EU tài trợ phát triển điện mặt trời ở Đà Nẵng; Tổng tài sản của các TCTD tăng thêm 74,1 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng; Bức tranh Doanh Nghiệp và nội lực nền kinh tế; Phát hiện, xử lý trên 43.500 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-11-2017
- Cập nhật : 02/11/2017
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU sụt giảm mạnh
Theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tại thị trường quan trọng là Mỹ và EU giá trị xuất khẩu trên đà sụt giảm.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 258,3 triệu USD giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi nhận được thông tin Mỹ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam từ ngày 02/8/2017 và quyết định sơ bộ của POR13, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khá hoang mang.
Riêng tháng 8 và 9/2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm đột ngột lần lượt 54,6% và 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Cho đến tháng 9/2017, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đang tiến gần tới giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU.
Còn tại thị trường EU, sau nhiều tháng xuất khẩu giảm, tháng 8 và 9/2017 giá trị xuất khẩu sang thị trường này giảm lần lượt 8,4% và 23,7% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị xuất khẩu trung bình trong quý III/2017 đạt từ 15 - 19,4 triệu USD.
VASEP cũng cho biết, hiện tại sản phẩm cá tra Việt Nam bị cạnh tranh áp đảo từ các sản phẩm cá thịt trắng tại khu vực EU. Mặc dù 9 tháng đầu năm nay, tại một số thị trường lớn như: Anh, Pháp, Bồ Đào Nha... giảm nhập khẩu cá thịt trắng nhưng giá trị nhập khẩu sản phẩm cá tra từ Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn.
Bốn thị trường Brazil, Mexico, Colombia và Ảrập Xêut giúp bù đắp phần nào mức sụt giảm giá trị xuất khẩu tại hai thị trường quan trọng là Mỹ và EU. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu trong quý III/2017 sang các thị trường này chưa ổn định.
Brazil là thị trường tiềm năng nổi bật. Riêng tháng 9/2017 giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt 6,73 triệu USD tăng 103,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 9/2017 tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt 77,1 triệu USD tăng 66,7% so với 9 tháng đầu năm 2016. Đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 quý đầu năm nay.
Ngoài ra, giá trị xuất khẩu sang Mexico, Colombia và Ảrập Xêut cũng tăng trưởng khá tốt, lần lượt 22,6%; 1,4% và 4% so với cùng quý III/2016.
VASEP dự báo, các thị trường thì xuất khẩu cá tra năm 2017 có thể vẫn tăng khoảng 6% so với năm 2016. Tuy nhiên, xuất khẩu của phần lớn doanh nghiệp cá tra Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Dù các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực xoay sở tại các thị trường nhưng nhiều doanh nghiệp sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra, thậm chí khó có thể tiếp tục tham gia vào sản xuất và xuất khẩu.(CafeF)
---------------------------
Sri Lanka mời thầu quốc tế nhập khẩu 200.000 tấn gạo
Bộ Công thương cho biết, ngày 25/10, Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội có Thông báo gửi cho Bộ Công Thương về việc Hiệp hội các Doanh nghiệp bán buôn thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Sri Lanka đã thông báo mở thầu quốc tế mua 200.000 tấn gạo.
Trong đó, 90.000 tấn gạo đồ Nadu, 60.000 tấn gạo đồ Samba và 50.000 tấn gạo trắng nguyên liệu.
Hạn cuối nộp hồ sơ dự thầu trước 14h00 giờ Sri Lanka (tức 15h30 giờ Việt Nam) ngày 31/10.
Giá dự thầu tính theo giá FOB hoặc giá CIF (bao gồm chi phí vận tải). Về thời gian giao hàng: 50% giao trước 30/11/2017, 50% còn lại giao trước 31/12/2017.
Thương nhân tham dự thầu phải ký quỹ 2 triệu Rupees Sri Lanka (khoảng 13.014,6 USD) hoặc 0,1% giá trị lô hàng dự thầu và gửi kèm theo gạo mẫu loại 1kg.
Bộ Công Thương thông báo để các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được biết nắm tình hình và chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh thời gian tới.(cafeF)
------------------------
Vốn làm đường cao tốc Bắc-Nam huy động như thế nào?
Theo Bộ Giao thông Vận tải, số vốn 118.716 tỉ đồng làm đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, vốn nhà nước là 55.000 tỉ đồng (chiếm 39%), phần còn lại là vốn tư nhân và vốn đi vay.
Vấn đề huy động vốn cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải đáp tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xây dựng cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” do báoGiao thôngtổ chức hôm nay, 1-11.
Tại tọa đàm, vấn đề nhận được sự quan tâm khá lớn của các chuyên gia và nhà đầu tư là việc huy động vốn cho dự án này như thế nào khi giai đoạn 1 của dự án số vốn đã lên đến 118.716 tỉ đồng?
Giải đáp rõ hơn về việc huy động vốn cho dự án, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã phân kỳ đầu tư ưu tiên dựa trên lưu lượng xe cho từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2017-2020) cần 118.716 tỉ đồng để đầu tư.
Hiện tại, đã có 55.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để lập dự án khả thi, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu; 63.000 tỉ đồng còn lại huy động nguồn lực tư nhân.
Trong số 63.000 tỉ đồng, theo quy định mức vốn chủ sở hữu đối với nhà đầu tư khi tham gia dự án đã được nâng từ 10% lên 15%. Vì thế, sẽ có khoảng 13.000 tỉ đồng trên tổng số 63.000 tỉ đồng là vốn của nhà đầu tư.
Số vốn còn lại khoảng 50.000 tỉ đồng sẽ được huy động từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, số vốn 50.000 tỉ đồng không phải huy động cùng một lúc mà dự kiến chia ra 4 năm, mỗi năm huy động 12.000 tỉ đồng từ các tổ chức tín dụng trong nước, con số này chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống ngân hàng. "Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, mức này là hợp lý, ngân hàng trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn", ông Huy thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, số vốn nhà nước tham gia đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam chiếm tới 39%. Trong đó, nhà nước sẽ lo giải phóng mặt bằng và sẽ giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Thực tế, qua làm các dự án, tổng mức đầu tư tăng lên chủ yếu do giải phóng mặt bằng kéo dài. Hàng năm, tiền đền bù giải phóng mặt bằng đều tăng. Vì thế, giải phóng mặt bằng càng lâu, chi phí tăng càng nhiều. Ngoài ra, khâu thiết kế, lập dự án đều là vốn nhà nước bỏ ra thực hiện để tránh tổng mức đầu tư tăng lên.
Theo Bộ GTVT, cao tốc Bắc-Nam bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, dài 2.109 km, hiện tại đã hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km và đã xác định được nguồn vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km. Phần còn lại dài 1.372 km, đoạn từ Hà Nội đến TPHCM và 150 km, đoạn Cần Thơ đến Cà Mau cần phải đầu tư mới và mở rộng lên 4 làn xe.
Theo tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2020, cần khoảng 118.716 tỉ đồng để đầu tư trước 654 km. Các đoạn cần đầu tư trong giai đoạn 1 gồm Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế); Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.
Do quy mô đầu tư rất lớn nên Bộ GTVT kiến nghị tách thành 11 dự án thành phần, trong đó, 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Còn lại 3 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2025, đầu tư các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị); từ Quảng Ngãi đến Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành 4 làn xe.
Giai đoạn 3 sau 2025 sẽ đầu tư đoạn Cần Thơ – Thành phố Cà Mau.(TBKTSG)
----------------------------
Nông sản xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc qua FTA
Trong những năm qua, Việt Nam đã thu được rất nhiều thành quả đáng khích lệ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này được thể hiện rõ rệt qua những con số về tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng, đặc biệt là nông sản.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề cập tới vấn đề phát triển thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nói chụng và nông sản nói riêng trên cơ sở tận dụng các ưu đãi có được từ các cam kết đàm phán trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Trong những năm qua, các Bộ, ngành nói chung cũng như Bộ Công Thương nói riêng - với vai trò là Thường trực Đoàn Đàm phán của Chính phủ - đã nỗ lực, kiên trì thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng "sân chơi" cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông lâm thủy sản, và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký và đưa vào thực hiện 10 FTA, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Các FTA đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản nói riêng. Trong đó, nhiều thị trường có FTA đã được khai thác tốt, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tích cực so với trước khi có FTA.
Cụ thể, xét trong giai đoạn 2010 - 2016, sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực vào năm 2010, với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, xuất khẩu hạt điều sang Australia tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm.
Ngoài ra, hạt tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng đạt 12,8%/năm, cà phê đạt 8,0%/năm sau khi Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA) có hiệu lực năm 2010. Hạt tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm, thủy sản đạt 12,3% năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) có hiệu lực năm 2010...
Qua tổng hợp đánh giá chung của Bộ Công Thương cho thấy, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhóm các thị trường tăng trưởng mạnh là Chi Lê (tăng gấp 3,7 lần sau 3 năm, tốc độ tăng bình quân 54,2%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 6,4 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 30,4%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 13,5 lần sau 10 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,8%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 7,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 18,4%/năm). Nhóm các thị trường có mức tăng thấp hơn là ASEAN - tính từ khi có ATIGA (tăng gấp 2 lần sau 7 năm, tốc độ tăng 10,7%/năm), Nhật Bản (tăng gấp 1,7 lần sau 8 năm, tốc độ tăng 7,1%/năm), Australia (tăng gấp 1,3 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 3,3%/năm). Số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp của ta đã tận dụng được cơ hội do các FTA đem lại.
Trong công tác đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các rào cản kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản bất hợp lý trong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO).
Quá trình đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại đối với từng mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (thường từ 5 - 7 năm/mặt hàng). Tuy nhiên tính đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc mở cửa thị trường, tạo thêm “sân chơi” cho các mặt hàng nông thủy sản.
Cụ thể, Việt Nam đã kiện và thắng kiện Mỹ tại WTO trong vụ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường mới cho một số trái cây như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải vào thị trường này. Hiện nay, hai Bộ vẫn đang tích cực tiếp tục đàm phán hỗ trợ mở cửa thị trường cho tôm tươi nguyên con vào Australia; thịt lợn vào Trung Quốc, Philippines, Singapore; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; trứng gia cầm muối vào Hồng Kông, Singapore; xoài, vú sữa vào Mỹ....
Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng quay trở lại, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức chủ động, linh hoạt để Việt Nam có thể ứng phó và tranh thủ cơ hội để bảo đảm lợi ích cho đất nước trong tình hình mới. Một loạt các vấn đề về TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và đàm phán FTA song phương với một số đối tác khác đã và đang được nghiên cứu, triển khai rất chủ động. Ngay tới đây, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò và vị trí ngày càng cao trong quá trình hợp tác và hội nhập này.(NDH)