Chuyên gia ADB: Việt Nam nên rà soát việc ưu đãi thuế để cơ cấu nguồn thu; Rúp Nga giữ ngôi đồng tiền thể hiện tốt nhất thế giới; 9 tháng, tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM đạt 13,5%; Rủi ro tiềm ẩn với cơn sốt đất ở Đồng Nai
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-01-2016
- Cập nhật : 25/01/2016
Giới phân tích: Không thể “đánh chìm” kinh tế Nga
Những lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu liên tục suy giảm đang khiến nền kinh tế Nga lâm vào tình trạng “điêu đứng”, thậm chí đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu tình hình không được cải thiện.
Tuy nhiên, giới phân tích ngân hàng Thụy Sỹ cho rằng nền kinh tế Ngasẽ không thể bị “đánh chìm”.
Nhận định trên do chuyên gia phân tích Matthias Siller thuộc ngân hàng Barins của Thụy Sỹ đưa ra.
Theo Matthias Siller, giới lãnh đạo Nga hiện đang vẫn có thể yên tâm về nền kinh tế của mình. Nhờ những biện pháp đúng đắn và kịp thời, Nga gần như đã xây dựng được hệ thống “miễn dịch” đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Mặc dù hiện giới phân tích trên toàn thế giới đánh giá nền kinh tế Nga đang mất ổn định, giá dầu vẫn đang ở mức thấp nhưng nền kinh tế Nga vẫn đang thể hiện có một nền tảng vững chắc đáng ngạc nhiên, giới lãnh đạo Nga hiện không có gì phải lo lắng trước những đánh giá nền kinh tế Nga có thể sụp đổ.
Siller cho rằng sự lạc quan của giới lãnh đạo Nga là hoàn toàn có cơ sở bởi các lý do sau:
Thứ nhất, khả năng thanh toán quốc gia của Nga vẫn ổn và không chịu bất cứ mối đe dọa nào. Trong bối cảnh đang bất chính trị và phải chịu những biện pháp cấm vận của phương Tây, Nga vẫn chứng minh được rằng nền kinh tế của Nga không thể bị “đánh chìm”.
Thứ hai, mặc dù giá đồng ruble giảm mạnh nhưng tình hình lạm phátcủa Nga vẫn đang được kiểm soát tốt. Giá dầu giảm thực chất lại đang làm lợi cho nền kinh tế Nga vì tiền ruble thu về từ bán dầu bằng USD tăng cao, dẫn đến khả năng tự bảo vệ của nền kinh tế Nga cũng được củng cố.
Theo Siller, quyết định của Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra năm 2014 về việc sẽ không can thiệp vào thị trường tiền tệ và thả nổi đồng ruble có vai trò quyết định để duy trì sự ổn định của nền kinh tế Nga.
Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Nga cũng áp dụng một loạt biện pháp để loại bỏ các ngân hàng yếu kém, tăng cường tiềm lực cho các ngân hàng chủ chốt và hệ thống tài chính quốc gia cũng phản ứng linh hoạt hơn với những thay đổi của thị trường.
Ngoài ra, mảng kinh tế tư nhân của Nga cũng đang có những thay đổi đáng kể: hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều các công ty IT của Nga có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công ty IT quốc tế.
Điều đó cho thấy Nga đã xây dựng được nguồn lực con người có trình độ cao và đang được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ phát triển.
Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, Nga cũng không thực sự có nhu cầu quá cấp thiết về các khoản đầu tư nước ngoài vì nguồn vốn chủ lực vẫn ở mức khá cao. Trọng tâm chính đang được dồn vào ngành sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu.
Trong đó, nền sản xuất xe ô tô đang được “Nga hóa” khá mạnh, đồng thời Nga cũng xây dựng được tiềm lực không nhỏ cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm lương thực.
Điểm tích cực khác là Nga hiện vẫn đang duy trì được cán cân thương mại theo chiều hướng tích cực, ngay cả khi giá dầu ở mức khá thấp như hiện nay.
