Anh xúc tiến đàm phán thương mại với các đối tác lớn thời hậu Brexit
NHTW Trung Quốc rút tiền mạnh nhất 4 tháng
Xuất khẩu của Đức trong tháng 5 thấp nhất trong 9 tháng
Ước tính lạm phát Braxin trong tháng 6 thấp nhất trong năm
Bỏ qua trái phiếu đi, giờ là lúc của vàng và cổ phiếu giá trị
Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-07-2016
- Cập nhật : 08/07/2016
Brexit và tác động đến Fed
Cùng với những diễn biến của sự kiện Brexit và các thông tin không mấy tích cực về thị trường lao động, một số NĐT và nhà phân tích dự đoán Fed sẽ “đóng băng” lãi suất ở mức hiện tại cho đến hết năm 2017.
Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 6 vừa qua cho thấy, yếu tố hậu Brexit có tác động lớn ra sao đến quyết định tăng lãi suất của cơ quan này.
Cụ thể, cuộc họp chính sách ngày 14-15/6 và biên bản cuộc họp này vừa được công bố ngày 6/7 có đưa ra gợi ý, việc tăng lãi suất hay không cần chờ những tác động rõ ràng hơn từ cuộc bỏ phiếu Brexit.
“Các thành viên về cơ bản nhất trí rằng, để trước khi tiến hành một bước đi mới trong chính sách tiền tệ thì cần thận trọng quan sát kỹ những dữ liệu về các hệ quả của cuộc bỏ phiếu đi hay ở lại EU của Anh” – biên bản cuộc họp cho biết.
Điều này cho thấy, những quan chức nắm giữ lá phiếu quyết định tăng hay không tăng lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở của Fed cũng rất dõi theo tiến triển của sự kiện Anh rời EU này. Quả thật, sự thận trọng đó của Fed đã không thừa.
Kết quả bỏ phiếu Brexit đã gây sốc với các NĐT và TTCK toàn cầu đã bị cuốn phăng 2 nghìn tỷ USD trong phiên giao dịch ngay sau ngày có kết quả bỏ phiếu.
Các biến động, lo âu từ đó đến nay vẫn còn và các NĐT tin rằng sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa trước khi Anh và EU có thể đi đến thống nhất các quy định mới về tài chính, thương mại và xuất nhập cảnh.
Cùng với những diễn biến của sự kiện Brexit và các thông tin không mấy tích cực về thị trường lao động, một số NĐT và nhà phân tích dự đoán Fed sẽ “đóng băng” lãi suất ở mức hiện tại cho đến hết năm 2017.
“Để có thể tăng lãi suất thì chúng ta sẽ cần phải nhìn thấy sự cải thiện dữ liệu kinh tế của vài tháng liên tục” - Brian Jacobsen, Giám đốc chiến lược danh mục đầu tư tại Wells Fargo Funds nêu quan điểm. Trong khi đó sau khi thông tin biên bản cuộc họp vừa qua được công bố, lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài của Kho bạc Mỹ đã xuống mức thấp kỷ lục.
Hỗ trợ ngành bán lẻ có khả thi?!
Cần thận trọng khi đề cập tới câu chuyện hỗ trợ DN trong bối cảnh hội nhập.
Trong sự “đổ bộ” dồn dập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, các DN bán lẻ trong nước vẫn rất tự tin vào khả năng cạnh tranh và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khiến cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Các DN cho rằng, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ thì ngành bán lẻ sẽ rất chật vật để giữ được thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với DN bán lẻ vẫn là nguồn vốn. Theo ông Vượng, đa số DN bán lẻ nội phải sử dụng vốn vay lưu động để đầu tư cải tạo hệ thống, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, tiếp cận vốn rất khó khăn.
Kể lại câu chuyện thực tế của Hapro, ông Vượng cho biết, DN này muốn phát triển hệ thống siêu thị với các đối tác liên kết bên ngoài, và nút thắt khó gỡ nhất chính là vốn đầu tư. “Nhiều trường hợp chúng tôi phải trực tiếp cho công ty thành viên vay, hoặc trước đây là đứng ra bảo lãnh với NH. Song khả năng cung cấp vốn của DN cũng chỉ có hạn, trong khi cơ chế bảo lãnh cũng không còn được áp dụng nữa, và DN lại tiếp tục gặp khó về vốn”, ông Vượng than thở.
Đó chỉ là 1 trong 4 khó khăn lớn hiện nay của ngành bán lẻ. TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đánh giá, DN bán lẻ nội địa đang phải đối mặt với 3 vấn đề khác cũng khó gỡ không kém. Trước hết, khâu lưu thông hàng hoá trong nước có nhiều vấn đề khiến hàng từ nhà sản xuất tới nhà bán lẻ gặp nhiều trở ngại. Mặc dù hiện nay tỷ trọng hàng nội địa vẫn chiếm đa số, song hàng nhập khẩu cũng đang có nhiều cơ hội thuận lợi để chen chân vào thị trường bán lẻ.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động trên thị trường bán lẻ hiện nay tuy dồi dào song chất lượng chưa đảm bảo. Bà Loan nhấn mạnh, “đòi hỏi về chất lượng lao động trong ngành này không còn đơn giản như xưa…”. Và điều mà AVR quan ngại nhất, là làm sao có nhà quản trị DN cấp trung hoặc cao để dẫn dắt, đưa DN đến thành công.
Cuối cùng, mặt bằng cũng là một trở ngại lớn đối với DN bán lẻ. Theo AVR, trước kia chúng ta thường lo ngại nguồn cung mặt bằng không đủ. Song hiện nay các công ty tư vấn BĐS đều khẳng định, nguồn cung rất dồi dào, thậm chí còn e ngại dư thừa. Nhưng để tiếp cận được thì DN lại vấp phải vấn đề chi phí thuê. DN không chỉ lo lắng ở chi phí thuê quá cao, mà còn về các điều kiện an ninh an toàn, chính sách quản lý thị trường, thuế…
“Ngay cả các DN lớn như Sài Gòn Co.op, Phú Thái, Hapro… cũng vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận mặt bằng để mở rộng thị trường, nói gì đến DN nhỏ hay siêu nhỏ”, bà Loan nhận định.
Với vấn đề này, AVR cho rằng Nhà nước còn nhiều dư địa để hỗ trợ DN. Lãnh đạo của Hapro nhìn nhận có nhiều cách hỗ trợ ngành như hỗ trợ về vốn vay ưu đãi. Chẳng hạn một đơn vị liên kết với Hapro muốn mở điểm bán lẻ mới, đã có hợp đồng dài hạn 5-7 năm thì có thể coi đó là cơ sở để thông qua chính sách cho vay vốn ưu đãi, phát triển hệ thống, như vậy mới gỡ khó được cho DN.
Đồng tình rằng DN bán lẻ của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và khó cạnh tranh được với FDI, song ông Lê Khôi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo cần thận trọng khi đề cập tới câu chuyện hỗ trợ DN trong bối cảnh hội nhập.
Ông Khôi khẳng định nếu đề xuất các biện pháp, chính sách hỗ trợ riêng cho DN bán lẻ như gói vay vốn, lãi suất ưu đãi, mặt bằng giá rẻ… thì rất khó khả thi nếu xét cả trên phương diện chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, lẫn khả năng đáp ứng của thị trường. Điều này mặt khác cho thấy sự chuẩn bị cho hội nhập của ngành bán lẻ nói riêng và DN Việt Nam nói chung còn hạn chế.
“Chúng ta chuẩn bị quá chậm trễ, kể cả với TPP hay EVFTA, có những vấn đề thực hiện rất thụ động”, ông Khôi quan ngại.
Nhật tăng mạnh đầu tư vào nông nghiệp
Theo Bộ NN&PTNT, nửa đầu năm 2016, tổng vốn FDI trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt 53 triệu USD với 8 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn.
Con số này tăng 86% về vốn đầu tư và 62% về số dự án so với cùng kỳ năm trước.
Một báo cáo mới đây của Công ty Tư vấn Đầu tư Seiko Ideas Corp (Nhật Bản) cho biết các doanh nghiệp (DN) nước này đang hối hả mở rộng các dự án đầu tư nông nghiệp Việt Nam. Nhật Bản quyết định đẩy mạnh các dự án đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam vì Việt Nam cũng là nước thành viên TPP, với tiềm năng sản xuất nông nghiệp rất lớn… Khi sản xuất tại Việt Nam, DN Nhật sẽ xuất khẩu nông sản ngược lại Nhật để hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Đồng thời, các DN Nhật có thể đáp ứng được điều kiện quy định trong TPP là các sản phẩm xuất khẩu phải có 70% hàm lượng nguyên liệu xuất xứ từ nội khối TPP.
Hiện nay đã có nhiều tập đoàn Nhật đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như Kato đang hợp tác với tỉnh Bình Định thực hiện một dự án trị giá 771.000 USD về đánh bắt cá ngừ, kéo dài từ nay đến năm 2020. Shudensha cũng đang triển khai dự án trị giá 820.000 USD nhằm cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản. Tại Lâm Đồng, Nikko Foods đang thực hiện dự án trị giá 820.000 USD về phát triển cà chua chất lượng cao.
PNJ và các lợi thế
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trở thành thương hiệu được nhiều người chú ý vì nó có sức công phá khá lớn so với các DN cùng ngành.
Cụ thể, PNJ nắm giữ hơn 25% thị trường hàng trang sức, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh liền kề là Doji và SJC. Độ bao phủ thị trường lớn và thương hiệu vốn đã “quen thuộc” với nhiều người tiêu dùng là các lợi thế riêng của PNJ, giúp việc mở rộng hệ thống vẫn đạt hiệu quả cao.
Về tài chính, nhìn vào KQKD quý I/2016 của PNJ để thấy, doanh thu đạt 2.356 đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt 27% kế hoạch năm. Tính đến cuối tháng 3/2016, PNJ đã khai trương thêm 6 trung tâm kim hoàn PNJ tại TP.HCM, Bình Dương, Cà Mau, Long Xuyên, đạt 24% kế hoạch.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc PNJ cho biết, công ty định hướng trên 4 mục tiêu đã thực hiện trong những năm vừa qua và tiếp tục những năm tới theo: tạo nền tảng phát triển bền vững (kết quả 2015 đã tạo nền tảng và sự tự tin cho HĐQT, Ban điều hành PNJ trong những năm tiếp theo).
PNJ là cổ đông của DongA Bank, không có sự liên quan đến vấn đề tài chính cũng như vay tín dụng nhiều. Khoản vay của PNJ tại DongA Bank khoảng 45 tỷ đồng và tài sản thế chấp khoảng 250 tỷ đồng và hiện dư nợ còn lại chỉ còn hơn 20 tỷ đồng sau khi đã tất toán được một phần khoản vay. Khi DongA Bank có ảnh hưởng, công ty đã trích lập đầy đủ dự phòng và đã đứng vững trước khó khăn của DongA Bank.
Rõ ràng, PNJ tính đến thời điểm này không có bất cứ rào cản nào để ngăn cản sự phát triển. Thậm chí, các khoản đầu tư ngoài ngành cũng được dự kiến sẽ không tác động tiêu cực đến KQKD chung của PNJ từ năm 2017. Từ đó có thể ước tính doanh thu năm 2016 có thể tăng 9% và LNST ước đạt 517 tỷ đồng, cao hơn 239% so với năm 2015. Nếu loại bỏ các khoản bất thường, LNST có thể đạt 569 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 36% so với kết quả HĐKD chính trong năm trước.
Từ kết quả này, giới phân tích cho rằng, mức giá hợp lý của PNJ vào khoảng 101.000 đồng/cp. Do đó, người ta khuyên nhà đầu tư nên tìm mua cổ phiếu PNJ trong dài hạn. Bởi rủi ro duy nhất khi đầu tư vào PNJ chỉ là biến động giá vàng.
Một số điều kiện để được cấp phép kinh doanh hàng miễn thuế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định cụ thể về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế; các trường hợp tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế
Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, Nghị định yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện về vị trí đặt cửa hàng miễn thuế:
Thứ nhất, trong khu vực cách ly của cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển loại 1; trong khu vực cách ly và khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế;
Thứ hai, trong nội địa và thứ ba là trên tàu bay thực hiện các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
Cuối cùng, kho chứa hàng miễn thuế đặt tại vị trí cùng với cửa hàng miễn thuế hoặc trong khu vực cách ly, khu vực hạn chế hoặc thuộc địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu.
Ngoài ra, phải có phần mềm đáp ứng các tiêu chí: Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong cửa hàng miễn thuế theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan; đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
Mặt khác, phải có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí trong kho chứa hàng miễn thuế, cửa hàng miễn thuế; hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ). Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng và hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.