tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-11-2017

  • Cập nhật : 03/11/2017

Châu Âu là thị trường hứa hẹn của mật ong Việt Nam

90% mật ong Việt Nam xuất khẩu là Mỹ và chỉ 5% dành cho châu Âu trong khi nhu cầu hai thị trường này tương đương và cơ hội đang mở ra.

 

nuoi ong mat trong vuon cao su tai dong nai. anh: tran manh

Nuôi ong mật trong vườn cao su tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Mạnh

 

Điều quan trọng là hiện tại sản lượng sản xuất mật ong ở Châu Âu đang sụt giảm và đó là cơ hội lớn cho các nhà nuôi ong từ các quốc gia như Việt Nam.

Thông tin trên được ông Đinh Quyết Tâm, Phó chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam (VBA) đưa ra tại hội thảo "Duy trì và mở rộng thị trường đối với mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào EU" do văn phòng SPS và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 1-11 tại TP.HCM.

Theo VBA, sản lượng mật ong của Việt Nam trong năm 2016 đạt gần 50.000 tấn, xuất khẩu 40.174 tấn trong đó xuất khẩu đi châu Âu chỉ có 1.330 tấn. 

Tính từ đầu năm đến 15-9-2017, Việt Nam đã xuất khẩu 29.000 tấn mật ong các loại, trong đó thị trường châu Âu chỉ 1.469 tấn. 

Dù lượng xuất khẩu vào châu Âu trong 10 tháng đầu năm 2017 đã vượt qua số lượng của cả năm 2016 nhưng thị trường này vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn (5%) trong cơ cấu xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Ông Đinh Quyết Tâm cho hay, dù được EU cho phép xuất khẩu trở lại vào năm 2013 nhưng lượng mật ong Việt Nam sang thị trường này còn nhiều hạn chế vì các yếu tố về chất lượng như nấm men, dư lượng thức ăn, màu sắc.... 

Nguyên nhân là người dân thu hoạch mật ong khi mật chưa đủ độ chín, dùng thức ăn bổ sung không đúng cách, thiếu hiểu biết về chất lượng và xu hướng thị trường là không GMO (thực phẩm biến đổi gen). 

Để tăng cường xuất khẩu mật ong vào EU trong thời gian tới, các nhà nuôi ong và chế biến mật ong tại VN cần khắc phục các điều kiện này.

Theo MUTRAP, do chị phí lao động tại EU cao và hiện tượng suy giảm số lượng đàn ong tại Châu Âu, EU trở thành thị trường đầy hứa hẹn đối với mật ong từ các nước đang phát triển. 

Mặc dù trong những năm gần đây, nền kinh tế Châu Âu có dấu hiệu sụt giảm, tuy nhiên mật ong vẫn được tiêu thụ với khối lượng lớn, khoảng 247.700 tấn. 

Khoảng 25 năm trước, Việt Nam là nhà cung cấp mật ong lớn cho thị trường Châu Âu với các thị trường mật ong chính là Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan với khối lượng khoảng 3.000 tấn mỗi năm. 

Tuy nhiên đến năm 2007, mật ong Việt Nam bị cấm nhập do không đạt yêu cầu và không tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

nghe nuoi ong vn can nhieu cai tien de tham nhap vao thi truong eu. anh: tran manh

Nghề nuôi ong VN cần nhiều cải tiến để thâm nhập vào thị trường EU. Ảnh: Trần Mạnh

 

Thị trường EU hiện tại vẫn là khách hàng lớn nhất toàn cầu về mật ong, chiếm 22% tổng tiêu thụ toàn cầu, trong đó Đức đứng đầu, chiếm 23% tổng số mật ong tiêu thụ ở Châu Âu (khoảng 85.000 tấn), Anh khoảng 12%, Pháp 10%...

Sản xuất mật ong Châu Âu trong năm 2013 đạt 209.000 tấn, gần như tương đương với năm 2009. 

Sự sụt giảm trong sản xuất Châu Âu chủ yếu là do sự suy giảm trong đàn ong, mà phần lớn là do các dịch bệnh ong và việc sử dụng hóa chất nông nghiệp thâm canh có thể làm ong chết. Và đó là cơ hội cho các nhà xuất khẩu như Việt Nam. (Tuoitre)
-------------------------

Kinh tế kém cạnh tranh vì doanh nghiệp nội liên kết yếu

"Sân nhà" đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các thương hiệu, mặt hàng trong khu vực, thế nhưng tính liên kết của các doanh nghiệp nội từ sản xuất, hậu cần, phân phối lại chưa cao để phát huy sức cạnh tranh của hàng Việt.

Đó là nhận định và cũng lo ngại của đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) trong phần tham luận tại hội trường sáng 2.11 khi Quốc hội bước sang ngày thứ 3 thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách.

Là Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, ông Tuấn cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang mất cân đối ở 3 khía cạnh. Đầu tiên là trong cán cân thương mại với việc nhập siêu, dự kiến cả năm khoảng 3 tỉ USD. Theo ông Tuấn, điều này cho thấy khả năng cạnh tranh của mặt hàng trong nước chưa cao, đặc biệt là những mặt hàng đòi hỏi yếu tố khoa học công nghệ. "Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp lớn về kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên khối FDI nhập nguyên vật liệu từ chính nước họ là chủ yếu. Trong khi đó, thị trường nội địa đang bị cạnh tranh bởi các nhà bán lẻ trong khu vực nhưng tính liên kết của các doanh nghiệp nội về sản xuất, hậu cần, phân phối bán lẻ... chưa cao", đại biểu Tuấn nhận xét.

Khía cạnh mất cân đối thứ 2 là thu chi ngân sách. Với mức bội chi 3,5% GDP, trong đó chi thường xuyên vượt kế hoạch 11,6 nghìn tỉ đồng. "Sự mất cân đối này có thể giải quyết bằng việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế", ông Tuấn đề nghị.

Mất cân đối thứ 3 là sự thiếu hụt vốn đầu tư từ ngân sách. Theo đại biểu này, đây là năm thứ 3 liên tiếp các bộ ngành không có tiền để triển khai nhiều dự án quan trọng. "Giải pháp cần thiết lúc này là phải có sự phân bổ vốn hợp lý, chuyển vốn từ dự án chậm triển khai sang dự án cần thiết; tăng cường phân cấp cho các địa phương trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, thu hút đầu tư từ xã hội", ông Tuấn hiến kế. (Thanhnien)
-----------------------

Đã phê duyệt phương án cơ cấu lại Mobifone, VNPost

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phê duyệt phương án cơ cấu lại 2 Tổng công ty: Tổng công ty Viễn Thông Mobifone và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost).

Theo thông tin từ Bộ Tài chính về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), 10 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của Tập đoàn Tập đoàn Điện lực Việt và Danh mục các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án tái cơ cấu lại 2 Tổng công ty: Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc.

da phe duyet phuong an co cau lai mobifone vnpost

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt phương án cơ cấu lại Mobifone trong tháng 10/2017

Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 2 Tổng công ty: Tổng công ty Viễn Thông Mobifone (Quyết định số 1799/QĐ-BTTTT ngày 20/10/2017) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - VNPost (Quyết định số 1586/QĐ-BTTTT ngày 25/9/2017).

Đối với Đề án cơ cấu lại Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2068/QĐ-BTC ngày 13/10/2017 chính thức phê duyệt.

Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 12161/BTC-TCDN ngày 13/9/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án cơ cấu lại SCIC giai đoạn 2016-2020.

Trong tháng 10/2017, Bộ Tài chính nhận được báo cáo của 4 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, gồm: Công ty TNHH MTV 319.3 (thuộc Tổng công ty 319), Đoạn quản lý đường bộ Hưng Yên, Đoạn quản lý đường sông Hưng Yên và Công ty TNHH MTV Chè Phong Hải (Lào Cai).

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2017, đã có 38 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (11/44 doanh nghiệp thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017 theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và 27 doanh nghiệp tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2016).

Tổng giá trị thực tế của 38 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 81.050 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.917 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 38 đơn vị là 25.928 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.667 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.966 tỷ đồng, bán cho người lao động 212 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.063 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng đang tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa như: Triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các Tổng công ty phát điện 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố giá trị doanh nghiệp tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017 theo công văn số 991/TTg-ĐMDN nhưng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2016, gồm: CTy TNHH MTV phát triển công nghiệp Tuyên Quang, CTy TNHH MTV Cấp thoát nước Tuyên Quang, CTy TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long, CTy TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long.(Vietnam Finance)
---------------------------------

Hải sản Bến Tre bất ngờ giảm giá sâu

Hơn một tuần qua, tại 2 cảng cá lớn nhất tỉnh Bến Tre là Ba Tri và Bình Đại, giá các loại hải sản đồng loạt giảm từ 3.000 - 7.000 đồng/kg. 

Cụ thể, cá chỉ vàng còn 12.000 đồng/kg, cá đổng 20.000 đồng/kg, cá bò loại lớn (để làm khô) 10.000 đồng/kg. Riêng khô mực loại 1 chỉ còn 460.000 đồng/kg (giảm hơn 50.000 đồng/kg)… Ngư dân Phạm Văn Tuấn (xã An Thủy, H.Ba Tri) băn khoăn: “Không hiểu sao giá hải sản tuần qua lại giảm sâu và đồng loạt như vậy. Đây là điều thật bất thường”. Trong khi đó, các chủ vựa tại cảng lý giải nguyên nhân giảm giá do mưa nhiều khiến việc buôn bán lẻ tại các chợ cũng như việc làm cá khô, mực khô gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Bình Đại, cho biết ngư dân trong huyện hiện sở hữu hơn 1.500 tàu cá, tổng sản lượng đánh bắt từ đầu năm đến nay hơn 70.000 tấn các loại, trong đó hơn 30% hải sản (chủ yếu là mực) là mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tất cả ngư dân địa phương chỉ bán sản phẩm thô cho thương lái và qua nhiều khâu trung gian, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Về vấn đề giá hải sản giảm sâu, ông Dũng cho rằng vẫn chưa xác định được do tác động của “thẻ vàng EU” hay do cán cân cung - cầu của thị trường.

Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, hiện ngư dân trong tỉnh sở hữu gần 4.000 tàu cá các loại, tổng sản lượng hằng năm trên 200.000 tấn hải sản. Hầu hết tàu cá tham gia đánh bắt trên vùng biển VN và có báo cáo đều đặn đến Chi cục Thủy sản Bến Tre. Vì vậy, chỉ cần ghi chép lại hải trình và khi lên bờ đến đối chiếu với nhật ký của cơ quan này sẽ có hồ sơ truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của ngư dân. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 300 tàu cá (cào đơn) của ngư dân H.Ba Tri thường xuyên đánh bắt và neo đậu tại vùng biển các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang khiến ngành chức năng rất khó kiểm soát. Vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định sẽ phối hợp cơ quan chức năng các tỉnh tuyên truyền, vận động số lượng tàu cá này trở về địa phương và thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản trên biển.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục