tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-11-2017

  • Cập nhật : 03/11/2017

'Cơn sốt' trung lưu Việt

Mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư ngoại đang muốn mở rộng làm ăn ở Việt Nam là việc tầng lớp trung lưu tăng mạnh.

Lê Tiến là hướng dẫn viên du lịch outbound, chuyên dẫn khách đi tour Singapore của một công ty du lịch tại TP HCM. Tận dụng các khung giờ rảnh, anh nhận mua hàng xách tay về Việt Nam. Anh cho biết lượng khách khá ổn định và tăng dần đều. Họ là những người trung lưu mà anh phân làm hai dạng.

“Khách có hai dạng, một là 'giàu từ trong trứng giàu ra'. Họ cứ thích là đặt mua, không quan tâm đến giá cả. Hai là phất lên nhờ công việc. Những người này thì thấy hợp lý sẽ mua. Giá có đắt nhưng họ thấy xứng đáng là không hề do dự”, hướng dẫn viên này kể lại.

Tiến chủ yếu xách tay quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Dù thị trường Việt Nam giờ không thiếu hàng hiệu nhưng theo anh khách vẫn chuộng đồ ngoại. Họ thích những mẫu không bán ở thị trường nội địa để khác biệt. Đôi khi, anh nhận lời mua giúp những sản phẩm bản giới hạn của Dior hay Gucci. Quy ra tiền Việt cũng hơn 70 đến 80 triệu đồng mỗi món.

Đích thân chủ tịch hãng ngọc trai quốc tế danh tiếng giới thiệu với khách mua tại một cửa hàng ở trung tâm TP HCM. Ảnh: Viễn Thông

Tầng lớp trung lưu không chỉ giúp những tiếp viên hàng không hay hướng dẫn viên du lịch như Tiến kiếm thêm thu nhập. Lực lượng này đang trở thành "thượng đế" của rất nhiều doanh nghiệp ngoại, đủ mọi ngành nghề đang làm ăn ở Việt Nam. Ông Daryl Tay - Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam nhận định, trung lưu Việt mua hàng xuyên biên giới ngày càng nhiều. Công ty của ông đầu tư các đội xe để giao những món hàng mà họ đặt mua tận Anh, Mỹ ngay tại cửa nhà.

“Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển. Ngày càng nhiều công ty thương mại điện tử tìm nguồn cung tại Việt Nam. Ngược lại, tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng lên các trang bán hàng nước ngoài đặt hàng và chuyển về nhiều hơn”, ông Daryl Tay nói và khẳng định tầng lớp này hiện tăng mạnh về lượng.

Theo quan điểm của vị CEO, trung lưu Việt là những người có thu nhập mỗi tháng từ 15 triệu đồng trở lên. Với tiêu chí này thì đến 2020, dự báo cả nước sẽ có 44 triệu người trung lưu. Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Người Tiêu dùng và Khách hàng của Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ), “tầng lớp trung lưu và giàu có” của Việt Nam là những người có thu nhập trung bình 714 USD mỗi tháng trở lên.

Nghiên cứu của Brookings Institute cho biết, tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2015 là hơn 14% mỗi năm. Ước tính, giai đoạn 2016 – 2020, con số này tiếp tục tăng thêm khoảng 4 điểm phần trăm, tương đương hơn 18% mỗi năm.

So với các nước Đông Nam Á thì tốc độ gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt đang thuộc hàng cao nhất. Ví dụ, giai đoạn 2016 – 2020, tầng lớp trung lưu ở Malaysia và Thái Lan tăng thêm hơn 4%, Indonesia tăng thêm gần 12%, còn Singapore chỉ tăng thêm khoảng 3% mỗi năm.

Năm 2015, tổng mức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu toàn cầu là 34.800 tỷ USD. Brookings Institute dự báo, đến 2030, con số này sẽ tăng gần gấp đôi. “Đến 2030, mức tiêu dùng trung lưu toàn cầu có thể tăng thêm 29.000 tỷ USD so với năm 2015. Các quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình hôm nay như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ tạo ra một thị trường với tổng tiêu thụ tăng thêm 15.000 tỷ USD so với hiện tại”, chuyên gia Homi Kharas của đơn vị nghiên cứu dự báo.

Không chỉ gia tăng về số lượng, sự thay đổi về quan điểm tiền bạc và chi tiêu của giới trung lưu cũng là điểm hấp dẫn. Điều này tạo ra sự thay đổi trong nhiều ngành, từ thực phẩm đến ngân hàng.

"Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi lối sống rất nhanh và họ ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho những khoản mục lớn nhằm mục đích nâng cấp đời sống", bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam từng nhận xét nhân dịp người Việt Nam không còn giữ danh hiệu tiết kiệm nhất thế giới. Theo báo cáo của Nielsen, tỷ lệ người dân để dành tiền vào tiết kiệm quý II/2017 giảm hơn 13% so với quý trước và xếp sau Thái Lan, Singapore, Indonesia.

Trong một cuộc gặp gỡ báo giới gần đây, ông Alexandre Bouchot -Tham tán nông nghiệp thuộc Đại sứ quán Phápcho biết giai đoạn 2015 – 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Pháp vào Việt Nam tăng 25%.

“Việt Nam nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài ngày càng nhiều nên chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Đây là một quốc gia mới nổi với tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo và có nhu cầu thực phẩm chất lượng đang tăng cao”, vị tham tán phấn khởi nói.

Còn theo dự báo PwC Việt Nam, tầng lớp trung lưu trong nước đang tăng trưởng nhanh, điều này sẽ đẩy mạnh nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng phức tạp hơn, như bảo hiểm qua ngân hàng và quản lý tài sản. Cùng với đó, thanh toán không tiền mặt sẽ có cơ hội phát triển.

“Việc chuyển từ thanh toán tiền mặt sang không tiền mặt là xu hướng tất yếu. Chúng ta thấy nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang chuyển trọng tâm kinh doanh sang ngân hàng bán lẻ nhờ khả năng chi tiêu của người trẻ tăng. Cơ sở hạ tầng công nghệ kỹ thuật phát triển tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ nền kinh tế tiền mặt sang kinh tế không tiền mặt”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định.(Vnexpress)
------------------------

Đề xuất sáp nhập Bộ Kế hoạch và đầu tư với Bộ Tài chính: Bộ trưởng Dũng nói gì?

"Việc sáp nhập cần được nghiên cứu kỹ, một cách thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học, có luận cứ, có phương pháp luận và phải đảm bảo tính bền vững chứ không phải nay nhập, mai tách", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành làng Quốc hội ngày 2/11 về đề xuất sáp nhập bộ.

 

Bộ trưởng thấy thế nào về chủ trương sáp nhập một số bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trong đó có sáp nhập Bộ Kế hoạch và đầu tư với Bộ Tài chính ?

Cái đó chưa ai bàn cả. Nghị quyết nói là có thể đề xuất, cái này phải nghiên cứu kỹ, một cách thận trọng để đảm bảo chuyện có nhập hay không phải dựa trên cơ sở khoa học, có luận cứ, có phương pháp luận và phải đảm bảo tính bền vững chứ không phải nay nhập, mai tách.

Chẳng hạn Bộ Kế hoạch và đầu tư trong tương lai cũng có thể tập trung làm những vấn đề vĩ mô, chiến lược, cơ chế chính sách, có tính chất hoạch định tham mưu cho Đảng những vấn đề về định hướng phát triển.

Có đại biểu cho rằng Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhưng khi làm chính sách thường hay vênh nhau nên nhập lại để thống nhất, tinh gọn đầu mối. Ông có bình luận gì?

Tôi cho rằng ý kiến này cũng không hoàn toàn chính xác. Cái này phải nói theo chức năng, nhiệm vụ chứ đừng nói bộ với bộ. Chức năng nào, nhiệm vụ nào thì thuộc bộ ấy.

Mô hình như Bộ Kế hoạch và đầu tư có nhiều nước áp dụng không, thưa ông?

Hiện nay vẫn còn một số nước áp dụng. Có thể tên gọi khác nhưng chức năng nhiệm vụ như nhau, cùng làm chức năng tham mưu hoạch định chính sách, đường lối phát triển, quy hoạch phát triển…

Các nước thường gọi là Bộ Phát triển, Bộ Kinh tế. Trung Quốc gọi là Uỷ ban Phát triển tài chính. Tất cả các nước đều có cơ quan làm những nhiệm vụ này.

Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính có trùng nhau?

Cùng liên quan đến ngân sách, cân đối ngân sách nhưng Bộ Kế hoạch và đầu tư là phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, còn Bộ Tài chính làm về phân bổ nguồn lực cho chi thường xuyên.

Xin cám ơn ông!

----------------------------------------

Mỹ đang theo dõi hoạt động tiền tệ Ấn Độ

Việc Ấn Độ liên tục mua đồng USD để giữ giá nội tệ đã gây ra sự chú ý đối với Bộ Tài chính Mỹ, theo CNBC.

dong rupee an do anh: reuters

Đồng rupee Ấn Độ ẢNH: REUTERS

Trong một báo cáo tháng 10.2017, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động tiền tệ, cũng như chính sách ngoại hối và chính sách kinh tế của Ấn Độ sau khi nhận thấy nước này đang "gia tăng quy mô và bền bỉ" mua ngoại tệ không chỉ của Mỹ, mà còn của các quốc gia khác. Động thái này nhiều khả năng sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ ba châu Á phải đối mặt với những ảnh hưởng xấu từ việc bị dán nhãn “thao túng tiền tệ”. Tuy nhiên, ngay cả khi không chính thức bị gọi là nước thao túng tiền tệ, thì chỉ riêng việc bị Bộ Tài chính Mỹ giám sát cũng đã đủ để hạn chế quyền tự do của chính quyền New Delhi trong việc quản lý đồng rupee.

Để tránh sự kiểm tra kỹ lưỡng của Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) có thể đang tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm lượng ngoại tệ mua vào. Nhưng các chuyên gia cho rằng, lựa chọn này sẽ gây tốn kém cho nền kinh tế Ấn Độ vì nội tệ có thể trở nên đắt đỏ và khả năng cạnh tranh của đất nước sẽ bị giảm sút, đặc biệt trong thời điểm dòng vốn đổ vào vẫn mạnh.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, sức mua tiền tệ ròng của Ấn Độ tăng lên khoảng 42 tỉ USD, tương đương 1,8% tổng GDP của nước này trong 12 tháng, kể từ tháng 7.2016 đến tháng 6.2017. “Trong nửa đầu năm 2017, đã có sự gia tăng đáng kể về quy mô và sự bền bỉ trong việc mua ngoại tệ của Ấn Độ”, Bộ Tài chính Mỹ cho hay.

RBI tăng cường mua ngoại tệ trong năm nay sau khi dòng vốn đổ vào cổ phiếu và trái phiếu Ấn Độ khiến đồng rupee đạt mức tăng mạnh nhất so với đồng USD trong hai năm qua. Các vụ mua - bán để đảm bảo đồng rupee không tăng đến mức có thể gây hại cho các nhà xuất khẩu và các công ty quốc tế khác cũng cho thấy dự trữ ngoại tệ của quốc gia Nam Á đã đạt mức cao nhất mọi thời đại 402,51 tỉ USD trong tháng 9.2017. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ bị giới hạn khả năng mua các đồng tiền quốc tế, thì nỗ lực của họ trong việc tạo ra các khoản dự trữ ngoại tệ mạnh mẽ để đứng vững trước các cú sốc kinh tế sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Được biết có ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ kiểm soát các hành vị tiền tệ không công bằng. Thứ nhất, một quốc gia có thặng dư thương mại tối thiểu 20 tỉ USD với Mỹ. Thứ hai, sức mua ngoại tệ ròng của quốc gia đó chiếm ít nhất 2% GDP trong khoảng thời gian 12 tháng. Và điểm cuối cùng là thặng dư tài khoản vãng lai ở mức tối thiểu 3%. Nếu một nền kinh tế nào đó đáp ứng hai trong ba tiêu chí này thì sẽ bị đưa vào danh sách giám sát, tăng nguy cơ vấp phải các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ và nhiều khả năng bị gán mác “thao túng tiền tệ”. Hiện Mỹ đang theo dõi chính thức năm quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Thụy Sĩ.

Theo các chuyên gia, Ấn Độ hiện chỉ đáp ứng được một trong tổng số ba tiêu chí, đó là thặng dư thương mại với Mỹ đạt 23 tỉ USD trong 12 tháng, tính tới tháng 6.2017, cao hơn ngưỡng 20 tỉ USD trong quy định. Thâm hụt tài khoản vãng lai và sức mua ngoại tệ ròng của Ấn Độ là 1,8%, và điều này có thể giúp nước này tránh bị đưa vào danh sách giám sát chính thức của Mỹ ở thời điểm hiện tại.

“Chúng tôi tin rằng Mỹ đang chú ý nhiều hơn đến Ấn Độ trong thời gian gần đây vì nền kinh tế Ấn Độ đang tiến rất gần đến các tiêu chuẩn trao đổi ngoại hối mà Mỹ đưa ra. Đồng thời điều này cũng phản ánh sự tăng giá mạnh mẽ của đồng repee trong nửa đầu năm nay”, Radika Rao, nhà kinh tế học của công ty nghiên cứu DBS Group Research, viết trong một ghi chú.(Thanhnien)
----------------------

Hơn hai năm chỉ 15 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sau 2 năm chính thức cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ có 15 người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.

Ngày 31.10, tại hội nghị về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sau 2 năm chính thức cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ có 15 người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.

Ông Trần Hòa Phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho biết rào cản lớn nhất hiện nay khiến người nước ngoài, nhất là Việt kiều, khó sở hữu nhà ở Việt Nam là xác nhận nhân thân. Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết số lượng kiều bào mua nhà tại Việt Nam vẫn còn rất ít do luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi giới hạn số lượng nhà kiều bào được quyền sở hữu; kiều bào rất ít người có 100% tiền mặt khi mua nhà, mà phải vay ngân hàng. Nếu muốn vay ngân hàng nước ngoài thì phải chứng minh được quyền tư hữu, nhưng ở VN người dân chỉ có quyền sử dụng đất chứ không có quyền tư hữu. Như vậy “cửa” vay ngoại coi như bít; còn ngân hàng trong nước thì không dám cho kiều bào vay.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các sở ngành chấn chỉnh công tác giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM. Sở Xây dựng TP khẩn trương phối hợp các đơn vị xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại TP. Công bố cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu tại Việt Nam và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng. Tăng cường kiểm tra, rà soát việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục