Ngành thực phẩm và đồ uống đón làn sóng “ngoại”
Thu hồi giấy phép hoạt động của Ngân hàng liên doanh VID Public Bank
Foxconn chốt thương vụ thâu tóm Sharp vào 31/3
Không dễ đánh tráo lãi suất
Hết thời lạm phát thấp?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-03-2016
- Cập nhật : 26/03/2016
Nếu giá dầu tiếp tục lao dốc, Việt Nam có nên ngừng khai thác mỏ?
Ngân sách có thể giảm khoảng 45.000 tỷ đồng nếu giá dầu giữ ở mức 30 USD/thùng.
Tuy nhiên việc ngừng khai thác mỏ hay không còn phụ thuộc vào cân đối của nhà đầu tư và có thể các nhà thầu có thể phải chấp nhận lỗ hiện tại để đỡ lỗ trong tương lai.
Thông tin thêm về vấn đề này trong buổi họp báo sáng 25/3 tại Hà Nội, ông Vũ Hồng Long, Vụ trưởng Vụ Dự toán, Tổng cục Thuế cho hay, với 1 USD giảm của giá dầu, ngân sách có thể giảm tương ứng khoảng 1.500 tỷ đồng. Bởi vậy, với phương án nếu giá dầu còn 30 USD/thùng, túi tiền của quốc gia có thể bị hụt 45.000 tỷ đồng.
Theo ông, cơ quan chức năng đã báo cáo Bộ Tài chính các phương án giá dầu giảm từ 60 USD/thùng đến 20-25 USD/thùng. Thậm chí, kịch bản giá dầu xuống dưới 20 USD/thùng cũng đã được tính toán để cân đối ngân sách.
Trả lời cho ý kiến có nên đưa giá dầu ra khỏi dự toán ngân sách hàng năm hay không, ông Long khẳng định, đây là việc vẫn phải dự tính. Việc xây dựng giá dầu theo ông hiện vẫn dựa trên cơ sở các tổ chức uy tín trên thế giới và có kiểm tra của các ủy ban trong nước.
Tuy nhiên, ông cũng bộc bạch "thực tế giá dầu rất phức tạp, khó dự đoán." Minh chứng là trong năm 2015, ngay sau khi xây dựng dự toán giá dầu cả năm là 100 USD/thùng thì giá nhiên liệu đã nhanh chóng tụt sâu và chỉ còn 80 USD/thùng và thậm chí còn chưa tới 60 USD/thùng vào cuối năm.
Góp thêm ý kiến, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, dầu thô hiện chiếm tỷ trọng không nhiều trong ngân sách nhưng liên quan tới lực lượng lao động lớn và một loạt ngành nghề "ăn theo" như: hóa dầu, các dịch vụ cho giàn khoan, các dịch vụ cung cấp lao động, tư vấn thiết kế... Bởi vậy, theo ông, việc tính thu từ dầu vào ngân sách cũng để đảm bảo cân đối vĩ mô nền kinh tế.
Về ý kiến có thể đóng mỏ dầu nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp hay không, ông Phụng thẳng thắn, một mỏ khoan rồi nếu đóng lại có thể còn "chết" nữa.
"Nhiều khi giá bán dưới giá thành một chút vẫn phải giữ vì phải tính tới chi phí khôi phục mỏ sau này. Doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ vận hành để đỡ lỗ trong tương lai," đại diện ngành thuế nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông, đây là vấn đề đã được quy định trong hợp đồng và các nhà đầu tư sẽ tự cân nhắc thời điểm nào giảm trữ lượng hay không. Điều này theo ông cũng đồng nghĩa, Nhà nước sẽ không bù lỗ khi giá dầu xuống thấp./.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu như tháng Một, thu từ dầu thô đạt trên 3.000 tỷ đồng thì tháng Hai, con số được tính toán ước đạt 2.700 tỷ đồng. Luỹ kế thu 2 tháng ước đạt 5.770 tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán, bằng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong tháng Hai, giá dầu thế giới vẫn trong xu hướng giảm, chủ yếu do nguồn cung dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ. Giá dầu bình quân trong tháng chỉ đạt 29,79 USD/thùng, giảm 6% so với tháng trước.
Lạm phát tại Nhật Bản lại quay về mức zero
Mặc dù Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách để kích thích tăng trưởng, nhưng tình trạng giảm phát tại nước này vẫn không có nhiều cải thiện.
Tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản trong tháng 2 đã một lần nữa rơi về mốc zero. Đây là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực đưa lạm phát lên mức 2% của thủ tướng Shinzo Abe.
Để hướng tới mục tiêu 2%, thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhật Bản (BOJ) là ông Haruhilko Kuroda đã sử dụng nhiều công cụ mạnh tay, bao gồm việc mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ hay áp dụng lãi suất âm bắt đầu từ tháng 1. Tất cả những chính sách này nhằm đẩy giá cả tăng lên, qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn không có nhiều kết quả đáng kể khi tỷ lệ lạm phát vẫn không có dấu hiệu gì là tăng lên.
"Lạm phát vẫn chưa chạm đáy, và nó sẽ còn xuống thấp hơn nữa", Shinichiro Kobayashi, nhà kinh tế cấp cao của Mitsubishi UFJ Research and Consulting tại Tokyo, nhận xét. "Một điều đang dần rõ ràng là ông Kuroda sẽ không thể đạt được mục tiêu về lạm phát như đã đề ra".
Ngoài ra, ông Shinichiro cho rằng giá cả tiêu dùng (không tính thực phẩm tươi sống) sẽ giảm thêm 0,5% vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới. BOJ có thể sẽ đưa ra thêm gói kích cầu trong tháng 7.
Hiện tại Nhật Bản không có nhiều dấu hiệu về việc có thể được cải thiện tình trạng giảm phát: GDP sụt giảm trong quý 4/2015, tốc độ tăng lương còn khá chậm chạp, đồng yên thì lên giá. Mặc dù giá dầu trong năm nay đã tăng 10% nhưng vẫn chỉ bằng chưa tới 1/2 so với tháng 2 năm ngoái.
Mục tiêu lạm phát 2% (đường chấm màu xanh) xem ra ngày càng xa vời, khi mà tình hình lạm phát năm 2014 (màu hồng tím) và 2015 (màu đen) chưa bao giờ vượt qua được ngưỡng này - Ảnh: Bloomberg
Theo báo cáo của BOJ, chỉ số giá tiêu dùng (không tính năng lượng và thực phẩm tươi) trong tháng 2 đã tăng 1,1%, giảm đôi chút so với mức 1,3% hồi tháng 12 năm ngoái.
"Chỉ số giá của BOJ trong năm nay nhiều khả năng sẽ giảm xuống dưới 1%, do đồng yen lên giá và tình trạng tăng lương chậm chạp", Koya Miyamae hiện đang là chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán SMBC Nikko nhận định.
Reuters: Bất động sản Việt Nam hưởng lợi nhờ kiều hối
Nhà ở và căn hộ được mua bằng tiền mặt sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Nhờ nới lỏng quy định sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, cộng thêm triển vọng tăng trưởng đầy khả quan, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trong thời gian qua. Đây là một tác nhân lớn khiến cho thị trường bất động sản sôi động trở lại sau thời gian dài "đóng băng".
Vũ Ngọc Mai, giám đốc kinh doanh của một công ty thiết bị viễn thông tại Bỉ và có hộ chiếu Hà Lan, cho biết cô tìm kiếm các khoản đẩu tư bất động sản giá hời trên internet gần như mỗi ngày. Năm 2012, cô đã gửi tiền về Việt Nam để xây một khu căn hộ tại Hà Nội nhằm cho thuê lại.
"Tôi đang tìm mua một khu căn hộ để cho người nước ngoài thuê lại", Mai cho biết. "Căn hộ này sẽ là khoản tiết kiệm của tôi cho tương lai khi quay trở lại Việt Nam".
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ vọng kiều hối sẽ đạt mức kỷ lục 14 tỷ USD trong năm nay, tăng 15% so với năm 2015 và tương đương 6,4% GDP của Việt Nam.
Lượng kiều hối thực tế về Việt Nam được cho là còn cao hơn mức dự báo của Ngân hàng Nhà nước. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khoảng 2,7 tỷ USD kiều hối được gửi về Việt Nam thông qua các kênh không chính thức.
Dòng vốn đầu tư đổ về đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Năm ngoái, GDP Việt Nam tăng 6,7% - nhanh nhất kể từ năm 2015.
Hiện có khoảng 5 triệu Việt kiều trên thế giới, bao gồm người Việt định cư và làm việc ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Tính đến năm 2010, có khoảng 1,5 triệu người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ.
70% kiều hối được rót vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, do tình hình tăng trưởng thu nhập của người Việt, cộng thêm tầng lớp trung lưu đang ngày một đông đảo. Vì thế, lượng kiều hối tạo nên một nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế của HSBC là Izumi Devalier.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, có tới 1/5 lượng kiều hối trong năm 2015 đã chảy vào bất động sản. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA), điều này hỗ trợ tích cực cho giá bất động sản, vốn được cho là sẽ có sự biến động khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng cho vay mua nhà.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động USD về 0% từ tháng 12, dòng ngọai hối chảy vào bất động sản ngày càng nhiều hơn.
Hiện giá bất động sản đã phục hồi mạnh, tiến gần với mức giá trước khủng hoảng cách đây vài năm. Cuối năm 2015, giá trung bình một căn hộ trung - cao cấp tại TPHCM đã tăng 21% lên mức 1.949 USD/m2, trong khi giá nhà tại Hà Nội cũng tăng gần 10% lên 1.592 USD/m2, theo thống kê của CBRE.
"Khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ năm 2014, nhiều người đã vay tiền để mua nhà. Nhưng giờ đây, chúng tôi nhận thấy xu hướng này ngày càng ít mà thay vào đó, xu hướng mua nhà dựa vào nguồn kiều hối đang ngày một nhiều hơn", Marc Townsend, giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho hay.
Giao dịch bất động sản tại TPHCM và Hà Nội đã tăng 75% lên 38.050 giao dịch trong năm 2015, theo Bộ Xây dựng.
Bán không hết trái phiều kỳ hạn 5 năm
GDP quý I tăng 5,46%, nền kinh tế có dấu hiệu chững lại!