Anh rời EU ảnh hưởng đến bán lẻ trực tuyến Bắc Mỹ
Hậu Brexit, chứng khoán Việt vẫn đà rớt điểm
Cần tính lại các chính sách thuế, phí đối với than
Thị trường bất động sản TP.HCM: Hé lộ những bất ổn
Xuất khẩu trái cây vào Mỹ, Nhật... tăng trên 80%
Tin kinh tế đọc nhanh 27-06-2016
- Cập nhật : 27/06/2016
Hồng Kông- cửa ngõ giao thương quan trọng cho doanh nghiệp Việt
Thông tin trên được đại diện Cục Xúc Tiến thương mại Hồng Kông (HKTDC) cho biết tại hội thảo “Hồng Kông: Đối tác giao thương quốc tế” do Cục xúc tiến Thương mại, Chi nhánh tại TP.HCM phối hợp với HKTDC tổ chức tại TP.HCM ngày 24-6.
Doanh nghiệp dệt may đánh giá cao vai trò "cửa ngõ" của Hồng Kông trong chiến lược mở rộng thị trường. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo ông Samuel Lau, Giám đốc điều hành Công ty Vận chuyển toàn cầu Kerry Logistics (Hồng Kông), Hồng Kông nổi tiếng nhờ hệ thống logistics hiện đại, kết nối với nhiều nước, trong đó có cảng tự do - tức hàng hóa qua cảng này không bị đánh thuế xuất, nhập khẩu. Hồng Kông cũng nổi tiếng với mạng lưới hàng không kết nối toàn thế giới, và có những cảng lớn nhất châu Á.
Về địa lý, Hồng Kông nằm ở trung tâm châu Á, kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN và hiện Hồng Kông cũng được nhiều công ty đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và thời trang, xem là nơi gom hàng khi mua hàng từ các nước như Việt Nam, Bangladesh,… từ đó cung cấp ra toàn cầu.
“Mới đây, Trung Quốc cũng đã ban hành danh sách một loạt hàng hóa không phải đóng thuế như hàng điện tử, thời trang, phụ kiện, hàng hóa công nghiệp,… vào thị trường Trung Quốc đại lục thông qua Hồng Kông”, ông Samuel Lau cho biết.
Theo bà Margaret Fong, Cục trưởng HKTDC, Hồng Kông là nơi để Việt Nam tiến vào thị trường Trung Quốc đại lục. Nhiều công ty Việt Nam đang xem Hồng Kông là đối tác chính để kết nối với khách hàng quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hồng Kông trong ASEAN.
Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hồng Kông đạt 16,3 tỷ USD. Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 9 của Hồng Kông trên thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Hồng Kông - ASEAN dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm nay, cũng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai bên.
Đánh giá cao vai trò đầu mối giao thương quan trọng của Hồng Kông, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. HCM cho rằng, Hồng Kông là cửa ngõ giao thương quan trọng, thông qua đây doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được các thị trường rộng lớn khác. Do đó, sắp tới Hội dệt may thêu đan thành phố sẽ tổ chức một phái đoàn khoảng 26 doanh nghiệp tới tham dự triển lãm dệt may tại đây để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Tham dự hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng, Hồng Kông là lãnh thổ kinh tế phát triển mạnh, có quan hệ giao thương chặt chẽ với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là TP. HCM. Xét về thu hút vốn từ các doanh nghiệp Hồng Kông, TP. HCM đang đứng đầu cả nước. Lũy kế từ năm 1988 đến nay, thành phố có 342 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đạt 2,89 tỷ USD, đứng thứ 6 về vốn cấp mới và tăng vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn.
Ông Tuyến đánh giá cao việc HKTDC chọn TP. HCM là nơi ưu tiên đến thăm, làm việc của phái đoàn 60 giám đốc toàn cầu và các chuyên gia đồng thời đề nghị các Sở, ngành của thành phố tích cực trao đổi các cơ chế phối hợp đầu tư lâu dài, hiệu quả.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cũng mong muốn HKTDC cung cấp thêm nhiều thông tin, tạo thêm thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam đến hoạt động tại địa bàn hoặc thông qua cửa ngõ Hồng Kông để thâm nhập thị trường Trung Quốc và các nước khác.
Ưu tiên xuất khẩu gạo chất lượng cao trong 6 tháng cuối năm
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, dự kiến xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm của cả nước đạt 2,732 triệu tấn và dự kiến trong 6 tháng cuối năm xuất khẩu thêm 2,97 triệu tấn; trong đó, ưu tiên xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao nhằm nâng giá trị.
Như vậy, tổng lượng xuất khẩu gạo năm nay sẽ tương đương với xuất khẩu gạo của năm 2015.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt 2,282 triệu tấn, tăng 9,71%, trị giá FOB tăng 11,29%, trị giá CIF tăng 12,29% so với cùng kỳ năm ngoái; giá FOB bình quân tăng 6,06 USD/tấn.
Dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 6 đạt khoảng 450.000 tấn, cộng với lượng gạo đã xuất khẩu 5 tháng đầu năm, tổng lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,732 triệu tấn.
Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty xuất khẩu 2,750 triệu tấn lúa, gạo, xấp xỉ cùng kỳ năm 2015.
Trong 6 tháng cuối năm, khả năng còn xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn, nếu như trong vụ Thu Đông, Mùa 2016 các địa phương tổ chức sản xuất tốt, tăng sản lượng lúa gạo, nhất là các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, sẽ có nguồn nguyên liệu để xuất khẩu số lượng lớn hơn.
Đáng chú ý là tỷ lệ gạo thơm giống Jasmine xuất khẩu đã tăng lên từ 22% lên 29% trong năm nay.
Tỷ lệ xuất khẩu lúa nếp cũng tăng nhanh số lượng và theo đó, từ chiếm 6,58% tổng lượng xuất khẩu gạo năm 2015 nhưng trong 6 tháng đầu năm đã chiếm 16% tổng số lượng xuất khẩu gạo.
Ông Huỳnh Thế Năng cũng cho biết, thị trường xuất khẩu cho Philippines, Indonesia sẽ có vào các tháng cuối năm 2016.
Đặc biệt, giá mua lúa, cũng như giá xuất khẩu đang có chiều hướng tăng, nếu có hợp đồng xuất khẩu giá sẽ tăng dần và khả năng tăng đột biến.
Ông Năng đề nghị các tỉnh, thành cần quan tâm đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và đề nghị bà con nông dân sản xuất lúa Hè Thu và vụ Thu Đông, Mùa 2016 cần thiết phải sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao, nhằm nâng cao chất lượng gạo cho xuất khẩu, người nông dân cũng tăng thêm thu nhập.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhìn nhận, trong canh tác vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long quan trọng nhất là gia cố đê bao an toàn, không nên chủ quan vì nhiều năm liền nơi đây không có lũ.
Do đó, các cơ quan ban, ngành kịp thời đưa ra dự báo cho các địa phương, có định hướng cho vùng canh tác lúa, đồng thời kiểm soát dịch bệnh cho người nông dân.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng thống nhất tăng diện tích vụ lúa Thu Đông cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng địa phương cần quy hoạch cụ thể diện tích ở đâu trồng lúa chất lượng, vùng nào trồng lúa hàng hóa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ ưu tiên hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để bà con nông dân sản xuất lúa Thu Đông và Mùa 2016.
CEO tập đoàn game số một Việt Nam nợ công ty 251 tỷ đồng
Công ty cổ phần VNG vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2016. Theo đó, Hội đồng quản trị có trình cổ đông đề nghị ông Minh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
"Với vai trò là người sáng lập chính của công ty, ông Minh giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của VNG. Ông đã chèo lái công ty trở nên lớn mạnh với doanh thu vượt 100 triệu USD mỗi năm và đa dạng hoá ngành nghề”, báo cáo viết.
Ông Lê Hồng Minh sinh năm 1977 tại Hà Nội, hiện đang sở hữu 17,54% cổ phần của VNG. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2015, ông Minh đang vay nợ công ty 251 tỷ đồng, với lãi suất 4,2% một năm. Tiền lãi của khoản vay này năm 2015 là 20 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp tư nhân, mức lương các lãnh đạo ở đơn vị này rất cao. Tổng lương các thành viên HĐQT và Ban giám đốc là hơn 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2014 chỉ hơn 13 tỷ.
Là tập đoàn phát hành game số một tại Việt Nam, nhưng năm nay VNG bất ngờ xin cổ đông mở rộng các ngành kinh doanh mới như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, sản xuất thiết bị truyền thông, đồ điện dân dụng. Đặc biệt, ông lớn ngành game này còn dự định phân phối, bán lẻ vi tính, thiết bị ngoại vi, truyền thông, phần mềm tại các cửa hàng chuyên doanh.
Ngoài ra, công ty còn xin mở rộng sang ngành nghề bán lẻ đồ điện gia dụng, giường tủ, bàn ghế và đồ nội thất, đèn điện, bán lẻ các đồ dùng gia đình khác.
VNG đặt mục tiêu doanh thu 2016 đạt 2.582 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận trước thuế 361 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.
Đặc biệt, tập đoàn đề nghị không chia cổ tức cho cổ đông do nhu cầu tái đầu tư vào sản phẩm chiến lược. Năm 2015, VNG đạt doanh thu 2.092 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 16% lên 231 tỷ so với năm trước. Lợi nhuận này chủ yếu đến từ các khoản đầu tư vào các công ty liên kết còn hoạt động cốt lõi là kinh doanh trò chơi trực tuyến đang có dấu hiệu chững lại.
Báo cáo tài chính công ty cho thấy doanh thu ngành cốt lõi đạt 1.608 tỷ đồng tăng 8,2% nhưng lại lỗ khoảng 11 tỷ đồng. Năm 2014 mức lãi cũng rất khiêm tốn với 13 tỷ đồng. Các hoạt động khác như quảng cáo trực tuyến, nhạc chờ, thanh toán trực tuyến 123pay, dịch vụ tiếp thị…vẫn chưa có sự bứt phá.
VNG là nhà phát hành game số một tại Việt Nam, được thành lập từ năm 2004. Vốn điều lệ công ty đã tăng lên 324 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 2.711 tỷ. Tập đoàn chủ yếu nhập khẩu các game từ Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng vài năm gần đây đã đầu tư nghiên cứu sản xuất các trò chơi mang thương hiệu riêng.
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội và các trò chơi miễn phí đã đẩy ngành công nghiệp game vào thế khó, nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ. Hiện VNG đang đẩy mạnh việc kinh doanh các giải trí trực tuyến trên nội dung số và các ngành nghề mới.
Xem xét rút giấy phép của đại gia vàng nợ thuế
UBND tỉnh Quảng Nam vừa cho biết vẫn đang xem xét thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty vàng Phước Sơn (một trong 2 doanh nghiệp thuôc Tập đoàn Besra, Canada) do không chịu trả thuế.“Phía công ty xin được tái cơ cấu nhưng chúng tôi vẫn chờ đề xuất về lộ trình của họ. Nếu kế hoạch không khả thi, chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép”, ông Trần Văn Ẩn - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam nói.
Số nợ thuế của Công ty Phước Sơn hiện gần 335 tỷ đồng, còn Công ty vàng Bồng Miêu là hơn 95 tỷ đồng. Số nợ bao gồm cả tiền phạt nộp chậm dành cho hai công ty cùng thuộc Tập đoàn Besra này.
Theo cơ quan chức năng Quảng Nam, Công ty Bồng Miêu được cấp giấy phép đầu tư năm 1991, có thời hạn 25 năm. Năm 2003, Công ty Phước Sơn được cấp phép với thời hạn 30 năm. “Không giống với Công ty Phước Sơn được cấp giấy phép tách bạch, Bồng Miêu trước đây được cấp một giấy phép gồm cả giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không thể thu hồi. Tuy nhiên, đến ngày 5/3 vừa rồi, giấy phép này đã hết hạn”, ông Ẩn lý giải chuyện không rút giấy phép hai công ty vàng mặc dù Cục thuế Quảng Nam nhiều lần đề nghị.
Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục thuế Quảng Nam, cho biết trước khi bị cơ quan này cưỡng chế, chỉ vài năm trước, Tập đoàn Besra Việt Nam vẫn là một trong hai doanh nghiệp đóng ngân sách lớn nhất tỉnh. Có năm, tỉnh Quảng Nam thu hơn 200 tỷ từ hai công ty vàng. Đỉnh điểm là những tháng đầu năm 2013, khi giá vàng lên cao.Theo ông Bốn, trong lúc đang “ăn nên làm ra”, đầu tháng 8/2013, Tập đoàn Besra nhiều lần kiến nghị với truyền thông và Bộ Tài chính, phản đối việc tăng thuế tài nguyên đối với Công ty Phước Sơn. Không chỉ phản đối tăng, tập đoàn này còn đề nghị giảm mức thuế cũ từ 15% xuống còn 6% và thuế thu nhập doanh nghiệp từ 40% xuống còn 32%.
Trong lúc đang “kêu ca” thuế quá cao, hai công ty vàng bị Tổng cục Hải quan tổ chức thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, từ cuối năm 2007 đến cuối năm 2012, hai công ty này đã xuất khẩu gần 5 tấn vàng. Theo quy định, đối với vàng nguyên liệu có hàm lượng 99,99% (vàng bốn số 9), sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, sau khi thanh tra, Hải quan phát hiện hai công ty này đưa vàng thỏi tới một cơ sở đóng tại Thụy Sỹ để tiếp tục tinh luyện. 5 tấn vàng này cũng không có chứng thư giám định của công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty duy nhất được chỉ định cho việc giám định hàm lượng vàng).
“Điều này chứng tỏ gần 5 tấn vàng chưa phải sản phẩm công nghiệp nên không được miễn thuế xuất khẩu. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị truy thu 250 tỷ tiền thuế”, ông Bốn kể.
Việc truy thu tiền thuế “lùm xùm” trong nhiều tháng, Tập đoàn Besra nhiều lần gửi khiếu nại. Bộ Tài chính sau đó phải hủy quyết định truy thu. “Mặc dù thoát được 250 tỷ tiền thuế nhưng các chủ đầu tư ở nước ngoài dường như đoán được tương lai của Besra Việt Nam nên quyết định rút vốn. Động thái này là bước đầu tiên đẩy hai công ty vàng vào giai đoạn khó khăn”, một lãnh đạo Cục thuế Quảng Nam phân tích.
“Dường như công ty mẹ ở nước ngoài đã ‘ăn đủ’ trong nhiều năm đầu tư ở Việt Nam nên cũng thờ ơ, không rót vốn nữa. Họ không chỉ không đầu tư thêm máy móc mà còn ‘vơ vét’, đưa ra nước ngoài hết”, vị này nói thêm.Trong những tháng cuối năm 2013, hai công ty vàng gần như không nộp thuế. Để phản ứng chuyện tăng thuế tài nguyên và hải quan đòi truy thu thuế xuất khẩu, hai công ty nhiều lần đóng cửa. Trong năm 2014, hai công ty này chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách. Đến tháng 4/2014, nợ thuế của hai công ty là 300 tỷ đồng. Sau nhiều lần không nhận được sự hợp tác, Cục thuế Quảng Nam quyết định cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, Besra Việt Nam vẫn chây ì, nhiều lần đề nghị được xóa nợ.
“Sở dĩ đơn vị nợ thuế là do từ năm 2013 đến nay, chi phí lương, vật tư, nhiên liệu… đều tăng lên trong khi đó giá vàng thế giới giảm dẫn đến công ty khó khăn. Bên cạnh đó, ngành khai khoáng phải đầu tư lớn, thăm dò, phát triển hầm lò trước khi thu được sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, hàm lượng vàng làm ra không ổn định”, đại diện Besra phân trần trong một lần tổ chức họp báo. Tháng 7/2014, hai công ty vàng lần lượt ngừng hoạt động.
Theo ông Ngô Bốn, Cục thuế Quảng Nam vẫn bảo lưu quan điểm yêu cầu Besra trả nợ thuế nếu muốn được ngừng cưỡng chế. “Hoặc trả nợ lập tức hoặc đưa ra phương án trả dần trong một năm”, ông Bốn nói.
Liên quan đến việc Công ty Bồng Miêu mặc dù đã hết thời hạn hoạt động từ tháng 3 nhưng vẫn lén lút sản xuất, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã kiểm tra và yêu cầu công ty này dừng ngay các hoạt động khai thác.
“Công ty này vẫn chưa được gia hạn đầu tư. Họ đề nghị gia hạn nhưng lại không cung cấp đầy đủ hồ sơ cho các cơ quan theo chỉ đạo của UBND tỉnh như cam kết trả nợ tiền thuế, phí, các nghĩa vụ khác; thay đổi thành viên góp vốn, tỷ lệ góp vốn của thành viên mới tham gia, chứng minh năng lực tài chính”, ông Toàn nói.(VNEX)