Trung Quốc tiêu hủy 35 tấn chuối nhập từ Philippines
Thái Lan nói không với vốn vay của Trung Quốc "vì lợi ích quốc gia"
Không cho Vinataba đăng ký nhãn hiệu và sản xuất thuốc JET, HERO
Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về Nhật Bản
Nhà máy gần 1.900 tỷ đồng ở Dung Quất đóng cửa
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-03-2016
- Cập nhật : 26/03/2016
Xâm nhập mặn ‘kéo’ giá tôm, cá xuất khẩu giảm mạnh
Quý I, giá tôm, cá tra, cá basa xuất khẩu giảm do xâm nhập mặn khiến cho chất lượng các sản phẩm thủy sản chủ lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa nước ta trong quý I/2016 giảm 1,8% so với quý trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân giá xuất khẩu hàng hóa quý I giảm do giá của những mặt hàng trọng yếu trên thị trường thế giới giảm như dầu thô, sắt thép…. Trong đó, một số nhóm hàng giảm giá mạnh như dầu thô giảm 19,44%, xăng dầu các loại giảm 16,92%, sắt thép giảm 12,36% và sản phẩm từ sắt thép giảm 10,46%. Bên cạnh đó, một số nhóm mặt hàng tăng giá cao như gạo tăng 6,71%, chất dẻo nguyên liệu tăng 6,64% và điện thoại di động tăng 4,64%.
Trong đó, giá nhóm hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I giảm 2,26% so với quý trước và giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu trong quý đều giảm, chỉ có 3 nhóm có chỉ số giá tăng so với quý trước gồm hạt điều, gạo và nhóm bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc.
Giải thích rõ hơn về nguyên nhân làm biến động giá xuất khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, giá tôm, cá tra, cá basa, nghêu xuất khẩu giảm do trong nước hiện tượng xâm nhập mặn khiến cho chất lượng các sản phẩm thủy sản chủ lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn giá chè xuất khẩu giảm do Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi tại các thị trường xuất khẩu chính.
Giá cà phê của Việt Nam và thị trường thế giới vẫn chịu ảnh hưởng mạnh khi 2/3 nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil, Colombia tiếp tục đưa ra thị trường thế giới một lượng lớn cà phê với mức giá thấp. Cùng thời điểm quý I, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại trong quý là nhờ các đơn hàng mới ký với Indonesia với số lượng 350.000 tấn....
Trong quý đầu tiên của năm nay, giá nhóm nhiên liệu xuất khẩu giảm mạnh 18,33% so với quý trước và giảm 42,42% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm các mặt hàng nhiên liệu tiếp tục có sự sụt giảm mạnh về giá ở hầu hết các mặt hàng trong đó giảm mạnh nhất là các mặt hàng có nguồn gốc từ dầu mỏ do một số nguyên nhân chính như: giá dầu thô giao dịch ở khắp các thị trường trên thế giới đã có những mức giảm kỷ lục, đến mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua.
Giá than xuất khẩu cũng tiếp tục giảm do than trên thị trường thế giới vẫn trong giai đoạn thừa cung trong suốt những năm qua. Bên cạnh đó, Nam Phi tiếp tục bán một lượng lớn than giá rẻ cho Ấn Độ khiến giá than xuất khẩu của các nước khác bị ảnh hưởng.
Còn nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giá xuất khẩu quý I giảm 2,68% so với quý trước và giảm 3,99% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm giảm mạnh như sắt thép, cao su. Trong đó, giá sắt thép trên thị trường thế giới đang chịu sức ép nặng nề từ lượng sắt thép giá rẻ từ Trung Quốc đang ồ ạt bán ra thị trường. Giá cao su giảm do cung trên thị trường vượt quá cầu. Nhu cầu tiêu thụ chưa có nhiều đột biến khiến giá cao su khó có cơ hội tăng giá trong thời gian tới.../.
Vì El Nino, thế giới sẽ gặp tình trạng thiếu hụt... đường
El Nino sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt đường ở nhiều quốc gia trong năm 2016 và 2017, trong đó bao gồm Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc, các nhà sản xuất đường lớn hàng đầu thế giới.
El Nino (hiện tượng nóng lên không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương) của năm nay sắp chấm dứt, nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn còn đó. Một trong số đó, chính là sự thiếu hụt đường trên toàn thế giới.
Tờ Independent vừa đăng tải một thông báo mới của công ty phân tích Green Pool, cảnh báo rằng “sự thiếu hụt đường” đang tiến gần tới chúng ta.
Nhu cầu của con người với đường ngày càng tăng, nhưng đồng thời, nguồn cung cũng ngày càng lớn. Và diều này đã thay đổi khi El Nino, bằng một trận hạn hán, đánh thẳng vào nguồn cung đường lớn nhất thế giới.
Sau nhiều năm dư thừa, đây sẽ là năm đầu tiên chúng ta chứng kiến sự thiếu hụt đường của thế giới. Mặc dù lượng thiếu hụt năm nay có thể rất nhỏ, nhưng sang năm sau, lượng thiếu hụt đó sẽ tăng rất nhiều lần - có thể lên đến gần 5 triệu tấn.
Hiển nhiên là việc thiếu đường không nguy cấp bằng những cảnh báo về sự thiếu hụt những nguồn tài nguyên khác mà chúng ta phải đối mặt gần đây.
Tuy vậy, chúng ta cũng không được quên rằng mùa màng đang ngày càng trở nên mỏng manh hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Một sự thay đổi trong nhiệt độ và nguồn nước, dù là nhỏ nhất,cũng dễ dàng khiến sản lượng thu hoạch trở nên hỗn loạn.
Khi điều này ngày càng xảy ra thường xuyên và diễn ra với càng nhiều loại tài nguyên, cuộc sống của con người sẽ thực sự bị đe dọa.
Tỉ lệ nội địa hóa ngành dệt may mới đạt 51,1%
Tỉ lệ nội địa hóa ngành dệt may dù đã tăng 0,7%, tương ứng tỉ lệ 51,1% trong năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 55% của Bộ Công thương đặt ra.
Theo bà Đặng Phương Dung, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), dữ liệu cập nhập mới nhất ghi nhận hiện cả nước có trên 5.000 doanh nghiệp trong ngành dệt may, với 2,5 triệu lao động, chiếm 5% trổng lượng lao động công nghiệp của VN.
Tuy nhiên, ngành dệt may VN đang đối mặt với thực trạng mất cân đối về số lượng doanh nghiệp hoạt động: số doanh nghiệp nhiều, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ.
Chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc.
Chủng loại sản phẩm sản xuất được vẫn còn hạn chế, trong khi giá thành sản xuất vẫn cao, dẫn đến việc cạnh tranh kém.
Đặc biệt, ngành dệt may trong nước tiếp tục lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu. Cụ thể, trong 6,7 tỉ m2 vải nhập khẩu của năm 2015, Trung Quốc đã chiếm đến 46% tổng lượng nhập, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được 1,5 tỉ m2 vải.
Điều này khiến ngành dệt may VN khó lòng đáp ứng được khả năng tự chủ nguồn cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu.
Dẫn đến việc doanh nghiệp sản xuất chỉ muốn tập trung làm hàng gia công dù biết giá trị gia tăng thấp, đưa đến nguy cơ ngành bị phát triển mất cân đối.
Doanh nghiệp FDI tố một năm tiếp 10 đoàn kiểm tra
Ngày 25-3, tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và hàng trăm doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đã nhận nhiều tràng pháo tay vì hai bên nói thẳng, nói thật về chuyện nhũng nhiễu.
Ông Nguyễn Công Đoàn than vãn công ty bị mất trộm, cung cấp chứng cứ nhưng công an chưa tìm ra thủ phạm, đình chỉ điều tra
Ông Trần Văn Vĩnh - phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng nai - nói: “Phải nói rõ là doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận, kinh tế Đồng Nai mới phát triển. Vì vậy chúng tôi muốn nghe doanh nghiệp nói thẳng những vướng mắc, khó khăn để tỉnh tháo gỡ”.
"Cung cấp có bằng chứng, chúng tôi xử lý ngay"
Cầm văn bản trả lời trên tay, ông Nguyễn Công Đoàn - đại diện quản lý Công ty DaiKan (KCN Amata, vốn 100% Nhật Bản) bức xúc: “Công ty bị mất trộm nhiều lần, báo đồn công an khu công nghiệp, báo cho ban quản lý khu công nghiệp 4 lần. Chúng tôi rất chờ đợi nhưng nay trả lời đình chỉ điều tra do hết thời hạn nên tôi hết sức sốc!”.
Ông Đoàn cho nêu thêm ví dụ cụ thể về các vụ trọm nhưng đến nay vẫn không được xử lý. Ngay lập tức, ông Trần Văn Vĩnh yêu cầu công an sau cuộc làm việc phải tiến hành xử lý gấp.
Tránh tình trạng nhận hồ sơ rồi vài ba bữa lại nói doanh nghiệp thiếu cái này cái kia. Chỗ nào nhũng nhiễu, vi phạm doanh nghiệp cứ phản ánh cho tỉnh để chúng tôi xử lý. Chúng tôi mời doanh nghiệp đối thoại, nói khó khăn mà chúng tôi không tháo gỡ thì doanh nghiệp sẽ không đến nữaÔng TRẦN VĂN VĨNH - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng NaiHiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tại Đồng Nai đã tổng hợp nhiều bức xúc của hội viên. Đó là chuyện xin cấp phù hiệu cho xe chở hàng 10 tấn trở lên.
Theo Hiệp hội, xe của doanh nghiệp chở hàng đi giao cho các chi nhánh tại các tỉnh và khách hàng thường bị công an giao thông kiểm tra phù hiệu xe, lập biên bản xử phạt và giam bằng lái của tài xế.
Trong khi công ty 100% vốn FDI có xe vận chuyển hàng do công ty sản xuất giao cho khách, không thuộc vận chuyển kinh doanh, đang chờ quy định của Chính phủ việc phạt hay không về phù hiệu xe.
Theo đại diện Hiệp hội, nếu không muốn bị lập biên bản phạt thì phải đưa tiền cà phê từ 1,5 triệu đến 3,5 triệu đồng. Đôi lúc trong một chuyến giao hàng bị phạt đến 2 lần.
Ông Vĩnh đã chỉ đạo thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông không xử phạt các loại xe trong các trường hợp trên.
Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp FDI cung cấp sớm danh sách các loại xe đang dùng để kiến nghị với Chính phủ sớm tháo gỡ những khó khăn trong việc dán phù hiệu xe.
Có mặt trong buổi đối thoại, ông Neil Murphy - phó chủ tịch phụ trách sản xuất (khu vực Đông bán cầu) của Công ty TNHH Terumo BCT VN, đặt câu hỏi: “Chính quyền sẽ phòng chống tham nhũng, cửa quyền, mãi lộ của công chức ra sao khi họ đã gây khó khăn doanh nghiệp?”.
Ông Neil Murphy - phó chủ tịch phú trách sản xuất (khu vực Đông bán cầu) của Công ty TNHH Terumo BCT VN đặt vấn đề về việc chống tham nhũng, mãi lộ - Ảnh: H.Mi
Ông Vĩnh cảm ơn doanh nghiệp và đáp ngay: “Chúng tôi khẳng định kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Chuyện mãi lộ, gây mất an toàn giao thông thì Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương đang quyết tâm xử lý việc này. Đây là quyết tâm của cả hệ thống nhưng tôi khẳng định là chưa thể làm trăm phần trăm lúc này vì bệnh tham nhũng đang rất nặng. Các ngài cung cấp có bằng chứng chúng tôi sẽ xử lý ngay".
Một năm tiếp đoàn kiểm tra hơn 10 lần!
Tại hội nghị, doanh nghiệp vẫn còn kêu bị “hành” nhiều chuyện như: trạm thu phí dày đặc, hoàn thuế chậm, người nước ngoài phải mua thêm bảo hiểm ở VN, hạ tầng giao thông còn khó khăn.
Khi được tỉnh Đồng Nai đề nghị nói thật, nói thẳng, đại diện một doanh nghiệp FDI kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cho hay công ty đang đóng ở địa bàn Đồng Nai, có chức năng sang chai, đóng gói.
Để quản lý an toàn về hóa chất, 3 Bộ Công thương, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ NN-PTNT có riêng 3 thông tư nên doanh nghiệp phải đi học cùng một nội dung an toàn về hóa chất… 3 lần/năm.
“Năm ngoái chúng tôi còn tiếp đoàn kiểm tra hơn 10 lần. Hết bộ này đến bộ khác. Thậm chí trong tỉnh Đồng Nai có hai đoàn vào cùng kiểm tra một nội dung phòng cháy chữa cháy!” - vị đại diện doanh nghiệp bức xúc.
Ông Trần văn Vĩnh nói ngay: “Trong nỗ lực cải cách hành chính, về phía tỉnh chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra doanh nghiệp phải gom về một đầu mối, không để kiểm tra trùng lặp làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Riêng các bộ hay vào kiểm tra, chúng tôi sẽ ý kiến với các bộ liên quan để phối hợp với từng sở chuyên ngành để kiểm tra. Chứ không thể để bộ cũng vào rồi địa phương cũng vào kiểm tra”.(TT)
Áp thuế tự vệ không đúng lúc gây thiệt hại cho người tiêu dùng?
Cơ quan quản lý áp thuế tự vệ nếu không cân nhắc kỹ vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng vừa không bảo vệ được doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, ngày 7/3 vừa qua, Bộ Công Thươngđã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng tối đa 200 ngày với mức thuế tương đối là 23.3% đối với phôi thép và 14.2% đối với thép dài.
Đáng chú ý là sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định trên, giá thép sản xuất trong nước cũng như thép nhập khẩu đều gia tăng. Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá phôi thép tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1/2016; Giá thép phế liệu cũng tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó. Thêm vào đó, tác động tâm lý của các nhà thương mại muốn tích trữ để đầu cơ đã dẫn đến việc giá thép trong nước tăng theo.
Trước tình hình này, trong một văn bản mới đây, Bộ Công Thương cũng đã thừa nhận có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định, và điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) nhận xét việc áp thuế tự vệ mặt hàng thép lúc này là không hợp lý.
Tuy nhiên, khi thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc áp dụng thuế tự vệ đối với mặt hàng thép để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước được xem là một là biện pháp tốt,
Nhưng ngược lại, đối chiếu với thực tế của Việt Nam hiện nay, khi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định áp thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng, nếu không cân nhắc kỹ càng thì sẽ gây thiệt hại đến người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra các hàng rào thuế phòng vệ thì phải ưu tiên đến thị trường, quan tâm đến thị trường nhiều hơn và đặc biệt phải tận dụng tối đa những lợi ích của hội nhập trong kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt đối với mặt mặt hàng thép và xăng dầu, khi giá các mặt hàng này trên thế giới giảm thì thị trường trong nước phải tận dụng, bởi giá thành sản xuất trong nước đang cao hơn giá thành của thị trường quốc tế. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi giá thành sản phẩm của thế giới đang giảm, cơ quan quản lý không nên xây dựng các hàng rào tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Gần đây khi Bộ Công Thương áp dụng mức thuế tương đối tự vệ đối với phôi thép và thép dài. Mặc dù ngày 23/3 quyết định mới có hiệu lực, nhưng ngay từ trước đó 1 tuần thị trường thép trong nước đã tăng giá mạnh, hiện tượng đầu cơ găm hàng đã xảy ra, dẫn đến người tiêu dùng thiệt hại, đẩy giá thành xây dựng tăng lên. Như vậy, chúng ta phải tính đến thiệt hại của nền kinh tế trong khi giá thép trên thế giới đang thấp hơn Việt Nam 10 - 15%”, Đại biểu Bảo bày tỏ.
Trước Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cũng đặt ra câu hỏi, trong khi công nghệ sản xuất trong nước lạc hậu, giá thành sản xuất trong nước cao hơn của thế giới đến 50 USD thì liệu có nên đặt ra hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước hay không? Mặt khác, khi thế giới đang khuyến khích chuyển sang nguồn tài nguyên tái tạo thì trong nước vẫn tiếp tục khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và vẫn phải bảo vệ cho quá trình này.
Do đó, ý kiến của Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất, trước khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng hàng rào thuế tự vệ, thuế phòng vệ thương mại, nhất định phải quan tâm đến bài toán kinh tế vĩ mô, vừa tính đến hiệu quả của sản xuất trong nước vừa phải quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng và các thành phần kinh tế khác.
Cụ thể là, việc áp dụng biện pháp tự vệ luôn phải hướng tới mục đích cao nhất là lợi ích của người sử dụng, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng hàng rào kinh tế, tránh được tình trạng cứ mỗi khi áp dụng biện pháp tự vệ, thi trường lại lập tức bị biến động, vì vậy bài toán này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng./