tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 13-05-2016

  • Cập nhật : 13/05/2016

Sản lượng thóc gạo châu Á sụt giảm

Gần một thập niên sau cú sốc về giá lương thực toàn cầu, các nhà sản xuất gạo hàng đầu của châu Á lại đang phải chịu một đợt hạn hán gay gắt đe dọa làm giảm sản lượng và tăng giá mặt hàng thiết yếu đối với một nửa dân số thế giới này.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Dự kiến sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến những cơn mưa đã không tới được những vựa lúa ở châu Á.

Một “làn sóng nhiệt” đang quét qua nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ, trong khi Thái Lan cũng đang phải đối mặt với năm hạn hán thứ hai liên tiếp. Còn ở Việt Nam, nhà cung cấp gạo lớn thứ ba, nhiều vùng đất nông nghiệp cũng đang thiếu nước. Ba nước Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam này chiếm hơn 60% lượng gạo giao dịch trên toàn cầu.

Theo ông James Fell, một nhà kinh tế tại Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), hiện chưa thấy giá gạo tăng do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, do lượng gạo trong các kho dự trữ ở Ấn Độ và Thái Lan khá lớn. Nhưng điều này sẽ không thể kéo dài mãi. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo tồn kho tại ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu sẽ giảm xuống còn khoảng 19 triệu tấn vào cuối năm 2016 và sẽ là năm có mức giảm lớn nhất kể từ năm 2003.

Sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng gạo từ các nước kể trên đều có thể gây ra những tác động lớn. Trong năm 2008, sản lượng gạo châu Á sụt giảm do hiện tượng El Nino khiến Ấn Độ tạm cấm xuất khẩu, làm giá gạo toàn cầu tăng và khiến những nước nhập khẩu lớn như Philippines gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các biện pháp xử lý.

Manila vào thời điểm đó đã phải sử dụng các biện pháp mạnh để giảm đầu cơ và tích trữ gạo; ra lệnh cho quân đội giám sát việc bán gạo trợ cấp và yêu cầu các chuỗi bán đồ ăn nhanh chỉ phục vụ nửa suất.

Thế giới đã phải chịu một loạt các cuộc khủng hoảng lương thực trong thập niên qua liên quan đến thời tiết bất lợi. Thông thường giá gạo cao cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các loại ngũ cốc khác như lúa mỳ, vốn được sử dụng rộng rãi để sản xuất mỳ ở châu Á và đậu tương, ngô dùng làm thực phẩm hay chăn nuôi.

Giá gạo đầu tháng 4/2016 đã tăng lên 389,50 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015 và tăng 13% so với thời điểm thấp nhất trong vòng 8 năm qua ở mức 344 USD/tấn trong tháng 9/2015. 

Chuyên gia Bruce Tolentino của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế có trụ sở tại Philippines cho rằng mặc dù hiện tại giá gạo vẫn tương đối ổn định song đang có xu hướng nhích lên do lo ngại về tình hình sản lượng gạo sụt giảm ở châu Á. Theo nhận định của IGC, sản lượng gạo thế giới năm 2016 sẽ ở mức khoảng 473 triệu tấn, giảm so với mức 479 triệu tấn năm 2015 và cũng là lần đầu tiên bị sụt giảm trong vòng 6 năm qua.

Một số nước châu Á đã có kế hoạch tăng lượng gạo nhập khẩu. Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn năm 2016, tăng 60% so với các năm trước. Trung Quốc, nước mỗi năm phải nhập khoảng 5 triệu tấn, dự kiến cũng sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu. Trong khi Philippines có lượng gạo dự trữ thấp nhất kể từ tháng tháng 3, mặc dù đã nhập khẩu 750.000 tấn và đang chuẩn bị nhập thêm 500.000 tấn nữa.


Tài chính chứng khoán ở Châu Á: Cơ hội cho người đi vay và người cho vay

Đó là một trong những nội dung của buổi Đối thoại về cơ sở hạ tầng thị trường tài chính diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo ngân hàng Châu Á.

Đối thoại diễn ra trong hai ngày 11 và 12/5/2016.

Tham dự buổi đối thoại có đại diện cấp cao của Cơ quan Kiểm soát Châu Á; Đại diện lãnh đạo các sàn giao dịch và thương mại trong khu vực; Giám đốc cấp cao từ các phòng thanh toán bù trừ và ngân hàng lưu ký; Giám đốc cấp cao tại các Ủy ban lưu ký chứng khoán địa phương; Giám đốc cấp cao và các nhà lãnh đạo kinh doanh của các công ty quản lý tài sản và bên bán…

quang canh buoi doi thoai

Quang cảnh buổi Đối thoại

Nội dung chính của Đối thoại về cơ sở hạ tầng thị trường tài chính tập trung vào các nội dung hội nhập của các thị trường tài chính, các vấn đề liên quan tới thương mại và hậu thương mại trong khu vực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi về các giải pháp xây dựng nền tảng để thúc đẩy đối thoại giữa những người tham gia thị trường và các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thị trường tài chính. Hội thảo cũng nhằm đưa ra những sách lược mới để xây dựng các thị trường tài chính đẳng cấp thế giới tại khu vực Châu Á.

Tại buổi đối thoại, các diễn giả đã tập trung thảo luận các nội dung chính bao gồm: Xây dựng sự bền vững của cơ sở hạ tầng thị trường tài chính: Triển vọng và thách thức; Xem xét mô hình kinh doanh hậu thương mại trong thời đại cạnh tranh ngày càng gia tăng; Tài chính chứng khoán ở Châu Á: Cơ hội cho người đi vay và người cho vay; Liên kết các thị trường: Trung Quốc và các khu vực còn lại của thế giới; Công nghệ Blockchain: Sự gián đoạn tài chính hay là sự đổi mới…


Gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới vào năm 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dự án trọng điểm thuộc Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án).
anh minh hoa: internet

Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gộp 5 dự án trọng điểm thực hiện Đề án quy định tại Khoản 5 Mục III Điều 1 Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ thành 1 dự án chung: Dự án quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; gồm 5 hợp phần:

Hợp phần 1: Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia.

Hợp phần 2: Phát triển thương hiệu gạo quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hợp phần 3: Bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế.

Hợp phần 4: Quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hợp phần 5: Xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, hiệp hội liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện dự án trên theo quy định tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương, chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả những nội dung, giải pháp và nhiệm vụ thực hiện Đề án được giao tại Quyết định số 706/QĐ-TTg. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.


Phấn đấu đưa kim ngạch Việt Nam - UAE lên 10 tỷ USD

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên phấn đấu đưa kim ngạch song phương đạt mức 10 tỷ USD trong thời gian tới.
thu tuong nguyen xuan phuc tiep bo truong ngoai giao va hop tac quoc te uae

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế UAE

Chiều ngày 11/5/2016 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah Bin Zayed An Nahyan đến chào xã giao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE và các thành viên trong đoàn thăm chính thức Việt Nam, nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về chuyến thăm UAE hai năm trước và bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua.

Thủ tướng đề nghị hai bên cần triển khai các biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại..., phấn đấu đưa kim ngạch song phương đạt mức 10 tỷ USD trong thời gian tới, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp và các Quỹ Đầu tư UAE đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khách sạn-du lịch, hạ tầng cơ sở, cảng biển-hàng không, bất động sản, sản xuất nông sản… tại Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chuyển lời mời thăm chính thức Việt Nam tới Thủ tướng và Tổng thống UAE.

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE chúc mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng, Việt Nam sẽ tiếp tục giành nhiều thành công hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE khẳng định Chính phủ UAE coi trọng quan hệ với Việt Nam và cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước.


Thủ tướng yêu cầu quyết định số phận dự án thép 8.000 tỷ đồng

Đội vốn lên gấp đôi sau gần 1 thập kỷ triển khai, dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên sẽ được quyết định trước tháng 7/2016: bán hay kêu gọi doanh nghiệp góp vốn, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án).

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện dự án.

mot phan cong truong tan hoang cua du an nghin ty (anh: vnn)

Một phần công trường tan hoang của dự án nghìn tỷ (ảnh: VNN)

Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra được các giải pháp, gồm phương án bán dự án, phương án bán Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án xử lý đối với dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2016.

Khởi động năm 2007 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 3.800 tỷ đồng, đến năm 2012, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 buộc phải dừng lại do thiếu vốn. Các biến động về giá nguyên vật liệu, tỷ giá, lãi vay, chính sách đất đai, thuế, trượt giá… đã dẫn đến tổng mức đầu tư dự án bị "đội" lên tới 7.871 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với phương án được phê duyệt.

Trong khi đó, nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đã rút về nước sau khi nhận hơn 90% chi phí cho phần thiết bị từ chủ đầu tư.

Tháng 3/2016, chủ đầu tư của dự án này là Tisco đề nghị tăng tổng mức đầu tư của dự án lên thành hơn 9.031 tỉ đồng song Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cổ đông lớn của dự án này đã không đồng ý.

Dự án được dự kiến tái khởi động vào 1/4/2016 và sẽ hoàn thành vào ngày 1/1/2018, nhưng cho đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Giữa các bộ ngành và các bên liên quan hiện vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về việc xử lý tiếp dự án này.

Theo quan điểm của Bộ Công thương, việc tháo gỡ khó khăn một cách tổng thể cho dự án là rất cần thiết, bởi khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo ra hơn 1.300 việc làm mới, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng trên 1.412 tỷ đồng/năm và đóng góp cho ngân sách trên 779 tỷ đồng/năm.

Đại diện Ban lãnh đạo VNSteel, đơn vị đang nắm 42,11% vốn điều lệ Tisco cũng lo ngại, nếu dừng dự án sẽ để lại hậu quả khó lường cho Tisco, kéo theo là VNSteel và các ngân hàng cùng hàng loạt hệ lụy khác.

Cụ thể, việc dừng dự án sẽ khiến chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với một vụ kiện quốc tế của nhà thầu Trung Quốc đi kèm khoản tiền đền bù lớn... Tuy nhiên, nếu tiếp tục dự án thì Nhà nước có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Do đó, theo VNSteel, cần có phương án cho phá sản hay tái cơ cấu, để các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực nhảy vào giải cứu dự án.

Mới đây (tháng 4/2016), Bộ Tài chính đã thẳng tay bác hàng loạt đề nghị của Bộ Công Thương về việc khoanh nợ gốc, miễn 100% lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công từ tháng 7/2012 đến hết tháng 3/2016, với số tiền ước tính khoảng 386 tỷ đồng cùng hàng loạt ưu đãi lãi suất khác.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng từ chối việc cho dự án này hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu với các loại vật tư, thiết bị công cụ, dụng cụ còn lại cho giai đoạn thi công tiếp theo của dự án với số tiền khoảng 65,5 tỷ đồng; được miễn thuế nhà thầu khoảng 133 tỷ đồng... Bởi theo Bộ Tài chính, những ưu đãi này vượt khung quy định, không đủ cơ sở.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục