Đến lượt Lazada Việt Nam đang rao bán?
Thái Lan chấm dứt áp thuế thép cán nóng của Việt Nam
Doanh nghiệp Đồng Nai kêu bị làm khó
Ngân hàng mập mờ thông tin gói 30.000 tỷ sẽ bị xử lý
Kiều hối sẽ tăng theo bất động sản?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-03-2016
- Cập nhật : 11/03/2016
Trung Quốc: Từ "công xưởng thế giới" đến những "xác sống"
Sau nhiều thập kỷ trở thành "công xưởng" của cả thế giới, công suất dư thừa của các ngành công nghiệp tại Trung Quốc đang gây hại cho nền kinh tế nước này...
"Cung cấp quá mức là một vấn đề toàn cầu và đòi hỏi những nỗ lực hợp tác của tất cả các nước", Cao Hổ Thành, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 23 tháng 2 tại Bắc Kinh.
Cung cấp quá mức là một vấn đề toàn cầu, nhưng không hoàn toàn theo cách ông Gao ngụ ý. Thực tế, chính hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn ngập khắp thế giới, góp phần tạo áp lực giảm phát và đe dọa các nhà sản xuất trên thế giới.
Ví dụ, công suất dư thừa của Trung Quốc trong ngành thép lớn hơn so với toàn bộ sản lượng thép của Nhật Bản, Mỹ và Đức cộng lại. Theo Công ty Tư vấn Rhodium Group, sản lượng thép toàn cầu tăng 57% trong năm 2014, và các nhà máy Trung Quốc chiếm 91% của mức tăng này. Tình trạng cũng tương tự trong nhiều ngành công nghiệp khác. Theo chuyên gia Ying Wang của Công ty Xếp hạng tín dụng Fitch, khoảng hai tỷ tấn than sẽ được khai thác trong hai năm tiếp theo tại Trung Quốc.
Theo báo cáo của Liên minh Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, dư thừa công nghiệp tại nước này đã tăng từ năm 2008. Phần lớn tình trạng này xuất phát từ bong bóng bất động sản của Trung Quốc trong những năm gần đây, với nhiều "thành phố ma" mọc lên.
Đầu tư quá mức trong nhiều ngành công nghiệp tích tụ và đến nay trở thành nguy cơ bùng nổ. Tình trạng này đã khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và trở thành những "xác sống".
Deutsche Bank ước tính một phần ba các công ty đang vay nợ để trả nợ khoản vay hiện tại là trong các ngành công nghiệp. Lợi nhuận trên tài sản của doanh nghiệp nhà nước, trong đó thống trị ngành công nghiệp nặng, bằng một phần ba tại các công ty tư nhân, và một nửa so với các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.
Tin tốt là Trung Quốc đã công khai thừa nhận có vấn đề về dư thừa năng suất làm mất cân đối nền kinh tế 1,4 tỷ dân này. Chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường gần đây đã tuyên bố "đối phó với dư thừa là một ưu tiên quốc gia", sẽ sớm đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tin xấu là ba trong số những giải pháp mà Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi chỉ làm tình hình tồi tệ hơn.
Đó là giải pháp xuất khẩu càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt lượng hàng hóa dư thừa. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc giữ lời hứa không giảm nhân dân tệ hơn nữa, sự tràn ngập của hàng hóa giá rẻ made in China tại nhiều thị trường đã trở nên trầm trọng. Chính phủ Mỹ đã áp đặt thuế đối kháng và thuế đối với nhiều loại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ấn Độ đang lo lắng trước, hụt thương mại gia tăng với Trung Quốc. Mới đây, người biểu tình Brussels đã đổ xuống đường phản đối hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một giải pháp khác là kích thích nhu cầu trong nước bằng cách nới tín dụng. Trong tháng 1, tín dụng đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm: các ngân hàng Trung Quốc mở rộng thêm 385 tỷ USD của các khoản vay mới. Nhưng thực tế, vay nợ nhiều sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng của các công ty nhà nước.
Giải pháp thứ ba là tăng cường hợp nhất giữa các công ty nhà nước nhưng thực tế có rất ít bằng chứng về kết quả của giải pháp này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng đến giải pháp ngăn chặn luồng tín dụng giá rẻ và trợ cấp nước, năng lượng cho các công ty nhà nước, đồng thời đóng cửa các công ty không hiệu quả.
Giải pháp này trái ngược với mong muốn của các quan chức địa phương (đang kiểm soát gần 150.000 công ty quốc doanh). Bởi vì, nhiều địa phương vẫn muốn ăn vào ngân sách nhà nước và không muốn đóng cửa doanh nghiệp vì lo ngại nguy cơ bất ổn xã hội phát sinh từ nạn thất nghiệp.
Trong những năm 1990, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mạnh tay cải cách doanh nghiệp nhà nước và cắt giảm công suất. Để đáp ứng mối quan tâm hiện nay, chính phủ trung ương có thể tài trợ rộng rãi hơn cho chính quyền các địa phương để bù đắp tổn thất các khoản thất thu thuế phát sinh từ phá sản, và cũng tăng cường trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng. Vấn đề là nếu các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc có can đảm để thực hiện chính sách này.
Tập đoàn đứng sau thương hiệu thời trang Zara có kế hoạch mở cửa hàng ở Việt Nam trong năm nay
Trong năm ngoái Inditex đã mở 330 cửa hàng, nâng tổng con số lên hơn 7.000 cửa hàng xuất hiện ở 88 thị trường.
Inditex – tập đoàn bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới sở hữu các thương hiệu Zara và Bershka – vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2015 đầy khả quan.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Inditex là 3,74 tỷ euro, tăng 8,5% so với năm trước đó. Inditex được hưởng lợi nhờ đồng euro giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.
Trong năm ngoái Inditex đã mở 330 cửa hàng, nâng tổng con số lên hơn 7.000 cửa hàng xuất hiện ở 88 thị trường.
Công ty cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng tích cực và cải tiến chiến lược bán hàng trực tuyến trên toàn cầu. Inditex có kế hoạch mở cửa hàng ở Việt Nam, New Zealand, Paraguay, Aruba và Nicaragua trong năm nay.
Với những thiết kế đơn giản nhưng tinh tế và tiện dụng, Zara là nhãn hiệu được người Việt ưa chuộng.
Nhập khẩu gia cầm Trung Quốc: Phải có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh
Dù vậy, người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng trên cả nước vẫn lo ngại về sản phẩm gia cầm, đặc biệt là phụ phẩm như chân, cánh, mề gà… tạm nhập tái xuất bị tuồn ngược trở lại Việt Nam tiêu thụ và được hợp pháp hóa bằng hàng nhập chính ngạch.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, việc thông thương giữa các nước thì không thể “ngăn sông cấm chợ”, nhưng quan trọng phải có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để siết hàng nhập khẩu, để kiểm soát tình trạng lập lờ, lợi dụng thương mại để hợp pháp hóa hàng lậu, hàng kém chất lượng.
Ông Trần Duy Khanh nêu quan điểm: “Chúng tôi đã kiến nghị, phải có quy định về hạn sử dụng, cụ thể như với gà đông lạnh nguyên con hạn sử dụng tối đa là 6 tháng, các sản phẩm như chân, cánh, đùi, hạn sử dụng tối đa là 4 tháng, nhưng không được cơ quan chức năng hồi âm”.
Thực tế, lo ngại của ông Trần Duy Khanh cũng như hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam không phải là không có cơ sở, khi trung bình mỗi năm có khoảng 3 triệu tấn sản phẩm gia cầm tạm nhập tái xuất qua Việt Nam để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, không ít số hàng hóa này đã bị phát hiện tuồn trở lại Việt Nam tiêu thụ. “Việc thúc đẩy này rất dễ tạo “cửa” cho hàng tạm nhập tái xuất vào Việt Nam”, ông Trần Duy Khanh nhìn nhận.
Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, Cục Thú y nên thảo luận, lấy ý kiến của các doanh nghiệp chăn nuôi, các Hội Chăn nuôi gia cầm địa phương. Đặc biệt, cần có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh, quản lý tốt để kiểm soát được nguồn hàng nhập, tránh tình trạng hàng tạm nhập tái xuất lập lờ.
Hoạt động buôn bán gia cầm qua biên giới 2 nước là bất hợp pháp
Cục Thú y khẳng định, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước.
Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bất hợp pháp qua biên giới hai nước vẫn đã và đang diễn ra.
Ngân sách: Thu khó, nhu cầu chi lớn
Dựa trên tính toán tăng trưởng kinh tế 5 năm tới 6,5-7%, GDP theo giá thực tế giai đoạn này 30,6-31 triệu tỷ đồng, Bộ Tài chính đã tính toán bức tranh NS theo kịch bản dựa trên các yếu tố, trong đó có giá dầu. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, sản lượng khai thác dầu thô khoảng 62,3 triệu tấn (giảm 12 triệu tấn so với giai đoạn 2011-2015); giá dầu bình quân 45USD/thùng, trong đó 2016 là 30-35USD/thùng, năm 2020 khoảng 50-60USD/thùng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận với những diễn biến giá dầu hiện nay, mức 40USD/thùng phù hợp hơn.
Bởi giá dầu giao năm 2016 dao động quanh ngưỡng 30USD/thùng, cùng các dự báo đều cho rằng giá dầu 2016-2017 sẽ duy trì ở mức thấp do chênh lệch cung cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo giá dầu thô năm 2016 xấp xỉ 30USD/thùng, năm 2017 gần 36USD/thùng, bình quân 2016-2020 gần 39USD/thùng. Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo giá dầu thô 2016 là 37USD/thùng và 2016-2020 là 37-38USD/thùng... Các ngân hàng lớn như Morgan Stanley, Goldman Sachs dự báo giá dầu thô 2016 chỉ ở mức 20-25USD/thùng.
Từ tính toán trên, Bộ Tài chính dự báo thu NSNN giai đoạn 2016-2020 hơn 6,7 triệu tỷ đồng (bằng 1,6 lần giai đoạn 2011-2015), trong đó có 450.000 tỷ đồng dự kiến tăng do điều chỉnh chính sách thu. Tỷ lệ huy động bình quân so với GDP khoảng 21,8%, trong đó thuế, phí khoảng 20,2% GDP (thu nội địa hơn 5,7 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng thu nội địa trừ đất bình quân hàng năm tăng 15,8%/năm - chiếm bình quân 85% tổng thu NSNN). Thu từ dầu thô 180.000 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 823.000 tỷ đồng, thu viện trợ 15.000 tỷ đồng.
Về tổng chi giai đoạn 2016-2020 dự kiến gần 8 triệu tỷ đồng. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển 1,9 triệu tỷ đồng (bao gồm 260.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ, từ tiền sử dụng đất 8.000 tỷ đồng). Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, Chính phủ kiến nghị cho phép sử dụng thêm 150.000 tỷ đồng từ tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp.
Nếu cộng với 100.000 tỷ đồng đã trình Trung ương cho phép trước đó, con số bổ sung này là 250.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi đầu tư phát triển từ NSNN khoảng 2,1 triệu tỷ đồng, bằng 25,6% tổng chi NSNN. Về bội chi NSNN, bình quân 5 năm khoảng 4% GDP (Trung ương bội chi 3,5% GDP, địa phương 0,5% GDP), tương đương số tuyệt đối 1.193.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn chi đầu tư phát triển như trên chỉ là định hướng trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, bởi còn phụ thuộc nhiều vào khả năng thu của NSNN, tiến độ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp hàng năm. Các khoản chi khác, theo tính toán chi trả nợ viện trợ không bao gồm nợ gốc giai đoạn 2017-2020 là 706.000 tỷ đồng; chi thường xuyên bao gồm cả chi cải cách tiền lương gần 5,1 triệu tỷ đồng, trong đó chi cải cách tiền lương dự kiến tăng 5-7%/năm...
Để thu - chi đúng dự tính, theo Bộ Tài chính, giai đoạn này cần hạn chế tối đa ban hành chính sách mới làm tăng chi NSNN; thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ công để tạo bước đột phá cho nguồn cải cách tiền lương, nhằm cơ cấu lại chi NSNN trong từng lĩnh vực. Trường hợp giá dầu bình quân giai đoạn 2016-2020 là 40USD/thùng thì tổng thu NSNN sẽ giảm khoảng 47.000 tỷ đồng, theo đó bố trí chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương sẽ giảm tương ứng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, giai đoạn 2016-2020, bội chi theo Luật NSNN 2015 bình quân 4% GDP và đến năm 2020 còn 3,1% GDP. Để làm được điều này, mỗi năm nợ công sẽ phải giảm 0,2%. Bổ sung cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trấn an, những tính toán về nợ công, bội chi dựa trên kịch bản về tăng trưởng GDP trong 5 năm tới tăng 6,5-7% thì tổng GDP 5 năm tới là 31 triệu tỷ đồng. Việc đưa bội chi bình quân 5 năm 4% GDP và còn 3,1% GDP vào năm 2020 là có thể được.
Để làm được điều này cần phải nỗ lực rất nhiều trong bối cảnh yêu cầu bội chi giảm mạnh nhưng nhu cầu đầu tư lại nhiều. Đó là trong thu ngân sách phải khắc phục ngay những tồn tại, như công tác xây dựng dự toán thu ngân sách ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa sát với thực tiễn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá dẫn đến thất thu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn phổ biến; nợ đọng thuế còn lớn và luôn tăng cao… Trong chi ngân sách, phải chấm dứt tình trạng bố trí kinh phí dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định, nhiều dự án vay ưu đãi của nước ngoài phải gia hạn, điều chỉnh kế hoạch và tiến độ rất chậm…
Thị trường bảo hiểm tăng trưởng 34% ngay tháng đầu năm
Kết quả trên cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ngay từ những ngày đầu năm 2016.
PVI Sun Life "soán ngôi" Prudential
Theo Cục QLBH, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong tháng 1/2016 ước đạt 1.242 tỷ đồng, tăng 69,37% so với cùng kỳ.
Thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới có sự xáo trộn mạnh so với cuối năm 2015.PVI Sun Life từ vị trí thứ 6 (cuối năm 2015) đã vươn lên giành vị trí dẫn đầu ngay trong tháng đầu của năm 2016, với 25,46% thị phần, Prudential lùi về vị trí thứ hai thay vì vị trí dẫn đầu thị trường cuối năm 2015, với 15,79% thị phần; vị trí thứ ba thuộc về Bảo Việt Nhân thọ, với 15,1% thị phần; Manulife đứng vị trí thứ 4, vị trí thứ 5 thuộc về AIA. Dai- ichi rời khỏi top 5 đứng ở vị trí thứ 6 với 8,52% thị phần...
Cũng theo Cục QLBH, về nghiệp vụ, các nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới, trong đó bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 53,46%, bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 32,33%...
Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) đạt 5.681.628 tỷ đồng, tăng 12,5 % so với cùng kỳ năm 2015.
Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ thángđầu năm 2016ướcđạt 3.045 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.
Bảo hiểm phi nhân thọ tỷ lệ bồi thường ở mức thấp
Cũng theo số liệu của Cục QLBH, trong lĩnh vực phi nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc tháng 1/2016 ước đạt 3.911,45 tỷ đồng, tăng 25,97% so với cùng kỳ.
Về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc thị trường bảo hiểm phi nhân thọ không có sự xáo trộn. Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốcvẫn làBảo hiểm PVI với doanh thu đạt 913,25 tỷ đồng, tăng 29,93% so với cùng kỳ, chiếm thị phần 23,35%. Tiếp đến là Bảo hiểm Bảo Việt (732,40 tỷ đồng, tăng 18,09%, chiếm thị phần 18,72%),Bảo hiểm Bảo Minh (329,48 tỷ đồng, giảm 14,94%, chiếm thị phần 8,42%), Bảo hiểm PTI (313,98 tỷ đồng, tăng 50,61%, chiếm thị phần 8,03%), Bảo hiểm PJICO (201,51 tỷ đồng, tăng 10,26%, chiếm thị phần 5,15%)...
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, ước đạt 1.185,03 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,3%, tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe, ước đạt doanh thu 997,34 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,5%, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (758,23 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,38%)...
Nhìn lại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tháng đầu năm có thể thấy, bên cạnh kết quả tăng trưởng doanh thu ấn tượng, thị trường cũng ghi nhận tỷ lệ bồi thườngở mứcthấp.
Cụ thể, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tháng 1/2016ước đạt 762,46 tỷ đồng; tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 19,49% thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2015 (24,91%).
16/30 DNBH và chi nhánh DNBH nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 14 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó chỉ có duy nhất 1 DNBH có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Phú Hưng (60,36%).
Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng của thị trường bảo hiểm, hỗ trợ các DNBH phát triển mạnh mẽ trong năm 2016 và những năm tới, Cục QLBH đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo 2 nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh bảo hiểm, trong đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính như: Hệ thống công nghệ thông tin, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, hoạt động đầu tư, việc đăng ký sản phẩm bảo hiểm…, nhằm tạo điều kiện để DNBH phát triển ngày càng bền vững.