Xuất khẩu gạo giảm mạnh do thiếu thị trường
Thách thức kinh tế lớn nhất của Trung Quốc
Quá trình phê duyệt TPP “gặp phức tạp từ phía Mỹ”
Không phải Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ định đoạt đồng USD
Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-08-2016
- Cập nhật : 26/08/2016
“Dọn đường” cho vốn Nhật
Nhật Bản luôn là quốc gia dẫn đầu về việc tuân thủ pháp luật, đồng thời mức độ giải ngân các dự án của NĐT nước này cũng tốt nhất trong số các NĐT nước ngoài tại Việt Nam.
Những rào cản đối với dòng vốn FDI từ Nhật Bản sẽ tiếp tục được gỡ bỏ khi Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI được thực hiện. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Keidanren) đã tổ chức hội nghị cấp cao Ủy ban Đánh giá và Sáng kiến chung giữa hai nước, khởi động giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Hai bên đã thống nhất triển khai sáng kiến trong thời gian 17 tháng, bắt đầu từ tháng 8/2016.
Cơ chế phối hợp hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay Nhật Bản đã đầu tư hơn 3.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD vào Việt Nam. Bộ trưởng cũng đánh giá, Nhật Bản luôn là quốc gia dẫn đầu về việc tuân thủ pháp luật, đồng thời mức độ giải ngân các dự án của NĐT nước này cũng tốt nhất trong số các NĐT nước ngoài tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vốn Nhật trong năm vừa qua đã chững lại so với giai đoạn trước bởi không có nhiều dự án lớn. Đồng thời, Hàn Quốc cũng đã “soán ngôi” Nhật Bản để trở thành NĐT nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Đây là vị trí đã được Nhật Bản duy trì trong nhiều năm liền. Thực tế này cho thấy cần khởi động lại cơ chế hợp tác để tiếp tục giải quyết những vấn đề vướng mắc của NĐT Nhật Bản, sau khi sáng kiến chung giai đoạn V giữa hai nước đã dừng từ tháng 12/2014.
Nhận xét về 5 giai đoạn vừa qua của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, ông Takahashi Kyohei, Chủ tịch Keidanren cho biết, hai nước đã rất nỗ lực và đạt được những thành quả nhất định trong 5 giai đoạn. Ông cũng chia sẻ mong muốn cả hai bên cùng nỗ lực xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Cộng đồng DN Nhật Bản cam kết sẽ phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam hành động để môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện cho NĐT Nhật Bản nói riêng và các DN nước ngoài cùng DN Việt Nam nói chung.
Nhấn mạnh vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, ông Takahashi nhận xét, đây là cơ chế đặc biệt trong hợp tác về kinh tế. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là phương thức phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề ngày càng phức tạp và chuyên sâu trong hợp tác đầu tư của hai quốc gia.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Tanidaki cho biết, trong giai đoạn này, hai nước đã thống nhất 7 nội dung và phương hướng hoạt động cụ thể. Theo đó, 7 nhóm vấn đề chính bao gồm: lao động; tiền lương; dịch vụ logistic - vận tải; dịch vụ; dịch vụ hỗ trợ DNNVV; ngành phân phối dược phẩm; và những quy định hạn chế đối với NĐT nước ngoài liên quan đến Luật Đầu tư và Luật DN.
Như vậy, số vấn đề cần giải quyết đã giảm gần một nửa so với giai đoạn trước đó. Theo đó, kế hoạch hành động giai đoạn V gồm 13 nhóm vấn đề, liên quan đến một số nội dung có tính trước mắt cũng như dài hạn. Trong số nhóm vấn đề của giai đoạn trước, có 2 vấn đề tiếp tục được “đặt lên bàn” để các bên cũng nhau tháo gỡ là lao động và lĩnh vực vận tải. Điều này cho thấy các vướng mắc trước đây của NĐT Nhật Bản đã được Chính phủ Việt Nam giải quyết khá hiệu quả.
Đơn cử như dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, vừa được TP. Hồ Chí Minh đệ trình. Dự án gồm 2 phần, trong đó cấu phần công trình công cộng thực hiện bằng nguồn vốn ODA và cấu phần cửa hàng/thương mại thực hiện bằng hình thức PPP do liên danh của một nhóm NĐT Nhật Bản được thành phố đề nghị chỉ định thực hiện.
Điều đáng lưu ý là, NĐT cam kết sẽ hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong việc phối hợp tích cực với Chính phủ Nhật Bản thu xếp ODA cho cấu phần công trình công cộng. Với cơ chế phối hợp này, vốn ODA đã dẫn dắt cho vốn tư nhân tham gia vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam đã và đang được xây dựng theo hướng minh bạch, có tính giải trình cao và phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế. Do đó, tới đây các vấn đề vướng mắc mang tính kỹ thuật hoặc liên quan đến quy trình, thủ tục sẽ giảm tương đối. Thay vào đó là những vấn đề dài hạn, tổng thể hoặc của ngành, của lĩnh vực.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đã phát triển với tốc độ cao hơn, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng có xu hướng chuyên môn hóa sâu và cao hơn. Vì thế, cùng với sự phát triển cũng là những thách thức mới. Bước sang giai đoạn VI của sáng kiến này, quá trình hợp tác sẽ hướng tới giải quyết những vấn đề sâu hơn và với những nội dung khó hơn.(TBNH)
Đẩy mạnh đầu tư công để kích thích tăng trưởng
Trong 6 tháng đầu năm, vốn NSNN giải ngân chỉ đạt 32,2% kế hoạch, vốn TPCP đạt 23% kế hoạch. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ khó cán đích theo kế hoạch.
Số liệu báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) và Trái phiếu Chính phủ (TPCP) còn chậm so với yêu cầu. Trong 6 tháng đầu năm, vốn NSNN giải ngân chỉ đạt 32,2% kế hoạch, vốn TPCP đạt 23% kế hoạch. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ khó cán đích theo kế hoạch.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Nguyễn Đức Hải, chi cho đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN ước thực hiện 6 tháng đạt 82,2 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 32,2% so với dự toán, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015 là số chi ngân sách đạt thấp.
Nguyên nhân do một số quy định trong Luật Đầu tư công chưa phù hợp với thực tiễn như cơ chế thẩm định vốn đầu tư không phù hợp; không giảm thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản tại các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững… trong khi các chương trình này có số lượng dự án rất lớn, lại được chia thành các dự án có quy mô nhỏ ở tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Việc cho phép các dự án được chuyển nguồn kéo dài hết thời hạn thực hiện dự án, không theo niên độ ngân sách cũng dẫn đến việc các đơn vị thi công, chủ đầu tư không nghiêm túc triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn...
Bên cạnh nguyên nhân rất lớn ở điều hành là do việc chỉ đạo triển khai thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương chưa kiên quyết, kéo dài việc giao vốn, tổ chức thực hiện thi công và giải ngân vốn đầu tư.
“Chính phủ cần chỉ đạo rút kinh nghiệm, khắc phục việc thông báo vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các bộ, ngành, địa phương chậm. Sớm sửa đổi các quy định, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản để khắc phục tình trạng giao vốn chậm trong thời gian qua, dẫn đến chậm giải ngân, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực nhà nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát, báo cáo cụ thể những tồn tại đã quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng. Trong trường hợp cần thiết trình Quốc hội sửa đổi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư và kịp thời giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong thời gian tới”, ông Hải nói.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm phải đạt 7,6%, các chuyên gia kinh tế cho rằng không còn con đường nào khác, Chính phủ phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.
Để triển khai việc này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ giải ngân vốn đầu tư công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng vào cuối tháng 5/2016.
Ngay sau khi được thành lập, Tổ giải ngân vốn đầu tư công đã họp liên tục bàn tìm các giải pháp đột phá và ngày 8/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm 2016, với nhiều nội dung trong đó mang tính chất như “tối hậu thư” cho các bộ, ngành, địa phương. Điều này cho thấy Chính phủ đã khẳng định quyết tâm cao độ của Chính phủ trong chặng đường 6 tháng cuối năm 2016.
