WB, AIIB có chương trình cho vay vốn chung đầu tiên
Xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi trở lại trong tháng 3
Nên đặt văn phòng đại diện ở đâu tại châu Á?
Trung Quốc ồ ạt thâu tóm doanh nghiệp Thụy Sĩ
Việt Nam-EU đạt thỏa thuận về xuất khẩu gỗ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-06-2016
- Cập nhật : 26/06/2016
IMF: Kinh tế Mỹ dần phục hồi, nhưng vẫn nhiều người nghèo đói
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra nhận định rằng, nền kinh tế Mỹ “đang trong tình trạng tốt", trên đà tăng trưởng trở lại dù cho đồng đôla vẫn được định giá quá cao. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng, hiện nay có quá nhiều người dân Mỹ đang rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc sống trong cảnh nghèo đói.
IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ ở mức khoảng 2,2% trong năm 2016, giảm so với mức dự báo ban đầu là 2,4% trong tháng 4. Mặc dù vậy, IMF vẫn kỳ vọng tăng trưởng của Mỹ sẽ phục hồi đến 2,5% trong năm 2017, trong một tuyên bố tại kết luận của IMF đánh giá hàng năm về các chính sách kinh tế của Mỹ.
Hiện nay, đồng đô la đang được định giá cao hơn khoảng 10-20% so với giá trị thực của nó. Tuy nhiên, Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde đã khẳng định với báo chí rằng, đây không phải là kết quả của sự thao túng tiền tệ do các đối tác thương mại của Mỹ đang làm để chiếm lấy thị phần xuất khẩu, mà nó chính là một cuộc chạy đua nhằm đầu tư vào đồng đô la Mỹ. Cũng theo bà Lagarde, "sự tăng giá của đồng đô la Mỹ trong 12 tháng vừa qua có tác động một phần nhờ sự thiếu ổn định của các đồng tiền khác”.
Hiện tại, IMF đã xác định được 4 thách thức chính đối với tăng trưởng của Mỹ, đó là: lực lượng lao động trong các độ tuổi dân số suy giảm, năng suất lao động giảm sút, một xã hội đang ngày càng trở nên phân cực với mức tăng thu nhập tập trung ở những người giàu có, trong khi đang có quá nhiều người sống trong cảnh nghèo đói.
IMF đã trích dẫn số liệu điều tra dân số Mỹ rằng, hiện có tới 46,7 triệu người, tương đương với 15% dân số Mỹ đang sống dưới mức nghèo khổ và 1/3 trong số đó là những người phụ nữ làm chủ gia đình.
Chính điều này đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải từng bước thực hiện cải cách nhằm tăng lực lượng lao động, bao gồm cả việc cải thiện việc chăm sóc trẻ em và các lợi ích khác để thu hút nữ giới tham gia vào lực lượng lao động, theo đuổi cải cách nhập cư và thực hiện các chương trình bảo hiểm cho người tàn tật, cho phép họ có những công việc bán thời gian.
IMF cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cần sớm nâng cao mức lương tối thiểu, đồng thời đưa ra một khoản tín dụng thuế ưu đãi hơn, đi kèm với đó là cải thiện giáo dục tại khu vực mầm non.
Tencent vung 8,57 tỷ USD mua 'cha đẻ' Clash of Clans
Tencent, đại gia game đình đám của Trung Quốc, thể hiện rõ tham vọng khi thâu tóm Supercell, hãng sở hữu tựa game di động ăn khách toàn cầu Clash of Clans.
Game di động là thị trường đầy rủi ro, nhưng nếu đi đúng hướng thì các hãng phát triển hoàn toàn có thể kiếm được bộn tiền. Các tựa game có cốt truyện gây nghiện cùng các lựa chọn mua sắm trong game phong phú thường là các game hút khách nhất, mà Clash of Clans chính là một thí dụ điển hình.
Việc Supercell rơi vào tay Tencent thực ra không khiến giới game bất ngờ, bởi đại gia Trung Quốc này đã muốn vươn ra thị trường toàn cầu từ lâu. Với thương vụ 8,57 tỷ USD này, quyền sở hữu Supercell sẽ chuyển từ tay mạng di động Softbank của Nhật Bản sang tay Tencent.
"Đây là một hợp đồng khổng lồ đối với Supercell, còn Tencent thì hy vọng thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra đủ cơ hội để Supercell tránh khỏi số phận của những thương vụ thâu tóm hãng game có kết quả khá trồi sụt trước đây", trang PhoneArena nhận định.
Còn nhớ năm 2012, hãng Zynga đã mua lại OMGPOP, hãng phát triển game Draw Something khá ăn khách thời bấy giờ với giá 180 triệu USD. Thật không may, Draw Something đã phát triển tới hạn và cắm đầu đi xuống kể từ đó. Rồi năm ngoái, Activision Blizzard đồng ý mua lại King, hãng phát triển tựa game Candy Crush đình đám với giá 5,9 tỷ USD. Hợp đồng này tỏ ra khá ổn trong thời gian đầu, khi King đóng góp tới 23% tổng doanh thu quý của Activision Blizzard. Song gần đây, doanh thu King cũng bắt đầu đi xuống.
Tuy vậy, Tencent có một lịch sử thâu tóm khá tích cực. Hãng này từng mua lại hãng game Riot Games, hãng sở hữu tựa game cực ăn khách League of Legend. Hơn nữa, Supercell cũng có danh mục game đa dạng hơn so với King, với những tựa game như Boom Beach, Clash Royale hay Hay Day.
KHCN đóng vai trò quyết định trong sự thành công của Rạng Đông
Ngày 24/6, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “Tiến trình đưa tri thức thành động lực phát triển và những khó khăn nhìn từ thực tiễn của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông“.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, từ khi được cổ phần hóa, thoát khỏi cơ chế điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, quan liêu và thiếu trách nhiệm, Rạng Đông được dần làm chủ vận mệnh của mình, là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử 55 năm phát triển.
So sánh các chỉ tiêu năm 2015 với 2004, doanh số tiêu thụ từ 399,38 tỷ đồng tăng lên 2.998 tỷ đồng, tăng 7,5 lần, nộp ngân sách từ 22 tỷ đồng tăng lên 220 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần, thu nhập bình quân từ 2,19 triệu đồng/người/tháng tăng lên 10,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,8 lần, lợi nhuận từ 12,59 tỷ đồng tăng lên 127 tỷ đồng tăng trên 10 lần, năm 2005 cổ tức 16%, năm 2015 cổ tức 40%.
Ngay trong những năm 2010 - 2015, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, với vốn điều lệ ít ỏi 115 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ trên dưới 500 tỷ, nhưng 4 năm gần đây, Rạng Đông được tổ chức Báo cáo xếp hạng Report Việt Nam xếp hạng trong 500 DN lớn nhất Việt Nam, 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam, 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam...
Rạng Đông có được những thành tựu trên là nhờ vào quá trình đưa tri thức quản trị vào thực tiễn điều hành. Để hội nhập và phát triển bền vững Rạng Đông đã khéo léo kết hợp mô hình quản trị một trục hai cánh.
Đồng thời, Rạng Đông tiến hành chuẩn bị Chiến lược phát triển Công ty 2016 – 2020 khá sớm với Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông vừa tròn 5 tuổi đang đảm nhận trọng trách là bộ não công nghệ của Công ty, đóng góp vai trò quyết định trong việc tạo lợi thế so sánh trong cạnh tranh.
Công ty đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Ngoại thương, chương trình áp dụng các thành tựu, các công cụ quản trị hiện đại vào điều kiện thực tế Việt Nam, phù hợp trình độ, điều kiện và bản sắc văn hóa công ty đang triển khai rất tích cực.
Nhìn lại toàn bộ quá trình phấn đấu liên tục để biến tri thức thành động lực phát triển của Rạng Đông¸ PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế - Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, có thể thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tạo nên thành công đó chính là: Niềm tin vào trí tuệ Việt Nam, ý chí tự lực tự cường, khả năng học hỏi không ngừng, nghệ thuật kết nối sức mạnh và quyết tâm biến tri thức thành giá trị thiết thực.
CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,72%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm có tốc độ tăng tương đối thấp, bình quân mỗi tháng, CPI chỉ tăng khoảng 0,39%; bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính riêng trong tháng 6, CPI tăng 0,46% so với tháng trước; tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015. Ảnh: Nguyễn Thanh
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Tính riêng trong tháng 6, CPI tăng 0,46% so với tháng trước; tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có đến 10 nhóm hàng tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng giao thông, tăng 2,99%. Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,55%; nhóm hàng dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; nhóm hàng văn hóa, giải trí du lịch tăng 0,18%; nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%... Riêng nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố chỉ số giá tháng 6 và 6 tháng đầu năm diễn ra sáng nay (24-6), bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI có tốc độ tăng tương đối thấp, bình quân mỗi tháng, CPI chỉ tăng khoảng 0,39%; bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.
