay dành cho những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, 90% số người được hỏi đều không muốn Anh tách khỏi EU. Tại sao lại vậy?
Công dân Vương Quốc Anh vừa tham gia bỏ phiếu để quyết định xem quốc gia của mình sẽ ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu. Việc này còn được gọi với cái tên Brexit (British exit). Cuộc bỏ phiếu vừa có kết quả và theo đó Anh sẽ tách khỏi Liên minh châu Âu. Hơn một nửa công dân Anh đang hoan hỉ thế nhưng đây lại là tin buồn cho các công ty công nghệ.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 3 dành cho những người làm trong lĩnh vực công nghệ tại Luân Đôn, thủ đô công nghệ của châu Âu, 90% số người tham gia khảo sát phản đối việc Anh rời khỏi EU. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn đến vậy so với con số chung 52%?
Các nhà kinh tế và các chuyên gia đều đồng tình rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả quốc gia và châu lục. Nó sẽ làm suy yếu những cuộc cải cách chính sách từng giúp cho chi phí du lịch rẻ hơn, giảm phí chăm sóc sức khỏe và cho phép sinh viên tại các quốc gia EU học tập tại các trường đại học trong liên minh.
James Waterworth, Phó Chủ tịch châu Âu của hiệp hội thương mại công nghệ Computer and Communication Industry Association (CCIA) trả lời trang Recode qua một cuộc phỏng vấn trên Skype cho hay điều này sẽ là một kết quả rất tàn khốc đối với các công ty công nghệ .
“Anh là một quốc gia hàng đầu về thị trường tự do mở, và nếu quốc gia này rời khỏi EU, sẽ không còn nhiều những quốc gia lớn còn lại [trong liên minh] có tính chất như vậy. Thị trường châu Âu có lẽ sẽ trở thành một nơi mang tính thù địch nhiều hơn”, ông Waterworth chia sẻ.
Luật pháp châu Âu, vốn được thiết kế để tạo nên một “thị trường số duy nhất” trên toàn châu Âu, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi Anh ra đi. Ví dụ như, các thỏa thuận về nguyên tắc “bến an toàn” (safe habour) trong chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia châu Âu, tương tự như thỏa thuận từng được ký giữa EU – Mỹ có hiệu lực hồi đầu năm nay, sẽ không còn hiệu lực với Anh.
Các dịch vụ tình báo Anh đã có thể mở rộng quyền giám sát hơn so với các dịch vụ đối thủ tại Mỹ. Nhưng bởi Anh là một phần của EU nên các dữ liệu về người sử dụng châu Âu có thể được chia sẻ với các công ty Anh bất chấp những quan ngại về quyền riêng tư của châu Âu. Thế nhưng sau khi Anh ra đi, chính phủ các nước gần như chắc chắn sẽ phải đưa ra một thỏa thuận chia sẻ dữ liệu mới, tuy nhiên ông Waterworth cho rằng “có thể tòa án sẽ đưa ra cùng một kết luận như những gì họ đã đưa ra với Mỹ” và sẽ giết chết bất cứ thỏa thuận nào về dữ liệu người dùng mà Anh đã ký với EU.
Ngoài ra, sự vắng mặt của Anh có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực trong quốc hội châu Âu và điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực với các công ty công nghệ.
Ông Waterworth bổ sung: “Khối các quốc gia lấy thị trường làm trung tâm như Scandinavi và Hà Lan sẽ thu hẹp lại từ 35 đến 20%. Tất cả các quy tắc trong tương lai ảnh hưởng đến ngành công nghệ sẽ hà khắc hơn, ít dễ dãi hơn”.
Polina Montano, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập startup Job Today lạitỏ ra lạc quan hơn và cho rằng mặc dù Brexit sẽ khiến việc tuyển mộ các nhân tài quốc tế giỏi nhất tới văn phòng của công ty này tại Luân Đôn gặp nhiều khó khăn hơn nhưng chừng nào startup còn sẵn sàng thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, chẳng có lý do gì cản trở được sự thịnh vượng của công ty.(ICTnews)
Trung Quốc là kẻ thắng lớn khi Brexit?
Trong khi việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) tạo ra rất nhiều hỗn loạn và ảnh hưởng xấu đến các thị trường trên thế giới, Trung Quốc lại là quốc gia hưởng lợi.
Tất nhiên, trong ngắn hạn, nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ mất thăng bằng do ảnh hưởng từ sự hỗn loạn trong EU, đối tác thương mại lớn thứ 2 của quốc gia này.
Một thị trường châu Âu nhỏ hơn và kém ổn định cùng với những người tiêu dùng có ít tiền mặt trong tay không phải là tin tốt cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Tuy nhiên, về lâu dài, Brexit gần như chắc chắn đem về nhiều lợi ích cho nền kinh tế và chính trị của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Khi còn trọn vẹn, EU từng gặp khó khăn trong cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện tại, liên minh rạn vỡ, khối này khó có thể tạo ra sức đối trọng với sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ 2 trên sân khấu thế giới.
