tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 03-11-2017

  • Cập nhật : 03/11/2017

ADB cho Việt Nam vay 170 triệu USD cải tạo hạ tầng đô thị

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản vay 170 triệu USD để giúp Việt Nam cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị và ứng phó biến đổi khí hậu.

theo adb, co hon 30 trieu nguoi song tai cac do thi viet nam va tac dong cua do thi hoa la khong dong deu tren khap dat nuoc anh: n.binh

Theo ADB, có hơn 30 triệu người sống tại các đô thị Việt Nam và tác động của đô thị hóa là không đồng đều trên khắp đất nước Ảnh: N.BÌNH

 

Khoản tài trợ này là nhằm thực hiện Dự án Phát triển đô thị Xanh loại hai (Thành phố xanh) nhằm giúp các đô thị này trở nên đáng sống hơn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Nếu dự án được thực hiện, có khoảng 116.000 hộ gia đình tại các thành phố Huế, Vĩnh Yên và Hà Giang sẽ được hưởng lợi.

Theo đó, đối với thành phố Vĩnh Yên thuộc Vĩnh Phúc, dự án sẽ xây dựng một hệ thống xử lý nước thải mới, nâng cấp 66,1 km cống thoát nước, nạo vét Đầm Vạc, và xây dựng 44,5ha không gian xanh công cộng mới.

Tại Huế, dự án sẽ nâng cấp 21,9km đường ống thoát nước, cải tạo 15,9km mặt đường và cống thoát nước, và xây dựng 17,2ha không gian xanh, cùng với các hạng mục khác.

Ở Hà Giang, dự án sẽ cải tạo khoảng 7km cống thoát nước đô thị, gia cố 5,6 km kè bờ sông, và tăng cường mạng lưới đường đô thị với 6,2km đường và một cây cầu dài 150 mét để giúp phân luồng giao thông.

Ông Satoshi Ishi, chuyên gia chính về phát triển đô thị của ADB, cho biết đô thị hóa đã có tác động tích cực tới tăng trưởng của Việt Nam. 

Song rất nhiều thành phố, cho dù là trung tâm của các hoạt động kinh tế, vẫn thiếu các dịch vụ hạ tầng đô thị cơ bản và dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhất là lũ lụt.

"Chúng tôi mong được làm việc với UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Hà Giang, cơ quan quản lý hành chính của các thành phố Huế, Vĩnh Yên và Hà Giang, để bảo đảm rằng các trung tâm tỉnh lỵ của họ sẽ xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế", báo cáo của ADB trích dẫn ý kiến ông Satoshi Ishi.

Báo cáo của ADB cũng cho biết có hơn 30 triệu người sống tại các đô thị Việt Nam nhưng tác động của đô thị hóa là không đồng đều trên khắp đất nước. 

Không giống như Hà Nội và những đô thị phát triển khác, các đô thị loại hai với dân số từ 50.000 tới 300.000 người như Huế ở miền Trung, Vĩnh Yên và Hà Giang ở miền Bắc có sự phát triển chậm hơn. 

Chẳng hạn, theo ADB, chưa đầy 60% số hộ gia đình ở các đô thị loại hai được tiếp cận nước sạch, và chỉ 10% nước thải được xử lý đúng cách.

Bên cạnh các khoản vay, ADB cũng sẽ triển khai hỗ trợ kỹ thuật với tổng số vốn là 14,1 triệu USD cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường và đầu tư viện trợ không hoàn lại trị giá 6 triệu USD từ Quỹ Môi trường Toàn cầu và Quỹ Tín thác ứng phó biến đổi khí hậu đô thị. 

Tính 1993-2015, ADB đã hỗ trợ và cho Việt Nam vay khoảng 15,2 tỉ USD, trong đó, các lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất là giao thông và thông tin liên lạc (33,5%), năng lượng (17,8%) và quản lý khu vực công (10,7%).

Trong giai đoạn 2017-2019 ADB đề xuất cho Việt Nam vay 4,3 tỉ USD từ nguồn cho vay ưu đãi và nguồn cho vay thông thường của định chế này.

Theo đó, ADB sẽ duy trì mức cho vay chính phủ khoảng 1 tỉ USD mỗi năm, hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại khoảng 5 - 7 triệu USD mỗi năm và đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu khoảng 1,4 tỉ USD.(Tuoitre)
---------------------------

Quỹ đầu tư Nga - Trung tăng vốn lên 2 tỉ USD

Một quỹ đầu tư chung giữa Trung Quốc và Nga vừa tăng số vốn cơ bản gấp đôi lên 2 tỉ USD, mở đường cho loạt giao dịch mới, đồng thời giúp tăng cường quan hệ tài chính giữa Bắc Kinh và Moscow.

chu tich trung quoc tap can binh (trai) va tong thong nga vladimir putin anh: reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ẢNH: REUTERS

Quỹ đầu tư Nga - Trung, được hợp thành từ các quỹ đầu tư của Trung Quốc và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, đã hoàn thành giấy tờ thủ tục để tăng vốn, ông Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của quỹ, nói với South China Morning Post.

Được thành lập vào tháng 6.2012, quỹ đầu tư chung của hai nước đã trở thành một kênh hữu hiệu giúp Nga nhận được hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh trong khi phải chịu lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây. Hiện quỹ đang được sử dụng để làm nền tảng thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào Nga. Ngoài ra, quỹ này sẽ phối hợp với Quỹ hợp tác kinh tế Trung Quốc - Á Âu dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Theo ông Dmitriev, quỹ đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào 19 dự án, bao gồm dịch vụ chia sẻ xe của Trung Quốc Didi Chuxing, một cây cầu đường sắt ở biên giới Nga - Trung, và chuỗi cửa hàng bán lẻ của Nga Lenta. Sắp tới, quỹ sẽ rót vốn vào công ty dịch vụ dầu mỏ Nga Eurasia Drilling và công ty United Transport Concession Holding để tài trợ cho hai con đường mới ở Moscow và lưới vận tải đường sắt hạng nhẹ ở St Petersburg. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư 70% ở Nga và 30% ở Trung Quốc. Việc quản lý rủi ro tiền tệ của quỹ được thực hiện khá tốt ở Nga”, ông Dmitriev nói.

Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một viện nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, trong số hơn 35 quốc gia đại diện cho gần 97% đầu tư nước ngoài của Đại lục trong sáng kiến Vành đai - Con đường, Nga được xếp hạng thứ hai về độ an toàn. “Tình hình kinh tế vĩ mô của Nga đang rất tốt. Với mức tăng trưởng kinh tế 2%, tỷ lệ lạm phát 3%, giá dầu và hàng hóa trong năm nay không có nhiều biến động là những dấu hiệu cho thấy sự ổn định chung của kinh tế Nga là điều có thể dự đoán được”, ông Dmitriev nhận định.

South China Morning Post trích lời ông Dmitriev cho biết, có hơn 73 dự án đầu tư trị giá 100 tỉ USD đã được các doanh nhân Trung Quốc và Nga thảo luận trong cuộc họp thứ ba của Ủy ban Tư vấn Kinh doanh Nga - Trung tại Bắc Kinh trong năm nay. Trong đó, có khoảng 20 dự án trị giá 14 tỉ USD đang được thực hiện.(Thanhnien)
-------------------------

Bitcoin tiếp tục phá vỡ kỷ lục, gần chạm ngưỡng 7.000 USD

Diễn biến đồng tiền điện tử rất tích cực khi lập kỷ lục 2 lần liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần sau khi Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) công bố kế hoạch mở các hợp đồng bitcoin tương lai trong quý 4, và đang chờ nhà chức trách chức thông qua.

Cụ thể, theo dữ liệu từ trang CoinDesk, giá đồng bitcoin đạt 6.994,01 USD lúc 3 giờ 4 phút sáng ngày thứ 5 (theo giờ ET). Tuy nhiên sau đó giá bitcoin giảm nhẹ xuống còn trên 6.900 USD. Kể từ đầu năm nay, giá đồng bitcoin tăng gần 600%.

Đợt tăng giá này nâng giá trị vốn hóa của tất cả các đồng tiền điện tử lên 188 tỷ USD. Chỉ tính riêng bitcoin đã chiếm 115 tỷ USD, theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.

Hôm thứ 3, Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME) chính thức công bố kế hoạch mở các hợp đồng bitcoin tương lai trong quý 4, và đang chờ nhà chức trách thông qua. Động thái này được cho là sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường tiền điện tử. Các chuyên gia phân tích tin rằng đây chính là cú "hích" lớn khiến đồng bitcoin tăng giá mạnh từ đầu tuần đến thời điểm hiện tại.

Ari Paul - CIO và đối tác quản lý tại BlockTower Capital nhận định: “Việc có thêm các sản phẩm phái sinh bitcoin, do Uỷ ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai kiểm soát, sẽ cung cấp một lượng thanh khoản lớn cũng như tính hợp pháp tới hệ sinh thái tiền điện tử”.

Hợp đồng bitcoin tương lai sẽ được thanh toán bằng tiền mặt dựa trên Quy định về tỷ giá tham chiếu bitcoin (BRR) được CME công bố vào tháng 10/2016. Tỷ giá tham chiếu này sẽ được công bố hằng ngày vào 4 giờ chiều theo, giờ London.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách đã cảnh báo về các hoạt động bất hợp pháp xoay quanh hoạt động giao dịch tiền điện tử, điển hình là đồng bitcoin.

Hồi tháng 9, Trung Quốc ra lệnh cấm hoạt động huy động vốn thông qua việc phát hành tiền ảo (ICO) đồng thời yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử phải đóng cửa. Động thái này khiến giá đồng bitcoin giảm mạnh mẽ.

Hôm thứ 4, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ nhận định cảnh báo nhà đầu tư về ICO coi thể bị coi là bất hợp pháp nếu các start-up không công bố số tiền mà họ nhận được.

CEO ngân hàng JPMorgan ông Jamie Dimon và CEO của Blackrock ông Larry Flint đồng thời lên án tiền điện tử, coi đây là "trò lừa bịp" và là công cụ rửa tiền.(NDH)
--------------------------

Số phận TPP có thể được quyết định tại Đà Nẵng

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên TPP đang họp tại Nhật, thu hẹp khác biệt trong quan điểm về TPP, hướng tới Hội nghị cấp bộ trưởng và Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao ở Đà Nẵng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên dẫn lời truyền thông quốc tế nhận định là số phận TPP sẽ được quyết định ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng: “Trong khuôn khổ APEC, các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực, bao gồm TPP đã được hình thành trên cơ sở tình nguyện, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Những các cam kết đạt được đều hình thành trên cơ sở đó”.

Việt Nam đang thúc đẩy cơ chế hợp tác trong TPP cùng các nước thành viên. Hiện nay, trưởng đoàn Đàm phán của 11 nước thành viên TPP đang họp tại Nhật, thu hẹp khác biệt trong quan điểm về TPP, hướng tới Hội nghị cấp bộ trưởng và Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao ở Đà Nẵng, Việt Nam. Việt Nam đóng góp tích cực cùng các thành viên khác của TPP để có kết quả tích cực nhất, đáp ứng được lợi ích của các thành viên, ông Sơn cho biết thêm.

Đưa phu nhân, phu quân lãnh đạo các nền kinh tế APEC thăm Hội An

Trong khuôn khổ cuộc họp báo, Thứ tưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết Việt Nam lên kế hoạch đưa phu nhân, phu quân lãnh đạo các nền kinh tế APEC thăm Hội An. Chương trình này sẽ do bà Nguyễn Thị Hiền, phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chủ trì. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã bố trí sẵn người để phục vụ các đoàn đại biểu tới thăm thú Hội An, bao gồm cả các tour du lịch phố Hội nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa của nơi đây. Tuy nhiên, ông Sơn không đề cập tới việc lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ tới Hội An.

hoi an nhin tu tren cao. anh: tien phong

Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiền Phong

Kế hoạch đón tiếp phu nhân, phu quân của các nhà lãnh đạo APEC nằm trong sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Việt Nam cho Tuần lễ Cấp cao nói riêng và năm APEC nói chung. Trước đó, nhiều hoạt động văn hóa đã được tiến hành ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Công viên APEC cũng đã được khánh thành ở Đà Nẵng và 19 nền kinh tế gửi tượng tới trưng bày. Tượng là những tác phẩm nghệ thuật, được làm từ đá hoặc đồng.

Hàng loạt chương trình nghệ thuật đặc biệt nhằm thể hiện sự trọng thị, hiếu khách của Việt Nam cũng đã được chuẩn bị để phục vụ Tuần lễ Cấp cao. Chương trình Gala Dinner phục vụ lãnh đạo và phu nhân 21 nền kinh tế APEC cùng nhiều bộ trưởng trong và ngoài khối cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Tại sân bay, các đoàn lễ tân túc trực 24/24 để đón các đoàn đại biểu tới Đà Nẵng.

Việt Nam năng động

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam muốn để lại dấu ấn gì trong lần thứ 2 tổ chức APEC, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Lần đăng cai thứ 2 của Việt Nam có rất nhiều khác biệt so với năm 2006. Cụ thể, môi trường quốc tế đã thay đổi trong khi thế và lực của Việt Nam cũng đã khác rất nhiều so với năm 2006”.

Theo Thứ trưởng Sơn, qua lần đăng cai tổ chức APEC này, Việt Nam muốn đạt được một số mục tiêu. Thứ nhất, Việt Nam khẳng định tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và chủ động tích, tích cự hội nhập quốc tế sâu, rộng đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao đa phương.

cong tac chuan bi cho apec da san sang.

Công tác chuẩn bị cho APEC đã sẵn sàng.

Thứ hai, với vai trò chủ nhà, Việt Nam tiếp tục duy trì đà phát triển, hợp tác trong APEC, thúc đẩy liên kết cũng như thương mại và đầu tư trong khuôn khổ APEC để đảm bảo đây là diễn đàn hàng đầu khu vực về phát triển và thịnh vượng của các nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã đề ra chủ đề “Tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” và 4 chủ đề ưu tiên được các nền kinh tế ủng hộ mạnh mẽ.

Thứ ba, Diễn đàn APEC là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên và các nhà lãnh đạo gặp gỡ, trao đổi và xây dựng, tăng cường lòng tin và hợp tác. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để thúc đẩy và làm sâu sắc với các nền kinh tế, đặc biệt là 13 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam trong APEC. Ngoài 4 nhà lãnh đạo xác nhận thăm cấp nhà nước Việt Nam, Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cũng có rất nhiều cuộc gặp song phương với tất cả các đối tác và lãnh đạo các nền kinh tế.

Công tác chuẩn bị trên tất cả các mặt để phục vụ APEC 2017 được Việt Nam làm từ rất sớm và kỹ lưỡng so với năm 2006. Tất cả công tác chuẩn bị trên mọi lĩnh vực đều đã được hoàn tất, đảm bảo Tuần lễ Cấp cao thành công.

“Việt Nam quyết định tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, một trung tâm phát triển mới và năng động ở miền Trung Việt Nam. Qua Tuần lễ Cấp cao lần này, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế một cái nhìn chung về Việt Nam là đổi mới, năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng và thân thiện, trong đó Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế là trung tâm của Tuần lễ Cấp cao”, ông Sơn nhấn mạnh.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục