tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-07-2016

  • Cập nhật : 19/07/2016

Hoa quả đặc sản - lại bị thương lái Trung Quốc ép giá

Theo thông tin thị trường, từ 2 tuần nay giá bán buôn một số mặt hàng trái cây mùa hè như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn tiêu, bơ sáp… tại các vườn đang giảm mạnh.

Trong đó, giá chôm chôm tại vườn có thời điểm rơi xuống chỉ còn từ khoảng 4.000 - 6.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép mua xô tại vườn giá bình quân chỉ khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg, giảm 1/3 so với thời điểm được giá nhất.

“Neo” quả trên cây chờ… thương lái Trung Quốc

Thông tin chung là tình trạng tiêu thụ các loại hoa quả đang rất chậm, có loại hoa quả sức tiêu thụ giảm tới 25-30% so với cùng kỳ. Tại một số huyện chuyên trồng cây ăn quả lâu năm như Xuân Lộc, Long Khánh (Đồng Nai), phần lớn các loại hoa quả này đều đã được các thương lái Trung Quốc đặt hàng từ trước, nhưng không hiểu sao tình trạng “ăn hàng” đang chậm lại, khiến người trồng như đang ngồi trên đống lửa vì lo lắng, khi quả đang được “neo” trên cây cứ “vô tư chín”, không thể kìm hãm được. Đặc biệt, sầu riêng nếu không được giằng néo trên cây, đến độ chín là rơi “bịch” xuống vườn, nếu không tiêu thụ trong ngày sẽ bị sượng cơm do “quá lứa”, giá lập tức sẽ rớt xuống chỉ còn 13.000 - 15.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân tại sao xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc giảm thu gom số lượng sầu riêng của ta, thậm chí có tin đồn là Trung Quốc cấm nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam, một số tiểu thương tại các huyện Xuân Lộc, Long Khánh cho biết: Không riêng gì thị trường Trung Quốc, mà sầu riêng bán ra các tỉnh phía Bắc cũng đang rất chậm. Một chủ vựa trái cây khẳng định: Không có chuyện Trung Quốc cấm nhập khẩu sầu riêng, chôm chôm của Việt Nam, mà do ảnh hưởng của đợt hạn hán, ngập mặn 2 tháng qua đã ảnh hưởng đến chất lượng trái cây nên nhiều thương lái Trung Quốc đã tìm nguồn hàng chất lượng cao hơn từ Thái Lan.

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT - Trung Quốc không cấm nhập sầu riêng Việt Nam. Việc xuất khẩu sầu riêng bằng đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do sầu riêng chưa nằm trong danh mục trái cây được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nên chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có phiếu xuất khẩu chính ngạch. Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng và số lượng sầu riêng xuất khẩu qua Trung Quốc rất lớn.

Ông Lê Thanh Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tân (Long Khánh, Đồng Nai) - cho biết: Hầu hết sầu riêng trong vùng đều tập trung về các đầu mối thu mua lớn xuất qua Trung Quốc nên khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua thì giá sầu riêng giảm mạnh.

Khép kín chuỗi, “may ra” thì sống!

Đó là khẳng định của ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai. “Tôi nói “may ra thì sống”, tôi không khẳng định “làm thế sẽ sống”, vì thói quen sản xuất của bà con nông dân cần phải xem xét lại và thay đổi càng sớm càng tốt. Nói chúng ta không có thị trường là không đúng. Mà thực tế là trái cây của chúng ta không thể đáp ứng được thị trường. Nếu trái cây của ta đạt tiêu chuẩn cao, sẽ xuất khẩu đi được các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản… với số lượng lớn. Nhưng hiện tại, ta chủ yếu chỉ mới bán được cho Trung Quốc”.

Để giúp bà con tiêu thụ được trái cây, Chính phủ đã có chỉ đạo và địa phương cũng đã triển khai cụ thể. Tại Đồng Nai, hiện đã có 5 dự án liên kết đã được duyệt. Đó là các dự án chuỗi giá trị khép kín từ trồng trọt, chế biến, tiêu thụ cho các loại cây nông nghiệp như mía, cà phê, cacao, điều. Trong năm 2016, Đồng Nai cố gắng phấn đấu triển khai khoảng 20 dự án, trong đó tập trung vào các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị xuất khẩu. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng khẳng định: Đã đến lúc bà con nông dân mở rộng thị trường, hướng tới các thị trường đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt hơn, nhưng bán được giá cao hơn như Nhật Bản, Mỹ, EU...(Laodong)

Áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu

 

Bộ Công Thương công bố sẽ áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Sáng 18/7, Bộ Công Thương công bố sẽ áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, có hiệu lực sau 15 ngày ban hành văn bản này.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim, các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với mã HS 9811.00.00, biện pháp tự vệ chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu được dẫn chiếu đến 3 mã HS gốc là 7224.90.00, 7227.90.00, 7228.30.10 và không áp dụng với hàng nhập khẩu được dẫn chiếu đến mã HS gốc còn lại.

Đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp tự vệ dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.

Cụ thể sẽ giữ nguyên mức thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép trong vòng 1 năm, từ ngày 22/3/2016 đến ngày 21/3/2017 là 23,3%; từ ngày 22/3/2017 - 21/3/2018 mức thuế còn 21,3%; từ ngày 22/3/2018 - 21/3/2019 mức thuế còn 19,3% và giảm xuống còn 17,3% trong 1 năm sau đó; từ ngày 22/3/2020 trở đi sẽ về mức 0% nếu không có gia hạn.

Bên cạnh đó, đối với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế áp dụng sẽ vẫn giữ nguyên mức 14,2% theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời, cho đến ngày 1/8/2016.

Tuy nhiên, từ ngày 2/8/2016 đến ngày 21/3/2017, mức thuế sẽ tăng lên 15,4% áp dụng cho năm đầu tiên. Trong 1 năm sau đó, tức là đến ngày 21/3/2018 mức thuế sẽ là 13,9% và giảm xuống còn 12,4% trong 1 năm tiếp theo; giảm tiếp xuống còn 10,9% đến ngày 21/3/2020 và từ ngày 22/3/2020 sẽ về 0% nếu không gia hạn.

Thời gian áp dụng biện pháp tự vệ này trong 4 năm, kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực.

Sau khi biện pháp tự vệ chính thức có hiệu lực, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thu thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế.

Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết trấn an thị trường tài chính sau vụ đảo chính

5 tháng đầu năm nay, đã có 15,8 tỷ USD được rót vào Thổ Nhĩ Kỳ, nếu dòng tiền trên đảo ngược, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu nhiều tác động xấu... 

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang rất nỗ lực để bình ổn tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính trước khi thị trường này mở cửa giao dịch ngày thứ Hai, theo Bloomberg cập nhật.

Sau vụ đảo chính bất thành, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng so với đồng USD. Dù xuất khẩu sẽ có thể chịu tác động tiêu cực phần nào nhưng đầu tư sẽ thêm khó khăn.

Trong ngày Chủ nhật, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cung cấp thanh khoản không giới hạn cho các ngân hàng thương mại. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nhà đầu tư “không có gì phải lo lắng”.

Theo đại diện Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động trung chuyển năng lượng tại các hệ thống đường ống và tuyến vận chuyển đường biển vẫn đang diễn ra bình thường và sẽ được đảm bảo điều kiện vận hành tốt nhất.

5 tháng đầu năm nay, đã có 15,8 tỷ USD được rót vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó đầu tư trực tiếp đạt 2,3 tỷ USD, thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền còn lại được cho là dòng tiền đầu cơ vào cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư vào các ngân hàng và công ty.

Nay khi bất ổn xảy ra, nếu dòng tiền trên thực sự đảo ngược, chắc chắn thị trường tài chính và môi trường đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu rất nhiều tác động tiêu cực, đó là nhận định được đưa ra bởi giám đốc điều hành quỹ CrossBorder Capital, ông Michael Howell.

Những bất ổn chính trị và các vụ đánh bom thời gian gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến lượng khách quốc tế đến nước này giảm mạnh. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy số lượng khách nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 4/2016 giảm 28%, giảm mạnh nhất trong 17 năm. Sang đến tháng 5/2016, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo doanh thu của Thổ Nhĩ Kỳ từ ngành du lịch sẽ giảm 8 tỷ USD, tương đương khoảng 25% trong năm nay.

Đêm ngày thứ Sáu tuần trước, sân bay quốc tế Atatuck của Istanbul phải đóng cửa. 35 chuyến bay buộc phải chuyển hướng còn 32 chuyến bay khác bị hủy, theo thông báo từ ông Ilker Ayci, Chủ tịch hãng hàng không Turkish Airlines.

Đến sáng ngày thứ Bảy, hoạt động tại sân bay đã được khôi phục trở lại khi thông tin cho thấy các cuộc đảo chính đã bị chính phủ đương nhiệm kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không vẫn tiếp tục hủy chuyến bay. Cùng lúc đó, nhiều du khách đang nghỉ tại nước này cũng đã lập tức chuyển lịch về sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.

Dù khủng hoảng chính trị có thể coi như đã qua đi, nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi điều gì sẽ tiếp tục xảy đến trong tương lai khi mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn chưa đưa ra được chính sách thực sự đột phá.

Từ khi Tổng thống Tayyip Erdogan lên lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2009, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng trung bình chỉ 2,6%/năm trong khi 6 năm trước đó, mức tăng trưởng trung bình đạt đến 6%. GDP bình quân đầu người tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng ở mức 10.000 USD/người suốt từ năm 2008.(VnEconomy)

Nguồn cung cá tra nguyên liệu dồi dào

Thị trường cá tra nguyên liệu tuần qua (ngày 11 đến 15/7) khá ổn định, một số nhà máy vẫn đang thu mua cá size 700-900 gram/con với lượng vừa phải, giá thu mua ổn định.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Đồng Tháp, các doanh nghiệp tăng cường thu mua cá tra để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký với giá từ 18.500 - 18.700 đồng/kg (trả chậm).

Tại Cần Thơ, các doanh nghiệp vẫn đang thu mua cá size 700-900 gram/con với giá từ 18.500 - 19.300 đồng/kg (trả chậm).

Theo thông tin từ các hộ nuôi, lượng cá có size 700-900 gram/con còn khá nhiều nên các hộ nuôi vẫn tích cực chào bán. Với xu hướng nguồn cung cá trong size đang có xu hướng tăng lên trong khi nhu cầu thu mua cá tra của các nhà máy chỉ nhích nhẹ, trong thời gian tới thu mua cá tra nguyên liệu sẽ vẫn dao động trong biên độ như hiện nay.

Giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau tuần qua không biến động so với tuần trước, nguồn cung vẫn ở mức yếu. Cụ thể, giá tôm sú cỡ 20 con/kg giữ ở mức 278.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg là 210.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg ở mức 129.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng cỡ 70 con/kg ở mức 127.000 đồng/kg và cỡ 100 con/kg là 96.000 đồng/kg.

Mới đây, 52 hộ nuôi tôm quy mô nhỏ tại huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) được Tổ chức Control Union trao chứng nhận ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) cho diện tích gần 89ha tôm quảng canh cải tiến. Với chứng chỉ quốc tế về chất lượng này, tôm Bạc Liêu có nhiều cơ hội hơn trên thị trường.

Tuy nhiên, dù là chứng chỉ quốc tế về nuôi tôm bền vững được đưa vào áp dụng tại Việt Nam từ năm 2014, nhưng đến nay ASC gần như chỉ được áp dụng tại các trại nuôi quy mô lớn.

Theo thông tin tổng hợp từ 19 doanh nghiệp đạt chứng nhận ASC, sản lượng tôm đạt chứng nhận ASC hiện tại tương đương 18.600 tấn tôm/năm. Con số này tương đương 3% sản lượng tôm Việt Nam và chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trên, thị trường thế giới, giá cá mahi mahi (nục heo) tươi và đông lạnh đang ở trên mức trung bình vào mùa hè này do hàng tồn kho tại thị trường Mỹ hạn chế với tổng nhập khẩu ở dưới mức trung bình năm năm tính đến hết tháng 5.

Giá trung bình mahi nguyên con tươi trọng lượng 10-15 pound tại Miami trong tháng 6/2016 đã tăng 21% so với tháng trước đó ở mức 6,21 USD/pound. Đây là mức giá cao nhất trên thị trường này kể từ tháng 7 năm ngoái.

Giá cá ngừ vằn giao Bangkok, Thái Lan tiếp tục giảm trong tháng 7/2016. Điều này xuất phát từ lệnh cấm đánh bắt cá bằng các thiết bị dụ cá (FADs) bắt đầu ở Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPO) vào ngày 1/7/2017.

Ngoài ra, việc đóng cửa khai thác ở phía đông Thái Bình Dương nhiệt đới (ETP), thuộc sự quản lý của Ủy ban Cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ (IATTC), sẽ bắt đầu vào ngày 28/7/2016. Mặc dù triển vọng nguồn cung thắt chặt có thể xảy ra, giá đã giảm xuống còn 1.400 - 1.425 USD/tấn cho hàng giao tháng 7, so với 1.475 – 1.500 USD/tấn giao tháng 6./.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục