Vàng khó nổi sóng lớn
Đại gia phần mềm ngoại “ngắm” chứng khoán phái sinh Việt
Đề xuất giảm thuế NK trứng Artemia xuống 0%
Từ 1-7, nhiều dịch vụ xuất khẩu có mức thuế GTGT 0%
Bất động sản: Chờ đợi sự đột phá cho các dự án sau M&A
Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-05-2016
- Cập nhật : 13/05/2016
Năng lượng tái tạo đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam vào 2050?
Theo một báo cáo công bố ngày 12-5 của WWF- tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực bảo tồn và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA), tới năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải các-bon độc hại có liên quan tới biến đổi khí hậu.
Báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam - Tầm nhìn đến năm 2050” của WWF và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam đã phân tích tổng quát về tình hình của ngành điện quốc gia trong bối cảnh tổng thể của ngành năng lượng đồng thời đưa ra các kịch bản phát triển mà Việt Nam có thể lựa chọn cho chiến lược phát triển tới năm 2050.
Theo đó, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) có thể dùng để phát điện như mặt trời, gió, nước, địa nhiệt, sinh khối và đại dương.
Tuy nhiên, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, Việt Nam có kế hoạch phát triển điện lực dựa chủ yếu vào các dự án thủy điện thiếu bền vững và các dự án nhiệt điện dùng các nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng các-bon cao gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, thậm chí cả điện hạt nhân có giá thành cao và chứa đựng nhiều rủi ro.
Ông Jean Philippe Dẻnuyter, Chuyên gia năng lượng, Chương trình tiểu vùng Mê Kông mở rộng cho biết, Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam - Tầm nhìn đến năm 2050, đã đưa ra 3 đề xuất: kịch bản phát triển thông thường, kịch bản phát triển năng lượng bền vững và kịch bản phát triển năng lượng bền vững tối ưu.
Trong khi kịch bản phát triển thông thường dựa vào nguyên liệu hoá thạch và các công nghệ lạc hậu, không hiệu quả, gây ra nhiều khí thải, thì hai kịch bản phát triển năng lượng bền vững đều cho thấy, tới năm 2050, trên phương diện kỹ thuật và kinh tế, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng ít nhất từ 81% đến 100% nhu cầu điện quốc gia, đồng thời giúp giảm tới 80% lượng khí thải các-bon.
Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Năng lượng Bền vững của WWF - Việt Nam cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia tiên phong phát triển ngành năng lượng sạch và tái tạo. Cụ thể, năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35% trong khi năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2050. Năng lượng tái tạo là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam.
Đánh giá về Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam - Tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Tiến Long, chuyên gia năng lượng tái tạo cho rằng đây là kịch bản có giá trị, được soạn thảo ở trình độ cao về kiến thức và thành thạo kinh nghiệm.
Tuy nhiên, theo ông Long, sẽ có nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi khởi động tiến trình để đạt tới các mục tiêu của kịch bản này. Trong đó, vai trò độc quyền áp đảo của tập đoàn Điện lực Việt Nam là thách thức lớn nhất mà các nhà quy hoạch phải đối mặt khi khởi động tiến trình nhằm tiến tới đạt các mục tiêu của kịch bản với 100% năng lượng sơ cấp tái tạo cho ngành điện. Bên cạnh đó là thách thức đến từ thị trường điện, khi mà thị trường này ở Việt Nam hiện còn yếu và chưa hoàn chỉnh.
Hiệp hội thép dự báo giá thép có thể tăng thêm 10%
Phân tích diễn biến thị trường, VSA cho biết, hiện giá phế liệu giữ ở mức 290 USD -300 USD/ MT CFR Việt Nam. Giá phế nội địa giữ mức 5.300 đồng/kg đến 5.500 đồng/kg.
Giá phôi nhập khẩu tăng 85 USD/tấn đến 90 USD/tấn ở mức 400 USD/tấn đến 415 USD/tấn CFR Việt Nam trong tháng 4/2016. Riêng phôi Trung Quốc giá ở mức 380 USD/MT đến 400 USD/MT.
Với xu hướng tăng giá chung của thị trường nguyên liệu và thép thành phẩm thế giới, thị trường thép trong nước cũng đã có sự điều chỉnh về giá.
Cụ thể, giá phôi thép trong nước hiện đang giao dịch ở mức 9,2-9,3 triệu đồng/tấn tương ứng với sự tang giá cảu thép phế chào (320 USD/tấn) trong khi đầu năm chri khoảng 6,9 triệu đồng/tấn.
Giá thép dài thị trường trong nước bình quân ở mức 10,2 - 10,4 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 300-400 đồng/tấn so với tháng 4/2016.
Theo VSA, giá thép trong nước chịu tác động bởi giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục tăng. Nhu cầu thị trường trong nước tốt, đang là mùa thuận lợi cho hoạt động xây dựng nên cầu tăng. Bên cạnh đó, đúng như dự báo, tâm lý đầu cơ của các nhà thương mại do tác động bởi Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nguồn cầu mạnh mẽ.
Hiệp hội Thép dự báo giá thép trong nước trong tháng tới sẽ tăng lên 11.400 đồng/kg, tức 11,4 triệu/tấn (tăng khoảng 10% so với giá hiện tại).
VSA khuyến nghị, các doanh nghiệp sản xuất cần phân tích, nhận định tình hình thị trường trong nước, định hướng chiến lược phát triển công ty dài hạn để sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Thị trường trong nước dần ổn định khi các nhà sản xuất tuyên bố sẽ đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. So với cùng kỳ các năm trước, sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng duy trì ở mức sản lượng cao hơn so với mức bình quân các năm trước.
WCO triển khai mô hình dữ liệu hải quan phiên bản 3.6.0
Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cùng nhóm phụ trách dự án mô hình dữ liệu (DMPT) đã phát triển thành công phiên bản 3.6.0 của Mô hình dữ liệu hải quan WCO.
Đây là một tổ hợp các tiêu chuẩn quốc tế về dữ liệu và thông tin được quy định không chỉ bởi ngành Hải quan mà các cơ quan chính phủ cũng rất quan tâm với mục tiêu thống nhất cách thức sử dụng dữ liệu sao cho phù hợp với những quy định trong tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát thương mại toàn cầu.
Mô hình dữ liệu chứa toàn bộ dữ liệu phục vụ việc thực hiện các thủ tục hải quan khác nhau tại cửa khẩu, bao gồm việc xác định các thành tố dữ liệu, các định dạng dữ liệu được đề xuất và danh sách mã được đưa ra. Các thành tố dữ liệu được nhóm thành các đơn vị thông tin có nghĩa một cách logic, gọi là “các mô hình thông tin”. Các mô hình thông tin này có chức năng như những nguồn thông tin có thể tái sử dụng, theo đó từ mỗi mô hình, người sử dụng đều có thể xây dựng nên các biểu mẫu trao đổi dữ liệu và tài liệu điện tử.
Mô hình dữ liệu cũng bao gồm các gói thông tin, là các biểu mẫu điện tử tiêu chuẩn gắn với các hoạt động kinh doanh như tờ khai hàng hóa, báo cáo hàng hóa, báo cáo vận chuyển, giấy phép và giấy chứng nhận hoạt động. Nó được coi như một thư viện dữ liệu và các biểu mẫu tài liệu điện tử có thể được sử dụng để trao đổi dữ liệu kinh doanh một cách hiệu quả.
Trong số các mô hình dữ liệu đã được xây dựng thì mô hình mới nhất này có chứa gói thông tin dẫn xuất mới (DIP) từ mô hình dữ liệu hải quan (CDM) của Liên minh châu Âu (EU). Mô hình dữ liệu hải quan của Liên minh châu Âu (EU-CDM) được phát triển dựa trên Mô hình dữ liệu hải quan WCO. Mô hình này được đưa vào phần phụ lục kỹ thuật của Bộ luật Hải quan EU (UCC) và sẽ được sử dụng như là tài liệu tham khảo về các yêu cầu dữ liệu hải quan được chuẩn hóa và đồng bộ hóa cho các nước thành viên EU.
Phiên bản mới này cũng bao gồm một báo cáo về sự phù hợp của mô hình thông tin ASYCUDA đối với Mô hình dữ liệu hải quan WCO, nhất là những yêu cầu về dữ liệu xuất nhập khẩu (chứng từ hành chính duy nhất-SAD). Người dùng ASYCUDA có thể sử dụng báo cáo này để tham khảo cho công tác thiết lập quy trình trao đổi thông tin một cách đồng bộ trên cơ sở Mô hình dữ liệu hải quan WCO.
Thêm vào đó, phiên bản mới còn cập nhật một số thành tố dữ liệu được đưa vào gói phần mềm mới dựa trên các Yêu cầu bảo trì dữ liệu (DMR) do Canada, Liên minh Châu Âu EU, Ghana, Malaysia, Hà Lan, Oman, Thụy Điển, Hoa Kỳ, UN/ECE (eTIR) cũng như UN/CTAD (ASYCUDA) đề xuất.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là lược đồ XML-công cụ thiết kế phần mềm, được sử dụng để thể hiện cấu trúc và những hạn chế của một tài liệu XML – được bổ sung thông tin về thuộc tính của các thành tố dữ liệu nay cũng đã có trong Mô hình dữ liệu. Lược đồ này cho phép người dùng có thể duyệt các thành tố dữ liệu và cấu trúc của nó cũng như các thuộc tính của gói thông tin cụ thể bằng cách sử dụng bất kì trình xem XML nào có sẵn. Thông tin bổ sung có sẵn hiện tại bao gồm tài khoản WCO, tên WCO, mô tả WCO, mô tả định dạng WCO, tài khoản danh mục thành tố dữ liệu thương mại điện tử (TDED), cũng như tên TDED.
Mô hình dữ liệu này hiện đang được phát hành miễn phí cho tất cả các cơ quan Nhà nước.
Sản lượng gạo sụt giảm tại châu Á đe dọa an ninh lương thực
Gần một thập niên sau cú sốc về giá lương thực toàn cầu, các nhà sản xuất gạo hàng đầu của châu Á lại đang phải chịu một đợt hạn hán gay gắt đe dọa làm giảm sản lượng và tăng giá mặt hàng thiết yếu đối với một nửa dân số thế giới này.
Dây chuyền xay lúa và sấy lúa của Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Dự kiến sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010 do ảnh hưởng của hiện tượng El-nino khiến những cơn mưa đã không tới được những vựa lúa ở châu Á.
Một làn sóng nhiệt đang càn quét nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ, trong khi đó nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Thái Lan cũng đang phải đối mặt với năm hạn hán thứ hai liên tiếp.
Còn ở Việt Nam, nhà cung cấp gạo lớn thứ ba, những dải đất nông nghiệp cũng đang khô nẻ vì hệ thống tưới tiêu không được cung cấp nước từ Đồng bằng sông Cửu Long. Ba nước này chiếm hơn 60% giao dịch gạo toàn cầu.
Theo ông James Fell, một nhà kinh tế tại Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), hiện chưa thấy giá gạo tăng do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng do khối lượng gạo trong các kho dự trữ lớn ở Ấn Độ và Thái Lan. Nhưng điều này sẽ không thể kéo dài mãi.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo tồn kho tại ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu sẽ giảm xuống còn khoảng 19 triệu tấn vào cuối năm nay và sẽ là năm có mức giảm lớn nhất kể từ năm 2003.
Sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng gạo từ các nước kể trên (Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam) đều có thể gây ra những tác động lớn. Trong năm 2008, sản lượng gạo châu Á sụt giảm do hiện tượng El-nino khiến Ấn Độ cấm xuất khẩu, làm giá gạo toàn cầu tăng vọt và gây ra cuộc bạo động lương thực ở Haiti và khiến những nước nhập khẩu lớn như Philippines gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các biện pháp xử lý.
Manila vào thời điểm đó đã phải sử dụng các biện pháp mạnh để giảm đầu cơ và tích trữ gạo. Chính phủ Philippines ra lệnh cho quân đội giám sát việc bán gạo trợ cấp và yêu cầu các chuỗi bán đồ ăn nhanh chỉ phục vụ nửa suất, đồng thời thúc giục Việt Nam và những nước khác bán nhiều gạo cho Philippines hơn.
Thế giới đã phải chịu một loạt các cuộc khủng hoảng lương thực trong thập niên qua liên quan đến thời tiết bất lợi. Giá gạo của Thái Lan đạt mức kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn trong năm 2008.
Thông thường giá gạo cao cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các loại ngũ cốc khác như lúa mỳ, vốn được sử dụng rộng rãi để sản xuất mỳ ở châu Á và đậu tương và ngô dùng làm thực phẩm hay chăn nuôi.
Giá gạo đầu tháng Tư vừa qua đã tăng lên 389,50 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015 và tăng 13% so với thời điểm thấp nhất trong vòng 8 năm qua ở mức 344 USD/tấn trong tháng 9-2015.
Sản lượng gạo giảm lần đầu tiên trong vòng 6 năm
Chuyên gia Bruce Tolentino của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế có trụ sở tại Philippines cho rằng mặc dù hiện tại giá gạo vẫn tương đối ổn định song đang có xu hướng nhích lên do lo ngại về tình hình sản lượng gạo sụt giảm ở châu Á.
Mặc dù sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm 2015 khá ổn định, nhưng nhiệt độ cực nóng năm nay đang đe dọa vụ chính thứ hai của Ấn Độ. Các thương nhân cho rằng giá gạo sẽ tăng ngay trong tháng Sáu tới khi Ấn Độ thu hoạch vụ chính thứ nhất, chứ không phải chờ đến vụ chính thứ hai vào tháng Chín hay chờ đến vụ chính của Thái Lan vào cuối năm.
Theo nhận định của IGC, sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ ở mức khoảng 473 triệu tấn, giảm so với mức 479 triệu tấn năm 2015 và cũng là lần đầu tiên bị sụt giảm trong vòng 6 năm qua.
Sản lượng vụ chính của Thái Lan mùa trước chỉ bằng một nửa ở thời điểm đỉnh cao vài năm trước đây và USDA dự báo sản lượng gạo của Thái Lan sẽ giảm hơn 1/5 xuống 15,8 triệu tấn, trong năm nay. Một thương nhân ở Bangkok cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu nông dân không trồng lúa khi mà lượng nước còn quá ít trong các hồ chứa sau hai năm hạn hán.
Tại Việt Nam, Chính phủ cho biết sản lượng có thể giảm 1,5% trong năm nay xuống 44,5 triệu tấn, trong khi lượng gạo dành cho xuất khẩu sẽ là 8,7 triệu tấn theo như dự báo trước đó. Khoảng 240.000ha lúa bị phá hủy bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Một thương gia Singapore cho biết trong khi mức suy giảm mọi năm của Việt Nam là không đáng kể, nhưng ở vụ thu hoạch gần đây nhất sản lượng đã giảm từ 5-6% so với năm ngoái.
Một số nước châu Á đã có kế hoạch tăng lượng gạo nhập khẩu. Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn năm 2016, tăng 60% so với các năm trước. Nước nhập khẩu gạo hàng đầu là Trung Quốc mỗi năm phải nhập khoảng 5 triệu tấn, dự kiến cũng sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu.
Theo dự báo của IGC, sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm nay sẽ sụt giảm năm thứ ba liên tiếp và không thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Trong khi đó, Philippines có lượng gạo dự trữ thấp nhất kể từ tháng tháng Ba vừa qua mặc dù đã nhập khẩu 750.000 tấn và đang chuẩn bị nhập thêm 500.000 tấn nữa.
Bộ trưởng Kế hoạch và kinh tế Philippines Emmanuel Esguerra cho biết mặc dù El-nino đã bước vào giai đoạn suy yếu, nhưng nguy cơ giá lương thực tăng cao vẫn hiện hữu khi mùa Hè tới.
Tận dụng cơ hội "hậu" xúc tiến thương mại
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng bao nhiêu thì vai trò của xúc tiến thương mại ngày càng quan trọng bấy nhiêu, bởi DN muốn đẩy mạnh việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh không thể thiếu vai trò của các chương trình xúc tiến thương mại.
Cơ hội kí kết hợp đồng
Theo số liệu của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2015, đơn vị này đã trực tiếp tổ chức, tham gia thành công 18 chương trình hội chợ, triển lãm đa ngành cũng như chuyên ngành, hỗ trợ trực tiếp cho gần 3.000 lượt DN. Giá trị thỏa thuận kinh doanh được ký kết trực tiếp tại các hội chợ đạt hàng trăm triệu USD, hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh XK và thu hút đầu tư. Cùng với Bộ Công Thương, nhiều bộ, ngành khác cũng thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho các DN thuộc nhiều lĩnh vực như: Dệt may, da dày, nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… mở rộng đối tác kinh doanh, tận dụng mọi cơ hội khi các hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ.
Ông Lê Văn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phước Anh cho biết, song song với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường XK của DN thì vai trò của cầu nối từ các hoạt động xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng. “Nhiều năm trở lại đây, thông qua các chương trình hội thảo, hội chợ, giới thiệu thị trường trong và ngoài nước, công ty đã tìm kiếm được nhiều đối tác mới, mở rộng thị trường XK. Gần đây nhất là Hội chợ Nghề cá Trung Quốc lần thứ 20 tại thành phố Tam Đảo (Trung Quốc) tổ chức cuối năm 2015, ngay sau hoạt động giao thương này, chúng tôi đã xúc tiến hoạt động kinh doanh với một DN ở Trùng Khánh. Đây được đánh giá là đối tác tiềm năng trong thời gian tới của công ty chúng tôi”, ông Lê Văn Hậu chia sẻ.
