Vận tải Việt cần ứng dụng công nghệ để bắt kịp xu hướng; Thị trường tài chính Anh tin tưởng vào khả năng lãi suất sẽ tăng lên trong tuần này; Thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam chỉ… 35.000 đồng/kg
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-07-2018
- Cập nhật : 31/07/2018
Vinamilk lãi ròng 2.666 tỷ đồng trong quý 2, mỗi ngày chi hơn 4 tỷ đồng cho quảng cáo
Theo BCTC hợp nhất quý II, CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM, Vinamilk) đạt 13.702 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí giá vốn tăng 6%, khiến lợi nhuận gộp giảm hơn 1% còn 6.468 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt tăng 4% và 15%, trong khi chi phí tài chính cũng tăng 48%.
Kết thúc quý II, Vinamilk lãi ròng 2.666 tỷ đồng, giảm gần 9%. Tương đương mỗi ngày, công ty lãi gần 29 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 25.822 tỷ đồng, tăng 2%, tương đương 46,5% chỉ tiêu năm. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm chiếm gần 97%. Doanh thu thuần trong nước của công ty tăng 3% đạt 22.207 tỷ đồng trong khi, doanh thu nước ngoài giảm gần 7% còn 3.615 tỷ đồng.
Các chi phí của công ty tăng trong thời gian qua, chủ yếu do chi phí vận chuyển và chi phí dịch vụ mua ngoài. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo được tiết giảm 13% chỉ còn 808 tỷ đồng, tương đương VNM chi gần 4,5 tỷ đồng mỗi ngày cho quảng cáo.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng của Vinamilk đạt hơn 6.337 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 5.367 tỷ đồng, giảm 8% và tương đương 59% kế hoạch. EPS đạt 3.339 đồng.
Sau nửa năm, tổng tài sản của Vinamilk đạt 36.183 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn chiếm 58%, chủ yếu là tiền và tiền gửi 10.106 tỷ đồng. Tài sản dài hạn phần lớn là tài sản cố định gần 11.095 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, Vinamilk vay nợ hơn 2.040 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn chiếm 88%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 7.892 tỷ đồng, bên cạnh quỹ đầu tư phát triển 3.365 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần gần 206,7 tỷ đồng.(NDH)
------------------------
Các "đại gia" ô tô bàn thảo biện pháp đáp trả thuế quan của Mỹ
Đại diện thương mại Canada, EU, Nhật Bản, Mexico và Hàn Quốc sẽ nhóm họp để thảo luận cách thức đối phó với những đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu
Các quốc gia chế tạo ô tô muốn có được sự chuẩn bị thấu đáo cho tình huống xấu nhất. Ảnh: TTXVN phát
Một số hãng và doanh nghiệp chế tạo ô tô lớn cũng đã có các cuộc thảo luận về khả năng đưa ra “một phản ứng tập thể” đối với cuộc điều tra theo “Điều 232” (của Luật Thương mại) mà Tổng thống Trump yêu cầu ngày 23/5 vừa qua.
Cuộc điều tra này của ông Trump nhằm làm rõ liệu ô tô nhập khẩu có phải là một mối đe dọa đối với an ninh Mỹ hay không.
Các cuộc điều tra tương tự trong năm ngoái (vốn đã dẫn đến việc gia tăng mức thuế suất lên 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu) đã mất đến gần 10 tháng.
Bộ Thương mại Mỹ có 270 ngày để đưa ra các kiến nghị lên Tổng thống sau khi cuộc điều tra được bắt đầu tiến hành. Trong vòng 90 ngày tiếp theo, Tổng thống sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Hiện chưa rõ biện pháp đối phó mà các quốc gia trên có thể tính đến. Canada, EU và Mexico đã có biện pháp đáp trả bằng việc áp đặt thuế quan của các nước này đối với các mặt hàng của Mỹ sau khi ông Trump quyết định áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ tháng Ba vừa qua. Một lựa chọn khác là có thể được đề cập là kiến nghị lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuần trước, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho hay Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland đã lên tiếng kêu gọi “sự hợp tác giữa các quốc gia liên quan” đối với cuộc điều tra của Mỹ sau khi diễn ra cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong.
Tuy nhiên, các quan chức của Canada, Mexico và Hàn Quốc hầu hết đều khẳng định rằng đó mới chỉ là các cuộc thảo luận sơ bộ ban đầu và chưa đi vào chi tiết cụ thể về một biện pháp đáp trả chung.
Mặc dù hy vọng về những sự đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU đã phần nào giảm bớt sự lo lắng của các hãng và doanh nghiệp chế tạo ô tô, nhưng cuộc họp trên cho thấy các quốc gia chế tạo ô tô muốn có được sự chuẩn bị thấu đáo cho tình huống xấu nhất.
Các biện pháp thuế quan đối với ô tô không những tác động tới hãng ô tô Hyundai Motorcủa Hàn Quốc, Toyota Motor của Nhật Bản, BMW của Đức mà còn ảnh hướng lớn tới các tập đoàn của Mỹ như General Motor, Ford và Fiat Chrysler.
Trong năm 2016, Mỹ nhập khẩu số lượng xe ô tô trị giá 173 tỷ USD và linh kiện ô tô trị giá 70 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với con số 21 tỷ USD mặt hàng thép nhập khẩu.(Bnews)
------------------------
Những vụ lừa đảo tiền ảo gây chấn động Việt Nam
Từ tiền ảo AOC, IFan cho tới hợp tác xã đào tiền ảo, tất cả đều có điểm chung là mức cam kết lãi suất "khủng" trong thời gian ngắn.