Chính những yếu tố trên, theo kết luận của Matthias Siller, sẽ giúp nền kinh tế của Nga không bị “đánh chìm”.
29 thị trường xuất khẩu “tỷ đô”
Trong năm 2015, Việt Nam có quan hệ giao thương với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó có 29 thị trường nước ta có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, với tổng trị giá kim ngạch 147,36 tỷ USD, chiếm gần 90,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước, theo thông tin của Tổng cục Hải quan.
Ở lĩnh vực nhập khẩu, số thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là 19 thị trường, với tổng trị giá là 150,42 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Xét về từng thị trường là quốc gia, vùng lãnh thổ, Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 49,52 tỷ USD tăng 13,9% so với năm 2014. Các mặt hàng chính nhập khẩu từ Trung Quốc là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 9,03 tỷ USD, tăng 15%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 8,7%; vải các loại đạt 5,22 tỷ USD, tăng 12,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,21 tỷ USD, tăng 13,9%...
Thị trường đứng thứ 2 về nhập khẩu của nước ta là Hàn Quốc với trị giá 27,63 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Các mặt hàng chính nhập khẩu từ Hàn Quốc là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện đạt 6,7 tỷ USD, tăng 33,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,11 tỷ USD, tăng 62,6%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,02 tỷ USD, tăng 76%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 1,07 tỷ USD, tăng 33,7%...
Các thị trường nhập khẩu lớn tiếp theo là Nhật Bản với trị giá đạt 14,37 tỷ USD, tăng 11,15% so với năm 2014; Đài Loan với trị giá gần 11 tỷ USD giảm nhẹ 0,78%; Thái Lan với trị giá là 8,28 tỷ USD tăng 16,79%,…
Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ là thị trường lớn xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,48 tỷ USD tăng 16,9% so với năm 2014. Đây cũng là thị trường nước ta đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 25,68 tỷ USD.
Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ là dệt may với trị giá gần 11 tỷ USD, tăng 11,72% và chiếm 32,72% trị giá hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Tiếp theo là giày dép các loại với trị giá trên 4 tỷ USD, tăng 22,49%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,83 tỷ USD, tăng 33,68%…
Các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn khác là Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đạt kim ngạch 16,6 tỷ, (tăng 11,2%) và 8,93 tỷ (tăng 25.03%) so với năm 2014…
Xét về khía cạnh châu lục, năm 2015, tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 214,9 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2014 và là châu lục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,6%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Tiếp theo là châu Mỹ với kim ngạch 55,42 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm trước và là châu lục đạt mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao nhất.
Kim ngạch xuất nhập khẩu với châu Âu đạt 46,55 tỷ USD, tăng 9,4%; châu Phi là 5,11 tỷ USD, tăng 9,8%; châu Đại Dương đứng cuối cùng với 5,79 tỷ USD, giảm tới 16,2%.
Đường khó tăng giá
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, áp lực nguồn cung lớn từ các nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới như Braxin, Ấn Độ trong khi nhu cầu tiêu dùng không có nhiều chuyển biển tích cực, dự báo giá đường thế giới khó có khả năng tăng giá.
Ước tính sản lượng đường tháng 1-2016 đạt 250.000 tấn. Nguồn cung sẽ đáp ứng mọi nhu cầu đặc biệt đón Tết Nguyên đán Bính Thân và các lễ hội đầu năm. Dự báo giá đường trong nước ổn định trong tháng tới.
Niên vụ 2015-2016 dự kiến có 41 nhà máy đường hoạt động, diện tích các nhà máy ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 257.546 ha, sản lượng ép là 15,76 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt 1,56 triệu tấn.
Tổng cung dự kiến đạt khoảng 1.735.000 tấn, bao gồm sản xuất 1,5 triệu tấn; tồn kho 100.000 tấn; nhập khẩu 135.000 tấn. Tổng cầu: Ước nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 1,5 triệu tấn.
Thu giữ gần 7 tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm
Khai với cảnh sát, đại diện công ty chở hàng thừa nhận lô hàng thức ăn chăn nuôi có chứa chất tạo nạc. Chất cấm này họ thu mua ở chợ Từ Sơn (Bắc Ninh).
Công an tỉnh Quảng Ninh vừa thu giữ một lô thức ăn chăn nuôi do một doanh nghiệp ở Bắc Ninh đưa đi phân phối. Lô hàng bị tình nghi có chứa chất cấm Salbutamol nên cơ quan chức năng đã mang đi giám định.
Trước đó, những ngày đầu năm, Công an tỉnh Quảng Ninh nắm được thông tin có một công ty ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) sản xuất sản phẩm thức ăn hỗn hợp cho lợn có chứa chất cấm. Loại thức ăn này được một cơ sở kinh doanh ở Quang Ninh nhập về.
Ngày 201/1, khi xe tải do ông Lý Văn Thuỷ - Phó giám đốc Công ty TNHH Thiên Nam điều khiển qua thị xã Đông Triều đã bị cảnh sát tình nghi có liên quan đến vụ việc. Kiểm tra xe, cảnh sát thu giữ gần 6 tấn thức ăn hỗn hợp cho lợn nhãn hiệu F-09S, không có đăng ký hợp quy.
Theo ông Thủy, lô hàng trên do Công ty TNHH Thiên Nam sản xuất bằng cách trộn thức ăn hỗn hợp với chất tạo nạc Salbutamol. Chất cấm được doanh nghiệp thu mua tại các chợ Từ Sơn. Việc gia công, đón bao sản phẩm được công ty này giao cho một đơn vị ở cùng tỉnh thực hiện.
Công an Quảng Ninh xác định, tháng 12/2015, Công ty TNHH Thiên Nam đã bán một tấn thức ăn hỗn hợp hiệu F-09S cho một cửa hàng kinh doanh ở thị xã Đông Triều. Tuy nhiên, chủ cửa hàng mới bán được một ít cho người dân địa phương.
Salbutamol là chất độc hại mà Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay.
Do được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa nên Salbutamol chứa trong thức ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng. Tồn dư chất cấm sẽ khiến cơ thể bị ngộ độc, có triệu chứng nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, rối loạn tim mạch và tiêu hóa hoặc tử vong.
Nở rộ bán hàng đa cấp trong bất động sản
Anh Toàn (Thanh Trì, Hà Nội) vừa nhận lời tham gia một khóa học đào tạo về bán hàng bất động sản. Diễn giả được quảng cáo là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề môi giới địa ốc và chưa từng thất bại trong một thương vụ nào. Giữa lúc đang tìm việc và nhận thấy thị trường bất động sản đang phục hồi trở lại, anh Toàn đăng ký tham gia một buổi miễn phí và sau đó là một khóa 2 ngày học với mức giá gần 2 triệu đồng. Tuy vậy, nội dung chủ yếu mà học viên này nhận được lại là cơ hội đầu tư các dự án bất động sản ở một số địa phương, trong đó mức lợi nhuận cũng như quyền lợi của những người góp vốn được quản cáo rất hấp dẫn."Lợi nhuận cam kết được quảng cáo có khi gấp đôi lãi ngân hàng, cùng với đó là các chuyến nghỉ dưỡng tại các dự án sau khi công trình hoàn tất. Bên cạnh đó, nếu giới thiệu được khách mua, môi giới sẽ được chiết khấu 7% giá trị sản phẩm", anh Toàn cho hay.
Theo tìm hiểu của VnExpress, tại Hà Nội, hiện có rất nhiều đơn vị đã triển khai phương thức bán hàng đa cấp trong bất động sản. Cách thức chung để tìm kiếm khách hàng của các đơn vị là thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, buổi chia sẻ về phương thức tư duy cũng như cách bán hàng bất động sản, tình hình thị trường, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này... Tại buổi học, các diễn giả thường là lãnh đạo chính các sàn bất động sản dựa vào khả năng trình bày để thuyết phục các học viên tham gia đầu tư những sản phẩm do đơn vị này đứng ra phân phối. Phần giới thiệu về dự án chỉ gói gọn trong những thông tin, hình ảnh, video do chính diễn giả cung cấp.
Sản phẩm chủ yếu được các đơn vị này chào bán thường ở phân khúc biệt thự bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng. Các dự án này ở Hội An, Vũng Tàu... nhưng thường nằm ở những địa bàn chưa có hạ tầng và tiện ích đầy đủ, chủ đầu tư cũng rất ít tiếng tăm. Tuy nhiên, với giá bán rất thấp (chỉ bằng khoảng 40-50% giá những dự án quanh khu vực), nhưng lợi nhuận cam kết rất cao, gấp đôi thị trường (trên 14% mỗi năm), sau khi đưa vào được vận hành, quản lý bởi thương hiệu nổi tiếng... nên rất nhiều người chỉ trong vòng một đến 2 ngày tham gia khóa học đã quyết định xuống tiền đầu tư.
"Các sản phẩm này không được đầu tư quảng bá truyền thông, tiết kiệm được khoản chi phí đó, nhà đầu tư được mua trực tiếp từ chủ đầu tư nên có mức giá rẻ", chị An - một nhân viên tư vấn khóa học kiêm bán hàng bất động sản lý giải.
Bên cạnh đó, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu ngay khoảng 6-7% giá trị sản phẩm. Trong khi đó, với những giao dịch ở các sàn phân phối thông thường, môi giới chỉ được nhận khoảng 0,5-1% giá trị, tùy từng phân khúc.
Hầu hết các nhà đầu tư tham gia vào dự án dưới hình thức góp vốn nên với một sản phẩm bất động sản có thể có nhiều người cùng đứng tên trong hợp đồng. Do đó, nhiều sản phẩm có cả chục nhà đầu tư tham gia góp vốn.
"Hình thức này rất phù hợp với những người ít vốn nhưng muốn làm giàu bằng bất động sản", chị An mời chào. Điều đặc biệt là với cách thức mời chào, quảng cáo và thổi giá ảo, mỗi sản phẩm được bán ra có thể tăng giá khoảng vài chục triệu ngay khi khóa học chưa kết thúc (thường chỉ vài ba ngày).
"Đầu khóa học đăng ký mua và đến giữa là phải tìm cách bán ngay cho những học viên khác để lướt sóng ăn chênh. Còn để khi kết thúc khóa học rồi thì rất khó bán vì loại sản phẩm này ít thông tin trên thị trường. Đến khi đó, thường nhà đầu tư muốn bán thì hay mời chào chính bạn bè, người thân của họ", anh Trung, một nhà đầu tư chia sẻ bí quyết.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn bất động sản Nhà đất 24h thừa nhận mô hình đa cấp trong bất động sản nở rộ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo ông, cách làm này không dễ triển khai và rất khó tìm được những người có nhu cầu ở thực mà chủ yếu là nhà đầu tư không có tiềm lực về tài chính nhưng muốn làm giàu từ bất động sản.
"Bất động sản là sản phẩm đặc thù, giá trị tài sản lớn, cần độ tin cậy và xác thực về thông tin. Bản thân khi khách hàng có nhu cầu, các nhân viên của chúng tôi phải tiếp xúc, tư vấn và dẫn đến tận dự án nhìn tận mắt, giải đáp mọi thắc mắc mà họ còn lưỡng lự, cân nhắc. Nhiều đơn vị bán căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng ở các tỉnh, thành phố còn phải đầu tư vé máy bay đưa khách hàng đến thăm dự án thì họ mới tin. Vì vậy nếu chỉ bán nhà thông qua cách tư vấn sơ sài như vậy thì không hiệu quả, rất khó giao dịch vì chứa đựng nhiều rủi ro", ông Quỳnh nhận định.