Chỉ đạo của Thủ tướng về đầu tư sân golf; Bình thường hóa chính sách tiền tệ tại Mỹ và EU: Những khác biệt về điều kiện kinh tế; Giữa “bão” khaisilk: “Mổ xẻ” ngành dâu tằm tơ Việt Nam; Uber đã chấp nhận nộp 66,8 tỷ đồng tiền truy thu thuế
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-11-2017
- Cập nhật : 02/11/2017
Tổng vốn hóa “ngũ đại gia” công nghệ Mỹ gần như cao nhất mọi thời đại
Báo cáo lợi nhuận quý 3 khả quan của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Amazon, Alphabet và Microsoft đã làm nức lòng giới đầu tư ở Phố Wall những ngày qua.
Thị trường đang tiếp tục chờ đợi những báo cáo tích cực tiếp theo từ Apple và Facebook trong tuần này.
Theo hãng tin CNN, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Apple đã tăng 45%, một phần nhờ đánh giá tích cực của giới chuyên môn về chiếc iPhone X sắp được chính thức bán lẻ.
Cổ phiếu hãng bán lẻ trực tuyến Amazon tăng gần 50%; cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google - và cổ phiếu Microsoft cùng tăng hơn 30%. Cổ phiếu mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã tăng hơn 55%.
Như vậy, mức tăng giá của tất cả các cổ phiếu này đều vượt mức tăng của Nasdaq, bởi chỉ số công nghệ của thị trường chứng khoán Phố Wall này mới tăng 25% trong năm nay.
Cả 5 cổ phiếu này đều đang có mức giá kỷ lục hoặc gần kỷ lục, đưa giá trị vốn hóa của mỗi hãng lên ngưỡng trên nửa nghìn tỷ USD. Trong đó, giá trị vốn hóa của Apple hiện ở mức 870 tỷ USD. Chỉ cần cổ phiếu "quả táo" tăng thêm 15% nữa là giá trị vốn hóa của hãng đạt 1 nghìn tỷ USD.
Tổng giá trị vốn hóa của cả 5 hãng hiện ở mức gần 3,3 nghìn tỷ USD, so với mức khoảng 2,2 nghìn tỷ USD cách đây 2 năm.
Giá cổ phiếu của các hãng tăng bất chấp lãnh đạo của Facebook, Google cùng mạng xã hội Twitter sẽ phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc Nga đã sử dụng quảng cáo, bài viết và video trên các trang này ra sao để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng chẳng mấy lo lắng về những vấn đề cụ thể của từng công ty trong số 5 "đại gia" công nghệ này. Chẳng hạn, đối với Apple, giới đầu tư chú ý nhiều hơn đến nhu cầu mạnh mẽ đối với chiếc iPhone X thay vì nhu cầu ảm đạm đối với iPhone 8.
Đối với Amazon, các nhà đầu không lo chuyện công ty này đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực mới, chẳng hạn bán lẻ truyền thống thông qua vụ thâu tóm Whole Foods và có thể tiến sâu hơn vào mảng y tế.
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, nếu 5 công ty này tiếp tục gặp hái lợi nhuận lớn từ mảng kinh doanh chính và đạt tốc độ tăng trưởng cao ở những lĩnh vực mới - như dữ liệu đám mây đối với Amazon và Microsoft, hay thực tế ảo (VR) và tương tác thực tế (AR) đối với Facebook, Google và Apple - thì sự tăng giá cổ phiếu của cả 5 công ty dường như không còn giới hạn.(Vneconomy)
-----------------------------
HAG sẽ quay lại câu chuyện bò, cọ dầu vào cuối 2018 khi dòng tiền được giải quyết
Câu chuyện chính của HAG hiện nay là trái cây và đây cũng là giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề dòng tiền.
Chia sẻ tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư, ông Trịnh Việt Cường, Trợ lý Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) cho biết trong quá khứ Công ty đã từng mắc sai lầm khi dùng nợ ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn, đầu tư cây công nghiệp gặp rủi ro như sự khác biệt sản phẩm và nhu cầu thấp, giá cao su rớt mạnh từ 6.000 USD lúc mới đầu tư xuống 1.900 USD hiện nay. Rút kinh nghiệm từ đó, Công ty từ nay sẽ nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường rồi sau đó mới xét đến lợi thế của công ty khi ra quyết định đầu tư.
Đối với việc cơ cấu nợ, trong năm 2017 Công ty đã tái cấu trúc xong nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn và giảm 4.176 tỷ đồng nợ vay. Theo ông Cường nợ giảm được là nhờ Công ty bán mảng mía đường và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Đồng thời, theo kết quả lộ trình tái cơ cấu HAG không phải trả nợ trong 2017, 2018 mà chỉ trả lãi và đến 2019 mới bắt đầu trả nợ gốc.
Định hướng hoạt động trong thời gian tới, HAG sẽ tập trung vào mảng trái cây và hoa màu, duy trì mảng bò, cao su và cọ dầu. Mục tiêu HAG trở thành nhà sản xuất trái cây nhiệt đới hàng đầu tại châu Á và sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây.
Trái cây sẽ đóng góp hơn 4.000 tỷ EBITDA cho năm 2018
Ông Cường cho biết mảng trái cây sẽ trở thành tâm điểm của HAG trong tương lai. Đối thủ cạnh tranh chính hiện nay chỉ là những người nông dân quy mô dưới 5 ha trong khi Công ty có 18.000 ha đất để phát triển nông nghiệp. Rút kinh nghiệm từ sai lầm quá khứ, HAG sẽ trồng khi thị trường có nhu cầu, ví dụ như trước khi trồng chuối, thanh long hay ớt đều có đối tác ký mua hàng. Công ty có 83 kho lạnh ở 4 nước và 25 đối tác lớn.
Thị trường nhắm đến trong mảng trái cây của HAG là Trung Quốc, nhóm khách hàng là tầng lớp trung lưu với chuỗi cung ứng hiện đại (siêu thị). Nhu cầu thế giới tiêu dùng 400 triệu tấn hoa quả/ năm, trong đó Trung Quốc chiếm 40%. Trung Quốc sẽ có thêm 300 triệu dân trung lưu (100 triệu hộ gia đình) vào năm 2022. Và đất nước này nhập 100.000 tấn hoa quả năm 2016 hầu hết là từ Việt Nam, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng 50%/năm kể từ 2014.
Tính đến hết quý III/2017, HAG đã trồng 19 loại trái cây và hoa màu, có 2.000 ha trong thời gian khai thác. Theo đó, doanh số đạt 50.200 tấn, đem về doanh thu 50 triệu USD và 20 triệu USD lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), tương đương 1.141 tỷ đồng doanh thu và hơn 523 tỷ EBITDA. Quý IV dự kiến sẽ đạt doanh thu 992 tỷ đồng từ mảng trái cây và lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao là 486 tỷ đồng.
Công ty đặt mục tiêu nâng diện tích khai thác từ 3.467 ha năm 2017 lên 8,829 ha năm 2018, trong đó tăng mạnh trồng thanh long, chuối và ớt. Ước tính sản lượng trái cây năm 2018 sẽ đạt 333.988 tấn, doanh thu 7.534 tỷ và EBITDA 4.096 tỷ đồng.
Cọ dầu, bò sẽ đầu tư lại khi có dòng tiền
Với cao su, trong năm 2017, ông Cường cho biết Công ty sẽ nâng diện tích khai thác lên 12.800 ha trên 49.000 ha đã trồng. Giá cao su hiện nay giảm so với đầu năm nhưng tại mức giá này HAG đã có lời. Tuy biên lợi nhuận không quá hấp dẫn nhưng lại tốt cho dòng tiền bởi vườn cây đã có sẵn và công chăm sóc không thực sự tốn kém. Nếu giá cao su tốt thì HAG tập trung khai thác nhiều, giá thấp thì khai thác ít và chỉ ngưng khi không có lời nếu giá rớt xuống 1.000 USD/tấn.
HAG đang có 29.000 ha dầu cọ, đây là loại cây có sức sống tốt nhưng để ra sản lượng thì trước 6 tháng cần chăm bón, tưới tiêu tốn nhiều chi phí nên biên lợi nhuận cũng không cao. Dự báo cuối năm 2018 giá dầu cọ phù hợp và dòng tiền đã được giải quyết, HAG sẽ quay lại khai thác.
Với mảng bò, đây là mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận rất tốt nhưng khi Tập đoàn vấp phải khó khăn tài chính, lợi thế mất đi buộc phải bán bò giá rẻ để thu lại tiền. Điều đó lý giải vì sao biên lợi nhuận mảng bò của HAG năm 2015 cực kỳ tốt nhưng giảm dần sau đó. Do vậy, cũng tương tự như cao su, cọ dầu, cuối năm 2018 HAG mới tái đầu tư bò khi có dòng tiền từ các mảng kinh doanh trái cây.
Mảng bất động sản, Công ty chỉ còn lại dự án Myanmar – The Gem of Yangon. Với cụm 1, khu vực bán lẻ 38.300 m2 đã cho thuê 100%, văn phòng 80.000 m2 cho thuê 52%, khách sạn 430 phòng tỷ lệ lấp đầy 40%. Cụm 2 dự kiến thực hiện giai đoạn 2017 – 2019 gồm khu vực bán lẻ 29.300 m2, văn phòng 64.500 m2 và 1.044 căn hộ.
Ông Cường cho biết dù dự án tốt nhưng do vấn đề chính trị nên tốc độ cho thuê chậm, đặc biệt là cho thuê văn phòng. Dẫu vậy, dự án Myanmar cũng đã đem lại dòng tiền dương cho Công ty từ lâu và một vài quý đã có lãi. Công ty cũng đang xúc tiến tìm đối tác để bán, trong đó có Central Group của Thái Lan nhưng đây là dự án lớn nên việc chuyển nhượng mất nhiều thời gian.(NDH)
-------------------
Samsung sẽ đào tạo cho 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng
Hiện nay, mới có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử cho Samsung tại Việt Nam và đều là các doanh nghiệp FDI mà chưa có doanh nghiệp nội địa nào. Ngoài ra, trong nước mới có khoảng 25 doanh nghiệp nội địa là nhà cung ứng linh kiện cấp 1 cho Samsung.
Tại phiên họp Quốc hội thảo luận về tình hình Kinh tế- Xã hội, Bộ Công Thương nêu quan điểm về vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy gắn kết theo chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các Tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ nhận định việc thu hút đầu tư nước ngoài là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, kèm theo đó là yêu cầu phải tạo được sự gắn kết, tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp trong nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các Tập đoàn quy mô toàn cầu. Đây là bài toán lớn cần được giải quyết một cách hiệu quả để có thể bảo đảm tăng trưởng bền vững và hiệu quả cho lĩnh vực công nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.
Việt Nam đã có bước thành công ban đầu khi thu hút được các nhà đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực vào đầu tư và xây dựng tổ hợp sản xuất quy mô lớn. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển lĩnh vực sản xuất chủ yếu của nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, rõ ràng là rất cần có bước chủ động tiếp theo để phát huy được lợi thế này. Phải tận dụng cơ hội này để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất cũng như hậu cần xung quanh các trụ cột này.
Tất nhiên ở đây có vai trò của Chính phủ, trực tiếp nhất là Bộ Công Thương trong việc tạo ra cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để kích thích quá trình này, thúc đẩy tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhanh chóng vào các chuỗi giá trị này. Đơn cử trong lĩnh vực điện tử, hiện nay, mới có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử cho Samsung tại Việt Nam và đều là các doanh nghiệp FDI mà chưa có doanh nghiệp nội địa nào. Bên cạnh đó, trong nước mới có khoảng 25 doanh nghiệp nội địa là nhà cung ứng linh kiện cấp 1 cho Samsung.
Để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào hệ thống cung ứng của Samsung, Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng chương trình Chương trình đào tạo về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tiềm năng cho Samsung.
Cụ thể, Samsung dự kiến đào tạo cho khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020 về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý sản xuất, quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới, với tổng kinh phí đào tạo khoảng 800.000 USD. Các doanh nghiệp tham gia đào tạo sau đó sẽ có thể được đánh giá để trở thành các nhà cung cấp linh kiện (cấp 2 hoặc cấp 1) tiềm năng cho Samsung điện tử Việt Nam.
Với các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ Công Thương cũng đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình phối hợp tương tự để từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối thị trường và trở thành các nhà cung cấp linh kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành sản xuất công nghiệp lớn trên thế giới mà Việt Nam có điều kiện và lợi thế tham gia.(NDH)
------------------
EVNNPC: Điện thương phẩm tăng hơn 12%
Trong tháng 11-2017, EVNNPC tiếp tục tăng cường các giải pháp đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho khách hàng, giảm tổn thất điện năng.
Ngày 1-11, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết trong tháng 10 đơn vị này đã đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc. Đồng thời, khẩn trương khắc phục hậu quả và khôi phục cấp điện cho một số khu vực ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ bất thường giữa tháng 10 gây ra.
Sản lượng điện thương phẩm tháng 10-2017 ước đạt 5.051,78 triệu kWh, tăng 11,45% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng điện thương phẩm ước đạt 47.566,26 triệu kWh, tăng 12,36% so với cùng kỳ và đạt 82,44% kế hoạch năm 2017 EVN giao, trong đó thành phần công nghiệp xây dựng chiếm tỉ trọng 63,43%, tăng trưởng 15,54%...
Trong tháng 10, EVNNPC đã đóng điện, đưa vào vận hành 14 công trình nâng công suất trạm biến áp 110 kV, cùng nhiều công trình lưới điện trung, hạ áp, góp phần nâng cao năng lực lưới điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Tất cả 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng đều đạt theo quy định, trong đó đã tiếp nhận và giải quyết cấp điện cho 135 khách hàng trung áp với thời gian trung bình giải quyết các thủ tục là 5,15/7 ngày, giảm 1,85 ngày so với quy định.
Cũng trong tháng này, EVNNPC thực hiện nhắn 14,74 triệu lượt tin nhắn thông báo tới khách hàng, tăng 1,8 triệu lượt so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, toàn EVNNPC ước thực hiện gửi 157,13 triệu lượt tin nhắn đến khách hàng sử dụng điện, tăng 33,97 triệu lượt so với cùng kỳ.
Trong tháng 11-2017, EVNNPC tiếp tục tăng cường các giải pháp đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho khách hàng, giảm tổn thất điện năng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện. EVNNPC phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 2017 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao, tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, tổ chức hội thi Cán bộ an toàn giỏi cấp tổng công ty năm 2017.(PLO)