Trần Anh mở đại siêu thị điện máy lớn nhất miền Bắc
Đức kêu gọi châu Âu “bảo vệ bản thân” trước thép Trung Quốc
EIA: Tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ 7 liên tiếp
Dành tối thiểu 10% sản lượng khí mỏ Cá Voi Xanh để phát triển hóa dầu
Đến 2020, cao tốc Bắc-Nam phải hoàn thành
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-07-2016
- Cập nhật : 08/07/2016
Cướp Ngân hàng Standard Chartered chấn động Singapore
Theo tờ Straits Times, cảnh sát Singapore xác nhận vụ cướp xảy ra khoảng 11 giờ 25 sáng 7-7. Hiện cảnh sát đang trong quá trình điều tra. Nghi phạm chính của vụ cướp được xác định là một người đàn ông da trắng, mặc áo khoác trùm đầu màu xám.
Hiện chưa xác nhận được số tiền bị mất, cũng như tung tích của đối tượng thực hiện vụ cướp nhà băng táo bạo này.
Theo lời kể của một nhân chứng tại Ngân hàng Citibank gần sát bên, có ít nhất 10 xe cảnh sát được điều động phong tỏa khu vực. Theo Straits Times, các đơn vị cảnh sát với áo và khiên chống đạn cũng có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, phía cảnh sát cho biết nghi phạm không sử dụng vũ khí và không có trường hợp thương vong nào được ghi nhận.
Phát ngôn viên của Ngân hàng Standard Chartered cho biết chi nhánh sẽ tạm thời đóng cửa để phục vụ điều tra. Đại diện ngân hàng cũng cho biết toàn bộ nhân viên và khách hàng tại chi nhánh đều an toàn.
Tờ Straits Times ghi nhận sau khi vụ cướp diễn ra, cảnh sát đã tăng cường tuần tra khu dân cư xung quanh địa điểm gây án. Nhiều nhóm cảnh sát mặc thường phục được điều động kiểm tra các thùng rác công cộng trong khu vực.
Nhiều người dân khu vực tỏ ra sợ hãi vì đã rất lâu Singapore không xảy ra một vụ án quy mô lớn, theo Straits Times. Các vụ cướp ngân hàng rất hiếm khi xảy ra tại đất nước này. Vụ cướp ngân hàng gần đây nhất là vào năm 2008, tại Ngân hàng United Overseas Bank vào tháng 11-2008. Tuy nhiên vụ cướp này đã thất bại.
Vào tháng 11-2004, một đối tượng cướp ngân hàng tại chi nhánh của Maybank đã bị bảo vệ ngân hàng bắn gục.
Con gái nhà sáng lập Tập đoàn Lotte bị bắt
Yonhap ngày 7-7 đưa tin Tòa án quận trung tâm TP Seoul vừa ban hành lệnh bắt chính thức đối với bà Shin Young-ja, 73 tuổi, con gái cả của nhà sáng lập Tập đoàn Lotte Shin Kyuk-ho.
Nguyên nhân bắt giữ do nghi ngờ bà Shin Young-ja nhận hối lộ từ giám đốc cũ của một thương hiệu mỹ phẩm trong nước. Vị giám đốc này đang là tâm điểm của một vụ bê bối làm chấn động khối thi hành luật pháp của Hàn Quốc.
“Chúng tôi có nhiều lý do hợp lý để nghi ngờ bà Shin Young-ja đã phạm tội” - tòa án cho biết, đồng thời khẳng định việc bắt người trong trường hợp này là cần thiết.
Con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Lotte Shin Kyuk-ho bị nghi ngờ bỏ túi khoảng 3 tỉ won (khoảng 2,5 triệu USD) tiền lại quả từ Jung Woon-ho, cựu giám đốc của Nature Republic và các công ty khác nhằm đổi lấy quyền kinh doanh tại các cửa hàng miễn thuế của Tập đoàn Lotte.
Theo Yonhap, công tố viên cho hay bà Shin Young-ja bị cáo buộc bòn rút khoảng 4 tỉ won từ một công ty phân phối nhập khẩu thuộc quản lý của con trai bà.
Các công tố viên nói rằng họ sẽ điều tra bà Shin về nhiều vấn đề, từ tham nhũng cá nhân cho tới dấu hiệu vi phạm bất thường của tập đoàn này.
Nga dùng nhiều tiền từ quỹ quốc gia bù đắp thâm hụt ngân sách
Hiện kế hoạch trên của Bộ Tài chính vẫn chưa được Chính phủ Nga thông qua.
Mỹ trả Đài Loan 1,5 triệu đô tiền bán bất động sản của cựu lãnh đạo
Mỹ hôm nay cho hay đang hoàn trả khoảng 1,5 triệu USD cho Đài Loan sau khi bán các bất động sản mà gia đình cựu lãnh đạo Trần Thủy Biển bị tố mua bằng tiền hối lộ.
Reuters dẫn các khiếu nại cho hay vào năm 2004, công ty chứng khoán Yunata đã chi 200 triệu NTD, tương đương 6 triệu USD, cho bà Ngô Thục Trân, vợ ông Trần, trong thời gian ông tại nhiệm.
Gia đình của cựu lãnh đạo Đài Loan sau đó sử dụng các tài khoản ngân hàng Hong Kong và Thụy Sĩ, các công ty bình phong và một quỹ tín thác để chuyển các khoản tiền hối lộ này mua bất động sản ở Keswick, Virginia và New York, thông cáo của Bộ Tư pháp cùng Cục Di trú và Hải quan Mỹ, cho biết.
Sau khi các tòa án ở Virginia và New York ra phán quyết tịch thu hai bất động sản hồi tháng 10/2012, chính phủ Mỹ đã bán chúng với giá 1,5 triệu USD.
Ông Trần Thủy Biển là lãnh đạo Đài Loan từ năm 2000 đến 2008. Tháng 9/2009, ông bị kết án 20 năm tù tội tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ và rửa tiền. Tuy nhiên, ông bác bỏ cáo buộc và cho rằng phán quyết mang động cơ chính trị. Tháng 1/2015, ông được ân xá do tình trạng sức khỏe không tốt.
Tàu điện Trung Quốc bị trả vì kém chất lượng
Dư luận đang đặt câu hỏi liệu Công ty Điều hành vận tải công cộng Singapore (SMRT) có cố tình che đậy vụ bê bối khi lẳng lặng gửi trả Trung Quốc 26 đoàn tàu điện bị lỗi.
Hãng tin Hong Kong FactWire ngày 5-7 đăng một phóng sự điều tra hé lộ việc SMRT “bí mật” vận chuyển 26 đoàn tàu (tuổi thọ chưa đến 5 năm) trả cho nhà sản xuất ở Trung Quốc để khắc phục lỗi. Đây là số hàng sản xuất từ liên doanh Công ty TNHH đường sắt miền nam Sifang (CSR Sifang Co. Ltd) ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, với Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries của Nhật.
Trả lời chất vấn của truyền thông, giám đốc điều hành SMRT Lee Ling Wee giải thích: “Các kỹ sư của chúng tôi phát hiện 26/35 đoàn tàu có những vết nứt trong cấu trúc nối thân toa với giàn dưới của toa sau khi nhà sản xuất chuyển giao năm 2013. Chúng tôi đang hợp tác với Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) và nhà sản xuất để khắc phục vấn đề này”.
Che mắt công chúng
Trong bài phóng sự, FactWire cho biết họ kiểm chứng và ghi nhận được toàn bộ quá trình vận chuyển các toa tàu ở Singapore nhờ một nguồn tin chỉ điểm ở Trung Quốc đại lục. Nguồn tin này khẳng định SMRT đang bí mật gửi trả những đoàn tàu bị lỗi về Trung Quốc để sửa chữa và thay thế.
Sau khi chứng kiến đoàn xe vận tải có cảnh sát hộ tống di chuyển từ kho chứa Bishan của SMRT đến cảng Jurong nằm ở khu vực công nghiệp phía tây Singapore, các phóng viên FactWire sau đó tiếp tục xác nhận sự hiện diện của các đoàn tàu này ở nhà máy CSR Sifang nằm ở quận Chengyang, thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc).
Các đoàn tàu bị lỗi thuộc series C151A của SMRT. Tháng 5-2009, LTA trao gói thầu sản xuất C151A cho tập đoàn liên doanh giữa Kawasaki Heavy Industries và CSR Sifang, đơn vị có giá bỏ thầu thấp thứ hai sau một công ty Hàn Quốc. Nhà chức trách Singapore quyết định chọn liên doanh này sau khi đánh giá chất lượng sản phẩm.
Có tổng cộng 22 đoàn tàu (loại sáu toa) được đặt hàng trị giá khoảng 368 triệu USD. Singapore sau đó đặt thêm 13 đoàn tàu nữa cùng series này vào năm 2011. Từ tháng 5-2011 đến năm 2014, tổng cộng 35 đoàn tàu được nhà sản xuất bàn giao cho Singapore và đưa vào sử dụng.
Theo điều tra của FactWire, phía SMRT dường như hoàn toàn hiểu rõ về những khiếm khuyết đã được phát hiện trong các đoàn tàu của nhà sản xuất Trung Quốc, tuy nhiên các báo cáo trước đây của SMRT chưa từng công bố điều này cho công chúng.
Từng có những sự cố liên quan đến các toa tàu của SMRT nhưng hầu hết đều không được giải thích đến nơi đến chốn. Ví dụ như trường hợp một toa tàu bị vỡ tấm kính trong khoang hành khách hồi tháng 5-2015, may mắn không ai bị thương nhưng công ty không cung cấp thêm thông tin nào sau đó.
Chất lượng kém từ đầu
FactWire dẫn các nguồn tin từ Trung Quốc đại lục và Singapore khẳng định nhiều vấn đề đã được phát hiện trong series C151A kể từ khi loại tàu này bắt đầu hoạt động năm 2011. Thông tin cho rằng các đoàn tàu này được sản xuất quá kém chất lượng, như tấm kính chắn cạnh ghế hành khách thường xuyên bị vỡ...
Rồi năm 2011, bộ pin “Made in China” cung cấp năng lượng dự phòng cho một đoàn tàu phát nổ trong quá trình sửa chữa ở Singapore. Sau sự cố này, liên doanh Kawasaki Heavy Industries/CSR Sifang phải thay toàn bộ pin Trung Quốc bằng pin sản xuất ở Đức.
Loại tàu C151, tiền thân của C151A, được Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries ở Nhật sản xuất từ thập niên 1980. Hai mẫu này giống nhau về thiết kế nhưng C151 được SMRT sử dụng từ năm 1987 đến nay mà không gặp lỗi nào.
Tháng 12-2011, hàng loạt trục trặc nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường sắt bắc - nam được SMRT quản lý và người ta nghi ngờ nguyên nhân gây ra do các đoàn tàu C151A. Một nhà thầu phụ chịu trách nhiệm cung cấp linh kiện cho CSR Sifang thừa nhận sau vụ việc này SMRT đã giảm đáng kể tần suất chạy của C151A và hoãn thanh toán các đơn hàng chưa giao.
Nguồn tin từ ngành công nghiệp đường sắt Trung Quốc xác nhận vấn đề chất lượng của loại tàu C151A trở nên tồi tệ hơn từ năm 2013. Họ cho biết các vết nứt được phát hiện trong các thành phần cấu trúc, bao gồm sàn phụ, các bộ phận có chức năng chống đỡ... Tạp chất trong khung gầm bằng nhôm của C151A được cho là nguyên nhân gây ra các vết nứt trên sản phẩm của CSR Sifang. (Tuoitre.vn)
Bí ẩn từ các hợp đồng
Trang The Online Citizen của Singapore bình luận mọi người có thể “cảm thấy rùng mình” bởi mức độ che giấu sự việc của SMRT. Bên cạnh đó, Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) trong tư cách một cơ quan chính phủ (thuộc Bộ Giao thông Singapore) cũng không đề cập gì vấn đề này.
Ngoài bản hợp đồng năm 2009, LTA còn ký thêm một số hợp đồng với liên doanh Kawasaki Heavy Industries và CSR Sifang, trong đó gồm hợp đồng 749 triệu USD mua 91 đoàn tàu bốn toa, một hợp đồng khác 136,8 triệu USD mua 12 đoàn tàu sáu toa...
Hiện vẫn chưa rõ sản phẩm của các hợp đồng khác có bị lỗi như đơn hàng 2009 hay không. Điều khó hiểu là tại sao LTA đã biết về sự tồn tại của những khiếm khuyết nhưng vẫn tiếp tục mua tàu điện của nhà sản xuất Trung Quốc.
Cổ đông lớn nhất của SMRT hiện nay là Temasek Holdings, một quỹ đầu tư Singapore do bà Hà Tinh - vợ của đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long - điều hành.