Lo lãi suất âm, người Nhật mua vàng gửi ở Thụy Sỹ
6 tháng: Tiêu thụ thép tăng gần 25%
Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào ngoại tệ
Lãi suất phụ thuộc lựa chọn mục tiêu
Diện tích bông Pakistan sẽ giảm xuống mức thấp nhất 31 năm
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-07-2016
- Cập nhật : 08/07/2016
Campuchia bác tin gia đình thủ tướng có đế chế kinh doanh triệu đô
Chính phủ Campuchia hôm nay bác bỏ thông tin cho rằng Thủ tướng Hun Sen cùng gia đình ông thiết lập đế chế kinh doanh hàng triệu USD ở nước này.
"Có thông tin nhằm xóa bỏ sự tôn trọng mà người dân Campuchia dành cho thủ tướng", AFP dẫn lời Phay Siphan, người phát ngôn chính phủ Campuchia, nói. "Chúng tôi không quan tâm tới nó".
Trước đó, tổ chức giám sát Global Witness, trụ sở Anh, cho rằng Thủ tướng Hun Sen trong thời gian lãnh đạo Campuchia đã lợi dụng quyền lực để giao quyền kiểm soát phần lớn nền kinh tế cho gia đình.
Hun Sen và người thân của ông kiếm được hơn 200 triệu USD thông qua các lợi ích của họ tại 114 công ty tư nhân, theo báo cáo của Global Witness dựa trên số liệu từ Bộ Thương mại Campuchia.
Các công ty của gia đình Hun Sen trải rộng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính, năng lượng và truyền thông, có quan hệ làm ăn với nhiều thương hiệu quốc tế lớn. Con gái cả Hun Mana, một trùm truyền thông, được cho là có lợi ích trong 22 công ty, 18 công ty coi cô là chủ tịch hoặc giám đốc.
Giới quan sát cho rằng trong 31 năm nắm quyền, ông Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên, ông Hun Sen gần đây phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhóm nhân quyền, cáo buộc ông trấn áp các đối thủ để giành lợi thế trong cuộc bầu cử năm 2018.
Nghị viện Liên minh châu Âu đe dọa sẽ xem xét số tiền viện trợ gần 500 triệu USD nếu ông Hun Sen "tiếp tục đàn áp đối thủ".
Ông Hun Sen tuyên bố sẽ chống lại sự can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia. "Tôi không muốn các nhà ngoại giao nhại lại như vẹt về giọng điệu của các đảng đối lập", ông nói và chỉ trích việc dùng "cái gọi là viện trợ" để xúc phạm hoặc đe dọa Campuchia.
Các quỹ ETF thi nhau mua vàng, số lượng nắm giữ vượt 2.000 tấn
Sau khi Anh bỏ phiếu rời EU khiến thị trường tài chính quốc tế rúng động, giá vàng thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 2 năm do mức độ chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư sụt giảm mạnh.
Lần đầu tiên kể từ tháng 7/2013, tổng lượng vàng được các quỹ ETF trên toàn thế giới nắm giữ đã vượt qua mốc 2.000 tấn. Quyết định rời EU của Anh cùng với dự đoán cho rằng Mỹ sẽ không nâng lãi suất khiến nhà đầu tư đổ xô đi tìm các tài sản an toàn.
Theo số liệu thống kê của Bloomberg, các quỹ ETF dõi theo giá vàng đã mua thêm 4,1 tấn vàng trong ngày hôm qua (6/7), nâng mức nắm giữ lên 2.001,4 tấn. Trước đó, ngày 5/7 ghi nhận mức tăng kỷ lục 38,1 tấn trong 1 ngày – cao nhất kể từ năm 2009.
Sau khi Anh bỏ phiếu rời EU khiến thị trường tài chính quốc tế rúng động, giá vàng thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 2 năm do mức độ chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư sụt giảm mạnh.
Trong báo cáo mới được công bố, ngân hàng UBS nhận định giá vàng đang ở giai đoạn đầu của một đợt tăng giá mới. Ngân hàng ANZ cũng dự đoán vàng vẫn là tài sản đầu tư siêu hấp dẫn vì nhà đầu tư muốn tìm một “nơi tránh bão” để tránh xa những biến động trên thị trường tài chính. Thị trường vẫn biến động và do đó nhà đầu tư càng chú ý đến vàng hơn.
Vào thời điểm 8h sáng nay theo giờ Singapore, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.368 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp. Phiên hôm qua giá vàng chạm mốc 1.375 USD – cao nhất kể từ tháng 3/2014.(cafeF)
Sự sụt giá của đồng Bảng “mới chỉ bắt đầu”
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm vào ngày 6/7, tỷ giá đồng Bảng có thể sẽ giảm thêm từ 7-11 % trong năm nay...
Sự sụt giá của đồng Bảng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của ba nhà giao dịch tiền tệ hàng đầu thế giới cho biết.
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm vào ngày 6/7, tỷ giá đồng Bảng có thể sẽ giảm thêm từ 7-11 % trong năm nay do ảnh hưởng của việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là sự kiện Brexit - ba ngân hàng lớn gồm Goldman Sachs, Deutsche Bank và Citigroup nhận định.
Trong đó, Goldman Sachs và Citigroup nói rằng tỷ giá đồng Bảng sẽ giảm tới 1,2 USD đổi 1 Bảng do kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ cắt giảm lãi suất để ứng phó với tác động kinh tế mà Brexit gây ra. Deutsche Bank thậm chí còn có cái nhìn bi quan hơn, dự báo tỷ giá đồng Bảng chỉ còn 1,15 USD đổi 1 Bảng trong thời gian từ nay đến cuối năm 2016.
“Vấn đề đặt ra là tỷ giá đồng Bảng sẽ mất thời gian bao lâu để giảm tới mức đó. Cần phải có dòng vốn lớn hơn nhiều từ các nhà đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn để đồng Bảng ngừng giảm giá”, ông Richard Cochinos, trưởng bộ phận chiến lược nhóm 10 đồng tiền mạnh thuộc Citigroup, nhận định.
Trong 2 ngày trở lại đây, đồng Bảng đã lập đáy mới của hơn 3 thập kỷ do có thêm những bằng chứng cho thấy Brexit đang gây sứt mẻ niềm tin đối với nền kinh tế Anh.
Brexit đã khiến thị trường địa ốc Anh chao đảo và một loạt quỹ đầu tư bất động sản Anh phải ngừng giao dịch. Các nhà đầu tư và quan sát lo ngại, nếu không được kiểm soát, những dư chấn của cuộc trưng cầu dân ý sẽ đẩy kinh tế Anh chìm sâu vào một cuộc suy thoái.
“Chúng tôi dự báo đồng Bảng sẽ tiếp tục mất giá do phản ứng chính sách của BoE sẽ khiến đồng tiền này yếu đi”, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết. Ngân hàng này dự báo tỷ giá đồng Bảng sẽ giảm tới 1,2-1,21-1,25 USD đổi 1 Bảng trong vòng tương ứng 3-6-12 tháng tới.
Goldman Sachs, Deutsche Bank và Citigroup là ba trong số những nhà dự báo bi quan nhất về tỷ giá đồng Bảng. Trong số 62 nhà dự báo được Bloomberg khảo sát ý kiến, chỉ có 11 nhà dự báo cho rằng đồng Bảng sẽ giảm xuống mức 1,2 USD hoặc thấp hơn đổi 1 Bảng trong năm 2016.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, đồng Bảng có lúc giảm tới 1,7%, còn 1,2798 USD đổi 1 Bảng, mức thấp nhất từ năm 1985.
Chỉ số Bloomberg British Pound Index, một thước đo sức mạnh tỷ giá đồng Bảng so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm 13% kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh.
Ông George Saravelos, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của Deutsche Bank, nhận đỉnh tỷ giá đồng Bảng “còn nhiều dư địa để giảm”. “Dự báo bi quan của chúng tôi có thể vẫn chưa đánh giá được hết mức độ yếu của đồng Bảng”, ông Saravelos nói.
Nhiều rủi ro cho ngành bán lẻ Việt Nam trong hội nhập
Ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua, tuy nhiên hiện đang gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ.
58% doanh nghiệp thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam khiến cho hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm tham vấn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 6/7 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Hiện nay, doanh nghiệp nội địa đang bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình...
Theo khảo sát của VCCI, có tới 58% doanh nghiệp thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư TPP, EU vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến cho hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ý kiến, Việt Nam phải tạo được môi trường hết sức thuận lợi cho việc phát triển ngành dịch vụ bán lẻ, với những khuyến khích mạnh mẽ và hết sức cởi mở của nhà nước trong phát triển doanh nghiệp và thị trường bán lẻ
“Cần giải quyết các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp như vốn kinh doanh, mặt bằng bán lẻ, hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo, nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực, hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp về thông tin, nghiên cứu thị trường, những kinh nghiệm của quốc tế và quan trọng nhất là cập nhật công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng bán lẻ”, bà Loan đề cập.
Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, đa phần các doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan, và cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi và có thêm nguồn cung hàng hóa phong phú với giá cả hợp lý hơn.
Do đó, theo các chuyên gia, việc tìm ra những khoảng trống để Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp doanh nghiệp bán lẻ nội địa nâng sức cạnh tranh trong hội nhập được cho là rất cần thiết trong lúc này. Trong tổng thể, những hỗ trợ của Nhà nước sẽ có ý nghĩa lớn về định hướng phát triển ngành bán lẻ một cách hệ thống và bền vững, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát.
Bà Lê Mai Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam kiến nghị: Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nhiều hơn các cuộc hội thảo lớn hoặc ở Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương có những chương trình an toàn thực phẩm hoặc có những chương trình có thể khuếch trương được sản phẩm thì có thể cho chúng tôi tham dự.
Đặc biệt là các hội chợ có thể miễn phí cho những doanh nghiệp mới vì chúng tôi đang phải chịu lỗ. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thủy sản thực phẩm sạch cho chúng tôi vay ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi./.(VOV)
Vingroup vay 300 triệu USD vốn quốc tế
Việc huy động khoản vay này là nhằm bổ sung vốn thực hiện các dự án đầu tư của tập đoàn Vingroup.
Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (mã VIC) vừa cho biết, tập đoàn này đã hoàn thành thủ tục cần thiết vào ngày 5/7 để huy động khoản vay vốn quốc tế trị giá 300 triệu USD.
Theo Vingroup, khoản vay có kỳ hạn 5 năm và lãi suất thả nổi, với biên lãi suất là 5% so với Libor (hiện ở mức 0,75%). Việc huy động khoản vay này là nhằm bổ sung vốn thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn.
Hồi năm 2013, Vingroup đã trở thành công ty bất động sản đầu tiên tại Việt Nam tiếp cận thành công thị trường cho vay hợp vốn quốc tế khi ký kết hợp đồng vay trị giá 100 triệu USD.