VCBS: Ngân hàng Nhà nước không còn dư địa để giữ ổn định tỷ giá
Bất động sản Anh nguy cơ giảm tốc vì Brexit
Trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND sẽ phản ánh Brexit thế nào?
Brexit: Lửa thử vàng
Tin kinh tế đọc nhanh 26-06-2016
- Cập nhật : 26/06/2016
Dự kiến xuất khẩu khoảng 5,7 triệu tấn gạo trong năm 2016
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết với tình hình xuất khẩu gạo hiện nay và các hợp đồng DN đã ký, dự kiến cả năm 2016 cả nước sẽ xuất khẩu khoảng 5,7 triệu tấn gạo.
Theo thống kê của VFA, trong 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt 2,282 triệu tấn, tăng 9,71%, trị giá FOB tăng 11,29%, trị giá CIF tăng 12,29% so với cùng kỳ năm ngoái; giá FOB bình quân tăng 6,06 USD/tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 6 đạt khoảng 450.000 tấn, cộng với lượng gạo đã xuất khẩu 5 tháng đầu năm, tổng lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,732 triệu tấn, với tổng kim ngạch khoảng 1,2 tỷ USD.
Đáng chú ý là tỷ lệ gạo thơm giống Jasmine xuất khẩu đã tăng lên từ 22% lên 29% trong năm nay. Tỷ lệ xuất khẩu lúa nếp cũng tăng nhanh số lượng và theo đó, từ chiếm 6,58% tổng lượng xuất khẩu gạo năm 2015 nhưng trong 6 tháng đầu năm đã chiếm 16% tổng số lượng xuất khẩu gạo.
Giá mua lúa, cũng như giá xuất khẩu đang có chiều hướng tăng, nếu có thêm hợp đồng xuất khẩu giá sẽ tăng dần và khả năng tăng đột biến.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Philippines và Indonesia tiếp tục ổn định. Trong khi đó, theo ông Năng, qua cân đối tình hình sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2016, thì lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm nay chỉ khoảng 3,9 triệu tấn. Với lượng gạo hàng hóa còn lại không quá lớn, trong khi triển vọng thị trường còn nhiều, việc tiêu thụ dự báo không có gì đáng lo ngại.
Nếu trong vụ Hè Thu, Thu Đông 2016 các địa phương tổ chức sản xuất tốt, tăng sản lượng lúa gạo, nhất là các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, sẽ có nguồn nguyên liệu để xuất khẩu số lượng lớn hơn.
Triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2016, Bộ NN&PTNT đánh giá vụ mùa Hè Thu năm nay diễn ra trong tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài từ vụ Đông Xuân 2015-2016 và ảnh hưởng của xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng, nhất là các tỉnh ven biển ĐBSCL. Do đó, toàn vùng Nam bộ chỉ có thể gieo sạ khoảng 1,7 triệu ha, giảm 44.539 ha; năng suất ước đạt: 5.57 tấn/ha và sản lượng 9.548.855 tấn, giảm 5.046 tấn so với vụ Hè Thu 2015.
Trước những thông tin nêu trên, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kêu gọi các địa phương trong vùng ĐBSCL mở rộng sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông 2016 lên mức tối đa ở những nơi nằm trong phạm vi an toàn nhằm bù vào phần sản lượng sụt giảm trong vụ Đông Xuân 2015-2016 vừa qua.
Tỷ phú Soros lại kiếm lời lớn từ nước Anh
Người Anh hôm qua đã bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU), khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Bảng Anh mất giá hơn 8%, xuống thấp nhất 30 năm so với USD. Trong khi đó, chứng khoán châu Âu và châu Á cũng có phiên giao dịch tệ nhất hơn 30 năm.Đây chính là kịch bản mà tỷ phú đầu tư George Soros đã cảnh báo tuần trước trênGuardian.Soros là người đã trở nên giàu có sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được hơn một tỷ USD chỉ trong một ngày. Ngày này được gọi là Ngày thứ Tư Đen tối, khiến bảng Anh phải rút khỏi Cơ chế Tỷ giá Hối đoái Cố định châu Âu (ERM).
Soros Fund Management là quỹ đầu tư của Soros và gia đình, với số tài sản quản lý gần 30 tỷ USD. Gần đây, quỹ này đã tích cực gom tài sản liên quan đến vàng và đặt cược chứng khoán lao dốc, theoWall Street Journal.
Trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng có lúc lên đỉnh 2 năm tại 1.360 USD. Dù thị trường sau đó hạ nhiệt phần nào, giá kim loại quý hiện vẫn quanh 1.328 USD một ounce. Vàng được coi là công cụ trú ẩn trong thời kỳ bất ổn, điển hình như hôm qua - nhà đầu tư lo ngại Anh rời EU sẽ gây xáo trộn thương mại tại châu Âu.
Soros đã mua 19 triệu cổ phiếu hãng khai thác vàng Barrick Gold hồi quý I, theo các tài liệu được công bố. Ông cũng mua cổ phần lớn trong hãng khai thác bạc Sliver Wheaton.
Dĩ nhiên, ông không phải nhà đầu tư duy nhất làm việc này. Stanley Druckenmiller của Duquesne Capital và Paul Singer - ông chủ quỹ đầu tư Elliott Management cũng đã mua vàng để phòng trừ các cú sốc trên thị trường.
Dù vậy, người ta chẳng bao giờ biết chính xác Soros đang nắm giữ bao nhiêu. Do các công bố của ông chỉ tiết lộ phần rất nhỏ trong danh mục đầu tư dài dằng dặc của mình.
Thứ 6 'đen tối': 1,13 tỷ USD 'bốc hơi' khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận một phiên giao dịch hoảng loạn và đầy cảm xúc trong ngày 24/6/2016. Thị trường đã cụ thể hóa những lo ngại liên quan đến việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU bằng việc lao dốc rất mạnh khi kết quả được công bố. Có thời điểm trong phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm tới gần 34 điểm.
Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm 11,5 điểm (-1,85%) xuống 620,77 điểm. Toàn sàn có 36 mã tăng (15 mã trần), trong khi có tới 182 mã giảm (24 mã sàn) và 50 mã đứng giá. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,9 điểm (-2,23%) xuống 83,42 điểm. Toàn sàn có 38 mã tăng (10 mã trần), 162 mã giảm (16 mã sàn) và 152 mã đứng giá.
Thanh khoản trên thị trường phiên hôm nay tăng vọt, tổng giá trị giao dịch trên HOSE và HNX đạt tới hơn 6.100 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch đạt hơn 380,7 triệu cổ phiếu, đây là mức khối lượng giao dịch cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây kể từ phiên ngày 9/9/2014 (407 triệu cổ phiếu).
Sau phiên giảm điểm hôm nay, vốn hóa trên sàn HOSE đã giảm tới 22.618 tỷ đồng (-1,78%) từ 1.269.928 tỷ đồng xuống còn 1.247.310 tỷ đồng.
Tương tự, vốn hóa trên HNX cũng giảm từ 155.691 tỷ đồng xuống còn 152.886 tỷ đồng, tức giảm 2.804 tỷ đồng (1,8%).
Tổng cộng vốn hóa trên thị trường niêm yết sau phiên giao dịch hôm nay đã giảm tới 25.422 tỷ đồng (1,13 tỷ USD) và chỉ còn đạt hơn 1.400.196 tỷ đồng.(NĐH)
FPT: Lợi nhuận từ thị trường nước ngoài tăng 45% sau 5 tháng
Kết thúc 5 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả khả quan với 2.195 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% và 313 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT), tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp lớn nhất là từ lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm với tốc độ tăng trưởng 38% về doanh thu và 26% về LNTT, đạt tương ứng 103% và 100% kế hoạch.
Đặc biệt thị trường Nhật – thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất trong các năm trở lại đây, với mức tăng 58% so với 5 tháng đầu năm 2015.
Sau 5 tháng đầu năm 2016, FPT đã ghi nhận doanh thu hợp nhất và LNTT đạt 14.633 tỷ đồng, và 1.037 tỷ đồng, đạt tương ứng 97% và 109% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 722 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.814 đồng, tương đương 116% kế hoạch.
Lĩnh vực bán lẻ tiếp tục là điểm sáng của hoạt động kinh doanh 5 tháng đầu năm với mức tăng 33% về doanh thu và 37% về LNTT, đạt tương ứng 105% và 102% kế hoạch.
Bà Janet Yellen: Fed sẽ cẩn trọng trong chính sách lãi suất
Theo bà Yellen, Fed sẽ cẩn trọng trong chính sách lãi suất cho đến khi thị trường lao động vững mạnh - điều báo hiệu kinh tế Mỹ sẽ không sa sút.
Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, bà Yellen lưu ý rằng những nguy cơ trực tiếp, như khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng của kinh tế Mỹ. Các chuyên gia nhận định bình luận của bà Yellen gợi ý rằng Fed - Ngân hàng trung ương Mỹ - chưa chắc tăng lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng 7/2016.
Chủ tịch Yellen đánh giá kinh tế Mỹ đã thoát khỏi tình trạng trì trệ hồi đầu năm 2016 và nhích lên đáng kể vào quý II/2016. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư yếu và các số liệu gần đây từ thị trường lao động cho thấy nhu cầu trong nước có thể giảm sút.
Thêm vào đó, Mỹ cũng đối mặt với những thách thức như đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc cộng với nguy cơ từ cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân về tương lai của nước Anh trong Liên minh châu Âu.
Trong cuộc họp tháng 6/2016, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25-0,5%, giữa bối cảnh thị trường lao động không có nhiều dấu hiệu khởi sắc và những quan ngại ngày một gia tăng về kịch bản Brexit có thể xảy ra.
Ngoài ra, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống chỉ còn 2% trong năm 2016 và dự báo tình hình sẽ không khả quan hơn trong hai năm 2017 và 2018.