BMW tăng giá xe ở Trung Quốc vì căng thẳng thương mại; Thành phố Hồ Chí Minh huy động vốn hơn 2.135 nghìn tỷ đồng; Điều tra hành vi lẩn tránh thuế đối với thép dây, thép cuộn nhập khẩu
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-07-2018
- Cập nhật : 30/07/2018
TP.HCM thu hồi 577 dự án chậm triển khai
Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết sau khi rà soát TP đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đối với 577 dự án đất, chiếm tỷ lệ 45,5%.
Cụ thể, UBND TP.HCM sẽ điều chỉnh, cắt giảm quy mô 10 dự án với tổng diện tích 33,84 ha; hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 577 dự án với tổng diện tích 5.915,1 ha.
Theo UBND TP.HCM, các dự án bị hủy bỏ, thu hồi đều có vi phạm chung là chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất.
Ngoài các dự án này, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát lại các dự án bất động sản ở huyện Nhà Bè và Bình Chánh, nơi có khoảng 85 dự án "treo", gây lãng phí và khó khăn trong cuộc sống của người dân. Trong đó, có 26 dự án chưa khởi công, 28 dự án đang thực hiện các khâu đền bù, giải tỏa, san lấp mặt bằng và xây dựng công trình.
Quyết định này thực hiện theo nghị quyết HĐND TP.HCM là rà soát 1.269 dự án trên địa bàn (giai đoạn từ 2001-2011), với tổng diện tích 18.930 ha đất.(Thanhnien)
----------------------
Chặn lô hàng 2 tỉ USD tuồn vào VN để né thuế cao của Mỹ
Cơ quan Hải quan đã phối hợp với công an ngăn chặn một vụ việc nhập khẩu nhôm tại Bà Rịa-Vũng Tàu lên tới hàng trăm ngàn tấn, trị giá 2 tỉ USD.
“Quá trình rà soát đã phát hiện những lỗ hổng trong quá trình tiền kiểm và hậu kiểm của các cơ quan chức năng đối với hàng phế liệu”. Đó là phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Cẩn tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018 vào ngày 26-7 vừa qua.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục Hải quan, còn làm rõ được một số thủ đoạn mới của các đối tượng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Theo đó, lợi dụng việc chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu, một số cá nhân người Trung Quốc đã chuyển hướng đưa loại hàng hóa này vào Việt Nam thông qua các cảng biển.
"Họ sang tìm cách kết nối, thuê người Việt Nam đi xin giấy phép thành lập các nhà máy xử lý phế liệu. Qua đấu tranh, nắm bắt nhận thấy có nhà máy đủ tiêu chuẩn nhưng nhiều nhà máy hoạt động trá hình chủ yếu để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam để tiêu thụ" - ông Cẩn nêu thực tế.
Cụ thể, các cá nhân người Trung Quốc thu gom nguồn phế liệu từ các nước châu Âu, sau đó tìm cách nhập khẩu vào Việt Nam. Họ khai báo là phế liệu đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực chất qua kiểm tra đều không đủ và hiện có khoảng 1.000 container hàng hóa thuộc loại này.
Ông Nguyễn Văn Cẩn dẫn chứng về các khung tranh cũ, sau khi đưa vào Việt Nam, các đối tượng người Trung Quốc sẽ thuê người tách lấy phần nhôm, còn toàn bộ rác thải (nhựa, kính...) để lại Việt Nam. "Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an điều tra về quy mô của các hoạt động này để có hướng xử lý" - ông Cẩn cho hay.
Đặc biệt, một vấn đề phức tạp khác được nêu tại hội nghị là việc doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc đem về gắn nhãn mác "Made in Vietnam" để trà trộn với hàng hóa có xuất xứ trong nước.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, bắt giữ và khởi tố một số vụ việc về hành vi này.
Một dạng hoạt động tinh vi hơn mà hải quan cũng phát hiện trong quá trình đấu tranh là hàng hóa làm giả xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, các đối tượng nước ngoài móc nối với doanh nghiệp Việt Nam làm giả xuất xứ Việt Nam đối với các mặt hàng không phải Việt Nam sản xuất nhằm được hưởng các ưu đãi thuế quan ở các nước nhập khẩu.
Ông Cẩn lấy ví dụ về sản phẩm nhôm khi nhập vào thị trường Mỹ, nếu của Việt Nam sản xuất chỉ chịu mức thuế 15% nhưng nếu là sản phẩm của Trung Quốc phải chịu thuế nhập khẩu tới 374%.
"Cơ quan Hải quan đã phối hợp với công an ngăn chặn một vụ việc nhập khẩu nhôm tại Bà Rịa-Vũng Tàu lên tới hàng trăm ngàn tấn, trị giá 2 tỉ USD. Tổng cục Hải quan đánh giá đây là một dạng tội phạm nhưng chế tài xử lý chưa có, trong khi nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia" - báo Người Lao Động dẫn lời đại diện Tổng cục Hải quan cho hay. (PLO)
--------------------------
Bộ Xây dựng cảnh báo sốt đất vẫn có thể xảy ra tại một số địa phương
Trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng cho rằng hiện đất nền đã hết sốt, nhưng thời gian tới sốt đất vẫn có thể xảy ra ở một số địa phương.
Theo Bộ Xây dựng, sốt đất nền thời gian qua có nguyên nhân từ việc cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác truyền thông
ẢNH: LÊ QUÂN
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng đất nền sốt cục bộ, giá tăng cao bất bình thường ở một số khu vực vùng ven TP.Hồ Chí Minh, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), đặc biệt là tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
Nguyên nhân chính, theo Bộ Xây dựng, một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu và đầu tư một số dự án đầu tư lớn về giao thông (như sân bay Long Thành, các tuyến metro của TP.Hồ Chí Minh, đường cao tốc...) để tung tin gây thất thiệt, thổi giá, đầu cơ...
Trong khi đó, các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác truyền thông, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn; kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ.
Đến nay, cơn sốt đất nền đã đi qua và hiện nhiều nhà đầu tư "ôm" đất nền nhưng chưa bán được. Tuy nhiên, sốt đất vẫn có thể xảy ra ở một số địa phương.
Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng năm 2018, thị trường bất động sản cả nước về cơ bản vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào, phong phú.
Cụ thể, 6 tháng năm 2018, qua báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội có khoảng hơn 8.600 giao dịch thành công, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, tại TP.Hồ Chí Minh có khoảng hơn 9.500 giao dịch thành công, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Về giá bất động sản, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 0,08%) so với quý 1/2018, mức độ tăng không bằng cùng kỳ năm 2017. Nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 1,84% so với quý 1/2018, mức tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Tại TP.Hồ Chí Minh, giá căn hộ tăng nhẹ (khoảng 1,4%) so với quý 1/2018. Đây là mức tăng nhanh hơn so với cùng kỳ 2017. Nhà ở riêng lẻ tăng 3,24% so với quý 1/2018, mức tăng như vậy nhanh hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017.
Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, tính đến ngày 20.6, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng hơn 24.000 tỉ đồng, so với thời điểm đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm hơn 104.000 tỉ đồng (giảm 81,27%) và so với thời điểm 20.12.2017 đã giảm hơn 1.300 tỉ đồng (giảm 5,16%).
Dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, tổng dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến quý 1/2018 là hơn 473.000 tỉ đồng.
Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) và thị trường căn hộ văn phòng tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2018, thị trường này có xu hướng chững lại do nguồn cung tăng cao, còn thiếu các quy định pháp lý.
Liên quan đến bong bóng bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, theo chu kỳ 10 năm thị trường bất động sản sẽ đi xuống, nhưng tuỳ theo từng quốc gia và tuỳ sự điều hành của Chính phủ các nước mà thị trường sẽ có những diễn biến khác nhau.
Trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra các dự báo ngắn hạn 2018 - 2021, dài hạn đến năm 2025 và có những dự báo cụ thể, giúp Chính phủ quản lý thị trường, tránh những cú sốc đột biến cho thị trường bất động sản. (Thanhnien)
-------------------