Trung Quốc tiến dần đến vị trí thống trị giá vàng toàn cầu
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất gần 2 tháng
Intel sắp sa thải 12.000 người
Pháp truy thu 341 triệu USD tiền nghi trốn thuế từ McDonald's
Lãi suất âm – cơn ác mộng của các NHTW
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-05-2016
- Cập nhật : 13/05/2016
Trung Quốc sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam nhằm né thuế bán phá giá
Vina Solar là một công ty sản xuất mô-đun pin mặt trời được Trung Quốc lập ra tại Việt Nam nhằm né thuế bán phá giá.
Nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất Đài Loan là Neo Solar Power (NSP) đang lên kế hoạch thiết lập hoạt động sản xuất mô-đun pin mặt trời với công suất thiết kế 400 MWp, thông qua một liên doanh với Công ty Công nghệ Vina Solar.
Vina Solar có trụ sở tại Việt Nam và được thành lập bởi các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhà máy của Vina Solar có công suất hàng năm đạt 3.000 MWp với mục tiêu chính là sản xuất OEM các mô-đun pin mặt trời cung cấp cho các nhà sản xuất của Trung Quốc và Đài Loan, nhằm tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ và châu Âu, nguồn tin của Digitimes cho biết.
Vào đầu năm 2016, Vina Solar cũng đã bắt đầu sản xuất pin mặt trời với công suất hàng năm ban đầu ở mức 200 MWp và có kế hoạch đến cuối năm 2016 mở rộng công suất lên 1.000 MWp.
NSP có công usất mô-đun pin mặt trời hằng năm đạt 300 MWp tại Đài Loan và 200 Mwp tại Trung Quốc. Với liên doanh tại Việt Nam, NSP sẽ chuyển hết công suất tại Đài Loan đến Việt Nam, trong khi vẫn giữ lại mảng R&D và thử nghiệm sản xuất.
NSP nhắm đến mục tiêu xuất khẩu trên 900 MWp mô-đun pin mặt trời trong năm nay.
Một nhà đầu tư bị phạt 550 triệu đồng vì làm giá cổ phiếu
Bà Bùi Thị Ngọc Yến đã sử dụng 9 tài khoản để giao dịch cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Thương mại Viễn Đông.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, ngày 11/5, cơ quan này đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Bùi Thị Ngọc Yến với số tiền là 550 triệu đồng.
Theo UBCKNN, từ ngày 1/7/2015 đến ngày 30/9/2015, bà Yến đã sử dụng 9 tài khoản để giao dịch cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Thương mại Viễn Đông (Mã VID) nhằm mục đích thao túng giá cổ phiếu VID.
Cùng ngày, UBCKNN cũng ra quyết định phạt Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam số tiền 125 triệu đồng vì đã cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ khi chưa nộp báo cáo và được UBCKNN công bố về việc đã nhận đủ tài liệu báo cáo hợp lệ việc thực hiện giao dịch ký quỹ trên trang thông tin điện tử của UBCKNN.
Mới đây, ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã CII), cũng bị phạt 42,5 triệu đồng do không báo cáo theo quy định trước khi thực hiện giao dịch.
Công ty bia nội tăng sáp nhập để “chống” bia ngoại
Tại ĐHCĐ của ba công ty, các cổ đông vừa đồng ý sáp nhập bia Sài Gòn-Phủ Lý và Sài Gòn Ninh Thuận vào Công ty CP bia Sài Gòn Bình Tây.
Ngày 11-5, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của ba công ty: Công ty CP bia Sài Gòn - Bình Tây (Sabibeco), bia Sài Gòn - Phủ Lý và bia Sài Gòn - Ninh Thuận, 100% cổ đông đã biểu quyết thông qua phương án sáp nhập bia Sài Gòn - Phủ Lý và Sài Gòn Ninh Thuận vào Công ty CP bia Sài Gòn Bình Tây theo tờ trình của ban giám đốc Công ty CP bia Sài Gòn Bình Tây.
Việc sáp nhập các công ty vào nhau, theo ông Văn Thanh Liêm, chủ tịch HĐQT Công ty CP bia Sài Gòn - Bình Tây và Sài Gòn - Ninh Thuận, nhằm tăng năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh, cũng như giữ được thương hiệu truyền thống của doanh nghiệp sản xuất trong nước trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất bia rượu, nước giải khát các loại.
Ông Liêm cho biết việc sáp nhập sẽ được đẩy nhanh thực hiện trong thời gian tới theo lộ trình mà HĐQT đã lên kế hoạch trước đó.
Riêng các phần vốn nhà nước tại ba công ty nói trên, theo ông Liêm, Tổng công ty CP bia rượu nước giải khát Sài gòn (Sabeco) hiện có tỉ lệ nắm giữ từ 20-29% vốn điều lệ, “nên việc sáp nhập không hề ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông nhà nước tại đây”.
Liên minh Thái Bình Dương và ASEAN sẽ ký thỏa thuận hợp tác song phương
Thỏa thuận khung sẽ được ký kết tại một cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại vào tháng 9 tới tại thành phố New York, Mỹ.
Ngày 11/5, Vụ trưởng Vụ Hội nhập của Bộ Ngoại giao Peru, ông Ignacio Higueras Hare thông báo đại diện của Liên minh Thái Bình Dương (gồm các thành viên Mexico, Chile, Peru và Colombia) và ASEAN sẽ nhóm họp tại thủ đô Bangkok của Thái Lan để hoàn thiện các chi tiết của một thỏa thuận khung về hợp tác song phương.
Tuyên bố của Vụ trưởng Hare cho biết thỏa thuận khung trên sẽ được ký kết tại một cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của Liên minh Thái Bình Dương và ASEAN vào tháng 9 tới tại thành phố New York, Mỹ.
Liên minh Thái Bình Dương và ASEAN đã đàm phán hiệp định khung này từ năm 2014 với nhiều cuộc họp cấp bộ và kỹ thuật. Các chuyên gia đánh giá thỏa thuận trên sẽ giúp hai bên tăng cường quan hệ và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và thương mại.
Quan chức ngoại giao Peru đánh giá qua các cuộc đối thoại, hai bên đều bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ và hướng tới một thỏa thuận tự do thương mại song phương trong tương lai gần.
Nhiều quốc gia ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương đều là đối tác của nhau trong nhiều tổ chức quốc tế như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo thống kê, Tổng sản phẩm nội khối (GDP) của ASEAN (gồm Myanmar, Brunei, Campuchia, Philippines, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) lên đến 2.500 tỷ USD, trong khi đó GDP của Liên minh Thái Bình Dương khoảng 2.100 tỷ USD.
Cả hai bên có thể tạo một thị trường rộng lớn gồm 850 triệu người tiêu dùng, chiếm 10% thương mại toàn cầu và kim ngạch xuất khẩu đạt 1.700 tỷ USD
250 triệu USD xây kho ngầm chứa dầu tại Dung Quất
Có vốn điều lệ 2,7 triệu USD, PVOS đang lên kế hoạch đầu tư dự án kho ngầm chứa xăng dầu trị giá 250 triệu USD.
Công ty TNHH Kho ngầm xăng dầu dầu khí Việt Nam (PVOS) đã đề nghị cơ quan chức năng bổ sung Dự án Kho ngầm ngoại quan chứa dầu thô và xăng dầu tại Khu kinh tế Dung Quất mà doanh nghiệp này sẽ đầu tư vào Quy hoạch Phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.
Dự án có công suất 1 triệu m3, với cơ cấu dầu thô chiếm tới 90% thể tích và sản phẩm xăng dầu chiếm 10% thể tích. Trong giai đoạn I, Dự án sẽ đầu tư 2 hầm chứa có thể tích tổng cộng 600.000 m3 và đưa vào vận hành trong năm 2020. Giai đoạn II sẽ xây dựng tiếp một kho ngầm có thể tích 400.000 m3. Kho ngầm chứa dầu thô này được vận hành theo hình thức kho ngoại quan, với kế hoạch khởi công trong năm 2016 và vào vận hành trong năm 2020. Diện tích cần cho Dự án là 40 ha.
Để triển khai Dự án, PVOS đã kiến nghị ưu tiên dành quỹ đất, mặt nước và quỹ cảng tại vị trí thuận lợi để phục vụ mục đích dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại về dầu thô.
Đặc biệt, nhà đầu tư này cũng muốn trở thành đơn vị hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật cho Dự án Kho dự trữ quốc gia dầu thô và hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thu xếp tài chính để phát triển dự án này.
Được biết, PVOS được hình thành trên cơ sở góp vốn của Công ty SEK (Hàn Quốc), với 71% vốn điều lệ; 19% vốn điều lệ thuộc về Tổng công ty Dầu Việt Nam và 10% còn lại thuộc về Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn - nơi đang vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo tính toán của chủ đầu tư, Dự án có quy mô khoảng 250 triệu USD và sẽ được huy động vốn theo phương án 40% vốn chủ sở hữu, 60% vốn vay.
Trước đó, Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010, với quy mô vốn 6.000 tỷ đồng, sức chứa 1,6 triệu m3 trên diện tích xây dựng 180 ha, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn I trong quý I/2014 và vận hành toàn bộ vào năm 2015.
Sau đó, vào tháng 4/2013, Dự án đã được điều chỉnh lần 1. Theo đó, Dự án đăng ký đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh (BO), hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn I với dung tích chứa 600.000 m3 trong quý I/2017. Tổng vốn đăng ký đầu tư được xác định khi đó là 340 triệu USD.
Trong đóng góp ý kiến của mình, Bộ Tài chính đã yêu cầu chủ đầu tư xác định căn cứ, phương pháp tính tổng mức đầu tư; phân tích, đánh giá hiệu quả tài chính, phương án và khả năng hoàn vốn trong vòng 10 năm như đề xuất. Ngoài ra, cơ sở tính toán mức giá cho thuê kho là 3,5 USD/m3/tháng, hay vấn đề cơ chế áp dụng giá cho thuê kho trong suốt vòng đời của Dự án và khả năng thu hồi vốn ra sao cũng cần được làm rõ.
Một vấn đề khác được cơ quan chuyên môn đặt ra là “vì sao phải là kho ngầm, mà không phải là kho nổi hay hình thức dự trữ khác”, bởi trong hồ sơ Dự án không đưa ra so sánh các phương án.
Trong góp ý của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Dự án có tổng mức đầu tư 250 triệu USD, dự kiến vay của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) 150 triệu USD, song hồ sơ Dự án chưa có cam kết cho vay vốn của KDB, hay hợp đồng tín dụng kèm theo, nên cần phải bổ sung theo quy định.
Giải trình ý kiến trên, PVOS cho biết, đã cùng với KDB, Ngân hàng Phát triển Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) cam kết thủ tục thu xếp vốn cho Dự án. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Hàn Quốc (KNOC) cũng cam kết góp vốn thực hiện Dự án.
Hiện PVOS đã cùng Socar Trading Singapore và Sebrina Holding Pte. Ltd., PVOil Singapore ký bản ghi nhớ hợp tác trong dự án này, với việc các đối tác bao tiêu phần lớn thể tích kho để chứa dầu thô phục vụ mục đích kinh doanh quốc tế và có thể cung cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước, như Dung Quất, khi cần thiết.
Cũng cần phải nói thêm rằng, vào tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận bổ sung Dự án Kho dự trữ quốc gia dầu thô tại Dung Quất quy mô 1 triệu m3 vào quy hoạch và giao PVN thực hiện với phương án tự đầu tư.
Mặc dù có hai dự án kho ngầm chứa dầu thô cùng quy mô công suất, vị trí đặt và đều có khả năng kết nối nhất định với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhưng Bộ Công thương vẫn chính thức đề xuất Chính phủ chấp thuận bổ sung Dự án của PVOS (phục vụ mục đích kinh doanh thương mại) vào Quy hoạch Phát triển hệ thống dự trữ dầu thô của Việt Nam.