Hãy nhớ lý do hình thành EU. Những người ủng hộ muốn nhấn mạnh nhiệm vụ của tổ chức là thúc đẩy hòa bình và dân chủ. Thực tế hơn, mục tiêu quan trọng của việc hợp nhất là tăng cường ảnh hưởng của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia EU hiểu rằng họ sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu tạo ra một thị trường chung với thể chế và đồng tiền khu vực so với khi họ cạnh tranh với tư cách độc lập. Châu Âu hy vọng sẽ phát triển từ tập hợp các quốc gia giàu có nhưng hay tranh cãi thành một khối kinh tế khổng lồ sánh ngang với Mỹ và gần đây là Trung Quốc.
Trong thực tế, châu Âu gặp nhiều khó khăn trên con đường thực hiện ý tưởng. Chủ nghĩa dân tộc dai dẳng nhiều lần giới hạn khả năng tạo nên một mặt trận chung trên cả vấn đề địa chính trị và thương mại của khối. Đặc biệt, tham vọng của từng nước thành viên trong EU thể hiện rõ sự thất bại.
Trong lý thuyết, với "phiên bản đầy đủ", EU sử dụng sức mạnh đáng kể để tiến vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh công bằng trong thương mại. Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, các quốc gia châu Âu thường lãng phí lợi thế bằng cách cạnh tranh với nhau để giành lấy các ưu đãi và đầu tư của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một thời gian ngắn sau khi Thủ tướng Anh David Cameron vui mừng với chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Bắc Kinh và tìm kiếm những thỏa thuận kinh doanh dành riêng cho họ.
Hiện tại, các cơ hội phân chia và chinh phục của Trung Quốc sẽ gia tăng khi mà nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu đã chọn con đường của riêng họ.
Các doanh nghiệp châu Âu đáng nhẽ có nhiều lợi thế hơn nếu EU có thể thực thi một chính sách chung đối với quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi các công ty Trung Quốc "tung hoành" tại những thị trường lớn ở châu Âu - thậm chí mua cổ phần của các câu lạc bộ bóng đá lớn, trong một chuyến thăm gần đây đến Bắc Kinh, bà Merkel đã để lỡ những gì mà các công ty nước ngoài đáng được hưởng, những đặc quyền và quyền như các công ty nội địa của Trung Quốc. Nếu bà và ông Cameron cùng các lãnh đạo khác tại châu Âu chung tay đấu tranh cho những quyền lợi cùng nhau, họ sẽ thành công nhiều hơn.
Hiện tại, thay vào đó, một thị trường chung bị thu hẹp ở châu Âu sẽ giảm bớt sức cạnh tranh toàn cầu của khối. Các công ty châu Âu, từ những ngân hàng lớn tới các công ty khởi nghiệp về công nghệ, có thể phải chịu lép vế so với những công ty đến từ Trung Quốc.
Về chính trị cũng vậy. Brexit có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quốc gia với dân số hơn 1,3 tỷ dân. Một EU thống nhất có thể kìm hãm tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, họ khiến quốc gia này trở nên mạnh hơn. Điển hình và việc Trung Quốc thiết lập một ngân hàng đối trọng với Ngân hàng Thế giới vào năm ngoái. Một số nước châu Âu cũng tham gia vào ngân hàng này và phá hoại mọi hy vọng của Mỹ về việc tìm kiếm sự nhượng bộ từ phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bằng cách lựa chọn “ra đi”, cử tri Anh đã chứng minh về cách thế giới đang thay đổi và sự khó khăn dành cho bất cứ quốc gia nào có tham vọng toàn cầu mà hành động đơn lẻ. Với Brexit, cả Anh và EU đang mất đi nhiều hơn so với một mối quan hệ đối tác. Họ đang đánh mất cơ hội tốt nhất để đóng vai trò trong một trật tự thế giới đang thay đổi rất nhiều.
Thương nhân nước ngoài săn tìm gạo Việt
Từng nhiều năm bị đánh giá thấp hơn gạo Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí cả gạo Campuchia, nhưng từ đầu năm đến nay một số loại gạo Việt có thương hiệu được thương nhân nước ngoài tìm mua nhiều hơn.
Một số loại gạo khác do người Việt nghiên cứu, lai tạo cũng được các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới săn tìm để cung cấp cho các thị trường cao cấp.
Gạo ngon không đủ bán!
Ông Phạm Thanh Thọ (phó giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời) cho biết từ đầu năm 2016 đến nay tập đoàn phải từ chối rất nhiều đơn hàng gạo Lộc Trời 1 (tên cũ là AGPPS 103) do diện tích sản xuất giống lúa này chỉ mới hơn 10.000ha, sản lượng không đủ cung cấp.
Theo ông Thọ, sở dĩ loại gạo này được các nhà nhập khẩu đặt mua nhiều vì vừa được Tổ chức The Rice Trader công nhận là một trong ba loại gạo ngon nhất thế giới vào cuối năm 2015, tại cuộc tranh tài diễn ra ở Malaysia với 25 loại khác đến từ nhiều quốc gia.
Theo đánh giá của một số thành viên ban giám khảo, loại gạo này thậm chí còn ngon hơn cả Jasmine 85 - từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới trong các cuộc thi trước đây.
Ngay sau khi gạo Lộc Trời 1 lọt vào top 3 của cuộc thi nêu trên, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài như Tập đoàn Louis Dreyfus, Công ty Abound Zoom Trading và nhiều doanh nghiệp của Hong Kong, Canada, Trung Đông, Philippines... đã đặt hàng mua với sản lượng lớn.
Theo ông Thọ, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 20.000 tấn gạo Lộc Trời 1 có mặt trên kệ siêu thị ở nước ngoài.
PGS.TS Dương Văn Chín (giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, An Giang) cho biết giống lúa này được trung tâm bắt tay vào nghiên cứu từ năm 2004.
Và phải mất 10 năm lai tạo rất gian nan, trung tâm mới tạo được loại giống lúa với các tiêu chuẩn như mong muốn, trước khi được Bộ NN&PTNT cho sản xuất thử trên đồng ruộng và chính thức được công nhận là giống quốc gia vào đầu năm nay.
“Lúa sản xuất từ giống này có chất lượng ổn định sau nhiều tháng dự trữ. Lúa để mấy tháng sau xay ra gạo vẫn cho cơm mềm, dẻo, thơm như lúc mới thu hoạch” - ông Chín cho biết.
Theo ông Đỗ Văn Ớt (xã Tân Tiến, huyện Tri Tôn, An Giang), sau khi được tập đoàn này ký hợp đồng bao tiêu lúa sản xuất từ giống lúa này vào năm 2015, gia đình ông làm ba vụ đều đạt năng suất 8 tấn/ha/vụ.
“Giống này dễ trồng hơn Jasmine 85 vì ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, lời nhiều” - ông Ớt nói. Một số nông dân ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cho biết khi ruộng bị nhiễm mặn, lúa vẫn sống tốt và cho chất lượng gạo vẫn ngon.
Theo ông Chín, giống này trồng ở vùng nhiễm mặn sẽ cho hạt gạo bóng đẹp hơn, cơm ngon hơn khi trồng ở vùng nước ngọt hoàn toàn. “Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng diện tích ở các vùng ven biển nhằm tăng chất lượng gạo, giúp nông dân ổn định sản xuất và thu nhập”, ông Chín nói.
Gạo Việt giá cao
Tương tự, theo ông Lê Hùng Lân (giám đốc Công ty TNHH Hoa Tiên, TP.HCM), giống lúa Nàng Hoa 9 do đơn vị này lai tạo được nông dân các tỉnh ĐBSCL trồng rất nhiều vì chất lượng gạo cao, bình quân mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn lúa giống xác nhận cho một số doanh nghiệp xuất khẩu đưa cho nông dân gieo sạ ở các cánh đồng lớn.
“Những diện tích này được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch và bao tiêu xuất khẩu sang các thị trường khó tính”, ông Lân cho biết.
Một lãnh đạo Công ty TNHH Highland Dragon (có nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Long An) cho biết đang bao tiêu hơn 1.000ha lúa của nông dân ở Đồng Tháp để chế biến gạo xuất khẩu cho thị trường Mỹ, Canada, Bắc Âu, Úc...
Công ty chỉ sản xuất hai giống lúa là Jasmine và Nàng Hoa 9 theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ, theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu như American Rice, Riviana Rice (Mỹ), Loblaws (Canada), COOP (Đan Mạch)...
“Các nhà nhập khẩu gạo đến tận vùng nguyên liệu và nhà máy để kiểm tra rất kỹ về quy trình sản xuất, chế biến và xét nghiệm xem gạo thành phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không mới nhập khẩu. Đương nhiên là họ đã trả giá khá cao để mua gạo của chúng tôi”, vị này cho biết.
Do đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường cao cấp, doanh nghiệp này đang có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu hàng trăm hecta tại huyện Vĩnh Hưng, Long An. Quá trình sản xuất được giám sát chặt chẽ cho đến khi thu hoạch.
“Chỉ có những loại thuốc nào phía Mỹ cho phép, nông dân mới được dùng. Người nào không phun thuốc, cuối vụ sẽ thưởng thêm tiền”, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp), việc các tập đoàn nhập khẩu gạo nổi tiếng thế giới chọn mua gạo Việt có chất lượng tốt là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy gạo Việt có nhiều loại rất ngon. Tuy nhiên, theo ông Xuân, do nhiều doanh nghiệp trộn đủ thứ gạo có kích cỡ hạt, chất lượng khác nhau vào một bao để xuất khẩu nên riết rồi gạo Việt bị mang tiếng.
“Cách làm hiện nay của một số doanh nghiệp rất phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới. Anh có giống lúa chất lượng cao, có vùng nguyên liệu “sạch”, có nhà máy chế biến hiện đại và có thương hiệu, nhà nhập khẩu sẽ tìm tới mua với giá cao thôi. Tôi cũng mong VN mình không còn những doanh nghiệp làm ăn chụp giật nữa để mỗi khi nhắc tới gạo Việt là người ta nói đó là gạo đẳng cấp” - ông Xuân nói.