Nợ công đã vượt 62% GDP
Loạn nông sản sạch, lạ trên mạng
Giá thép tăng mạnh
Dệt may sẽ rơi vào tay nước ngoài?
Hàng loạt thủy điện phải ra khỏi thị trường điện cạnh tranh
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 13-03-2016
- Cập nhật : 13/03/2016
Gót chân Asin ngành sữa từ chuyện ông Thăng bà Liên
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp thu mua sữa lớn nhất Việt Nam. Nhưng Vinamilk không thể một tay ôm cả bầu trời!
Một cuộc tổng rà soát trên quy mô lớn trong ngành sản xuất chăn nuôi bò sữa được cơ quan nông nghiệp của TPHCM đưa ra sau cuộc họp đối thoại giữa Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bà Mai Kiều Liên.
Trên website của UBND TPHCM ngày hôm nay vừa đăng tải thông tin “Tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình chăn nuôi bò sữa”. Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê lại tổng đàn bò sữa và số hộ chăn nuôi bò.
Gỡ khó là cần... nhưng Vinamilk không thể một tay ôm cả bầu trời
Một yêu cầu ngắn gọn được đặt ra, nhưng rất cụ thể là cơ quan chức năng còn phải đánh giá được quy mô chăn nuôi bò sữa, chi tiết từng đàn bò đang vắt sữa, sản lượng sữa khai thác, thu mua hàng ngày của các doanh nghiệp, số hộ dân chưa ký hợp đồng thu mua sữa và số hộ tự sản xuất tiêu thụ.
Đáng chú ý là cơ quan chức năng phải đưa ra được đề xuất, giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình chăn nuôi bò sữa trong việc tiêu thụ sản phẩm sữa trên địa bàn.
Nhớ lại, cuộc đối thoại giữa Bí thư Đinh La Thăng và vị thủ lĩnh của một doanh nghiệp sữa lớn nhất nhì Việt Nam, trước đề xuất bà con có thể góp bò cho Vinamilk được không, bà Mai Kiều Liên đã thẳng thắn khẳng định việc đóng góp còn phải dựa trên cơ sở thẩm định về năng lực và chất lượng đàn bò.
Đồng thời, bà Liên còn khẳng định rằng với quy mô chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ và năng suất sữa như hiện nay, Vinamilk không thể cứ mãi thu mua sữa cho bà con với giá cao vì không thể cạnh tranh.
Những quan điểm của Tổng giám đốc Vinamilk – người có vài chục năm lăn lộn với ngành sữa, đã thuyết phục được Tân Bí thư Thành ủy TPHCM. Dù là giải quyết khó khăn, nhưng vẫn phải theo thị trường, do thị trường quyết định chứ không thể chỉ bằng những mệnh lệnh hành chính.
“Đắng lòng” vì chăn nuôi bò sữa không còn là chuyện mới không chỉ với người dân Củ Chi mà còn trên cả nước. Còn nhớ năm ngoái, chuyện nông dân ồ ạt đổ sữa tươi ra đường do doanh nghiệp không thu mua, tràn ngập khắp các mặt báo, trải dài từ Hà Nội, Lâm Đồng, và cả TPHCM.
Chuyện không thể tiêu thụ được sữa tươi, cho dù nước ta hàng năm chi ra cả tỷ USD để nhập sữa bột về làm sữa hoàn nguyên, dường như trở nên… bế tắc. Vinamilk được xem là doanh nghiệp thu mua sữa lớn nhất Việt Nam, khi ký hợp đồng với khoảng 8000 hộ nông dân. Thế nhưng, con số này vẫn chưa thấm vào đâu, so với 17.828 hộ chăn nuôi trên cả nước.
Trở lại câu chuyện giải quyết khó khăn cho bà con chăn nuôi sữa ở Củ Chi, được biết ngay sau đó doanh nghiệp này đã thu mua toàn bộ sữa cho bà con. Nhưng sự nỗ lực của doanh nghiệp này, có thể chỉ là giải quyết trước mắt, còn về lâu dài thì Vinamilk chắc chắn không thể “ôm” mãi, nếu như chất lượng đàn bò và sữa tươi của người dân Củ Chi không được cải thiện, không giảm giá thành.
Bởi vậy mà dù Vinamilk có là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam, có hệ thống kết nối và thu mua sữa lớn nhất với người nông dân, nhưng Vinamilk cũng không thể một tay ôm cả bầu trời, lo hết chuyện tiêu thụ sữa cho các hộ chăn nuôi.
Tia sáng cho ngành sữa?
Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ là đặc trưng cơ bản của ngành sữa Việt Nam khi có tới 72,2% hộ có quy mô dưới 10 con. Chỉ có 2,2% hộ có quy mô 40 – 50 con và 0,9% hộ chăn nuôi từ 50 con trở lên. Bởi vậy mà việc giải quyết tiêu thụ sữa cho người nông dân, liên kết với doanh nghiệp để chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, nâng cao chất lượng và giảm giá thành, không phải là chuyện dễ.
Trong cuộc chơi toàn cầu, người chăn nuôi bò sữa hay Vinamilk và các doanh nghiệp không thể mang theo hành trang với một hệ thống trang trại nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, chất lượng không đảm bảo mà giá thành thì gấp rưỡi so với quốc tế. Người nông dân phải liên kết doanh nghiệp, hay chính họ phải liên kết lại với nhau, nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Và doanh nghiệp cũng không thể tồn tại, nếu như không chuẩn hóa quy trình chất lượng sản xuất, không thể gắn kết với người sản xuất để hướng đến mô hình sản xuất chất lượng cao, giảm giá thành, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Bởi vậy, những đối thoại thẳng thắn, thiết thực của Bí thư Thăng và lãnh đạo Vinamilk, cùng những chỉ đạo vừa được UBND thành phố này đưa ra, hy vọng sẽ mở ra tia sáng mới cho ngành sữa và người nông dân trong chuyện tiêu thụ và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Dự báo CPI tháng 3 sẽ tăng nhẹ
Theo dự báo mới đưa ra của Cục Quản lý giá (Bộ Tàu chính), tháng 03/2016 có nhiều yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá; do đây là tháng sau Tết thị trường hàng hóa tiếp tục dần trở lại bình thường, giá cả các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm có khả năng giảm nhẹ, nhóm giao thông tiếp tục giảm do giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 18/02 và có đợt giảm giá của giá cước vận tải …
Ngoài ra, chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương; đồng thời các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan... sẽ góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá được điều chỉnh tăng theo lộ trình như giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục... cũng sẽ tác động lên mặt bằng giá. Trong nhóm các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được Cục Quản lý giá dự báo, hầu hết giá cả đều ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm nhẹ sẽ giảm sức ép lên mặt bằng giá của tháng này.
Khác với xu hướng tăng giá trong tháng Tết Nguyên đán, trong thời gian tới, dự báo giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ có xu hướng giảm nhẹ ở hầu hết các mặt hàng.
Đối với mặt hàng phân bón, dự báo nhu cầu sẽ tăng cùng với ảnh hưởng của giá thế giới tăng nhẹ, tuy nhiên do nguồn cung vẫn dồi dào nên giá phân bón trong nước sẽ ổn định.
Đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mặt hàng có ảnh hưởng tới xấp xỉ 10 triệu trẻ em trong nước, được dự báo vẫn tiếp tục ổn định như các tháng trước đó.
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý giá, tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương đã công bố giá tối đa, giá đăng ký và giá kê khai của 808 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Ở vào thời điểm đầu năm, giá hai loại vật liệu xây dựng chủ yếu là xi măng và sắt thép được dự báo sẽ cơ bản ổn định.
Đáng chú ý, giá xăng dầu thế giới tháng 03/2016 dự báo biến động mạnh, xu hướng chưa rõ ràng. Đối với mặt hàng gas (LPG), do nguồn cung ổn định và diễn biến của giá dầu trong thời gian qua nên giá LPG thế giới dự báo sẽ tăng nhẹ trong tháng này. Giá thị trường trong nước cũng sẽ điều chỉnh tương ứng mức tăng của giá CP (hợp đồng) thế giới.
Giá dầu thế giới đầu tháng 02/2016 có xu hướng biến động phức tạp và tăng nhẹ trở lại là do có nhiều nguồn thông tin cho rằng các nước thuộc tổ chức OPEC đang cân nhắc cắt giảm sản lượng khai thác. Nội bộ các nước OPEC cũng được cho rằng đã đạt được đồng thuận về giải pháp giúp giá dầu tăng trở lại.
Đầu tháng 03/2016, trong bản tin công bố một số thông tin thị trường hàng hóa của Bộ Công Thương, Bộ này cũng dự báo, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ dần trở lại bình thường sau đợt Tết Nguyên đán và các ngày lễ hội sau Tết, giá các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm sẽ giảm, nhóm giao thông tiếp tục giảm…, tuy nhiên do một số loại hàng hóa dịch vụ do nhà nước quản lý giá tăng theo lộ trình (như giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện…) nên CPI tháng 3 sẽ vẫn tăng nhẹ so với tháng 2. Cụ thể: cơ quan này dự báo CPI tháng 03/2016 tăng khoảng 0,1%-0,2%./.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2016 tăng 0,42% so với tháng 1-2016. Đây là tháng có CPI tăng cao so với tháng trước kể từ tháng 10/2015 trở lại đây.
2 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng 2 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của Singapore trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt gần 469 triệu USD, dẫn đầu các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo đó, Singapore có 30 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 435 triệu USD. Ngoài ra, có 6 dự án của Singapore tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 33,8 triệu USD. Tính lũy kế đến ngày 20/2/2016, các nhà đầu tư Singapore có 1.569 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 36 tỷ USD và xếp thứ 3/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Quy mô vốn bình quân một dự án củaSingapore khoảng 23 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 13,96 triệu USD/dự án.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút được nhiều nhất dự án của Singapore với 786 dự án và 9,6 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 50% tổng số dự án và 26,71% tổng số vốn đăng ký của Singapore tại Việt Nam). Hà Nội đứng thứ hai với 249 dự án và 4,6 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 16% tổng số dự án và 12,8% tổng số vốn đăng ký của Singapore tại Việt Nam). Quảng Nam đứng thứ ba với 6 dự án và khoảng 4 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 11,3% tổng số vốn đăng ký của Singapore tại Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên cũng là những tỉnh thành phố thu hút được nhiều dự án của Singapore.
Xét về lĩnh vực đầu tư, các dự án của Singapore chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 481 dự án và 15,6tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 30,65% tổng số dự án và 43,47% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam). Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 80 dự án và 10,8 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 5% tổng số dự án và 29,95% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam).
Các ngành nghệ thuật vui chơi giải trí, xây dựng, vận tải kho bãi cũng thu hút nhiều vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Các ngành này đều có tổng vốn đầu tư lần lượt là 1,8 tỷ USD, 1,7 tỷ USD và 1,4 tỷ USD
Nhìn chung, vốn đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư Singapore vào Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Các dự án đầu tư của Singapore hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.163 dự án và 23,4 tỷ USD (chiếm 74% tổng số dự án và 65% tổng vốn đăng ký của Singapore tại Việt Nam). Còn lại là theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh
Tập đoàn IKEA muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
Ngày 04/03/2016, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đã có buổi tiếp ông Christian Rojkjaer, Giám đốc điều hành Tập đoàn IKEA.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trung cho biết hiện nay có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổđầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 280 tỷ USD. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hướng tới những ngành lĩnh vực ít sử dụng tài nguyên, khoáng sản, đất đai, ưu tiên những ngành công nghệ cao, năng lượng sạch…
Thứ trưởng cho rằng với sự phát triển của Việt Nam hiện nay, việc phát triển các khu đô thịmới, khu dân cư, văn phòng là điều kiện tốt cho sự đầu tư, phát triển của tập đoàn IKEA tại Việt Nam. Nhu cầu đồ gỗ truyền thống, giả cổ, sử dụng gỗ tự nhiên của Việt Nam hiện đang giảm dần, thay vào đó là thị hiếu chuộng đồ nội thất hiện đại, hoàn toàn phù hợp với dòng sản phẩm của IKEA.
Giới thiệu tập đoàn IKEA, ông Christian Rojkjaer, Giám đốc điều hành Tập đoàn cho biết, hiện nay tại Việt Nam IKEA đã thực hiện các khâu thu mua, sản xuất, gia công sản phẩm, sau đó xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.
Thời gian tới, tập đoàn IKEA mong muốn đẩy mạnh đầu tư, thiết lập một loạt các văn phòng đại diện, cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của Tập đoàn, qua đó chính thức xây dựng hệ thống bán lẻ của IKEA tại Việt Nam.
Tập đoàn IKEA cam kết sẽ mang lại những sản phẩm nội thất có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm cho người dân Việt Nam và là cầu nối giúp các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà bán lẻ khác quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ông Christian Rojkjaer mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan Việt Nam trong quá trình hợp tác đầu tư./.
IKEA (Ingvar Kamprad Elmtaryd Agunnaryd) được thành lập năm 1943 bởi một thanh niên 17 tuổi, Ingvar Kamprad sống ở Thụy Điển, tên gọi IKEA bắt nguồn từ các chữ cái đầu của tên của người sáng lập (Ingvar Kamprad), các trang trại, nơi ông đã lớn lên (Elmtaryd) và giáo xứ nhà mình (ở Agunnaryd, trong Småland, Nam Thụy Điển). IKEA là nơi tiêu thụ gỗ lớn thứ 3 thế giới sau The Home Depot và Lowe’s. Hiện tại, IKEA có 370 cửa hàng tại 47 quốc gia. Hãng này hiện cũng là tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới. Tại khu vực Đông - Nam Á, IKEA mới chỉ có mặt chính thức Singapore, Malaysia, Thái-lan.
2 tháng đầu năm thu hút FDI đạt 2,803 tỷ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2016 nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,803 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2015.
Cụ thể, tính đến ngày 20/2/2016 cả nước có 291 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,905 tỷ USD, tăng 167,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đến 20/02/2016, có 137 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 898 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2015.
Chỉ tính riêng trong tháng 2/2016, vốn cấp mới và tăng thêm là 1,469 tỷ USD.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt 16,539 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 69,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong tháng 2/ 2016 xuất khẩu của khu vực này đạt 6,794 tỷ USD.
Xuất khẩu không kể dầu thô trong 2 tháng đầu năm đạt 16,289 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2015.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt 13,577 tỷ USD, bằng 92,3% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 59,5% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2016, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 2,962 tỷ USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 142 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,99 tỷ USD, chiếm đến 71,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 2 tháng đầu năm. Với 1 dự án lớn tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí đứng thứ hai, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải với 3 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 161 triệu USD, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 36 tỉnh thành phố trong 2 tháng đầu năm 2016, trong đó Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 14 dự án cấp mới và 25 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 494 triệu USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 287,6triệu USD, chiếm 10,2%. Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 252,3 triệu USD chiếm 9% tổng vốn đầu tư.
2 tháng đầu năm 2016 có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 468,9 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 384 triệu USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 285,5 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư.
Tính đến ngày 20/02/2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015./.