Tỷ lệ nợ công của Việt Nam gấp rưỡi Thái Lan và gấp đôi nhiều nước trong ASEAN
Hơn 1 tỉ đô la Mỹ để mở rộng nhiệt điện Vĩnh Tân 4
Hà Nội: Thu giữ 6 tấn dược liệu thuốc Bắc không có giấy tờ hợp lệ
Thiên tai đe dọa xuất khẩu thủy sản
FED sẽ “để ngỏ” khả năng tăng lãi suất
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-04-2016
- Cập nhật : 24/04/2016
TP.HCM: Nhiều cơ hội thu hút đầu tư Nhật Bản
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia Nhật Bản tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư và du lịch Việt Nam – Nhật Bản tại TP.HCM" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) tổ chức vào chiều 22-4.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, những ngành nghề mà Nhật Bản đang có nhu cầu và khả năng đầu tư như nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, chống ngập, đường sắt đô thị… cũng chính là những lĩnh vực thành phố đang khuyến khích đầu tư.
Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy cho quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và TP.HCM ngày càng chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung với Nhật Bản.
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố luôn chào đón, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh lâu dài và có hiệu quả.
Ông Iijima Isao, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản nhận định, những năm qua Việt Nam – Nhật Bản có mối quan hệ chặt chẽ trong mọi lĩnh vực.
Hiện nay, Nhật Bản có 865 dự án đầu tư còn hiệu lực trên địa bàn thành phố với tổng số vốn đầu tư là 2,87 tỷ USD, trong đó bốn lĩnh vực thu hút vốn đầu lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, du khách Nhật Bản luôn đứng ở vị trí cao trong top 10 thị trường khách quốc tế đến thành phố và lượng khách du lịch từ TP.HCM đến Nhật Bản cũng liên tục tăng qua các năm.
Ông Masuda Chikahiro, Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cũng cho rằng, với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn chọn Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng làm điểm sản xuất để tiếp cận thị trường nội địa và xuất khẩu ra thế giới.
Tuy nhiên, ông đề nghị Việt Nam cải thiện hơn nữa về ngành công nghiệp phụ trợ cũng như đào tạo nhân lực có ngoại ngữ tiếng Nhật để đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Nhật đang ngày càng gia tăng vào Việt Nam.
Hàng Việt hỗn loạn vì thiếu "nhạc trưởng"
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh câu chuyện cạnh tranh của hàng Việt trước sự xâm nhập ồ ạt của các “ông lớn” nước ngoài.
Theo đánh giá của ông thì hàng nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam theo con đường nào?
Có người nói với tôi rằng, họ đã dùng hàng Nhật, tin dùng hàng Nhật và chỉ mua hàng Nhật. Có thời gian hàng Nhật cũ, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Có những người chỉ thích hàng Thái do tiền vừa phải nhưng chất lượng lại tốt hơn hàng Việt, đắt hơn hàng Việt 5-7%. Trên thực tế, người Thái liên tục tổ chức hội chợ hàng Thái tại Việt Nam. Chưa hết, hiện nay, có tình trạng DN FDI đầu tư cả sản xuất lẫn phân phối. Sắp tới, Nhật Bản sẽ mở các cửa hàng nhỏ bám sát các địa bàn từ đó nắm nhu cầu thị trường để sản xuất ở Nhật, sau đó dần dần sản xuất ở Việt Nam, dùng nhân công, nguyên liệu ở ngay trên chính đất nước ta. người Nhật làm nhãn hàng riêng cho chính họ như dứa, cà phê... bằng chính người Việt Nam, nguyên liệu, nhân công, đất của Việt Nam. Tập đoàn CP (Thái Lan) vào Việt Nam lúc đầu là sản xuất và bây giờ “bao sân” luôn cả lĩnh vực phân phối.
Hay như AEON Long Biên, 2/3 doanh số là ăn uống nhưng “đau khổ” là những cái họ chế biến là của Việt Nam, không phải Nhật mang cá sang Việt Nam để chế biến.
Như vậy, nhà đầu tư ngoại thâm nhập Việt Nam theo kiểu “nước ngấm dần”. Với chiến lược thâm nhập của các nước thì nguy cơ hiện hữu là chúng ta sẽ đi làm thuê trên chính đất của mình. Hiện đã có việc người nông dân nuôi lợn, gà cho Nhật bắt đầu bị ép giá. Sức ép đối với thị trường bán lẻ đang “phả vào gáy”, thị phần bán lẻ Việt Nam đã mất một nửa.
Ông nói sức ép của thị trường bán lẻ đang “phả vào gáy” nhưng theo Bộ Công Thương, DN nước ngoài mới chỉ chiếm 4%?
Lúc còn đương chức, ông Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói trên nghị trường Quốc hội rằng DN nước ngoài mới chiếm 4% thị phần bán lẻ. Yên tâm! Nhưng một vị đại biểu Quốc hội nói rằng trên thực tế 1 điểm bán của họ gấp 5-7 lần của Việt Nam nên con số này đã là 40%. Cơ quan quản lý Nhà nước còn chủ quan, không nắm được tình hình, thì việc thua là phải. Cơ quan quản lý "nghĩ" DN nước ngoài mới bén rễ ngoài biển, nhưng thực tế đã ăn sâu vào đất liền.
Còn phía DN nội thì thua mọi mặt, từ cách phục vụ, chăm sóc khách hàng cho đến chất lượng, mẫu mã hàng hóa… Cái “chết” nữa của hàng Việt là sản xuất manh mún, chi phí cao, nhiều khâu trung gian, hệ thống phân phối chia cắt. Tất nhiên, hội nhập thì bò Úc, bò Mỹ… sẽ vào Việt Nam khiến hàng hóa bị cạnh tranh, nhưng tôi cho rằng nguyên nhân đó chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là do DN Việt không vươn lên, tự hại nhau. Điều này khiến cho DN Việt tự thua.
Theo đó, hệ thống phân phối quá nhiều trung gian, rời rạc, thiếu liên kết trong khi “nhạc trưởng” của hệ thống phân phối là Bộ Công Thương xây dựng đề án tổ chức thị trường chỉ nằm trên giấy.
Chiến lược cạnh tranh của hàng Việt phải làm như thế nào?
Tôi dám khẳng định, hàng Việt không có chiến lược, có mỗi đề án tổ chức thị trường thì chỉ ở trên giấy. Ngành bán lẻ Việt Nam cũng vậy, không có chiến lược ở cả 3 cấp Nhà nước, bộ ngành và DN, làm đến đâu biết đến đấy, đóng cửa không biết, bán cổ phần cũng không biết. Cay đắng nhất là người sản xuất không được gì, người tiêu dùng bị ép giá. Tại sao Wal mart có giá rẻ nhất thế giới bởi họ đưa thẳng hàng hóa đến siêu thị không qua khâu trung gian. Gương có nhưng chúng ta không làm, càng bày ra nhiều trung gian càng tốt, buôn bán lòng vòng, nhiều trung gian, chi phí đẩy lên, chi phí không hóa đơn… Tất cả những thứ này “đổ vào” giá con tôm, con cá, mớ rau, cân thịt… khiến cho sản xuất và nhà bán lẻ chịu trận, phần lợi rơi vào túi khâu trung gian. Theo thống kê, 1 con cá XK nhà XK ăn 60%, nông dân 19,6%, khâu khác 20%. Làm sao phát triển sản xuất tốt để cạnh tranh!
Bức tranh hỗn độn của thị trường bán lẻ, của hàng Việt khi không có “nhạc trưởng” chỉ huy. Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh quản lý rất kém, quan liêu..., có khi biết nhưng không làm.
Như vậy, có muôn vàn khó khăn, sức ép với hàng hóa, hệ thống phân phối của Việt Nam khi hàng hóa các nước ngày càng tiến sâu vào Việt Nam. Theo ông, hàng Việt còn ngách nào để đi?
Tôi cho rằng, để trả lời câu hỏi này thì phải xác định chúng ta đừng tự hại chúng ta nữa. Thủ tục đơn giản, giảm thuế, phí, liên kết lại, làm ăn trung thực, tử tế… đó là cách giữ hàng Việt.
Lúc trước tôi có nói, hàng nước ngoài vào Việt Nam với các phân khúc và chiều đủ mọi phân khúc khách hàng. Tuy nhiên, hàng Việt vẫn có thể cạnh tranh khi DN lựa chọn cho mình từng phân khúc. Theo đó, phải tổ chức lại hệ thống phân phối, xâm nhập trực tiếp thị trường, quảng bá, tiếp thị, tử tế với người tiêu dùng. Đơn giản như khẩu hiệu “hàng mua rồi miễn đổi trả lại” của nhiều DN đang “giết chết” DN. Còn DN ngoại thì không thế, ví dụ mua bộ đồ gỗ Trung Quốc mang về nhưng người mua hàng không đồng ý thì lập tức họ đổi ngay.
U&I Logistics phát triển hệ thống kho ngoại quan lớn nhất Việt Nam
Trong khi nhiều DN kinh doanh kho ngoại quan hoạt động khó khăn, xin thu hẹp hoặc dừng hoạt động, thì Công ty cổ phần Logistics U&I (U&I Logistics) ngày càng mở rộng hệ thống kho ngoại quan phục vụ các DN XNK và trở thành DN kinh doanh kho ngoại quan lớn nhất Việt Nam.
Kho ngoại quan của U&I Logistics được quản lý bằng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. (Ảnh: T.HÒA)
7 kho ngoại quan lớn
U&I Logistics được thành lập từ năm 2008, hiện đang hoạt động trong các mảng chính, gồm: Đại lý thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa nội địa, đại lý vận chuyển hàng hóa quốc tế, kinh doanh kho bãi, khai thác cảng, và vận hành sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa trực tuyến. U&I Logistics là công ty đầu tiên và là một trong các công ty hoạt động ổn định, có hiệu quả nhất của Unigroup, với vốn điều lệ hiện là 215 tỉ đồng và tổng tài sản trên 600 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc U&I Logistics cho biết, kinh doanh kho ngoại quan là một trong những hoạt động chủ lực của U&I Logistics. Đầu năm 2007, Công ty cổ phần Logistics U&I đưa kho ngoại quan số 1 với diện tích 39.600 m2 vào hoạt động, mới đây ngày 15-4-2016, tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên- Bình Dương, U&I Logistics đưa vào hoạt động kho ngoại quan số 7 với diện tích 30.375 m2, nâng tổng diện tích sàn kho lên 178.851 m2, trên diện tích đất xấp xỉ 30 ha. Toàn bộ diện tích hệ thống kho này được lắp đặt hệ thống kệ chứa hàng với nhiều tầng và do vậy tổng diện tích lưu trữ của hệ thống kho này đạt xấp xỉ 1,1 triệu m2. Nhằm bảo quản hàng hóa của khách hàng một cách tốt nhất, hệ thống kho của U&I Logistics còn trang bị các thiết bị điều hòa độ ẩm và nhiệt độ tự động. U&I Logistics ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý mã vạch vào công tác quản lý hàng hóa trong kho. Tới thời điểm này, U&I Logistics có hệ thống kho ngoại quan tập trung lớn nhất Việt Nam và là một trong những hệ thống kho hàng hiện đại nhất, được quản lý bằng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.
Sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa trực tuyến của U&I Logistics - www.vietnamtrucking.vn đi vào hoạt động và góp một phần nhỏ vào mục tiêu giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hóa một chiều như hiện nay, giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp và tối ưu hoá khả năng vận hành của phương tiện. Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, U&I Logistics sẽ trở thành một công ty cung cấp chuỗi các dịch vụ logistics trọn gói theo phương thức 3PL (cung cấp dịch vụ logistics trọn gói), và hướng tới 4PL (tích hợp thêm các dịch vụ gia tăng giá trị khác) trong 10 năm tới.
Giảm chi phí logistics
Riêng trong lĩnh vực logistics, U&I Logistics đạt vị trí thứ 10 trong nhóm 20 doanh nghiệp dịch vụ logistics hàng đầu của Việt Nam trong năm 2015, theo Hiệp hội Logistics Việt Nam.
Chia sẻ về dịch vụ này, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc cung cấp đến khách hàng các dịch vụ tiện ích nhất, chất lượng cao nhất, với giá cả phù hợp nhất là yếu tố quyết định tạo nên thành công và uy tín của chính mình. Xác định logistics là một lĩnh vực hết sức quan trọng của nền kinh tế, U&I Logistics tạo dựng được một thương hiệu logistics hàng đầu của người Việt Nam, với ý thức sâu sắc rằng sự phát triển của U&I Logistics gắn liền với sự phát triển của khách hàng, của người lao động, và của cả cộng đồng.
Theo ông Phúc, chi phí logistics tại Việt Nam hiện đang ở mức rất cao so với khu vực và thế giới. Để khắc phục hạn chế này, U&I Logistics xác định sẽ đồng hành cùng các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp lớn trong ngành góp sức xây dựng một hệ thống hạ tầng thuận lợi hơn, hiệu quả hơn cho nền kinh tế Việt Nam, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin và hạ tầng thủ tục tương thích. U&I Logistics đã có các bước chuẩn bị cần thiết để ngay trong năm nay sẽ xin chủ trương của tỉnh cho phép triển khai một trung tâm logistics tầm quốc gia phục vụ cho khu vực miền Đông và TP.HCM theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm vừa qua. Tổng diện tích đất cho trung tâm này là 75 ha. U&I Logistics cũng đã xác định các đối tác và vị trí cần thiết để tham gia vào các trung tâm tương tự như vậy tại Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung.
Đối với vận tải hàng hóa nội địa, U&I Logistics là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hàng đầu Việt Nam. Tất cả các phương tiện của DN đều được trang bị hệ thống định vị GPS và được quản lý bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này giúp khách hàng yên tâm vì hàng hóa của mình được giám sát liên tục từng giây, từng phút. Ngoài ra, U&I Logistics còn cung cấp các giải pháp vận tải khác như: Vận chuyển hàng dự án, hàng siêu trường siêu trọng, vận chuyển đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải đường biển ven bờ. Không chỉ vậy, với chiến lược đa dạng hóa dịch vụ, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, U&I Logistics đã phát triển mạnh đại lý vận chuyển hàng hóa quốc tế, với sản lượng hơn 2.000 tấn hàng vận chuyển đường hàng không mỗi năm và mạng lưới đại lý trải dài trên toàn thế giới, U&I Logistics cam kết đáp ứng mọi nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khách hàng với mức giá hợp lý nhất. Hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế đang từng bước chứng minh U&I Logistics là một trong những thương hiệu mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thu hồi giấy phép mở văn phòng đại diện 2 ngân hàng Ấn Độ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định về việc thu hồi Giấy phép mở Văn phòng đại diện Ngân hàng Bank of India và Ngân hàng Indian Overseas Bank tại TP.HCM.
Ngày 22-4, NHNN thu hồi Giấy phép mở Văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam số 10/GP-VPĐD ngày 20-12-2002 do NHNN cấp cho Ngân hàng Bank of India.
Trước đó, ngày 13-4, xét đề nghị của Ngân hàng Indian Overseas Bank, NHNN cũng đã ban hành quyết định về việc thu hồi Giấy phép mở Văn phòng đại diện Ngân hàng Indian Overseas Bank tại TP.HCM số 22/GP-NHNN ngày 25-1-2008.
Theo quy định, trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi Giấy phép, các ngân hàng này phải thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện tại TP.HCM, trong đó lưu ý việc hoàn trả Giấy đăng ký hoạt động, nộp con dấu, thanh lý hợp đồng thuê trụ sở và thanh toán các nghĩa vụ, khoản nợ khác (nếu có) với cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc, Văn phòng đại diện của 2 ngân hàng tại TP.HCM có trách nhiệm niêm yết Quyết định thu hồi Giấy phép tại trụ sở của Văn phòng đại diện.
Ngân hàng Bank of India và Ngân hàng Indian Overseas Bank là 2 ngân hàng khá lớn của Ấn Độ. Mặc dù giấy phép mở văn phòng đại diện của 2 ngân hàng này được cấp từ lâu nhưng do thiếu một số cơ sở pháp lý nên hoạt động chưa được mở rộng.
Hơn 30 cán bộ hải quan tiếp tay chiếm đoạt tiền hoàn thuế