Là một DN thành công khá nhiều từ những cuộc xúc tiến thương mại, bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Vietrap nhận định, việc tham dự các kỳ hội chợ, triển lãm, phiên chợ dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng DN sẽ có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm. Bà Vũ Thị Vân Phương cho biết: “Qua những lần mang sản phẩm của mình đi giới thiệu, tôi nhận ra rằng nông sản Việt Nam luôn được đối tác đánh giá cao về chất lượng, hình thức mẫu mã. Đặc biệt khi DN có đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh, xác suất kí kết được hợp đồng gần như 100% và đều là những hợp đồng có giá trị lớn. Hiện hợp đồng cung ứng nguyên liệu kí kết với các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE từ đầu năm 2016 đủ cho DN chúng tôi ‘sống khỏe’ cả năm nay”.
Nhắc đến những hợp đồng lớn đã được kí kết nhờ các chương trình xúc tiến thương mại, không thể không kể đến hợp đồng “khủng” của Vinamik tại Hội chợ Gulfood 2016 được tổ chức tại Trung tâm thương mại thế giới Dubai. Ngay ngày đầu tham gia hội chợ, Vinamilk đã kí kết được hợp đồng XK sản phẩm sữa bột cho trẻ em trị giá 12,5 triệu USD. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho DN Việt khi tham gia xúc tiến thương mại ở nước ngoài.
Không chờ cơ hội
Mặc dù các hoạt động xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối kinh doanh, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN, những hoạt động này của các bộ ngành hiện nay chưa thực sự hiệu quả và đến được với nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Nguyên nhân là bởi thông tin từ phía cơ quan quản lý chưa đa dạng, thiết thực. Đại diện một DN da giày cho biết, đơn vị này đã nhận được nhiều lời mời tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước từ Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay của các Sở Kế hoạch và Đầu tư, tuy nhiên, đơn vị này ít tham gia bởi nội dung tản mát, không gần với nhu cầu của DN.
Mặt khác, theo bà Vũ Thị Vân Phượng, những chương trình xúc tiến thương mại lớn thường khó đến với những DN nhỏ và siêu nhỏ bởi quy mô bó hẹp, thông tin hạn chế và thường chỉ ưu tiên những DN lớn. Còn với những chương trình mở rộng hơn, DN lại gặp khó khăn về kinh phí. “Để tham gia một chương trình kết nối tại nước ngoài, DN phải bỏ ra một khoản chi phí lớn bao gồm tiền vé máy bay đi lại, ăn ở, thuê gian hàng, thuê người giới thiệu sản phẩm… Cùng với đó là chính sách hỗ trợ của các đơn vị tổ chức không nhiều. Cũng có những chương trình ban tổ chức cam kết miễn phí chi phí thuê gian hàng nhưng đổi lại DN phải bỏ ra một khoản tiền hỗ trợ không nhỏ từ 100-200 triệu đồng. Nếu không có nguồn quỹ dồi dào thì DN nhỏ gần như không thể tham gia”, bà Vũ Thị Vân Phượng cho biết.
Trước thực tế đó, hiện nay, nhiều chương trình xúc tiến thương mại thiết thực đã được tổ chức bởi chính sự hợp tác của DN. Điển hình như tại Gulfood, hội chợ triển lãm quốc tế hàng đầu của Trung Đông về ngành dịch vụ đồ uống, dịch vụ ăn uống, thực phẩm, thương mại khách sạn. Để đến với Gulfood, nhiều DN đã đứng ra kết nối, bắt tay với nhau và mở ra gian hàng của Việt Nam từ năm 2012. Từ đó, hàng trăm hợp đồng đã được kí kết và cơ hội gặp gỡ đối tác mới của các DN cũng được mở ra.
“Từ chính nhu cầu, lợi ích sát sườn của mình, DN chúng tôi đã tự kết nối với nhau qua các diễn đàn, các khóa huấn luyện, các buổi giao lưu gặp gỡ để từ đó cùng nhau tổ chức các buổi xúc tiến thương mại trên quy mô nhỏ nhưng hiệu quả, đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài theo mô hình “đàn chim bay”, hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Muốn thành công, ngoài việc tự nâng cao chất lượng và ổn định đầu vào cũng như đầu ra, DN phải chủ động nắm bắt cơ hội, tự tìm kiếm các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp để giới thiệu những sản phẩm chất lượng của mình ra thế giới”, bà Vũ Thị Vân Phượng chia sẻ từ thành công nhờ những lần xúc tiến thương mại.