Giá thủy sản Trung Quốc tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016
Vina Capital không còn là cổ đông lớn của Hòa Phát
Giá trị giao dịch sàn TP HCM tăng hơn 10%
Giá văn phòng cho thuê TP HCM tăng thêm 3-5%
Ngân hàng Việt Á hứa bảo lãnh cho đại gia vàng nợ thuế
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-01-2016
- Cập nhật : 26/01/2016
Cảnh báo về việc lừa đảo yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng
Ngày 25/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị chỉ đạo các ngân hàng thông báo rộng rãi về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của đối tượng giả danh công an, kiểm sát, toà án…
Theo Công an Hà Nội, thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước xảy ra nhiều vụ lừa đảochiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng mạo danh cơ quan công an, Viện kiểm sát, Toà án gọi điện thoại, đồng thời thông báo về việc người nhà nạn nhân đang bị điều tra vì bị nghi ngờ có hành vi rửa tiền, mua bán ma tuý, lừa đảo,…
Sau đó các đối tượng “mở đường” cho nạn nhân để chứng minh là mình vô can thì phải gửi toàn bộ số tiền hiện có vào tài khoản tại ngân hàng do các đối tượng cung cấp, nếu quá trình điều tra không phát hiện vi phạm sẽ được hoàn trả đầy đủ.
Trước sự đe doạ của các đối tượng, một số nạn nhân nhẹ dạ, lầm tưởng người nhà mình liên quan đến hành vi phạm pháp luật nên đã gửi tiền theo yêu cầu, đến khi phát hiện thì số tiền đã “bốc hơi”.
Cũng theo Công an Hà Nội, trong thời gian vừa qua đã có 12 nạn nhân bị lừa đảo với thủ đoạn nêu trên đến cơ quan công an trình báo. Điển hình, chị Lương Thị T (trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã bị một đối tượng nữ gọi điện thông báo với gia đình về việc nợ cước điện thoại với số tiền gần 9 triệu đồng.
Sau đó, một đối tượng nam tự xưng là cán bộ Cảnh sát thuộc Công an TP Hồ Chí Minh đang điều tra một vụ án ma tuý và nghi ngờ chị T có liên quan đến đường dây tội phạm này, rồi yêu cầu chị T chuyển gần 750 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển tiền xong chị T mới biết mình bị lừa.
Tương tự, chị Lê Thị P (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng “sập bẫy” lừa đảo của các đối tượng và bị chiếm đoạt gần 2,4 tỷ đồng. Còn bà Trần Thị A (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị lừa 1,2 tỷ đồng với thủ đoạn mạo danh công an đang điều tra những giao dịch bất thường thông qua tài khoản của bà A.
Kết quả điều tra cho thấy, sau khi các nạn nhân gửi tiền, đối tượng ngay lập tức đến ngân hàng rút tiền đều sử dụng Chứng minh Nhân dân giả. Để phòng ngừa, ngăn chặn những thủ đoạn lừa đảo nêu trên, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng ra thông báo về phương thức thủ đoạn của tội phạm; hướng dẫn người dân chủ động phòng, ngừa; tăng cường kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên Chứng minh Nhân dân với người đến giao dịch mở thẻ, rút tiền; nếu phát hiện các trường hợp nghi vấn thì báo ngay công an.
Thị trường vàng miếng sẽ còn bị thao túng đến bao giờ?
Giới am tường về vàng đã phản bác, lột trần mánh khóe của Công ty SJC: vốn ít, sao không ngưng mua vào với tất cả các loại vàng miếng, mà chỉ nhằm vào độc một loại vàng miếng có 1 chữ cái?
Trước sự việc Công ty SJC ngưng mua vàng miếng 1 chữ cái trước dãy số seri tái diễn những ngày trung tuần tháng 1 này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM đã phải lên tiếng trấn an dư luận, rằng: không hề có sự phân biệt về chất lượng giữa vàng miếng SJC một chữ số và vàng miếng SJC hai chữ số do Công ty SJC đã sản xuất ra trước đây.
Đồng thời, ông Minh cũng khuyến cáo người có vàng nên bình tĩnh khi quyết định mua, bán vàng miếng SJC để tránh thiệt hại không đáng có. Nhiều chuyên gia về vàng cũng cho rằng, vàng một chữ, hai chữ không quan trọng khi đều có chung chất lượng, trọng lượng như nhau và các loại vàng miếng này đều do SJC sản xuất ra.
Vấn đề là Công ty SJC phải có trách nhiệm mua chứ không thể tuyên bố ngừng mua như vừa qua. Tuy vậy, lý do để DN này tuyên bố ngừng mua vàng miếng 1 chữ cái tưởng như có vẻ phù hợp: lượng vàng móp méo tồn kho của công ty còn trên dưới 2.000 lượng, trong khi đó nguồn vốn của DN này chỉ có hạn, phải ngừng mua vào. Giới am tường về vàng đã phản bác, lột trần mánh khóe của Công ty SJC: vốn ít, sao không ngưng mua vào với tất cả các loại vàng miếng, mà chỉ nhằm vào độc một loại vàng miếng có 1 chữ cái? Mục đích sau ngưng mua vàng 1 chữ là gì?
Tuyên bố của SJC lập tức gây phản ứng dây chuyền, khiến thị trường vàng hùa theo, đồng loạt ngưng mua vào với loại vàng miếng có 1 chữ cái hoặc mua với giá thấp hơn nhiều so với vàng miếng cùng loại có 2 chữ cái. Phản ứng trước cách làm này của Công ty SJC, vấn đề trách nhiệm bảo hành sản phẩm của doanh nghiệp với khách hàng cũng đã được đặt ra. Nhưng với tình trạng mua vàng không có bảo hành hoặc nếu có thì cũng đã hết thời hạn từ lâu, nhà sản xuất đã có thể ung dung phủi trách nhiệm nên việc này lại càng không có cơ sở.
Nhìn dưới góc độ kinh doanh, việc ngưng mua vàng miếng một chữ đã khiến người dân chuyển đổi sở hữu sang vàng miếng hai chữ. Dòng vàng miếng trong dân luân chuyển, doanh nghiệp cứ thoải mái thu phí khấu hao, phí gia công. Như vậy rõ ràng việc phân biệt đối xử giữa vàng một chữ, hai chữ đã khiến thị trường vàng miếng được điều khiển theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Khi vàng miếng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, toàn bộ số khuôn dập vàng của doanh nghiệp này được NHNN quản lý, còn xưởng dập vàng trị giá hàng chục tỷ đồng vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp này. Do đó năm nào Công ty SJC cũng phải kiếm cớ để được gia công lại lượng vàng miếng đã sản xuất trước đó như vàng móp méo, vàng không được bọc và dán tem chống giả rồi đến vàng có 1 chữ cái trước dãy số seri… Mục đích của việc này không gì khác hơn là để vừa thu lợi vừa tránh phải cho xưởng dập vàng của doanh nghiệp phải bỏ xó.
Cụ thể, năm 2014 SJC đã được NHNN cấp hạn mức gia công 50.000 lượng vàng, năm 2015 là 65.000 lượng. Do đã hết hạn ngạch nên đầu năm 2016 này SJC tiếp tục đề nghị NHNN cấp hạn mức để được gia công lại 60.000 lượng vàng miếng SJC móp méo. Chưa nhắc đến chuyện chỉ xin gia công lại vàng móp méo nhưng lại ngưng thu mua vàng 1 chữ cái. Khi việc xin gia công còn đang được NHNN xem xét, thì chỉ với lý do đơn giản nêu trên, Công ty SJC thản nhiên tuyên bố ngưng thu mua vàng miếng loại 1 chữ cái - là sản phẩm chính doanh nghiệp này đã dập, bán ra thị trường trước đó hàng chục năm!
Ngày 11-1, khi NHNN chấp thuận cho Công ty SJC được gia công 30.000 lượng vàng miếng móp méo thành vàng miếng SJC mới trong vòng 6 tháng đầu năm nay, lập tức, chiều 12-1, Công ty SJC đã có thông báo đến các đơn vị kinh doanh, thu hồi quyết định tạm ngưng thu mua vàng miếng loại một chữ và vàng móp méo đã phát ra trước đó.
Những ngày sau đó vàng 1 chữ, vàng cong vênh được mua trở lại, song người giữ vàng 1 chữ vẫn hứng chịu thiệt thòi khi ở trong thế bị ép giá. Bởi theo quy định, phí thu mua vàng 1 chữ là 140 ngàn đồng/lượng, nên muốn bán, người có vàng phải trả mức phí cao hơn qua các đầu mối thu mua trung gian. Sau đó các đầu mối bán lại cho Công ty SJC với mức phí thấp để hưởng chênh lệch.
Với số lượng vàng được cấp phép dập lại nhân với mức phí gia công trên, Công ty SJC đã ẵm gọn vài tỷ đồng trong vòng 6 tháng. Dư luận đặt vấn đề, hết tháng 6 tới, khi không còn hạn mức gia công, đơn vị gia công này sẽ tiếp tục giở “chiêu” gì nữa với thị trường? Làm sao để giữ được niềm tin của người đang trữ vàng miếng thương hiệu quốc gia là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát.
Kinh tế Nga suy giảm mạnh nhất 6 năm
Nền kinh tế Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, đang đối mặt với năm suy thoái thứ hai liên tiếp...
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2015 giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 trong bối cảnh giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, lao dốc.
Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg, lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến nền kinh tế Nga điêu đứng vì khó tiếp cận với thị trường vốn quốc tế.
Cơ quan Thống kê Liên bang Nga ngày 25/1 cho biết, GDP nước này giảm 3,7% trong năm 2015, sau khi giảm 0,6% trong năm 2014. Trước đó, các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát ý kiến dự báo kinh tế Nga giảm 3,8% trong năm ngoái.
“Nền kinh tế Nga đang trải qua những điều chỉnh lớn. Nền kinh tế này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào dầu lửa”, chiến lược gia Vladimir Miklashevsky thuộc ngân hàng Danske Bank của Phần Lan, nhận định.
“Đồng Rúp yếu và chiến lược thay thế hàng nhập khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất trong nước, nhưng sẽ không giúp ích được nhiều. Nga sẽ phải trải qua một chặng đường dài và khó khăn để đi đến sự phục hồi tăng trưởng”, ông Miklashevsky nói.
Nền kinh tế Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, đang đối mặt với năm suy thoái thứ hai liên tiếp. Đợt sụt giảm chóng mặt vào đầu năm 2016 này của giá dầu đã đẩy tỷ giá đồng Rúp xuống mức thấp chưa từng có.
Hôm thứ Năm tuần trước, gần 86 Rúp mới đổi được 1 USD. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014, cũng là thời điểm giá dầu còn trên mức 100 USD/thùng, tỷ giá đồng Rúp là 35 Rúp “ăn” 1 USD.
Trong cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Sáu tuần này, Ngân hàng Trung ương Nga không có nhiều dư địa để hạ lãi suất phục vụ cho việc kích thích tăng trưởng, bởi lạm phát của nước này hiện cao gấp hơn 3 lần mục tiêu trung hạn. Trong 3 cuộc họp chính sách liên tiếp vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga giữ lãi suất cơ bản đồng Rúp ở mức 11%.
Trong 3 tháng trở lại đây, tỷ giá đồng Rúp so với đồng USD đã giảm hơn 20%, trở thành đồng tiền mất giá mạnh thứ nhì trong số 24 đồng tiền của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi, chỉ sau đồng Peso của Argentina.
Dù đã giảm tốc trong tháng 12 vừa qua, lạm phát của Nga vẫn ở mức 12,9%, hạn chế sức mua của người tiêu dùng nước này.
Giá hàng hóa cơ bản lao dốc, Trung Quốc hưởng lợi lớn nhất
Những lợi ích của giá hàng hóa cơ bản rẻ đang lan tỏa khắp nền kinh tế Trung Quốc, giúp làm giảm hoặc bình ổn giá cả mọi mặt hàng - Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tranh thủ giá dầu rẻ, Trung Quốc đã nhập khối lượng dầu lớn kỷ lục trong năm 2015...
Giá hàng hóa cơ bản giảm mạnh trong thời gian qua đã khiến các quốc gia xuất khẩu các mặt hàng này, từ Brazil tới Nam Phi, khốn đốn.
Trong khi đó, Trung Quốc - vốn bị coi là “tội đồ” đẩy giá hàng hóa cơ bản sụt giảm do sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế nước này - hóa ra lại chính là nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ sự lao dốc giá nguyên vật liệu thô.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Kenneth Courtis, cựu Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của ngân hàng Goldman Sachs ước tính, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm đang giúp Trung Quốc tiết kiệm mỗi năm khoảng 460 tỷ USD.
Trong đó, 320 tỷ USD là số tiền mà Trung Quốc tiết kiệm được từ giá dầu giảm, và phần còn lại đến từ sự giảm giá của các nhiên liệu khác, kim loại, than, và hàng nông sản.
Những lợi ích của giá hàng hóa cơ bản rẻ đang lan tỏa khắp nền kinh tế Trung Quốc, giúp làm giảm hoặc bình ổn giá cả mọi mặt hàng, từ thiết bị sưởi ấm trong nhà và giá xăng cho tới chi phí nguyên vật liệu đầu vào tại các nhà máy.
Giá hàng hóa cơ bản giảm sâu cũng hỗ trợ tích cực cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tái cân bằng mô hình tăng trưởng kinh tế của nước này, dịch chuyển từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư và các ngành công nghiệp nặng sang lấy tiêu dùng và dịch vụ làm chính.
“Điều này thể hiện qua lạm phát tiêu dùng ở mức thấp và việc ngày càng có nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm giá”, ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc công ty Oxford Economics ở Hồng Kông, một cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bắc Kinh, nhận xét. “Các công ty sản xuất của Trung Quốc sẽ còn chứng kiến sự suy giảm lợi nhuận tồi tệ hơn, nếu giá hàng hóa cơ bản không giảm”.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, năm ngoái, nước này tiết kiệm được 188 tỷ USD chi phí nhập khẩu đối với một rổ gồm 10 hàng hóa cơ bản từ dầu cho tới đậu tương và khí đốt.
“Nhờ đó, chi phí sản sản xuất của các công ty trong nước được cắt giảm mạnh, trong khi hiệu quả được cải thiện”, một phát ngôn viên của bộ này nói.
Thông qua giúp kiềm chế lạm phát, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm còn tạo cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dư địa lớn hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, GDP Trung Quốc chỉ tăng 6,9%, mức tăng thấp nhất 25 năm.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu giảm cũng giúp thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng mạnh lên mức 594,5 tỷ USD trong năm 2015, theo đó giảm bớt tác động tiêu cực từ sự tháo chạy của các dòng vốn - nhân tố gây áp lực mất giá đối với Nhân dân tệ.
Tranh thủ giá dầu rẻ, Trung Quốc đã nhập khối lượng dầu lớn kỷ lục trong năm 2015 nhằm tích trữ và phục vụ cho nhu cầu gia tăng của các công ty lọc dầu độc lập. Ngoài ra, trong năm ngoái, Trung Quốc còn nhập khẩu khối lượng kỷ lục quặng sắt, đậu tương, và đồng.
“Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn từ sự giảm giá của hàng hóa cơ bản. Một phần không nhỏ trong lợi ích này đang rơi vào người dân Trung Quốc”, ông Courtis, hiện là Chủ tịch của Starfort Holdings, nhận định.
Giới đầu tư quốc tế đua nhau mua vàng
Trong tháng 1 này, giá vàng giao sau tại New York tăng 3,4%, đạt mức xấp xỉ 1.100 USD/oz. Đây là mức tăng mạnh nhất của giá vàng kể từ tháng 8 năm ngoái.
Vàng đang khôi phục nhanh vai trò “vịnh tránh bão”, sau khi gần như bị “bỏ quên” trong năm 2015...
Từ tháng 5/2015 đến nay, 15 nghìn tỷ USD vốn hóa đã bị cuốn phăng khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong bối cảnh bất ổn tăng cao, các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế mạnh tay mua vàng để tìm kiếm sự an toàn.
Hãng tin Bloomberg cho biết, trong tuần qua, giới đầu tư ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi số hợp đồng đầu cơ vàng giá lên. Trước đó chỉ 3 tuần, họ bi quan hơn bao giờ hết về triển vọng giá vàng.
Năm nay, các nhà đầu tư tăng nắm giữ vàng thông qua các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) với tốc độ mạnh chưa từng thấy. Trong vòng chưa đầy 1 tháng đầu năm, giá trị của các ETF vàng đã tăng thêm 3 tỷ USD.
Vàng đang khôi phục nhanh vai trò “vịnh tránh bão”, sau khi gần như bị “bỏ quên” trong năm 2015 bất chấp những sự kiện lớn như vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 hay cuộc đàm phán gay cấn nhằm cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ phá sản cấp quốc gia hồi tháng 7.
Trong một báo cáo hồi tuần trước, các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup dự báo rằng lần này, những mối lo về thị trường toàn cầu sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Cùng với đó, Citigroup cũng tăng dự báo giá vàng năm 2016.
“Mọi người đã trở nên dè chừng với rủi ro, cho dù đó là rủi ro kinh tế vĩ mô hay rủi ro địa chính trị”, ông George Milling-Stanley, trưởng bộ phận đầu tư vàng thuộc công ty quản lý tài sản State Street Global Advisors, đánh giá.
“Điều tưởng chừng như lỗi thời có vẻ đang quay trở lại. Tôi cho rằng bầu không khí mà mọi người cảm thấy hoàn toàn bình yên đã bắt đầu không còn nữa. Vàng là một tài sản có độ an toàn cao, và tôi tin là mọi người bắt đầu có cái nhìn thận trọng đối một số tài sản rủi ro mà họ đang nắm giữ”, ông Milling-Stanley nói.
Trong tháng 1 này, giá vàng giao sau tại New York tăng 3,4%, đạt mức xấp xỉ 1.100 USD/oz. Đây là mức tăng mạnh nhất của giá vàng kể từ tháng 8 năm ngoái.
Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (CFTC), số hợp đồng đầu cơ vàng giá lên tại thị trường Mỹ đạt mức 1.934 hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 19/1, từ mức chỉ 902 hợp đồng trong tuần trước đó, so với số hợp đồng bán khống vàng đạt kỷ lục 24.263 hợp đồng vào cuối năm 2015.
Giới đầu tư đã đổ 926 triệu USD vào các ETF vàng trong tháng 1 này, đưa tháng 1 trở thành tháng mà các ETF vàng được chuộng nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Tuần trước, khối lượng vàng mà các ETF nắm giữ đạt mức gần 1.500 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2015.
Năm ngoái, giá vàng giảm 10% do sức ép từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỷ.
Gần đây, một số quan chức FED phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ không tăng lãi suất đồng USD với tốc độ như dự kiến trong năm 2016. Thay vào đó, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ có thể sẽ chậm hơn dự kiến vì dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới bị cắt giảm.
Việc Mỹ tăng lãi suất với tốc độ chậm có thể giúp giảm bớt áp lực giảm giá đối với vàng.
Sức hấp dẫn của vàng gia tăng trong tháng này “có thể phần nào liên quan đến việc các nhà đầu tư tái cân bằng danh mục”, ông Kevin Caron, chiến lược gia kiêm nhà quản lý danh mục của công ty quản lý tài sản Stifel Nicolaus, nhận định. “Mức giá vàng ở gần vùng 1.000 USD/oz, thay vì 2.000 USD, là phù hợp để nhiều người gia nhập thị trường”.
Trong báo cáo ra ngày 19/1, Citigroup đã nêu một số nguyên nhân đẩy giá vàng tăng từ đầu năm đến nay, bao gồm lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc, chứng khoán toàn cầu chao đảo, và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Citigroup tăng dự báo giá vàng thế giới năm 2016 thêm 7,5%, lên mức 1.070 USD/oz. Theo các nhà phân tích của ngân hàng này, bất ổn sẽ là nhân tố hỗ trợ giá vàng trong quý 1, còn về cuối năm, giá vàng sẽ được nâng đỡ khi đồng USD ngừng tăng giá.
Tháng 12/2015, giá vàng thế giới chạm mức đáy của 5 năm khi đồng USD tăng giá và lạm phát của Mỹ ở mức thấp khiến vàng không phát huy được vai trò kênh lưu trữ giá trị.
Không phải chuyên gia nào cũng tin triển vọng giá vàng sẽ khởi sắc trong năm nay, bởi lạm phát trên toàn cầu đang ở mức thấp, thậm chí nguy cơ giảm phát còn đang hiện hữu.
Tháng 12 vừa qua, chi phí sinh hoạt ở Mỹ bất ngờ giảm do giá hàng hóa cơ bản lao dốc. Sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, kết hợp với giá dầu giảm sâu và việc nhiều nước giảm giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh đang đẩy rủi ro giảm phát gia tăng trên toàn cầu - tỷ phú, nhà đầu cơ nổi tiếng George Soros nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg mới đây.
“Giá vàng chỉ bật tăng trong ngắn hạn do dầu thô và chứng khoán bị bán tháo. Các yếu tố nền tảng quyết định giá vàng, đặc biệt là kỳ vọng lạm phát, không hề thay đổi”, ông Rob Haworth, chiến lược gia cấp cao thuộc US Bank Wealth Management, phát biểu.