CPI tăng trong 6 tháng qua, một trong những nguyên nhân quan trọng là bởi sự điều hành của Chính phủ. Cụ thể, giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-3-2016, nên giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,12% góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,86% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính Phủ, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,22% so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1-1-2016 và lương cơ sở tăng từ ngày 1-5-2016 nên giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 1%-2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Yếu tố thị trường và thiên tai, thời tiết bất lợi cũng góp phần đáng kể làm tăng CPI trong 6 tháng qua. Cụ thể, các dịp Tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, kỳ lễ 30-4 và 1-5 đều được nghỉ kéo dài nên nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng cao, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng.
Nhìn chung, thời tiết 6 tháng đầu năm nay khắc nghiệt hơn năm trước, rét hại, rét đậm vào tháng 2 trên toàn miền Bắc đã ảnh hưởng đến giá rau xanh rau tươi tại các tỉnh miền Bắc, giá rau xanh tăng tăng từ 15% đến 20%.
Trong tháng 4, tháng 5, tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng. Thời tiết nóng lạnh thất thường cũng khiến nhu cầu dùng điện sinh hoạt tăng cao, theo đó chỉ số giá điện sinh hoạt bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,08% so cùng kỳ năm 2015.
Mặc dù mức tăng trung bình CPI trong 6 tháng đầu năm được đánh giá tương đối thấp, tuy nhiên, bà Thủy cũng đưa ra cảnh báo: Từ nay đến hết năm, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu... Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ và một số Bộ cũng cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.(HQ)
Có sự chồng chéo trong quản lý hàng hóa XNK tại cửa khẩu
Theo ông Âu Anh Tuấn-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), hiện nay trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu trong việc kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải khá chồng chéo giữa cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng.
Qua công tác kiểm tra thực tế tại các cục Hải quan địa phương có biên giới giáp Lào (như Hà Tĩnh, Nghệ An), Tổng cục Hải quan nhận thấy có hiện tượng Bộ đội Biên phòng can thiệp sâu vào công tác quản lý hàng hóa XK, NK của cơ quan Hải quan. Có tình trạng hồ sơ hải quan đã được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan đối với phương tiện vận tải, hàng hóa nhưng khi qua cửa khẩu, DN lại tiếp tục mang hồ sơ hải quan đến Bộ đội Biên phòng để kiểm tra, xác nhận.
Điều này xuất phát từ sự chồng chéo của Nghị định 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền với Luật Hải quan 2014.
Điều 12 Luật Hải quan 2014 quy định: “Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…” và tại khoản 1, Điều 35 Luật Hải quan 2014 quy định: “Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải…”.
Tuy nhiên, tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 09/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng lại có những nội dung chồng chéo các quy định nêu trên.
Cụ thể, Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định: Bộ đội Biên phòng cửa khẩu chủ trì phối hợp bộ, ngành liên quan thực hiện mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới; hướng dẫn thủ tục cho người, phương tiện ngoài khu vực biên giới, xuất, nhập qua lối mở biên giới. Kiểm tra thực tế hàng hóa, đảm bảo an ninh quốc gia: Kiểm tra, đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hàng hóa;…
Để khắc phục bất cập trong các quy định hiện nay, thống nhất trách nhiệm và quan hệ phối hợp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu trong việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải tại cửa khẩu, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP về thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan sẽ quy định rõ trách nhiệm chủ trì của cơ quan Hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC.
Theo ông Âu Anh Tuấn, cơ quan Hải quan sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung này, đồng thời làm việc với Bộ đội Biên phòng để làm rõ trách nhiệm của các bên. Quy định mới sẽ tránh xảy ra tình trạng DN phải làm việc với nhiều cơ quan quản lý tại cửa khẩu.
Tổng cục Hải quan dự kiến bổ sung nội dung này tại khoản 3 Điều 14 dự thảo Nghị định: Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm chủ trì làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh; các cơ quan chức năng khác có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Hải quan trong việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, phương tiện XNC và không được yêu cầu người khai hải quan xuất trình hồ sơ hải quan, hàng hóa XNK, phương tiện XNC để kiểm tra.
Trường hợp các cơ quan chức năng khác tại cửa khẩu phát hiện hoặc có thông tin vi phạm đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC đã hoàn thành thủ tục hải quan thì phải thông báo cho cơ quan Hải quan để quyết định và chủ trì việc kiểm tra, giám sát. Các cơ quan chức năng khác có trách nhiệm phối hợp khi có yêu cầu của cơ quan Hải quan.(HQ)