Malaysia khởi xướng điều tra chống bán phá giá sắt thép Việt Nam; Thép Trung Quốc qua mặt chính sách thuế Mỹ; Bán lẻ đang về tay tư nhân
Tin kinh tế đọc nhanh 31-07-2018
- Cập nhật : 31/07/2018
Hết tháng 7, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9 triệu lượt
Ngày 30/7, thông tin chính thức từ Tổng cục Thống kê cho thấy: Khách quốc tế đến Việt Nam tính đến hết tháng 7/2018 đã đạt hơn 9 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, riêng tháng 7/2018 đạt hơn 1,18 triệu lượt khách, tăng 0,5% so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng của năm 2018, khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không tăng 20,2%; đến bằng đường bộ tăng 63,3%; đến bằng đường biển giảm nhẹ 0,2%.
Trong tháng 7/2018, khách đến từ châu Á chiếm 77% tổng số khách du lịch đến nước ta, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng.
hách đến từ Trung Quốc tăng 34,1%; Hàn Quốc tăng 56,1%; Nhật Bản tăng 6,2%; Đài Loan tăng 13,3%; Malaysia tăng 12%; Thái Lan tăng 9,9%; Singapore tăng 4,7%...
Khách đến từ châu Âu tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Liên bang Nga tăng 7,2%.
Khách từ 5 thị trường Tây Âu được Việt Nam miễn thị thực trong 15 ngày cũng đều tăng (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy). Trong đó khách đến từ Vương quốc Anh tăng 7,9%; Đức tăng 9,4%; Pháp tăng 12%; Italy tăng 16,6%...
Cuối tháng 7/2018, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Cục Du lịch Đài Loan tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan.
Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu đến doanh nghiệp và người dân Đài Loan tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cũng như truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với các dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Thông qua hoạt động xúc tiến du lịch lần này góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng và hấp dẫn hơn đối với du khách Đài Loan, từ đó tăng cường trao đổi khách giữa hai bên, đẩy mạnh phát triển du lịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Trong những tháng cuối năm, ngành du lịch tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là duy trì đà tăng trưởng lượng khách, tổng thu từ khách du lịch.
Ngành du lịch Việt Nam quyết tâm hoàn thành mục tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Cũng trong những tháng cuối năm, ngành du lịch đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, cải cách hành chính, ứng dụng du lịch thông minh; tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường nước ngoài, thu hút thêm nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm. (TTXVN)
----------------------------
Phế liệu vào Việt Nam tăng gấp đôi sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan tại buổi họp báo chiều 30/7, thời gian qua, Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến hoạt động nhập khẩu phế liệu của Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh, nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Hải quan cho biết, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp đôi so với năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam có khối lượng tăng từ 200 - 400% so với năm 2016.
Đặc biệt, 5 tháng đầu năm nay, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so với cả năm 2017. Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết các thủ tục nên dẫn đến lượng phế liệu tồn đọng lớn tại các cảng.
Tính đến ngày 25/7, tại cảng Cát Lái, TP HCM còn 3.579 container phế liều tồn tại cảng. Trong đó, 2.423 container quá 90 ngày, 594 container từ 30 – 90 ngày.
Tại cảng Hải Phòng tính đến ngày 5/7 còn tồn 1.485 container hàng hóa. Trong đó, 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với ngày 5/6.
Ông Âu Anh Tuấn Cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan cho biết thời gian qua Tổng cục Hải quan đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhưng lại khai là hàng đã qua sử dụng như màng nhựa, bao tải dứa... nhằm trốn tránh các quy định về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, theo quy định, hiện chỉ có ba mặt hàng phế liệu được cấp phép đạt quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường là sắt thép, nhựa và giấy. Tuy nhiên, nhiều lô hàng khai báo là thép phế liệu nhưng khi kiểm tra lại có lẫn tạp chất nhựa, gỗ, dầu mỡ nên lô hàng đó xác định là chất thải.
Ông Mai Xuân Thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cũng cho hay thực tế có một số doanh nghiệp khai sai tên hàng để né các quy định kiểm soát phế liệu của Luật Bảo vệ môi trường.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng thực tế kiểm tra các mặt hàng phế liệu gặp nhiều khó khăn. Muốn kiểm tra đầy đủ đúng quy trình phải dỡ bỏ hết hàng từ container, trong khi đó, điều kiện tại cảng không phù hợp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cho hay cũng gặp khó trong việc xác định các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phế liệu.
Theo đó, cơ quan hải quan đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường công bố danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trên cổng thông tin một cửa quốc gia.
Để tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, ông Âu Anh Tuấn
cho biết, cơ quan hải quan sẽ siết chặt phế liệu nhập khẩu từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, không dỡ hàng xuống đối với chất thải phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn.
Về giải pháp xử lý phế liệu hiện đang tồn đọng tại cảng, ông Mai Xuân Thành cho hay cơ quan hải quan sẽ tiến hành ra soát phân loại theo quy định của pháp luật. Với các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường chủ hàng sẽ phải chịu trách nhiệm vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trong trường hợp chủ hàng cố tình bỏ trốn không chịu trách nhiệm, ông Mai Xuân Thành cho biết cơ quan điều tra sẽ vào cuộc theo chỉ thị của Thủ tướng. Cơ quan Hải quan cũng sẽ tham gia hợp tác điều tra cùng các cơ quan chức năng khác.
Về khối lượng nhập khẩu nhựa, giấy và sắt thép như sau: Năm 2016: 4,6 triệu tấn. Năm 2017: 6,55 triệu tấn. 6 tháng 2018 4,025 triệu tấn tấn.
Số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu không có nhiều biến động. Năm 2016 có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia. Năm 2017 có 266 doanh nghiệp. Năm 2018 hiện có 240 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. (NDH)
---------------------------------
Đầu tư vào nông nghiệp vẫn khó!
Dù nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp song mỗi nơi mỗi khác, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, một mặt hàng bị nhiều lần kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp
Ước tính, cả nước có 49.600 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng DN cả nước. DN đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp
Sáng 30-7, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị toàn quốc về thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo báo cáo, trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển tương đối toàn diện, năm 2017 đạt mức tăng trưởng trên 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 54,2 triệu đồng, trong đó tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,3%, cơ cấu nông nghiệp chiếm tỉ trọng 46,8%.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 103 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 533,29 triệu USD, trong đó có 77 DN FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 267 triệu USD và khoảng 1.425 DN, cơ sở trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; 327 DN đang đầu tư 393 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 56.798 ha.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 173 HTX nông nghiệp, 249 tổ hợp tác, 949 trang trại sản xuất nông nghiệp; đã hình thành những vùng chuyên canh có quy mô sản xuất lớn, tương đối tập trung; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được những thành công nhất định.
Hội nghị ghi nhận về tổng thể, ngành nông nghiệp cả nước còn phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán, năng suất, chất lượng, giá trị nhiều nông sản thấp…
Bà Thái Hương, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Sữa TH True Milk, thừa nhận dù đầu tư lớn nhưng TH vẫn chưa thu được lợi nhuận từ nông nghiệp công nghệ cao.
Việc nghiên cứu và phát triển các loại giống mới (đặc biệt là giống rau, hoa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu) chưa đáp ứng được yêu cầu; thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng nhập khẩu trên 90% các loại giống mới về rau, hoa. Do đó, chưa chủ động được nguồn giống cho sản xuất. Mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế chưa thật sự bền vững; sản phẩm chủ yếu là tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu chưa mở rộng và chưa có nhiều hợp đồng ký kết lâu dài…
Trong tình hình mới, các DN phải chuyển đổi cách làm ăn, ngoài bảo đảm chất lượng cao của sản phẩm thì phải chuyển từ tư duy "đóng bao" sang "đóng gói", cung cấp đầy đủ thông tin cho sản phẩm để tạo thương hiệu uy tín.
DN trong nước đang gặp khó khăn để khẳng định mình tại các thị trường trọng điểm, trong đó có Trung Quốc bởi quy mô còn nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico, nhìn nhận: "Nếu đầu tư trên sàn giao dịch thương mại của Alibaba, DN phải đặt cọc hàng tỉ đồng và kho hàng bảo đảm. Như vậy, không phải DN nhỏ nào cũng làm được".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát một doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu ở Lâm Đồng
Trói chân doanh nghiệp
Dù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nhưng hiện vẫn tồn đọng 500 thủ tục hành chính liên quan cần rà soát, cắt giảm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, cắt giảm hơn 50% điều kiện đầu tư vào nông nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng giúp thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này. Dù nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp song chưa hợp lý, mỗi nơi mỗi khác. Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, một mặt hàng bị nhiều lần kiểm tra ở bộ. Chính sách tiền kiểm đang gây trở ngại, khó khăn cho DN đầu tư vào nông nghiệp".
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, nhận định dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ về tín dụng nhưng cần thay đổi, cải tiến các thủ tục hành chính để DN tiếp cận vốn được nhanh hơn. Bên cạnh đó, nhà nước cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để sản phẩm sạch của ngành nông nghiệp công nghệ cao có điều kiện chinh phục người Việt, hướng đến xuất khẩu. "Điều này nhà nước không có cơ chế, chính sách hỗ trợ, bản thân DN không tự làm được" - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; tiếp tục ban hành những chính sách sát thực tiễn sản xuất nhằm huy động các nguồn lực để bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chủ động tạo ra những mô hình nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao. Từ năm 2017, 2.000 DN đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và rất thành công, trong đó có nhiều DN bất động sản... chuyển sang. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện xu hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh đang trói chân DN. Có quá nhiều thủ tục hành chính "hành" DN trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp. Qua rà soát có khoảng 16 bước với hàng chục văn bản, dẫn đến việc triển khai các dự án thường chậm. Một số quy định về điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép còn gây cản trở, chưa khuyến khích DN mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, DN còn gánh nặng thanh tra, kiểm tra. Có DN phản ánh trong vòng 20 ngày phải tiếp tới 7 đoàn thanh tra, kiểm tra. (NLĐ)