7 nhóm chính sách phát triển kinh tế tại các đặc khu kinh tế; Sự thật việc Việt Nam thất thu 170 tỷ USD do chuyển giá; Bitcoin cán mốc 7.000 USD, có phải bong bóng tiền số sắp vỡ tung?; Ngân hàng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 03-11-2017
- Cập nhật : 03/11/2017
HSBC: Du lịch đang soán ngôi dầu khí ở Việt Nam
Việt Nam đang chuyển hướng sang ngành du lịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh sản xuất dầu thô sụt giảm và ngành công nghiệp không khói ngày càng phát triển.
Đó là một trong những nội dung của báo cáo Triển vọng kinh tế thị trường Việt Nam tháng 11, do Khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC vừa công bố.
Theo báo cáo này, sản xuất dầu mỏ của Việt Nam đạt đỉnh điểm vào năm 2000 và tiếp tục là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng từ năm 2000 đến 2010 (cùng với sản xuất dệt may, giày dép và nông nghiệp).
Tuy nhiên, sản xuất các nhiên liệu hóa thạch đã sụt giảm vài năm gần đây và theo HSBC, đối với Việt Nam, dầu thô đã không còn là một nhân tố chủ lực.
Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu rằng sản lượng dầu mỏ trong năm 2017 sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn, tương đương mức giảm 0,25% GDP.
Theo nhận định của ngân hàng này, ít nhất đến thời điểm hiện tại Việt Nam đang chuyển hướng không phụ thuộc vào dầu thô, một chính sách được đánh giá là bền vững hơn.
Trong bối cảnh đó, HSBC nhận thấy Chính phủ đặt mục tiêu thu hút nhiều du khách tới Việt Nam.
"Chúng tôi khá lạc quan với ngành du lịch của Việt Nam sau khi thực hiện những cải cách gần đây và kỳ vọng số lượng du khách đến Việt Nam sẽ vượt qua con số 10 triệu mỗi năm trong tương lai gần, nếu như các chương trình miễn thị thực nhập cảnh vẫn tiếp tục được thực hiện cùng môi trường kinh tế và chính trị của các nước thuận lợi" - HSBC nhận định.
Cũng theo ngân hàng này, một yếu tố khác thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam là hoạt động đầu tư.
Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất đổ vào Việt Nam, chủ yếu ở ngành sản xuất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đến lĩnh vực bất động sản sau khi Việt Nam đã nới lỏng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài hồi năm 2015.
HSBC cũng dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng và tới năm 2018 sẽ vượt qua con số 9 triệu du khách.(Tuoitre)
--------------------------
Alibaba và Tencent đứng trước áp lực lớn
Giới đầu tư đang đặt nhiều áp lực lên Alibaba và Tencent sau khi hai hãng này tăng tổng cộng hơn 450 tỉ USD giá trị thị trường trong năm nay.
Theo Bloomberg, các hãng công nghệ Trung Quốc ngày càng gặp nhiều áp lực về sự kỳ vọng của giới đầu tư. Hiện các nhà đầu tư kỳ vọng Alibaba và Tencent đạt tăng trưởng doanh thu hằng quý như dự báo là hơn 50%, và duy trì tốc độ như thế trong năm 2018. Alibaba báo cáo kết quả kinh doanh trong hôm nay 2.11.
Thị trường có nhiều lý do để cho rằng các hãng công nghệ Đại lục sẽ tiếp tục phát triển. Chi tiêu mạnh cho công nghệ đám mây, tài chính và trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ đem lại quả ngọt trong những năm tới.
Alibaba và Tencent phần nhiều tập trung vào thị trường nội địa vốn đã bão hòa, song đang bắt đầu có bước đi hướng đến hoạt động kinh doanh toàn cầu. Sức mạnh tài chính của hai hãng này cũng giúp họ sống khỏe trước sức cạnh tranh từ các công ty như Toutiao, giữ vị thế cao trong ngành thương mại điện tử, truyền thông xã hội và game Đại lục.
Nhà phân tích Billy Leung thuộc Haitong International Securities tại Hồng Kông cho biết: “Sự phát triển bền vững. Tencent bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi thanh khoản Trung Quốc, đây là cổ phiếu hiếm vì không có nhiều cổ phiếu internet ở Hồng Kông. Alibaba thì phản ánh câu chuyện về ngành bán lẻ và internet của Đại lục”.
Sắp tới, các nhà đầu tư sẽ có dịp xác định xem liệu định giá lớn của hai hãng này có xứng đáng hay không sau báo cáo kinh doanh hằng quý. Alibaba đã và đang đánh bại ước tính doanh thu hai năm qua, trong khi Tencent chỉ không đạt doanh thu như kỳ vọng trong một quý. Hiện cổ phiếu Alibaba được giao dịch ở mức cao gấp 38 lần so với doanh thu kỳ vọng, còn Tencent ở mức cao gấp 46 lần. Số liệu này cao hơn con số 34 và 32 lần, lần lượt của Facebook và Alphabet (công ty mẹ của Google).
Các nhà đầu tư cũng đặc biệt chú ý đến một loạt các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp, song lại khiến lợi nhuận hiện thời giảm đi. Steven Zhu, nhà phân tích thuộc hãng tư vấn Pacific Epoch, cho hay: “Mọi người xem hai hãng này như là chỉ số hàng đầu cho nền kinh tế, Hai hãng còn là khoản cược tốt hơn so với việc rót vốn cho các ngành truyền thống”.(Thanhnien)
----------------------
Sự lừa dối hào nhoáng trong kinh doanh
Trong tuần qua, câu chuyện ấy đã được nhiều người bàn luận và nói chung là lên án gay gắt bởi nó đã làm tổn thương cảm xúc, gây nên sự giận dữ của quá nhiều người. Bản án của dư luận có khi còn lớn và nặng nề hơn bản án ở tòa.
Nhìn rộng ra thế giới thì thấy đã có rất nhiều sự lừa dối hào nhoáng, có khi đến từ những tập đoàn năng lượng, tập đoàn xe hơi khổng lồ hay cả những ngân hàng rửa tiền với quy mô cực kỳ lớn. Hậu quả là doanh nghiệp phải thu hồi sản phẩm, nộp phạt hàng tỉ đô la Mỹ và có khi phải đóng cửa, âm thầm tiễn đưa những thương hiệu lừng lẫy một thời.
Cúi đầu xin lỗi chỉ là một động thái tối thiểu phải có. Sự thành tâm phục thiện và sự khôn khéo thể hiện quyết tâm khắc phục sai sót và nhất là tránh nói dối để biện hộ mới là những hành động cần phải có.
Doanh nghiệp bị mất tiền là mất ít nhất. Doanh nghiệp bị mất uy tín vì gian lận có thể sẽ mất tất cả.
Vậy gian lận thương mại là gì? Đâu là nguyên nhân chính của những sự lừa dối trong kinh doanh? Làm sao giữ được sự quang minh chính đại để phát triển bền vững?
Gian lận thương mại
Nếu buôn lậu là những hành vi buôn bán trái phép qua biên giới những loại hàng hóa hoặc những vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa, mà Nhà nước cấm xuất khẩu hay nhập khẩu hoặc buôn bán hàng hóa nói chung qua biên giới mà trốn thuế và trốn sự kiểm tra của hải quan, thì gian lận thương mại (commercial fraud) là những hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính, bao gồm luôn cả việc buôn lậu.
Gian lận thương mại tài chính được liệt kê trong Thông tư số 07/2017/TT-BTC, phổ biến ở sáu lĩnh vực như sau: hải quan; thuế, phí và lệ phí; quản lý giá; kế toán; kinh doanh bảo hiểm; và lĩnh vực in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn.
Còn theo tài liệu số 36 623 ngày 28-5-1995 của Hội nghị Quốc tế lần thứ 5 về chống gian lận thương mại mà Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đưa ra trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) thì gian lận thương mại tồn tại dưới 16 hình thức sau đây: (1) Buôn lậu hàng hóa qua biên giới hoặc ra khỏi kho hải quan; (2) Khai báo sai; (3) Khai tăng, giảm giá trị hàng hóa; (4) Lợi dụng chế độ ưu đãi xuất xứ (kể cả chế độ hạn ngạch thuế); (5) Lợi dụng chế độ ưu đãi hàng gia công; (6) Lợi dụng chế độ tạm nhập tái xuất; (7) Lợi dụng yêu cầu về giấy phép xuất nhập khẩu (ví dụ lợi dụng giấy phép nhập hàng dệt cho trang bị quân đội để nhập hàng dệt nói chung...); (8) Lợi dụng chế độ quá cảnh (mang hàng hóa quá cảnh để tiêu dùng ở nước mà hàng đi qua); (9) Khai sai về số lượng, trọng lượng, chất lượng hàng hóa; (10) Lợi dụng chế độ mục đích sử dụng, kể cả buôn bán trái phép hàng được ưu đãi thuế (lợi dụng sự ưu đãi của Chính phủ về thuế xuất khẩu dành cho những đối tượng sử dụng nhất định); (11) Vi phạm đạo luật về diễn giải thương mại hoặc quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (12) Sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng ăn cắp mẫu mã; (13) Hàng giao dịch buôn bán không có sổ sách; (14) Yêu cầu giả, khống việc hoàn hoặc truy hoàn thuế hải quan (kể cả làm chứng từ giả về hàng đã xuất khẩu); (15) Kinh doanh “ma”, đăng ký kinh doanh nhằm hưởng tín dụng trái phép; (16)- Thanh lý có chủ đích (nghĩa là thành lập công ty kinh doanh một thời gian ngắn, để nợ thuế, khi số tiền nợ thuế lên cao thì tuyên bố thanh lý để tránh nộp thuế, giám đốc công ty đó thành lập công ty mới ngay sau đó với cùng ý định. Loại gian lận này còn được gọi là “Hội chứng phượng hoàng”).
Ngoài ra, gian lận thương mại còn biểu hiện trong việc chuyển tải hàng hóa. Đó là việc thông qua một nước thứ ba để che giấu nguồn gốc thực sự của hàng hóa nhằm che mắt hải quan nước nhập khẩu. Trong trường hợp này, nước thứ ba là nước cung cấp tài liệu giả hoặc dùng các thủ đoạn thay đổi nguồn gốc hàng từ nước xuất khẩu sang nước quá cảnh. Theo cách này, hàng hóa vào được nước nhập khẩu sẽ tránh được các quy định hạn chế mà quốc gia này đưa ra như hạn ngạch, chế độ ưu đãi, bản quyền sản xuất (*).
Để tránh làm “dê tế thần”
Trong kinh doanh, nếu không cẩn trọng các doanh nghiệp rất dễ bị biến thành “dê tế thần” vì không tuân thủ các quy định xuất nhập khẩu, luật cạnh tranh hay cách hành xử không hướng đến việc phục vụ khách hàng, hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Các doanh nghiệp, theo đó cũng dễ bị rơi vào vùng xoáy nguy hiểm là bị chính trị hóa (làm tổn hại thương hiệu quốc gia, niềm tự hào của dân tộc,...) hay hình sự hóa (lừa gạt chiếm đoạt tài sản, trốn thuế với quy mô lớn, lừa đảo có tổ chức kiểu xã hội đen...). Trong nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Tuy nhiên vấn đề không nằm ở chỗ luật pháp được thực thi như thế nào mà điều đáng lưu ý ở đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền và giáo dục ý thức nơi doanh nghiệp. Nhìn vào 16 hình thức gian lận thương mại và 6 nhóm thường xảy ra gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính như vừa nêu ở trên, một người bình thường có thể nhận ra những biểu hiện gian lận thương mại nhan nhãn khắp nơi. Cho dù chúng ta đã có Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nay được gọi là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhưng việc xử lý tình trạng gian lận thương mại ở ta vẫn chưa đạt được kết quả khả quan như mọi người mong đợi. Cho dù chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng liệu hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã đọc và tuân thủ hết các hướng dẫn hay chưa?
Chỉ riêng những điểm rất nhỏ và rất cơ bản như thông tin sản phẩm trên bao bì, giấy C/O chứng nhận xuất xứ, các cam kết trên quảng cáo mà doanh nghiệp cũng vi phạm thì thật là tồi tệ. Chính vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi một đại gia cúi đầu xin lỗi vẫn làm dư luận nổi giận; một giám đốc công ty nhập thuốc chống ung thư kém chất lượng và bán với giá cắt cổ cho dù khóc nức nở tại tòa cũng chẳng làm ai cảm thông; một công ty gian lận hóa đơn trốn thuế phải chịu mất quyền đại lý và chịu cảnh phơi hàng trăm xe hơi xịn ngoài mưa nắng ở cảng là những tình huống rất đáng được các doanh nhân xem xét và rút ra bài học “phòng bệnh”.
Vì sao lại có những việc như vậy? Chung quy cũng chỉ vì có những doanh nhân thiếu hàm lượng đạo đức kinh doanh và cách thức tổ chức thị trường ở ta chưa thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ khách hàng.
Xin hãy đừng quên, lý thuyết gia về chiến lược cạnh tranh Michael Porter đã từng nói: “Mọi doanh nghiệp trên thế giới đều chỉ làm ra một thứ, mà không có thứ đó thì doanh nghiệp ấy phá sản, đó là khách hàng” và Mark Zuckerberg, người sáng lập ra Facebook đã nêu bật mối tương quan giữa sự phục vụ và khách hàng với câu: “Đừng xây dựng dịch vụ để chỉ kiếm lợi nhuận cao, mà hãy kiếm lợi nhuận cao để xây dựng dịch vụ ngày càng tốt hơn”.(TBKTSG)
(*)https://voer.edu.vn/m/khai-niem-ve-gian-lan-thuong-mai-va-buon-lau/02692d0e
----------------------
Giá mật ong xuất khẩu giảm mạnh
Thông tin tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị phần cho mật ong VN xuất khẩu vào châu Âu” do SPS VN với sự hỗ trợ của dự án EU-MUTRAP tổ chức tại TP.HCM hôm qua (1.11), ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong VN, cho biết giá mật ong xuất khẩu của VN đang giảm nhanh hơn so với thế giới. Cụ thể, năm 2013, giá xuất khẩu mật ong của VN tương đương giá xuất khẩu của Ấn Độ. Song trong
9 tháng của năm 2017, giá xuất khẩu mật ong của VN thấp hơn Ấn Độ từ 7 - 10% và hiện giá mật ong VN đã rơi xuống mức thấp nhất so với thế giới. Mật ong là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của ngành chăn nuôi VN, tuy nhiên sản phẩm này mới chỉ xuất thô chủ yếu vào thị trường Mỹ, còn thị trường EU chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Theo ông Nicolaus Bieger, chuyên gia quốc tế dự án EU-MUTRAP, sản phẩm mật ong VN xuất khẩu vào EU hiện vấp phải một số vấn đề như: hàm lượng glycerin, nấm men và a xít ở mức quá cao. Lý do mật ong VN được thu hoạch khi chưa chín nên bị lên men ngoài mong muốn.
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ong mật TP.HCM, cho rằng để nâng giá trị mật ong chỉ có con đường duy nhất là VN phải hướng đến xuất khẩu mật ong đã qua tinh chế, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong cho nông dân, sản xuất mật ong hữu cơ. Ngoài việc xây dựng chuẩn để xuất khẩu mở rộng thị trường EU, thị trường mật ong trong nước vẫn còn rất lớn chưa được khai thác hết.(Thanhnien)