tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-07-2016

  • Cập nhật : 22/07/2016

Việt Nam và Mỹ ký thoả thuận về thuế chống bán phá giá tôm

Theo kết luận sơ bộ của DOC, công ty Minh Phú đạt được biên độ phá giá bằng 0% và được đưa ra khỏi diện áp thuế chống bán phá giá

Việt Nam và Mỹ đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết tranh chấp trong các vụ kiện của Việt Nam về thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với sản phẩm tôm của Việt Nam. Đây là nội dung chính của một thỏa thuận được ký tại Washington DC vào ngày 19/7 (theo giờ Việt Nam) giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ.

Thỏa thuận trên là sự tiếp nối yêu cầu của Việt Nam vào tháng 5/2016, theo đó Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã triển khai thủ tục thực thi các phán quyết của WTO. DOC đã ban hành kết luận sơ bộ để sửa lại biên độ phá giá của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú và xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với công ty này.

Theo kết luận sơ bộ của DOC, công ty Minh Phú đạt được biên độ phá giá bằng 0% và được đưa ra khỏi diện áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ. Một phần thuế chống bán phá giá mà công ty Minh Phú tạm nộp trong những năm trước đây sẽ được hoàn lại, dự kiến lên tới nhiều triệu USD.

Việc Việt Nam và Mỹ đạt được giải pháp song phương để giải quyết vụ kiện tôm là kết quả của thiện chí và nỗ lực đàm phán từ cả 2 phía. Việt Nam hoan nghênh tinh thần xây dựng, thái độ thiện chí và nỗ lực tìm kiếm giải pháp của phía Mỹ, đặc biệt là của DOC và Đại diện Thương mại Mỹ. Việt Nam cho rằng việc Mỹ thực thi phán quyết của WTO là việc làm đúng đắn, cho thấy Mỹ tôn trọng các nghĩa vụ của mình tại WTO và luôn nỗ lực để củng cố hệ thống thương mại đa phương như đã nhiều lần tuyên bố.

Động thái trên của Mỹ cũng góp phần quan trọng vào thiện chí tăng cường mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là trong bối cảnh 2 nước cùng là bên ký kết và hướng đến việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)./.(VOV)

Ô tô nhập khẩu náo loạn vì bế tắc

Những quy định tại Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có bị bãi bỏ hay không đến giờ vẫn chưa rõ ràng - điều này khiến cả doanh nghiệp ô tô lẫn cơ quan quản lý, người tiêu dùng đều bối rối.

Tổng cục Hải quan ngày 15/7 vì thế đã có công văn thúc giục Bộ Công Thương nhanh chóng có câu trả lời về Thông tư 20/2011/TT-BTC quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống có còn hiệu lực áp dụng nữa hay không.

Hết hiệu lực vẫn gây tranh cãi

Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 26/6/2011, quy định các DN nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc, phải có giấy uỷ quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất, hoặc phiếu đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền này còn phải được cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận.

Ngay khi quy định này có hiệu lực, cách đây 5 năm, hàng trăm DN nhỏ đã không còn cơ hội nhập khẩu ôtô nguyên chiếc mới. Thị trường xe nhập khẩu từ đó đến nay thuộc về một số DN có được giấy ủy quyền từ chính hãng. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014, thì đến 1/7/2016, Thông tư này đã hết hiệu lực.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế... do Bộ Công Thương soạn thảo, mới đây đã đưa toàn bộ Thông tư 20 vào. Một số cơ quan chức năng cho rằng, kinh doanh ôtô không thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì vậy việc đưa quy định này vào là trái luật, cần bãi bỏ.

Còn các DN nhập khẩu ôtô chính hãng thì lo lắng và chính thức lên tiếng về vấn đề này. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cùng một số DN đã kiến nghị giữ nguyên điều kiện nhập khẩu ôtô mới chính hãng.

VAMA cho rằng, việc đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ,... sẽ có thể bị bỏ ngỏ nếu Thông tư 20 hết hiệu lực mà không có văn bản thay thế. Khi đó, nhà nhập khẩu không chính hãng có thể dừng hoạt động bất kỳ lúc nào.

Hoặc, theo VAMA, các nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ trốn thuế bằng việc khai giá mua xe, bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước khi Thông tư 20 có hiệu lực.

Song, các DN nhập khẩu không chính hãng cũng lập tức lên tiếng phản bác. Mới đây, 16 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô không chính hãng đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ Thông tư 20 đã tạo ra rào cản khiến họ không thể nhập khẩu ôtô mới. Những quy định đó không những gây khó cho doanh nghiệp nhập khẩu ôtô Việt Nam mà còn vô tình tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho DN nước ngoài, khiến thị trường bị méo mó.

Trong một văn bản giải trình, tiếp thu các ý kiến về dự thảo Nghị định trên, Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến, nhất trí không quy định việc nhập khẩu ôtô tại Nghị định mới, bởi đó không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên, không cần nâng cấp lên Nghị định.

Tuy nhiên, Bộ này lại cho rằng, những quy định tại Thông tư 20 là các thủ tục hành chính, vì vậy nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vẫn phải thực hiện.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng báo cáo Chính phủ 2 phương án triển khai thực hiện đối với nhập khẩu ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống chưa qua sử dụng.

Những quy định trong Thông tư 20 có bị bãi bỏ hay không, đến nay, tất cả đều chưa rõ ràng. Từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý, thị trường đều trở nên rối tung.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu cho biết, theo luật, từ 1/7/2016, khi Thông tư 20 hết hiệu lực, họ sẽ được tự do nhập khẩu ôtô. Hiện một số đơn vị đã nhập khẩu xe và lô đầu tiên sắp về nước. Khi về nước thì cơ quan Hải quan đương nhiên phải làm thủ tục thông quan. Nếu không thực hiện là vi phạm luật pháp, cản trở tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nói vậy nhưng không ít đơn vị vẫn rất lo lắng, nếu nhập về mà không được thông quan thì rủi ro rất lớn.

Đến đây thì cơ quan Hải quan cũng không thể chờ đợi được, không biết làm thế nào, lại phải làm công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Công Thương trả lời rõ ràng về Thông tư 20. Cơ quan này lo ngại nếu xe nhập tràn về sẽ không biết xử lý ra sao, rất bị động.

Trên thị trường, giá nhiều mẫu ôtô đang giảm rất mạnh. Một số thông tin cho rằng đó là do sắp tới, khi các doanh nghiệp được tự do nhập khẩu, ôtô sẽ tràn vào, giá giảm. Các DN kinh doanh nhanh nhạy hơn ai hết, đoán biết chính sách, nên nhanh tay bán ra để tránh nguy cơ bị xe nhập khẩu "bóp chết". Vì vậy, dù giá giảm cũng không mua mà nên chờ đợi, ôtô nhập về nhiều giá còn rẻ nữa.

Ngược lại, có ý kiến băn khoăn, nếu quy định trên không bị bãi bỏ, xe nhập không về nhiều, thì xe trong nước lại có điều kiện tăng giá, rất khó mua được xe giá rẻ.

Chính sách không rõ ràng không chỉ khiến cơ quan quản lý bị động mà ngay thị trường cũng méo mó, cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều bối rối không biết đâu mà lần, gánh chịu nguy cơ rủi ro cao.(Vietnamnet)

DN cần tuân thủ quy định khi xuất khẩu thủy sản vào Australia

Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa nhận được thông báo của Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia về tần suất kiểm tra các lô hàng thủy sản nhập khẩu vào nước này.

Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Australia-New Zealand đã phân loại thực phẩm nhập khẩu vào Australia theo nhóm sản phẩm (bao gồm nhóm sản phẩm rủi ro và nhóm sản phẩm giám sát) và chế độ kiểm tra nhập khẩu tương ứng theo từng nhóm.

Đối với các cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam có lô hàng bị cảnh báo đã có báo cáo điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thẩm tra phù hợp và có văn bản đề nghị cơ quan thẩm quyền Australia dỡ bỏ chế độ kiểm tra tăng cường, cơ quan thẩm quyền Australia đã cung cấp thông tin trả lời.

Như vậy, theo quy định của Australia, việc dỡ bỏ chế độ kiểm tra tăng cường đối với các lô hàng thủy sản của các doanh nghiệp bị cảnh báo hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra nhập khẩu đối với các lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp.

Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông báo để các doanh nghiệp cập nhật và tuân thủ các quy định của cơ quan thẩm quyền Australia.

Nhóm sản phẩm thủy sản rủi ro, gồm: NT2MV; giáp xác luộc/tôm; cá thu/cá ngừ; cá đã chế biến và ăn liền; thủy sản phối trộn.

Tỉ lệ kiểm tra ban đầu của nhóm sản phẩm rủi ro là 100% các lô hàng. Nếu 5 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu, tỉ lệ kiểm tra sẽ giảm xuống còn 25%. Nếu 20 lô hàng liên tiếp sau đó đạt yêu cầu, tỉ lệ kiểm tra sẽ giảm xuống còn 5%. Nếu có bất kỳ lô nào không đạt yêu cầu thì sẽ quay lại tỉ lệ kiểm tra 100% như lúc đầu.

Nhóm sản phẩm thủy sản giám sát, gồm: Cá, bột cá tươi, ướp lạnh, đông lạnh, khô, ướp muối; cá mòi, cá hồi và sản phẩm dạng mắm từ cá đã sơ chế, bảo quản hoặc đóng hộp. Nhóm sản phẩm thủy sản cần giám sát thứ hai là cá/giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh) có nguồn gốc nuôi trồng.

Tần suất kiểm tra nhóm thủy sản giám sát theo tỉ lệ kiểm tra ban đầu là 5%. Nếu có lô hàng vi phạm, tỉ lệ kiểm tra sẽ là 100%. Nếu 5 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu, tỉ lệ sẽ giảm xuống còn 5%.(Chinhphu.vn)

Giá cà phê robusta sẽ còn cao trong vài tháng tới do tồn trữ thấp

Giá cà phê robusta kỳ hạn giao sau được các chuyên gia dự báo sẽ duy trì ở mức cao kỷ lục 16 tháng thêm vài tháng nữa do tồn trữ còn rất ít, trong khi nhiều khả năng hiện tượng thời tiết bất thường La Nina sẽ khiến nguồn cung càng thêm khan hiếm.

Cung robusta ở mức thấp đúng lúc tồn trữ cà phê toàn cầu bị thắt chặt đã đẩy giá robusta trên sàn ICE (London) tăng lên 1.866 USD/tấn trong phiên giao dịch 15/7/2016, cao nhất trong vòng 16 tháng, và cao hơn khoảng 22% so với hồi đầu năm.

Xuất khẩu tăng mạnh từ Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới – đã bù đắp cho nguồn cung suy giảm ở Indonesia – nơi thu hoạch cà phê năm nay muộn hơn nhiều so với những năm trước do khô hạn, và Brazil – nơi sản lượng rất thấp do khô hạn kéo dài. Trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cà phê Indonesia đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do tồn trữ trong nước còn rất ít nên các nhà rang xay Indonesia tăng 5-10% giá chào bán cho khách hàng quốc tế.

 

Brazil và Indonesia là những nước sản xuất robusta lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, sau Việt Nam.

Sản lượng robusta ở Ấn Độ niên vụ 2016/17 dự báo cũng sẽ thấp do thời tiết bất thường.

Abah Ofon, nhà phân tích cấp cao của Global Coffee Monitor (thuộc Agrimoney) nhận định giá robusta có nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong quý III trước khi giảm trở lại – khi tồn trữ trên toàn cầu hồi phục.

“Chúng ta cần thấy nguồn cung cải thiện để giá giảm trở lại. Nhưng đáng tiếc nếu nguồn cung arabica cũng sụt giảm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới robusta”, ông Ofon cho biết, và dự báo “Có khả năng các nhà rang xay và các nhà đầu cơ sữ săn mua robusta chất lượng cao khi thấy tồn trữ cà phê xuống thấp”.

Trong phiên giao dịch 20/7, giá Robusta kỳ hạn giao tháng 9 đã giảm nhẹ xuống 1.804 USD/tấn khi các nhà đầu cơ bán chốt lời sau đợt giá tăng mạnh. Chênh lệch giá giữa cà phê Việt Nam loại 2 giao và hợp đồng giao tháng 9 đã giảm xuống -30 USD.

Mặc dù giá đã giảm khỏi mức cao kỷ lục 16 tháng, song ông Ofon cho rằng “tình trạng thiếu hụt sẽ ngày càng rõ nét”, và dự báo niên vụ 2016/17 thế giới sẽ thiếu hụt robusta.

Agrimoney nhận định, mặc dù có thể thời tiết sẽ tốt dần lên vào cuối niên vụ 2016/17, và không phải toàn bộ các khu vực trồng robusta ở châu Á có nguy cơ bị mưa quá nhiều, song La Nina vẫn có thể ảnh hưởng tới năng suất ở Việt Nam, khiến nguồn cung chậm hồi phục.

Nhiều chuyên gia dự báo “Có thể sẽ mưa quá nhiều ở Việt Nam sau khi hạn hán trong niên vụ trước”.

BMI Research ngày 20/7 dự báo La Nina – khiến nước vùng biển đông Thái Bình Dương ấm lên sau giai đoạn El Nino – sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng ngô, lúa mì, đậu tương, đường, bông và cà phê.

Khu vực trồng cà phê ở miền Trung – Tây nguyên hồi đầu năm bị hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm, nhưng dự báo đến khoảng tháng 10-11 sẽ có mưa nhiều hơn khoảng 5-15% so với mức trung bình. Mà vụ thu hoạch cà phê rơi vào tháng 10, rộ vào tháng 11. Mưa nhiều sẽ làm cho việc thu hoạch bị chậm lại, và ảnh hưởng tới việc phơi sấy, khiến chất lượng hạt giảm sút. Đồng thời mưa nhiều cũng khiến trái cà phê nhanh rụng, làm tăng tỷ lệ hạt đen, giảm hạt nâu.

Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam mới đây cho biết sản lượng niên vụ 2016/17 của Việt Nam có thể sẽ giảm 20-25% do khô hạn. Con số này đã được điều chỉnh giảm so với mức giảm 30% trong dự báo trước đây, sau khi mùa mưa đến sớm hơn dự kiến – vào giữa tháng 5.

Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định bi quan về nguồn cung robusta thế giới.

Trong báo cáo tháng 6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo hạn hán sẽ làm giảm 8,4% sản lượng cà phê của Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, xuống còn tổng cộng 42,45 triệu bao (1 bao = 60 kg), mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Ba nước châu Á này chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, còn nếu tính riêng robusta thì chiếm khoảng 60% sản lượng toàn cầu.

USDA dự báo sản lượng robusta thế giới sẽ giảm gần 5,4 triệu bao xuống mức thấp nhất 5 năm là 61,6 triệu bao, do sản lượng sụt giảm ở ba nước trên cộng thêm Brazil và Uganda.

USDA dự báo sản lượng của Việt Nam sẽ giảm 2 triệu bao xuống 27,3 triệu bao; của Brazil sẽ giảm 1,2 triệu bao xuống mức thấp nhất 7 năm là 12,1 triệu bao; của Indonesia sẽ giảm 1,8 triệu bao xuống 10 triệu bao; của Ấn Độ sẽ giảm 8% xuống 5,33 triệu bao.

Theo USDA, tồn trữ cà phê thế giới sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 2011/12.

Rabobank tháng 6 cũng đã nâng dự báo về thiếu hụt cà phê toàn cầu trong niên vụ tới do yếu tố thời tiết, theo đó thị trường sẽ thiếu 4,6 triệu bao (tăng so với mức 1,3 triệu bao dự báo trước khi hạn hán). Theo Rabobank, hạn không chỉ ảnh hưởng tới mùa màng của các những nước trên, mà cả ở Thái Lan và Lào.(Trithuctre)

Tỷ lệ thất nghiệp của Anh thấp nhất kể từ năm 2005

Theo số liệu chính thức công bố ngày 21/6, tỷ lệ thất nghiệp của Anh trong tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 do thị trường lao động tăng cường trong thời gian chuẩn bị bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu vào cuối tháng.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,9% trong ba tháng tính đến tháng 5, thấp nhất kể từ tháng 10/2005 và giảm từ 5,0% trong tháng 4, Văn phòng thống kê quốc gia cho biết.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo sẽ duy trì ở mức 5,0%.
Các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Anh sẽ được theo dõi chặt chẽ phản ứng của thị trường lao động sau khi bỏ phiểu rời khỏi Liên minh châu Âu và cảnh báo hậu quả là tốc độ tăng trưởng chậm và lạm phát cao hơn.
Lương tiếp tục tăng trước cuộc trưng cầu dân ý như dự báo, bao gồm tiền thưởng tăng 2,3% trong ba tháng tính đến tháng 5 - tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2015.
Mức lương tăng phản ánh một phần chính sách quy định lương mới trong tháng 4, National Living Wage quy định bắt buộc 7,20 GBP/giờ cho người lao động trong độ tuổi từ 25 trở lên, tăng 50 pence trên mức lương tối thiểu hiện hành.
Trước cuộc trưng cầu ngày 23/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Viện nghiên cứu kinh tế xã hội của Anh cho biết, tiền lương, chứ không phải là công việc, chắc chắn bị ảnh hưởng bởi cuộc bỏ phiếu để rời khỏi EU.
Số người thất nghiệp đã giảm trong ba tháng tính đến tháng 5 xuống 1.646 triệu người, trong khi số lượng người trong độ tuổi lao động tăng từ 176.000 triệu lên 31,705 triệu người.
Một cuộc khảo sát từ các Liên đoàn tuyển dụng và việc làm cho thấy số cán bộ biên chế thông qua các công ty tuyển dụng lần đầu tiên giảm kể từ tháng 12/2012.
Một cuộc khảo sát của giám đốc tài chính từ Deloitte, tiến hành sau khi trưng cầu dân ý, cho thấy kế hoạch tăng thuê ít hơn 1% trong năm tới.
(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh 28-09-20151

    Tin kinh tế đọc nhanh 28-09-2015

    Trái cây VN vào các thị trường khó tính tăng gấp rưỡi
    Nhiều doanh nghiệp trong 'danh sách đen' chưa trả nợ thuế
    Nhiều dự án quy mô lớn sẽ triển khai tại TP.Cần Thơ
    Cách chức giám đốc Công ty CP dầu khí Mê Kông
    Lập khống hợp đồng lao động, trốn hơn 1,3 tỷ đồng tiền thuế

     

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-09-20152

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-09-2015

    NHNN tái khẳng định: sẵn sàng bán ngoại tệ 
    Mỹ cảnh báo nguy cơ hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập châu Âu
    Hàng xuất khẩu không ghi "made in Vietnam" có bị xử phạt?
    Xuất khẩu Tp.HCM “vạ lây” vì giá dầu
    Phát triển ngành dừa thành ngành mũi nhọn

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-09-20153

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-09-2015

    Nhiều cơ hội để doanh nghiệp VN tiếp cận thị trường EU
    Hãng taxi bất ngờ dừng hoạt động
    68.000 doanh nghiệp mới, 54.000 doanh nghiệp giải thể
    Quảng Nam đồng ý bồi hoàn tài sản Công ty Quasapharco
    Thủ tướng chỉ đạo quy định việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng

  • Tin kinh tế đọc nhanh 27-09-20154

    Tin kinh tế đọc nhanh 27-09-2015

    Vượt dư lượng thuốc trừ sâu, chè Việt Nam không được vào Đài Loan
    Sửa đổi quy định nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra
    Số giao dịch BĐS thành công tăng gấp 2 lần so cùng kỳ
    Luật đầu tư thoáng nhưng vẫn khó thực hiện
    Công ty Phú Lễ thắng kiện Cục Thuế TP.HCM

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều  26-09-20155

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-09-2015

    Volkswagen sẽ hợp tác với Tập đoàn Phú Thái lắp ráp xe ở Việt Nam?
    Nhập siêu Trung Quốc có thể lên tới 35 tỉ USD
    Nga cấp 2 tỷ USD vốn đối ứng cho Điện hạt nhân Ninh Thuận 1
    Thu hút vốn FDI 9 tháng tăng đột biến nhờ các dự án lớn

    Giá cà phê trong nước ngày 26/9 tăng thêm 600 nghìn đồng/tấn

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-09-20156

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-09-2015

    Goldman Sachs và Miga tham vấn dự án Thủy điện Hồi Xuân
    Đồng Tháp: doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ nhập xoài Cao Lãnh
    Lâm Đồng đưa vào hoạt động nhà máy chế biến đông dược
    Không ưu đãi xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước

    EVN cần 6-7 tỷ USD vốn đầu tư mỗi năm

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-09-20157

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-09-2015

    Đến 15/9, Việt Nam chi gần 4 tỷ USD nhập thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu
    Hơn 6.700 tỷ nối trung tâm TP. HCM với khu đô thị lớn nhất VN
    Thu hồi ít nhất 50% nợ thuế lớn của các doanh nghiệp trước ngày 30/9
    Mô hình tôm - lúa sẽ mang về 1 tỷ USD

    Nâng mức giá sàn xuất khẩu gạo 25% tấm thêm 10 USD mỗi tấn

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa  25-09-20158

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-09-2015

    Trên 600 lô hàng nhập khẩu tồn đọng tại sân bay Tân Sơn Nhất
    Sản phẩm nông nghiệp VN chịu nhiều áp lực phải giảm giá
    Giá thép bán lẻ giảm, Thái Lan tiếp tục kiện thép Việt
    Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm một nửa

    Nữ giám đốc và cú lừa 200 tỷ đồng ở phố núi Pleiku

  • Tin kinh tế đọc nhanh 25-09-20159

    Tin kinh tế đọc nhanh 25-09-2015

    Hé lộ nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines
    Nửa tháng, thép giảm giá 3 lần

    Sacombank được chấp thuận tăng vốn lên hơn 18.852 tỷ đồng
    Đấu thầu thất bại, Kho bạc Nhà nước tăng lãi suất trái phiếu 5 năm

    Hà Nội: Chuyển 1,4ha đất công cộng thành đất xây cao ốc

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-09-201510

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-09-2015

    "Kim ngạch thương mại Moskva-Hà Nội sẽ tăng lên gấp nhiều lần"
    Nợ xấu đã về 3% và cơ bản xử lý xong các ngân hàng yếu kém
    Hà Nội: Tăng trưởng tín dụng 9 tháng ước đạt 18,3%
    Còn 3 cặp ngân hàng sở hữu chéo

    Thêm khu công nghiệp 1.800 tỷ đồng tại Bình Phước