Liên tục những vụ lừa đảo tiền ảo được phát giác gần đây, từ tiền ảo AOC tại những huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang, IFan trên nền tảng huy động vốn bằng hình thức trả lãi (lending platform) hay hợp tác xã đào tiền ảo Sky Mining...
Những vụ việc gắn với loại hình đầu tư mới này đều kết thúc bằng gương mặt thất thần của nhà đầu tư cùng hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng không biết đã đi đâu.
Tiền ảo AOC
Đồng tiền ảo có tên Alos Coin (viết tắt là AOC) đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều người dân tại tỉnh Bắc Giang cuối năm 2017.
Tràn về các vùng quê nghèo, đồng tiền ảo này được những người đứng đầu hệ thống hứa hẹn sẽ là một cách thoát nghèo nhanh chóng, đem lại giàu sang phú quý với lãi suất siêu khủng. Nhiều người thậm chí bỏ cả kinh doanh, cắm nhà, cắm sổ đỏ đổ tiền vào AOC. Tuy nhiên, danh xưng "tiền ảo", "tiền kỹ thuật số" chỉ là bề ngoài của một phương thức lừa đảo quen thuộc - lợi nhuận cao, lấy tiền người sau trả cho người trước.
Với mức lợi nhuận mời chào khi đầu tư vào tiền ảo AOC lên tới 180% mỗi năm, gấp 20 lần gửi ngân hàng, không ít người đã bị mờ mắt bởi con số sinh lời không tưởng. Dù không biết đồng tiền này hình thù ra sao, sử dụng làm gì, nhiều người dân vẫn bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng vào AOC. Tuy nhiên, khi những người đứng đầu hệ thống này biến mất, chân tướng sự việc mới lộ rõ.
Sau khi bị điều tra, đường dây lừa đảo tiền ảo này đã lộ diện với chân rết tại 10 tỉnh thành, hơn 1.400 người tham gia cùng số tiền hàng chục tỉ đồng.
Tiền ảo iFan
Đầu tháng 4, hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech giăng băng rôn tố cáo công ty này đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin (được trả lãi). Số tiền 15.000 tỉ đồng được giải thích là quy đổi từ 650 triệu USD ICO (huy động vốn) thành công từ iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác do Modern Tech đại diện.
Nhà đầu tư đến văn phòng Công ty Modern Tech tố cáo lừa đảo.
Tinh vi hơn so với cách thức lừa đảo của AOC, iFan hay Pincoin khiến cả những người có kiến thức về công nghệ thông tin bị mờ mắt. Tiền ảo này khi công bố đều được gắn mác là tiền quốc tế được thành lập tại Singapore hay Ấn Độ. Đơn vị vận hành giới thiệu iFan là tiền ảo sử dụng cho các dịch vụ liên quan showbiz.
Theo những nhà đầu tư tham gia, Modern Tech cam kết với nhà đầu tư khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống còn được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Nhưng cũng như nhiều đồng tiền ảo được dựng lên bằng hính thức huy động vốn trả lãi theo mô hình đa cấp, iFan sau đó đã sụp đổ. Sau một thời gian ngắn được trả lãi, đồng tiền ảo này đã biến mất vì bị xét vào nhóm tiền ảo rác, không có giá trị giao dịch quốc tế. Nhà đầu tư vào đồng tiền này chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là lên đến 15.000 tỉ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%.
iFan, Pincoin hay một cái tên khác như Davor, chỉ là một lát cắt mỏng trong danh sách những đồng tiền ảo có nền tảng huy động vốn bằng hình thức trả lãi (lending platform) mới nổi lên tại Việt Nam từ cuối năm 2017.
Hợp tác xã đào tiền ảo
Sky Mining là trường hợp tiếp theo trong danh sách những vụ lừa đảo tiền ảo được phát giác. Ngày 23-7, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Công ty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ) đã lên tiếng tố cáo khi không thể liên lạc được với Tổng giám đốc Lê Minh Tâm.
Theo Phó tổng giám đốc Lê Minh Hiếu, ông Tâm đã đi Mỹ cùng với khối tài sản khoảng vài chục triệu USD của công ty và nhà đầu tư. Ông Hiếu cũng cho biết bản thân chỉ là quản lý trên danh nghĩa và không biết cụ thể về tài sản, số lượng xưởng đào, máy đào vì mọi hoạt động chi tiết đều do ông Tâm nắm quyền và quản lý.
Trên website công ty, Sky Mining nhận là tổ chức chuyên về đầu tư mua máy tính khai thác phần mềm giải mã thuật toán. Trong nhiều lần quảng bá, các thành viên công ty tự khẳng định là công ty đào tiền ảo "lớn nhất Việt Nam", hay "cực lớn".
Sky Mining yêu cầu nhà đầu tư chọn đóng các gói từ 100 USD đến 5.000 USD để mua máy đào, không giới hạn số lượng gói có thể mua. Sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư. Đóng tiền xong, công ty sẽ xuất máy cho nhà đầu tư và họ ký gửi lại để tiến hành đào tiền ảo. Sau 15-18 tháng, khi hoàn thành chu kỳ lợi nhuận 300%, nhà đầu tư sẽ trả máy lại cho công ty.
Khi Tổng giám đốc Lê Minh Tâm biến mất, nhiều người tuyên bố bị Sky Mining bị lừa đảo vì đã dành từ 5-10 tỉ đồng để lấy lãi 0,6% mỗi ngày nhưng nay còn chưa kịp thu hồi vốn.(Vnexpress)