tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-07-2018

  • Cập nhật : 30/07/2018

Cá tra: mọi ánh mắt đang nhìn thị trường Trung Quốc

Cá tra trúng giá và người nuôi lãi tới 6.000-8.000 đồng/ki lô gam, tương đương khoảng 2 tỉ đồng/héc ta. Nhưng niềm vui này có thể chẳng kéo dài lâu, vì sản lượng cá nuôi đã bắt đầu tăng nhanh hơn và thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc thì vẫn rất khó đoán.

Lách cửa hẹp Mỹ, tăng nóng ở Trung Quốc

Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết cá tra phi lê xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ từ năm 2001 chỉ chịu thuế mấy chục phần trăm. Nhưng sau khi bị thuế chống bán phá giá lần cuối cùng trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), doanh nghiệp bị đánh cao nhất đến 7,74 đô la Mỹ/ki lô gam và các doanh nghiệp chịu thuế bình quân (có tham gia vụ kiện) là 3,84 đô la Mỹ/ki lô gam, cao bằng giá bán.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có hai doanh nghiệp được hưởng mức thuế xuất khẩu cá tra tốt vào thị trường Mỹ, đó là Biển Đông (0,19 đô la Mỹ/kg) và Vĩnh Hoàn (miễn thuế). Điều này, chẳng những giúp cá tra Việt Nam “thoát cửa tử” mà còn “bơi” mạnh hơn vào thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm 2018.

Chỉ riêng Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn, sáu tháng đầu năm 2018 doanh thu xuất khẩu của đơn vị này đạt 163 triệu đô la Mỹ. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 64%, tương đương chiếm trên 104 triệu đô la Mỹ, tức chiếm khoảng 71% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cá tra Việt Nam vào Mỹ.

Nhờ có hai doanh nghiệp được hưởng mức thuế tốt, nên xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ vẫn tăng. Số liệu báo cáo của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cá tra Việt Nam vào thị trường này đạt 146 triệu đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, mức tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn tiếp tục “nóng”. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), kim ngạch xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2018 vào thị trường này đạt trên 203 triệu đô la Mỹ, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 25,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Ngược lại, thị trường truyền thống khác là EU lại liên tục sụt giảm. Lũy kế năm tháng đầu năm 2018, xuất khẩu loại thủy sản này vào EU chỉ đạt gần 76 triệu đô la Mỹ, giảm 6,3% so với cùng kỳ.

Như vậy, nhờ “lách” qua được cửa hẹp của thị trường Mỹ cũng như sự tăng nóng từ Trung Quốc, cho nên, kim ngạch xuất khẩu cá tra của toàn ngành trong năm tháng đầu năm 2018 đạt hơn 797 triệu đô la Mỹ, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng nuôiđang tăng nhanh

Báo cáo của VINAPA cho biết tổng diện tích thả nuôi đến cuối tháng 6-2018 đạt 2.064 héc ta, tăng 31% so với cùng kỳ; diện tích thu hoạch đạt 2.052 héc ta, tăng 28,4% và sản lượng thu hoạch đạt gần 652.000 tấn, tăng gần 33% và tương đương tăng 215.000 tấn so với cùng kỳ.

Như vậy, so sánh một cách tương đối về tăng trưởng giữa xuất khẩu và sản lượng thu hoạch, thì tốc độ tăng trưởng về sản lượng đang đi nhanh hơn so với xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết, trong những tháng đầu năm 2018 có một lượng lớn cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và không có trong số liệu thống kê. Ông ước đoán giá trị cá tra xuất tiểu ngạch bằng khoảng 40% của tổng kim ngạch xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc (203 triệu đô la Mỹ). Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cá tra Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, nếu kiểm soát kỹ, thì khả năng trong sáu tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc (cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch) có thể chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Đây là một trong những nguyên nhân giúp tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nửa đầu năm 2018 vẫn diễn ra tốt, hoàn toàn không có hiện tượng dồn ứ nguồn cung như từng xảy ra, cho dù sản lượng tăng nhanh. Cụ thể, số liệu theo dõi trong nửa đầu năm 2018 của VINAPA cho thấy, giá bán luôn dao động từ 30.000-31.000 đồng/ki lô gam, tăng 5.000-7.000 đồng/ki lô gam so với các thời điểm của cùng kỳ năm 2017.

Ông Quốc cho rằng, nếu vẫn giữ nhịp độ tăng sản lượng khoảng 30% như trong nửa đầu năm 2018 thì sản lượng cả năm có khả năng đạt 1,5-1,6 triệu tấn, tức tăng khoảng 300.000 tấn so với năm 2017. “Từ nay đến cuối năm, nếu xuất khẩu giữ được như đà của đầu năm (cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch), thì với sản lượng như vậy, việc tiêu thụ cá nguyên liệu cũng sẽ không gặp khó khăn gì”, ông Quốc dự báo.

Còn theo ông Hải, từ nay đến cuối năm xu hướng sẽ tích cực vì thị trường nhập khẩu chuẩn bị đơn hàng cho đợt tiêu dùng dịp cuối năm, nhu cầu thường tăng. “Giai đoạn cuối năm là mùa đông, cho nên hoạt động chăn nuôi của Trung Quốc sẽ khó khăn, do đó lượng tiêu thụ sẽ tăng”, ông cho biết.

Một điểm lưu ý khác, đó là thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngoài cá tra, Trung Quốc cũng đang nhập khẩu cá thịt trắng như cá Cod, cá Alaska pollock và cá Hake từ Nga, Na Uy và Mỹ. Thế nhưng, giữa Mỹ và Trung Quốc đang “cơm không lành, canh không ngọt”, nên đây cũng có thể là cơ hội để tăng xuất khẩu cá tra trong những tháng cuối năm 2018, nhất là khi thuế xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc được kéo giảm xuống chỉ còn 7%.

Tuy nhiên, ông Hải cũng đưa ra cảnh báo, trong thương mại với thị trường Trung Quốc, sản lượng không phải là vấn đề, mà là sự ổn định. Thị trường này luôn có thể xuất hiện những động thái bất lợi cho cá tra Việt Nam bất cứ lúc nào, không đoán trước được. “Khi đó, ngành cá tra Việt Nam chắc chắn sẽ rất khó khăn”, ông cho biết.

Cùng quan điểm, đại diện VINAPA cho rằng tương lai với thị trường Trung Quốc là điều rất khó dự báo, chỉ cần Trung Quốc “chơi đẹp” thì sản lượng 1,8-2 triệu tấn cá nguyên liệu Việt Nam sản xuất ra bán cũng hết. “Nhưng, mình đâu biết ông Trung Quốc ra sao, chỉ cần một động thái gì đó bất lợi thôi là đã hết sức khó khăn rồi”, ông nói.

Chính vì vậy, theo khuyến cáo của VINAPA, ngành cá tra cần có sự chủ động kiểm soát diện tích thả nuôi nhằm chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thị trường. “Muốn vậy, vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất lớn, bởi đơn vị này mới có thẩm quyền điều phối về diện tích, sản lượng giữa các địa phương”, vị đại diện VINAPA nhận xét.

Ngoài ra, việc giữ uy tín và chất lượng cho thương hiệu cá tra Việt Nam để giữ vững thị trường cũ và khai phá thị trường mới cũng là vấn đề đáng quan tâm. Ông Hải nói rằng thời gian qua có không ít công ty bán cá tra phi lê sang Nga với tỷ lệ mạ băng lên đến 30-40%. Kết quả, thị trường tiềm năng này gần như đã “xóa sổ” mặt hàng cá tra Việt Nam.(TBKTSG)
----------------------

Nga thành nước xuất khẩu nông sản nhờ trừng phạt Mỹ

Từ một nước nhập khẩu, Nga trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm nông sản do tác động từ biện pháp cấm vận và cuộc chiến thương mại Mỹ khởi xướng.

Theo Reuters, Nga đang có cơ hội chiếm thị phần của Mỹ khi trở thành nước xuất khẩu bột mì lớn vào Mexico. Nhiều cơ sở sản xuất tại Mexico đang tìm kiếm các nguồn cung cấp bột mì rẻ và ổn định hơn từ Nga với mục đích giảm lệ thuộc vào Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước quanh vụ đánh thuế nhập khẩu qua lại.

nga dan tro thanh nuoc xuat khau nong san.

Nga dần trở thành nước xuất khẩu nông sản.

Bột mì của Mỹ hiện đang giảm mạnh thị phần tại Mexico. Tính hết nửa đầu năm 2018, lượng bột mì Mỹ xuất sang Mexico giảm 38%, tương đương 285 triệu USD. Tổng lượng bột mì Mỹ xuất đi các nước giảm 21%, tương đương 2,2 tỉ USD.

Rõ ràng đây là tổn thất không hề nhỏ với Mỹ khi theo ông Justin Gilpin – Tổng Giám đốc Ủy ban bột mì ở Kansas, bang sản xuất bột mì nhiều nhất Mỹ, "xuất khẩu sang Mexico không đơn thuần là một thị trường mà đây còn được coi là sân nối dài của thị trường nội địa Mỹ". Vị giám đốc này nhấn mạnh: "Đây là tín hiệu quan trọng gửi đến Tổng thống Trump".

Theo ông này, Mexico vẫn mua một số lượng bột mì từ nước láng giềng Mỹ vì gần về địa lý, nhưng các chủ cơ sở bột Mexico "không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ như trước". Ngoài Nga, Mexico còn đang nhắm tới mua bột mì của Argentina, Brazil, Canada...

Việc Mexico chuyển sang nguồn cung bột mì từ Nga và chuyện Moscow có đủ sản lượng để xuất khẩu được cho rằng đều có sự tác động từ bàn tay của Mỹ. Với Mexico là căng thẳng thương mại với Mỹ còn với Nga là các biện pháp cấm vận do Mỹ áp đặt.

Và chính sách của Mỹ đã buộc Nga phải tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước và dần trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm từ nông sản. Nga đã tăng đáng kể trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và lợi nhuận từ xuất khẩu nông nghiệp hiện nay vượt quá doanh số bán vũ khí của Nga ra nước ngoài.

Ông Nikita Maslennikov, chuyên gia tại Viện phát triển hiện đại cho biết: “Nga có mọi thứ cần thiết để trở thành một trong những nhà sản xuất lượng thực dẫn đầu thế giới”. Ông cho biết thêm, Nga đang tìm kiếm những thị trường mới ở châu Á, khu vực Thái Bình Dương và cả châu Mỹ - nơi vốn được coi là thị trường truyền thông của Mỹ.

Theo ông, châu Á là thị trường phát triển nhanh nhất hiện nay nên Nga cần bán nhiều lương thực cho khu vực này nhất có thể, bao gồm đậu nành, thịt lợn và thịt gia cầm. Nga đang trong giai đoạn đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu thịt, kiều mạch và hoa hướng dương cho nước này.(Baodatviet)
------------------------

Tương lai nông sản Việt: Bộ KH&ĐT thêm lời buồn

"Khi sản xuất nông nghiệp vẫn phân tán, manh mún, không có quy hoạch và mang tính tự phát... thì chuyện phải giải cứu nông sản chưa thể giải quyết được"

Đó là nhận định của ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi nói về tình trạng "được mùa rớt giá" với nông sản Việt Nam trong nhiều năm qua. Ông Thắng cho rằng, đây sẽ là vấn đề nóng và tiếp tục sẽ được bàn nhiều trong Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp do Thủ tướng chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 30/7/2018.

Theo ông Thắng, việc đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay thường do các doanh nghiệp có vốn nhỏ đầu tư, việc sản xuất còn manh mún, tràn lan nên cung vượt cầu dẫn tới tình trạng phải giải cứu nông sản. 

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng "được mùa, rớt giá", muốn giải quyết được không phải ngày một, ngày hai.

Trước đó, vào tháng 6/2018 trong một diễn đàn về kinh tế nông nghiệp, một lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, ngành nông sản của Việt Nam chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm khi ví rằng "nông sản giống như một cô gái đẹp, chỉ chờ người ta tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi...".

nguoi nong dan viet nam luon phai doi dien voi diep khuc "duoc mua mat gia".

Người nông dân Việt Nam luôn phải đối diện với điệp khúc "được mùa mất giá".

Nhiều chuyên gia cho rằng, những năm qua nông sản Việt Nam đạt được thành tích đáng ghi nhận nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận quy trình sản xuất còn đơn thuần, chưa chú trọng vào chế biến. Bên cạnh đó, tính liên kết sản phẩm còn yếu dẫn đến những bất cập của toàn ngành nông nghiệp hiện nay.

Có đến 70% nông sản Việt Nam vẫn đang được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các thương lái Trung Quốc đều hiểu rất rõ các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Họ biết mùa nào nên thu mua sản phẩm gì, ở đâu nên từ đó tạo ra cho người nông dân tâm lý trông chờ thương lái trong thu mua, xuất khẩu nông sản. Điều này khiến chất lượng cũng như thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam không tăng trưởng như kỳ vọng.

Tuy nhiên, PGS.TS Dương Văn Chín - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành lại không đồng tình với quan điểm này. Ông Chính nhận xét, người nông dân Việt Nam không chảnh và cũng không thụ động như vậy. Người Việt Nam rất sáng tạo, nhất là nông dân, họ trồng cây gì cũng được.

Ông Chín cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ người nông dân Việt Nam chỉ biết và chỉ nghĩ tới việc sản xuất, trồng cấy cho ra được sản phẩm, chứ không biết bán hàng ở đâu, thị trường trong nước, ngoài nước thế nào.

"Đó không phải là lỗi của người nông dân. Việc bán ở đâu là của thương lái, doanh nghiệp" - ông Chín nói. 

Vị chuyên gia này chỉ rõ, tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ở Việt Nam còn yếu. Hiện nay rất ít doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư chuyên nghiệp vào nông sản. Hiếm thấy công ty nào cử cán bộ xuống tận nơi hộ trợ nông dân từ khâu chọn giống, gieo trồng cho tới thu hoạch mà chính tính đến chuyện thua mua bán lấy lãi. Điều này dẫn tới việc chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, người nông dân sản xuất, muốn bảo vệ sản phẩm của họ không bị sâu bệnh tấn công thì phải phun thuốc. 

Thực tế cho thấy, trong suốt thời gian qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải cứu nông sản.

Năm 2016, nhận định khâu  chế biến, thị trường chúng ta còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường, đây cũng là nguyên nhân xảy ra việc giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác nên Bộ NN&PTNT đã thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản.

Còn Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp như, xây dựng, triển khai các chính sách về phát triển hạ tầng thương mại, chợ, logistics. Bên cạnh đó, bộ này còn đàm phán mở cửa và đa dạng hóa thị trường, kết nối cung cầu. Mặc dù vậy, hiệu quả đạt được chưa cao.(Baodatviet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục