tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-03-2016

  • Cập nhật : 14/03/2016

Nợ công đã vượt 62% GDP

Nợ công của Việt Nam hiện đã trên 62% GDP, chỉ còn cách ngưỡng an toàn gần 3%, trong đó, nợ Chính phủ là một nguy cơ khi chiếm tới hơn 50%. 

Ngày 13-3, trong buổi tiếp xúc cử tri lần cuối cùng trên cương vị là ĐBQH khóa XII tại Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết như trên.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết nợ công của Việt Nam tăng cao trong bối cảnh thế giới khủng hoảng tài chính công. “Thu ngân sách hiện không đủ chi nên chúng ta phải vay để trả nợ cũ. Nhưng chúng ta không thể vay nhiều được nữa, việc phát hành trái phiếu Chính phủ được khống chế. Năm năm nữa, Việt Nam cần phải phát huy nội lực để phát triển”- ông Nhân nói.

chu tich nguyen thien nhan nghe kien nghi cua cu tri bac giang

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nghe kiến nghị của cử tri Bắc Giang

Theo ông Nhân, năm năm vừa qua, bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, giá dầu chỉ còn khoảng 30 USD/thùng khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có Việt Nam. “Những khó khăn này chúng ta không dự kiến được” - ông Nhân nói.

Tuy nhiên, ông Nhân cho hay Việt Nam đã kiềm chế lạm phát khá tốt, chỉ còn 0,6%. “Đây là thành tựu quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng năm 2015 đã đạt 6,68%, cao nhất trong vòng  bảy năm qua”.

Về nông dân và nông thôn, thu nhập của người nông dân chỉ bằng 1/4 thu nhập của người làm công nghiệp, dịch vụ. Vì thế, đời sống nông thôn còn chênh lệch rất nhiều so với đô thị. "Dù rằng tỉ lệ nghèo chỉ còn dưới 5%, thu nhập đầu người đã đạt 2.200 USD/năm, 75% người dân có bảo hiểm y tế, tuy nhiên Nhà nước vẫn còn phải hỗ trợ nhiều", ông Nhân nhận định.


Loạn nông sản sạch, lạ trên mạng

Hiện nay, trên các diễn đàn online, mạng xã hội facebook xuất hiện rất nhiều tài khoản rao bán đủ loại nông sản sạch, thực phẩm hữu cơ.

Tuy nhiên, do chủ yếu mua bằng… niềm tin nên nhiều khi khách hàng phải trả giá cao mà chất lượng sản phẩm thì không biết đâu mà lần.

Tâm lý lo ngại sản phẩm nông sản nhiễm hóa chất độc hại, trong khi hệ thống phân phối nông sản sạch còn manh mún, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã tạo điều kiện cho hàng loạt gian hàng nông sản sạch trên các diễn đàn, mạng xã hội đắt khách.

Thử gõ những cái tên như Nông sản sạch; Nông sản sạch – Đặc sản các vùng miền; Mua rau sạch; thực phẩm hữu cơ, cam Cao Phong…, người dùng có thể thấy rất nhiều kết quả liên quan. Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào cũng cung cấp cho khách sản phẩm thật sự sạch như lời mời chào.

Từng thất vọng khi mua nông sản sạch trên mạng xã hội facebook, chị Lê Thị Trinh, phố Hào Nam, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Có lần chị bạn giới thiệu cho một địa chỉ bán nông sản sạch trên mạng nổi tiếng đắt khách, tôi đã đặt mua. Tuy nhiên, lúc nhận hàng thì thấy rất ấm ức, giá cao gấp đôi, gấp ba ngoài thị trường mà phải mua từ 5kg mới được giao hàng tại nhà, nhưng tất cả các sản phẩm này đều không tem nhãn”.

Hôm đó, chị Trinh đã mua 2kg cải ngọt giá 60.000 đồng; quả su su 20.000 đồng/kg; cà rốt 30.000 đồng/kg; hồng Bảo Lâm 90.000 đồng/kg. Khi nhận hàng, các loại rau củ đều được bỏ trong túi nylon, không tem nhãn, địa chỉ cung cấp... nên chị Trinh hết sức băn khoăn về nguồn gốc nông sản.

nguoi dan chon mua thanh long vietgap tai hoi cho agroviet do bo nnptnt to chuc.

Người dân chọn mua thanh long VietGAP tại Hội chợ AgroViet do Bộ NNPTNT tổ chức.

Dạo qua một vòng mạng facebook, hay những trang mua sắm trực tuyến, diễn đàn online, chúng tôi thấy xuất hiện nhan nhản những địa chỉ rao bán rau củ, thực phẩm sạch hoặc trái cây đặc sản như cà chua đen, cam Cao Phong, dâu tây Đà Lạt, thịt lợn sạch VietGAP, nho Mỹ hay cam Úc giảm giá 30%…

Thậm chí để tăng độ tin cậy, người bán còn quảng cáo đây là rau nhà trồng, cam lấy từ vườn của nhà chị họ, hay thịt lợn thịt gà bố mẹ ở quê nuôi… Đặc biệt là khi cà chua đen xuất hiện trên thị trường, dù không rõ công dụng của loại cà chua này thần kỳ tới đâu, song nhiều bà nội trợ háo hức đặt hàng.

Giá của loại cà chua này tại thời điểm mới xuất hiện được rao bán 140.000 đồng/kg, cao gấp cả chục lần loại cà chua đỏ thông thường nhưng vẫn cháy hàng. Trong khi theo tìm hiểu của PV, giá thực được các đầu mối thu mua tại nhà vườn trên Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.

Bản thân tôi cũng đã đặt mua thử 5kg cam Cao Phong với giá 45.000 đồng/kg trên mạng xã hội facebook, người bán có nickname …vietlinh khẳng định: “Hàng sạch 100%, tự tay đi nhập tại vườn của người dân ở Cao Phong (Hòa Bình). Do không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên cam quả nhỏ, mã xấu, nhưng ăn thì ngon ngọt tuyệt vời”.

Tuy nhiên, khi tôi nhận hàng, những quả cam đều để trong túi nylon không hề có nhãn mác, không rõ xuất xứ, trông hình thức cũng na ná cam Vinh. Tôi hỏi thì người bán trấn an: “Em ăn thì biết, em toàn bán cho khách quen. Chẳng mấy khi gặp được vườn cam sạch thế này đâu chị. Em bán để lần sau còn gặp lại chứ không bán cho khách chạy, tin nhau là chính chị ạ”.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thị trường nông sản sạch ở Việt Nam chưa có hệ thống sản xuất và phân phối đồng nhất. Giá nông sản sạch cũng khá cao nên kén người mua. Bản thân các nhà cung cấp nông sản sạch cũng gặp nhiều thách thức vì giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Hơn nữa, những người kinh doanh sản phẩm nông sản sạch chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa mạnh dạn đầu tư khâu đóng gói nên tình trạng giả, nhái tràn lan.

Vì thế, theo ông Phú, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua rau củ quả đúng mùa, sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho gia đình.


Giá thép tăng mạnh

Giá thép cuộn, dài nhập từ Trung Quốc đã tăng thêm hơn 100 USD/tấn, từ 250 USD cuối năm 2015 lên 370-380 USD/ tấn vào đầu tháng 3-2016

Bên cạnh giá thép thế giới tăng, ngày 7-3, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 862 áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài khiến giá mặt hàng này biến động mạnh trong vài ngày qua.

Ngành thép hưởng lợi

Theo quyết định của Bộ Công Thương, mức thuế tạm thời đối với phôi thép là 23,3%, thép dài (thép cuộn và thanh) 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Trong khi trước đó, thuế nhập khẩu đối với phôi thép là 10%, thép dài 0%-5%. Những người am tường thị trường nhận định thời gian tới, giá thép sẽ còn “nhảy múa” vì đến ngày 22-3, thuế suất “tự vệ tạm thời” mới có hiệu lực.

thi truong thep dang bien dong theo huong co loi cho doanh nghiep trong nuoc anh: tan thanh

Thị trường thép đang biến động theo hướng có lợi cho doanh nghiệp trong nước Ảnh: TẤN THẠNH

Chủ một doanh nghiệp (DN) kinh doanh sắt thép có xưởng ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết vài tuần trước, giá thép cây bán ra chỉ 7.000-8.000 đồng/kg nhưng tuần rồi đã chạm mức 10.000 đồng/kg. “Do sợ bán ra ở giá thấp, mua lại giá cao nên mấy ngày qua, tôi tạm ngưng hoạt động để nghe ngóng tình hình” - bà chủ DN này bộc bạch.

Ông Đinh Công Khương - Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, đơn vị nhập khẩu thép Trung Quốc với số lượng lớn - cho biết giá thép cuộn, dài nhập từ Trung Quốc đã tăng thêm hơn 100 USD/tấn, từ 250 USD/tấn vào cuối năm 2015 lên 370-380 USD/tấn vào đầu tháng này.

Nhiều khả năng giá thép sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo ông Khương, giá thép Trung Quốc tăng là do từ cuối năm 2015 đến nay, họ đã cắt giảm mạnh sản lượng vì nguyên nhân về môi trường, chính sách…

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định giá thép nội địa Trung Quốc đã hỗ trợ đà tăng của thị trường toàn cầu.

Theo VSA, nhờ giá thép nhích lên nên sản lượng của các DN thành viên trong tháng 2-2016 đạt 1.168.760 tấn, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tiêu thụ sản phẩm các loại trong tháng 2-2016 đạt 918.995 tấn, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng giảm 12% so với tháng trước. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 178.365 tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 7% so với tháng trước.

Bảo hộ nhiều làm yếu doanh nghiệp trong nước

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt (Pomina), cho biết sau khi có Quyết định 862, giá thép tăng bất thường. Ba nhà máy của Pomina luôn đông nghẹt xe đến mua hàng do nhiều đại lý lo giá thép sẽ tiếp tục tăng.

Mấy ngày qua, lượng xuất bán của Pomina tăng gấp đôi so với những ngày trước. Theo ông Thái, trong thời gian tới, nếu không có chính sách điều chỉnh kịp thời, giá thép sẽ tiếp tục tăng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, cho biết từ đầu năm 2016, thép thế giới đã nhích lên, đặc biệt là thép Trung Quốc. Trước đó, cả năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu một lượng thép lớn với giá rẻ và chấp nhận lỗ đến 15 tỉ USD. Thế nhưng, đầu năm 2016 đến nay, Trung Quốc đã giảm sản lượng khiến giá thép tăng từ sau Tết Nguyên đán. Không loại trừ giá thép trong nước tăng có phần do áp thuế bổ sung.

“Tôi cho rằng giá thép tăng mạnh mấy ngày qua có phần do tâm lý đầu cơ, găm giữ hàng để có được lợi nhuận cao hơn sau ngày 22-3” - ông Sưa nhận định. Theo ông, chỉ trong tháng 1-2016, Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam 326.000 tấn phôi thép và có thể tăng lên 4-5 triệu tấn trong năm 2016. Nếu không phòng vệ, ngành thép trong nước sẽ lao đao.

Ông Đỗ Duy Thái kiến nghị Bộ Công Thương cần xem xét lại mức thuế nhập khẩu mới bởi áp thuế bổ sung thấp hơn, DN trong nước vẫn có thể cạnh tranh với thép của Trung Quốc. “Nếu áp thuế quá cao sẽ ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng và làm giảm năng lực cạnh tranh của DN trong nước khi chúng ta gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” - ông Thái băn khoăn.


Dệt may sẽ rơi vào tay nước ngoài?

Không ít doanh nghiệp dệt may trong nước có nguy cơ “đứng bên lề” nếu không giải được bài toán đầu vào nguyên phụ liệu

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, lợi nhuận thu về lại rất khiêm tốn bởi doanh nghiệp (DN) trong nước đa phần làm gia công và phải nhập 60%-70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc). Nếu cứ nhập nguyên phụ liệu và làm gia công, DN dệt may trong nước sẽ khó tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Vẫn chỉ gia công

Cổ phiếu của Công ty CP May Việt Tiến vừa chính thức được giao dịch trên sàn Upcom, trở thành công ty dệt may lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đúng như dự đoán, cổ phiếu của công ty này đã “cháy hàng” và tăng giá gần 25.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong 2 ngày. Được đánh giá là một trong những DN dệt may hàng đầu Việt Nam, hoạt động chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng may mặc và gia công các loại quần áo may sẵn nhưng May Việt Tiến có được lợi thế từ việc hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu của công ty mẹ là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

von fdi dang do don vao san xuat nguyen phu lieu det may, trong khi doanh nghiep viet chi loay hoay nhap khau nguyen lieu va gia cong cho nuoc ngoai anh: tan thanh

Vốn FDI đang đổ dồn vào sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, trong khi doanh nghiệp Việt chỉ loay hoay nhập khẩu nguyên liệu và gia công cho nước ngoài Ảnh: Tấn Thạnh

Quan trọng hơn, theo phân tích của một số công ty chứng khoán, điểm khác biệt so với các DN dệt may khác là May Việt Tiến có mảng sản xuất hàng OBM khá mạnh (chủ động từ nguyên phụ liệu, dệt, may, có thương hiệu riêng, kênh phân phối) đem lại giá trị gia tăng cao. Dệt may là một trong những ngành được dự báo sẽ hưởng lợi và có cơ hội rất lớn khi các FTA, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực nên những thương hiệu lớn của ngành được “săn đón” cũng dễ hiểu. Có điều, số lượng DN dệt may trong nước đầu tư khép kín từ khâu kéo sợi - dệt - nhuộm và may rất ít, phần lớn DN may làm gia công trong khi muốn được hưởng thuế suất 0% từ TPP phải đáp ứng yêu cầu “xuất xứ từ sợi” trở đi. Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy trong tổng số hơn 6.000 DN dệt may, số DN may chiếm tới 70%, dệt 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4% và phụ trợ chỉ 3%...

Chưa kể, khoảng 70% hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam được thực hiện theo phương thức cắt - ráp - hoàn thiện (gia công). Điều này cho thấy Việt Nam đang rất mạnh trong khâu cuối cắt - may còn lĩnh vực kéo sợi, dệt, nhuộm thì lại thiếu sự đầu tư tương xứng. Đây thực sự là bài toán khó cho nhiều DN trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ của TPP và nguồn cung nguyên phụ liệu đang lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu (nhất là Trung Quốc nhưng nước này không phải thành viên TPP).

Nhường sân nguyên phụ liệu cho nước ngoài

Trong khi DN nội địa đang loay hoay với bài toán nguyên phụ liệu, làn sóng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam khoảng 2 năm trở lại đây lại tăng rất mạnh nhằm đón đầu tận dụng lợi thế từ TPP và các FTA khác. Hàng loạt dự án dệt may của DN FDI được cấp phép đầu tư thời gian qua chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp phụ trợ như dệt, nhuộm với số vốn lên tới hàng triệu USD. Như Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 600 triệu USD đến từ Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất và gia công các loại sợi; dự án Công ty TNHH Worldon Việt Nam trị giá 300 triệu USD sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp; dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai (Việt Nam) tổng vốn 160,8 triệu USD do Hồng Kông đầu tư...

Theo ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương, đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ giúp DN trong ngành tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Ngược lại, DN dệt may trong nước sẽ bất lợi, nguồn cung có khả năng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng sẽ tạo cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực cung ứng nguyên liệu theo yêu cầu xuất xứ (trừ một số DN có tiềm lực mạnh cũng đầu tư chuỗi khép kín).

Câu hỏi đặt ra vì sao lâu nay, DN dệt may trong nước không đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm mà phải nhập khẩu? Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, lý giải những DN FDI đầu tư để đón đầu hưởng lợi từ các FTA và TPP đều có vốn mạnh, công nghệ cao và có sẵn thị trường ở nước ngoài, trong đó có cả làn sóng dịch chuyển các nhà máy từ thị trường khác về Việt Nam. Trong khi đó, DN nội địa vừa làm vừa tìm vốn bởi đầu tư một nhà máy dệt, nhuộm không đơn giản. Với những DN xuất phát điểm ban đầu chỉ có may thì rất khó bắt đầu từ bây giờ đầu tư vào dệt, nhuộm bởi không chỉ cần vốn nhiều mà cả yếu tố về công nghệ, mặt bằng... Dù vậy, một tín hiệu khả quan là khoảng vài năm gần đây, khi TPP đang đàm phán vào giai đoạn cuối, có rất nhiều DN trong nước nhìn thấy cơ hội và đã mạnh tay đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm như Vinatex, Công ty May 8-3, Dệt may Nam Định, Phong Phú, Việt Thắng...

Hiện DN dệt may trong nước được thoải mái mua nguyên phụ liệu từ khắp các thị trường đã cạnh tranh rất vất vả. Khi TPP có hiệu lực, DN nội địa chắc chắn sẽ càng khó khăn bởi quy luật cá lớn nuốt cá bé. Do đó, các DN kiến nghị nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, đồng thời sớm thông tin cho DN biết những tác động cụ thể từ hội nhập để DN chuẩn bị tốt hơn.


Hàng loạt thủy điện phải ra khỏi thị trường điện cạnh tranh

Để đảm bảo cấp nước cho hạ du, cả chục nhà máy thủy điện tại miền Trung, Tây Nguyên nhiều lần phải rút khỏi thị trường phát điện cạnh tranh dù đang là mùa "được giá".

Hàng chục thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có những nhà máy với công suất khá lớn như Hàm Thuận, Buôn Tua Srah... đã phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng phát điện.

Một báo cáo mới nhất cuối tuần rồi của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho hay tại thời điểm ngày 11/3 có đến 15 trong số 51 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã phải tạm ra khỏi thị trường này.

Lý do chính là bởi hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên vẫn gay gắt khiến các hồ thủy điện phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, thủy lợi ở vùng hạ du.

“Từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 3/2016 ba nhà máy thủy điện trên dòng Srêpôk gồm Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 của chúng tôi đã nhiều lần  ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh ”, Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp - Văn Thiên Nhân thở dài.

Theo số liệu được đưa lên hệ thống giám sát của Ban chỉ đạo chống hạn tỉnh Đăk Lăk thì lưu lượng nước về 3 hồ của công ty trong tuần đầu tháng 3 cũng chỉ đạt lần lượt là 19m3/s, 48m3/s và 70m3/s. Nếu khai thác tho quy trình vận hành liên hồ thì các hồ này chỉ chạy được 2-4 tháng là hết nước. “Để đảm bảo cấp nước cho mùa kiệt, doanh nghiệp lại vừa báo cáo A0 tách các nhà máy này ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 9/3”, Phó giám đốc Trần Văn Khánh cập nhật.

ky su nha may buon tua srah dang theo doi muc nuoc ve ho. anh: t. duc

Kỹ sư nhà máy Buôn Tua Srah đang theo dõi mực nước về hồ. Ảnh: T. Đức

Trong khi đó, tình hình tại thủy điện A Vương (Quảng Nam) còn bi đát hơn. “Chúng tôi không chỉ phải ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ cuối năm ngoái mà 2 tháng rồi nhà máy chưa phát điện lấy một lần”, Phó giám đốc Lê Đình Bản nói.

Dù vậy, theo ông Bản, các công nhân nhà máy vẫn phải “trực cấp cứu” bởi A0 có thể gọi phát điện bất cứ lúc nào nếu hệ thống điện quốc gia có nguy cơ thiếu hụt.

Vị phó giám đốc cho biết thêm, kế hoạch năm 2016 được Bộ Công Thương giao phải phát điện 530 triệu kWh song sản lượng đến 10/3 mới được 3,9 triệu, đạt hơn 0,7% kế hoạch.

Tình hình tại hai nhà máy Đa Nhim và Hàm Thuận của Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận – Đa Mi cũng không khá hơn khi hai nhà máy dù không phải là đa mục tiêu (thủy lợi lẫn phát điện) song cũng phải rút khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để chia sẻ nước khi Bình Thuận đang là tâm điểm của đợt hạn hán đang kéo dài.

Tại lễ khởi công nhà máy Đa Nhim mở rộng cuối năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó đã đánh giá rất cao việc các hồ thủy điện hy sinh lợi ích cho thủy lợi, sinh hoạt còn việc phát điện phải đặt xuống thứ yếu.

Thực tế, từ sau khi có quyết định về vận hành liên hồ, câu chuyện người dân hạ du các thủy điện bức xúc vì khát đã không còn nhức nhối như nhiều năm trước khi trao quyền xả nước cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

“Mặc dù hồ A Vương đã được quy định mực nước tối thiểu xuống 2,5m nhưng hiện vẫn ở dưới mức nước chết. Do vậy, chúng tôi kiến nghị hai kịch bản, là vẫn phát điện để tham gia thị trường điện hoặc ngừng phát để tích nước vì hạn hán có thể kéo dài thêm 2-3 tháng nữa. Quyết định thế nào là ở địa phương”, ông Bản cho hay.

Theo ông Trương Công Hồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk, để các thủy điện tham gia thị trường vừa chào được giá cạnh tranh, trong khi các nhà máy này vẫn phải vận hành theo quy trình liên hồ nhằm đảm bảo cấp nước cho hạ du là rất khó khăn.

“Ví dụ, tôi biết nhiều thời điểm giá lên, nhưng thủy điện Buôn Kuốp đành chấp nhận rút khỏi thị trường, không thể chào giá cao vì nếu vậy thì mức nước sẽ vi phạm theo quy trình liên hồ”, ông Hồng dẫn chứng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-01-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-01-2016

    Công nghiệp Trung Quốc đang trải qua chu kỳ yếu kém nhất từ năm 2009
    Được tái cơ cấu các khoản nợ của Vinalines tại Ngân hàng VDB
    14 bang nước Mỹ tăng lương tối thiểu trong ngày 1/1/2016
    Báo Le Monde: Các nền kinh tế thế giới tăng trưởng không đều
    Thu ngân sách vẫn “về đích” mặc giá dầu giảm mạnh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-01-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-01-2016

    IMECO thống nhất "bán mình" cho đối tác ngoại, giá không dưới 8 triệu USD
    TPHCM: Năm 2015 đã giải ngân hơn 3 nghìn tỷ đồng từ gói 30 nghìn tỷ
    “Rộng cửa” cho doanh nghiệp hỗ trợ ?
    Gia nhập AEC, Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức
    NHNN chính thức công bố về tỷ giá trung tâm

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-01-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-01-2016

    Malaysia xem xét đình chỉ khai thác bauxite
    Tỷ lệ nhà đầu tư thứ cấp quay lại tăng gấp 3 lần
    Rút ngắn thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu
    Xuất khẩu cá tra gặp khó
    Logistics Vinalink khiếu nại bị phạt và truy thu hơn 5 tỉ đồng tiền thuế

  • Tin kinh tế đọc nhanh 04-01-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 04-01-2016

    Ukraine cấm nhập khẩu thực phẩm Nga
    Cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên Vinalines 
    Sức mua chậm trong hai ngày đầu năm
    Cần Thơ có 8 điểm bán nông sản sạch phục vụ tết
    Sản lượng dầu thô Nga tăng kỷ lục dù giá giảm

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-01-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-01-2016

    Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm về đất đai tại Bình Phước
    Logistics Vinalink bị truy thu và phạt hơn 5 tỷ đồng tiền thuế
    Chi 1 tỷ USD từ nhập khẩu ô tô Trung Quốc, ô tô nội "chịu trận"
    Ngăn chặn xuất khống hàng hóa để gian lận hoàn thuế
    Bộ Tài chính có nhiệm vụ huy động 409.000 tỷ đồng cho ngân sách năm 2016

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-01-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-01-2016

    Biến động nhân dân tệ năm 2016 không đáng lo
    PV Gas đạt mốc kỷ lục tiêu thụ khí năm 2015
    Doanh thu phí bảo hiểm tăng cao nhất kể từ năm 2011
    Xây dựng đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
    Hà Nội: 2 hầm chui lớn nhất sắp thông xe

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-01-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-01-2016

    8 dòng ôtô được giảm thuế nhập khẩu từ 1/1/2016
    Gần 1.000 công tơ điện làm giả bị phát hiện
    Thép Trung Quốc lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang EU
    Sản xuất trong nước phải thắng trên sân nhà
    Viễn thông 2015: doanh thu 340.000 tỉ đồng, lời 56.000 tỉ

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-01-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-01-2016

    Tân Cảng Sài Gòn đạt sản lượng container 71,4 triệu tấn năm 2015
    Vốn điều lệ của VEC sẽ tăng hơn 70 lần trong 3 năm tới
    Duyệt đầu tư gần 4.000 cầu cho miền núi tại 50 tỉnh thành
    Thủ tướng giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2016 cho 8 bộ
    Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và “Túi tiền Quốc gia”

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-01-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-01-2016

    IMF thận trọng với kinh tế thế giới 2016
    Ngân hàng lãi rất ít từ kiều hối
    Có gì mới trong chính sách tỷ giá sắp tới?
    Thu hồi Giấy phép hoạt động Ngân hàng liên doanh Việt Thái
    Những 'ông lớn' ngân hàng thế giới đang dần rút khỏi Trung Quốc

  • Tin kinh tế đọc nhanh 02-01-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh 02-01-2016

    Doanh nghiệp mới ‘chào đời’ sẽ bị xếp hạng ‘bét’ về thuế
    Ông chủ Inter Milan lỗ hơn 6 triệu USD trong phi vụ Ninh Vân Bay
    Hoàn thành việc đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội
    Cao su Quảng Nam tính mua 99% cổ phần Thủy sản Viễn Đông
    Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp phải tự cứu