Theo đó, một loạt các bộ đã nhận được mệnh lệnh về thời hạn phải hoàn thành kế hoạch được giao như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20/7/2016, báo cáo Thủ tướng sửa đổi các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bảo đảm việc bố trí vốn tập trung, khắc phục đầu tư dàn trải, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản và phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản về nông thôn mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/7/2016, hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc rà soát các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học mầm non tại các huyện 30a sử dụng vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012 - 2015… Một không khí khẩn trương trong việc sửa các thông tư hướng dẫn các thủ tục về đầu tư xây dựng, quản lý và thanh toán vốn đầu tư… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo chất lượng các công trình, dự án cũng đang được đẩy lên thành cao trào tại nhiều bộ, ngành khác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thành lập 3 đoàn công tác để làm việc với các địa phương và báo cáo Chính phủ xử lý. Chính phủ sẽ tiếp tục có buổi thảo luận để tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân vốn đầu tư công.(TBNH)
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Đến tháng 7/2016 đã giải ngân 28.3563 tỷ đồng
Bộ Xây dựng vừa thông tin về kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Theo đó, tính đến tháng 7/2016, tổng số tiền đã cam kết là 35.025 tỷ đồng, đã giải ngân 28.3563 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân: các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 56.491 hộ với số tiền là 27.705 tỷ đồng, đã giải ngân 55.654 hộ với số tiền là 22.989 tỷ đồng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp: các ngân hàng đã cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.320 tỷ đồng, đã giải ngân 60 dự án với dư nợ là 5.367 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ xây dựng, tính đến 31/5/2016 dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đạt 427.635 tỷ đồng, tăng 8,87% so với thời điểm 31/12/2015 và tăng 2,93% so với thời điểm 30/4/2016.
Được biết, ngày 29/7/2016 NHNN đã ban hành thông tư số 25/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.
Theo đó Thông tư 25 có một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý sau. Thứ nhất, đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình, thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để cho vay hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết ngày 31/12/2016.
Thứ hai, việc giải ngân tái cấp vốn của NHNN chỉ áp dụng đối với các khoản vay mà ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng trước ngày 31/3/2016 và đã được ngân hàng báo cáo NHNN tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/5/2016.
Thứ ba, sau thời điểm ngân hàng kết thúc giải ngân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN theo quy định, ngân hàng tiếp tục giải ngân cho khách hàng đối với số tiền chưa giải ngân theo hợp đồng tín dụng đã ký bằng nguồn vốn của ngân hàng trên cơ sở lãi suất cho vay thỏa thuận và chính sách khách hàng của từng ngân hàng.
Thứ tư, NHNN thực hiện giải ngân cho vay tái cấp vốn đối với ngân hàng trên cơ sở dư nợ cho vay của ngân hàng đối với khách hàng thuộc các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 và đã được ngân hàng báo cáo NHNN tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/5/2016 theo nguyên tắc cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định.(TBNH)
Đến 20/7 tồn kho BĐS chỉ còn 35.958 tỷ đồng
Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản 7 tháng năm 2016 tiếp tục giữ mức tăng trưởng, số lượng giao dịch tăng trưởng ổn định, lượng hàng tồn kho giảm mạnh. Tính đến 20/7 tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 35.958 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản phát triển ở nhiều phân khúc như thị trường nhà ở giá rẻ, nhà ở cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Thị trường sôi động nhất tại một số phân khúc như căn hộ diện tích trung bình, các dự án có vị trí tốt, gần trung tâm, đi lại thuận tiện có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ. Trong 7 tháng năm 2016, tại Hà Nội có khoảng 9.050 giao dịch thành công; tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 8.700 giao dịch thành công.
Cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý. Trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ; có 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 44.700 căn hộ xin điều chỉnh thành 60.000 căn hộ (tăng 15.300 căn hộ).
Giá nhà ở trên thị trường bất động sản 7 tháng năm 2016 nhìn chung không có nhiều biến động so với năm 2015. Một số dự án mới triển khai nằm tại các vị trí đẹp, dự án sắp hoàn thành, dự án có thiết kế căn hộ hiện đại với diện tích phù hợp hoặc các dự án tại khu vực đã có hạ tầng hoàn thiện, không quá xa trung tâm giá bán tăng nhẹ.
Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm nhưng tốc độ đã chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ: Tính đến 20/7/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 35.958 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm 14.931 tỷ đồng (giảm 29,3%); so với thời điểm 20/6/2016 giảm 1.530 tỷ đồng.(TBNH)