tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 02-11-2017

  • Cập nhật : 02/11/2017

Vì sao Alibaba và Tencent “sống khỏe” ở Ả-rập Xê-út hơn Google và Facebook?

“Một khía cạnh quan trọng trong mô hình kinh doanh của Trung Quốc là khả năng làm việc với chính quyền”, Fan Bao, CEO của China Renaissance, nói với CNBC.

vi sao alibaba va tencent “song khoe” o a-rap xe-ut hon google va facebook?

Vì sao Alibaba và Tencent “sống khỏe” ở Ả-rập Xê-út hơn Google và Facebook?

Với 2/3 dân số dưới 30 tuổi và một nền kinh tế sẵn sàng đa dạng hóa để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Ả-rập Xê-út hiện là mảnh đất màu mỡ cho những doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, theo CEO của một ngân hàng đầu tư được hãng tin CNBC phỏng vấn, chính những ông lớn công nghệ đến từ Trung Quốc, chứ không phải từ Mỹ, mới là những người sẽ chiến thắng trong cuộc đua giành được thị trường mang lại lợi nhuận lớn này.

“Các đại gia công nghệ của Trung Quốc như Alibaba và Tencent đều được hình thành bằng cách kết hợp nhiều công ty lại với nhau và đang theo đuổi nhiều ngành kinh doanh hơn so với những đối thủ đến từ Mỹ của họ như Google và Facebook”, Fan Bao, CEO của China Renaissance, nói với CNBC.

Ông Bao giải thích rằng vì những đại gia này là ngôi nhà chung của nhiều doanh nghiệp nên điều này hết sức hữu ích trong việc hấp dẫn các tài năng công nghệ hàng đầu. Đây là vấn đề chủ chốt đối với những thị trường mới nổi vì ở khu vực này khó có thể tìm được các nhân viên với nền tảng kiến thức phù hợp.

Ngoài ra, ông Bao cũng cho biết thêm rằng “một khía cạnh quan trọng trong mô hình kinh doanh của Trung Quốc là khả năng làm việc với chính quyền”. Cảm thấy thoải mái khi hoạt động trong mối quan hệ gần gũi với nhà nước có thể mang lại hiệu quả đặc biệt cho họ ở những quốc gia như Ả-rập Xê-út và khu vực Trung Đông, nơi mà chính phủ đóng một vai trò lớn trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tuy vậy, kinh doanh với sự phụ thuộc tương đối vào chính phủ cũng có thể mang đến những điều tích cực. Mohamed Abdelmeguid, chuyên gia phân tích về Trung Đông và châu Phi tại Economist Intelligence Unit, nói với CNBC: “Chính phủ Ả-rập Xê-út, với lượng tài sản lớn đang nắm giữ trong tay, có thể cung cấp sự bảo đảm nợ, làm giảm bớt yếu tố rủi ro cho một thương vụ đầu tư – đặc biệt là vào thời điểm giá dầu xuống thấp”.

Chưa cần nói đến những sự bảo đảm này thì Abdelmeguid cũng đồng ý với ông Bao rằng các công ty Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn so với những đối thủ đến từ Mỹ khi bước vào các thị trường còn ở giai đoạn ban đầu. Điều này được minh chứng qua kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh, dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới của Trung Quốc.

Thứ Tư tuần trước, khi trò chuyện với CNBC tại hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai ở Riyadh, Ả-rập Xê-út, Winston Cheng, chủ tịch phụ trách mảng quốc tế của công ty thương mại điện tử đến từ Trung Quốc JD.com nói rằng ông đã thấy một cơ hội quan trọng trong khu vực này, với rất nhiều sự thay đổi đang diễn ra ở đây. Ông Cheng cho biết thêm JD.com đang tìm kiếm những đối tác trên thị trường quốc tế.

Abdelmeguid cho rằng sự kết nối của Trung Quốc với thị trường Ả-rập Xê-út là khá mạnh, đặc biệt khi Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của quốc gia vùng Vịnh này.

Nhưng xét cho cùng, mối quan hệ này là một sự cộng sinh hữu ích. “Trong khi Ả-rập Xê-út đang tìm kiếm những nguồn tiền mới cho các kế hoạch đa dạng hóa kinh tế của mình thì Trung Quốc sẵn sàng bảo đảm những cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận lớn ở vương quốc này – chẳng hạn như vụ chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) sắp tới ở công ty dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco”, ông nói.(CafeF)
---------------------------

Kinh tế 2017 - 2018: Mừng nhất là Chính phủ không quá lạc quan!

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ có khả năng rất cao là sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Nhưng điều đáng mừng nhất, chính là việc Chính phủ đã không quá lạc quan với thành tích này.

Chiều 31/10, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách của Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã đưa ra góc nhìn như thế.

Gần 60% doanh nghiệp không có lãi

Theo Chủ tịch VCCI thì mặc dù những thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá là vững chắc, nhưng ở đâu đó vẫn còn băn khoăn, lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

"Băn khoăn vì Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý 3 vừa qua. Lo lắng vì Formosa không thể quý nào cũng tăng sản lượng đột biến. Đồng USD trên thị trường thế giới không thể năm nào cũng mất giá mạnh tới 10% để xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm", ông Lộc nhấn mạnh vào ba yếu tố được cho là tác động không nhỏ đến tăng trưởng GDP của năm 2017, đặc biệt là của quý ba vừa qua.

Lưu ý từ Chủ tịch VCCI là, mặc dù kinh tế tăng trưởng cao hơn, nhưng gần 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng làm ăn không có lãi.

Trong 10 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 100.000, nhưng số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động cũng lên đến hơn 60.000.

Bởi vậy, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2018 ở mức 6,5-6,7%, không cao hơn so với năm 2017, là sự cẩn trọng cần thiết.

"Tôi ủng hộ đề xuất này của Chính phủ", ông Lộc tỏ rõ quan điểm.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, những băn khoăn, lo lắng nói trên cũng ngụ ý rằng để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn, Chính phủ vẫn cần phải tập trung vào việc khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thông qua đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm các chi phí cả chính thức và không chính thức đang đè nặng lên vai của người dân và doanh nghiệp.

Tiêu tiền nhiều là thành tích

Vẫn trong mối quan hệ với tăng trưởng, Chủ tịch VCCI phân tích, mặc dù tăng trưởng cao hơn, nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn không giảm xuống và tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên với các tấm bằng cử nhân, cao đẳng, thậm chí thạc sĩ… vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm.

"Chúng ta cần tăng trưởng, nhưng mức tăng tăng trưởng cao sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không đi đôi với tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Trong những năm qua, các con số thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4%, nhưng đó là tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị. Còn tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn chưa được nhắc đến trong các báo cáo của Chính phủ, dù rằng đây là nơi sinh sống và làm việc của gần 70% dân số nước ta…", ông Lộc nói.

Một nỗi lo khác của bức tranh kinh tế cũng được vị Chủ tịch VCCI đề cập, đó là tình hình tài khoá của đất nước hiện nay.

Qua các báo cáo của Chính phủ, ông Lộc nhìn nhận, tình hình thu - chi ngân sách Nhà nước và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây. Vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới hơn 64%, vẫn là nợ công đang sắp đụng trần 65% GDP mà Quốc hội cho phép, vẫn là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, tức là có tiền mà vẫn không làm sao tiêu được!

Đại biểu Lộc nhấn mạnh: "Điều đáng nói là, năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. Tốc độ tăng thu - chi ngân sách Nhà nước cao luôn được coi là thành tích".

Và câu hỏi được đại biểu này đặt ra là trong năm nay, khi thu ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ vượt dự toán khoảng 23 nghìn tỷ đồng, thì số chi ngân sách Nhà nước dự kiến cũng được điều chỉnh tăng theo. Tại sao chúng ta không sử dụng khoản vượt thu này để giảm nợ công?

Hàng loạt câu hỏi tiếp theo cũng được Chủ tịch VCCI nhắc đến, đó là với tư duy thu - chi như vậy, bao giờ mới có thể đưa nợ công về mức mà chúng ta có thể an tâm? Chúng ta còn bao nhiêu đất đai có thể mang lại nguồn thu? Liệu việc thu cổ tức của các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn vì nợ xấu để trả lương cho công chức, hay bán tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước để lấy tiền đầu tư sẽ kéo dài được bao lâu?

"Tất cả những câu hỏi nêu trên cho thấy, vấn đề cân đối ngân sách Nhà nước và giảm nợ công để bảo đảm an toàn là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay", Chủ tịch VCCI phát biểu.(Vneconomy)
----------------------------

3 trục sản phẩm giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu 35 tỷ USD

10 sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD sẽ được chọn vào trục sản phẩm quốc gia, còn lại là cấp tỉnh và địa phương.

Trao đổi trong phiên thảo luận tại Quốc hội hôm nay (1/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Nguyễn Xuân Cường tập trung vào các vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón.

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, cơ quan quản lý nhận thấy 2 vấn đề nổi lên là tính thích ứng với biến đổi khí hậu và với thị trường của ngành mình.

Bộ trưởng nhận định 2 năm qua, diễn biến khí hậu cực đoan hơn, gay gắt hơn và nhiều dị thường hơn cả kịch bản được dự đoán, gây tổn thất nghiêm trọng. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp phải coi là vấn đề cơ bản để xây dựng các ngành hàng chủ lực.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Lấy ví dụ việc sản xuất nông nghiệp phải thay đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết ĐB Sông Cửu Long, trước đây là vựa nông sản, lúa gạo, thủy sản, trái cây. Nay vì vấn đề kể trên, thứ tự các mặt hàng phải thay đổi thành thủy sản (tôm và cá tra), trái cây, lúa gạo. Riêng với tôm, dư địa phát triển còn nhiều, khi thế giới có 7 tỷ người, mỗi người chỉ cần ăn 1kg là tiêu thụ được 7 triệu tấn, trong khi con số hiện tại mới là 5 triệu tấn. Ngoài ra, tôm cũng được chọn làm ngành hàng chủ lực với mục tiêu xuất khẩu tới năm 2025 đạt 8-10 tỷ USD.

Về tính thích ứng với thị trường, nông nghiệp Việt Nam đã có thể xuất đi 180 nước, đạt giá trị 30 tỷ USD năm vừa qua; và năm 2017 dự kiến đạt 35 tỷ USD. Do đó, nếu quyết tâm, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực... để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Do đó, ngành nông nghiệp chọn 3 trục sản phẩm gồm trục sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương làm các mũi nhọn. Trục sản phẩm quốc gia là 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trục sản phẩm cấp tỉnh có quy mô hàng hóa lớn của tỉnh như nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong, vải thiều Bắc Giang và cấp địa phương là mỗi làng một sản phẩm, mỗi xã một sản phẩm...

Về vấn đề phân bón, Bộ trưởng cho biết đã xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để quản lý vấn đề này; sắp tới sẽ trình tiếp một nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón với chế tài mạnh, thậm chí nơi nào vi phạm sẽ bị dừng sản xuất.

Đồng thời Bộ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát lại theo hướng, gọn bớt đầu mối, sản phẩm phân bón, tăng lượng sản phẩm phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch... Hiện nay, cả nước có 14.000 sản phẩm phân bón, trong đó 96% phân bón vô cơ. Bộ định hướng giảm dần phân bón vô cơ và tăng cường kiểm soát.(NDH)
------------------------------

Chi ngân sách: Năm sau cứ tiêu nhiều hơn năm trước thì bao giờ an tâm nợ công?

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. "Với tư duy thu chi như vậy, bao giờ chúng ta mới có thể đưa nợ công về mức mà chúng ta có thể an tâm?", đại biểu Lộc nói.

Tăng trưởng cao nhưng 60% doanh nghiệp vẫn làm ăn không có lãi

Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI cho rằng "năm nay là năm được mùa lớn" khi lần đầu tiên cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch.

"Điều đáng mừng là Chính phủ vẫn rất thận trọng trong điều hành, không quá lạc quan với những thành tích đã đạt được để có giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững", đại biểu Lộc nhận xét.

Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, mặc dù những thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá là vững chắc nhưng ở đâu đó vẫn còn băn khoăn, lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới

"Băn khoăn vì Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý 3 vừa qua. Lo lắng vì Formosa không thể quý nào cũng tăng sản lượng đột biến. USD trên thị trường thế giới không thể năm nào cũng mất giá mạnh tới 10% để xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm", ông Lộc nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, mặc dù kinh tế tăng trưởng cao hơn, nhưng gần 60% doanh nghiệp của chúng ta vẫn trong tình trạng làm ăn không có lãi.

"Trong 10 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 100.000 minh chứng cho tinh thần khởi nghiệp và niềm tin của giới doanh nhân vào môi trường kinh doanh nhưng số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động cũng không ít.

Bởi vậy, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2018 ở mức 6,5-6,7%, không cao hơn so với năm 2017, là sự cẩn trọng cần thiết", ông Lộc nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, mặc dù tăng trưởng cao hơn nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn không giảm xuống.

"Chúng ta cần tăng trưởng, nhưng mức tăng tăng trưởng cao sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không đi đôi với tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, nhất là những người yếu thế trong xã hội", ông Lộc nói.

Trong những năm qua, các con số thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4%, nhưng đó là tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị. Còn tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn theo ông Lộc, vẫn chưa được nhắc đến trong các báo cáo của Chính phủ.

Chi ngân sách - "miệng ăn núi lở"

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho biết còn một nỗi lo khác cần được đề cập đó là tình hình tài khoá của đất nước.

Theo ông Lộc, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình thu chi ngân sách nhà nước và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây.

"Vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới hơn 64%, vẫn là nợ công đang sắp đụng trần 65% GDP, vẫn là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, tức là có tiền mà vẫn không làm sao tiêu được", ông Lộc nói.

Điều đáng nói theo ông Lộc, đó là năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. Tốc độ tăng thu chi ngân sách nhà nước cao luôn được coi là thành tích.

"Tuy nhiên trong bối cảnh nợ công đang ở gần sát mức trần như hiện nay, tại sao lại coi việc thu chi ngân sách nhà nước tăng 10% là tốt hơn so với chỉ tăng 7% đến 8%?", ông Lộc đặt vấn đề.

Theo ông Lộc, trong năm nay, khi thu ngân sách nhà nước dự kiến sẽ vượt dự toán khoảng 23 nghìn tỷ đồng, thì số chi ngân sách nhà nước dự kiến cũng được điều chỉnh tăng theo. Tại sao chúng ta không sử dụng khoản vượt thu này để giảm nợ công?

"Với tư duy thu chi như vậy, bao giờ chúng ta mới có thể đưa nợ công về mức mà chúng ta có thể an tâm? Chúng ta còn bao nhiêu đất đai có thể mang lại nguồn thu? Việc bán tài sản của các doanh nghiệp nhà nước để lấy tiền đầu tư sẽ kéo dài được bao lâu? Tất cả những câu hỏi nêu trên cho thấy, vấn đề cân đối ngân sách nhà nước và giảm nợ công để đảm bảo an toàn là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay", ông Lộc bày tỏ băn khoăn.

Ông Lộc cho rằng “miệng ăn núi lở” nhưng tình hình tài khoá của đất nước hiện nay lại không phụ thuộc nhiều vào Bộ Tài chính, mà chủ yếu phụ thuộc vào năng lực cắt giảm biên chế và tinh gọn bộ máy của Bộ Nội vụ.

"Rất mừng là tại hội nghị Trung ương 6, khoá 12 vừa qua Trung ương đã có những quyết sách quan trọng mở đường cho việc giải quyết vấn đề này và trong thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày hôm qua về cải cách bộ máy hành chính, nhiều chủ trương chính sách và giải pháp lớn đã được đề cập khá sâu sắc", ông Lộc nói.

Để làm tốt chủ trương này, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ cần xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể về cắt giảm biên chế, đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, xuống đến tận cấp xã phường trong thực hiện.

"Việc này cần làm giống như cách mà Thủ tướng và Chính phủ đã áp đặt mệnh lệnh cho các bộ ngành chỉ tiêu phải cắt giảm tối thiểu 30-50% các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong vòng hai năm tới", ông Lộc nói.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy cải cách theo ba tuyến giải pháp cơ bản: thực hiện Chính phủ điện tử, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh không cần thiết để cởi trói cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời giải phóng các bộ ngành ra khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao chức năng này cho các công ty đầu tư tài chính để vận hành theo nguyên tắc thị trường, không thành lập thêm siêu uỷ ban - siêu bộ...

"Chí có như vậy chúng ta mới có thể cân đối ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công mà không cần phải tăng thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường và nhiều loại thuế, phí khác làm người dân bức xúc", ông Lộc nói.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục