Doanh nghiệp Việt còn quá thờ ơ với hoạt động quan hệ nhà đầu tư
Tổ chức nước ngoài phải mở tài khoản VND để phát hành chứng khoán
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm
Huy động ngoại tệ tăng mạnh, cho vay ngoại tệ tăng chậm
Kích tín dụng trung và dài hạn bằng lãi suất
Tin kinh tế đọc nhanh 20-07-2016
- Cập nhật : 20/07/2016
Giá thuê khu công nghiệp tại TPHCM đắt gấp đôi Bình Dương, Đồng Nai
Giá thuê mặt bằng khu công nghiệp tại TPHCM trung bình khoảng 2,8 triệu đồng/m2/kỳ hạn thuê, đắt gấp đôi so với các tỉnh lân cận.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Cushman & Wakefield, giá thuê trung bình mặt bằng khu công nghiệp (KCN) tại TPHCM trong quý II tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 2,858 triệu đồng/m2/kỳ hạn thuê.
Cushman & Wakefield cho biết, giá thuê này cao hơn khoảng hai lần so với các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai.
Sự gia tăng giá thuê chủ yếu là do giá chào thuê cao hơn của KCN mới. Trong quý II, một KCN mới ở huyện Bình Chánh góp thêm hơn 300 ha vào thị trường bất động sản khu công nghiệp TPHCM.
Giá thuê nhà máy đã xây sẵn diện tích 2.000 - 3.000 m2 dao động từ 55.760 - 78.060 đồng/m2/tháng.
Trên thị trường Hà Nội, giá thuê tại thị trường này cao nhất khu vực miền Bắc và cao hơn gấp rưỡi so với Hải Phòng, Bắc Ninh. Giá chào thuê trung bình tại Hà Nội đạt 2,451 triệu đồng/m2/kỳ hạn thuê. KCN Nam Thăng Long là nơi có giá chào thuê cao nhất, ở mức 4,172 triệu đồng/m2/kỳ hạn thuê.
TPHCM hiện đang có 19 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 3.940 ha. Còn tại Hà Nội, diện tích KCN giảm còn 1.390 ha tính đến hết quý II.
Nguồn cung hạn chế vàng dễ làm giá
Cơn bão vàng những ngày đầu tháng 7 đã đi qua nhưng để lại không ít vấn đề. Thực tế cho thấy, việc mua vàng theo hiện tượng té nước theo mưa của người dân một lần nữa phải nếm trái đắng do không kịp trở tay, vì giá vàng trong nước diễn biến cực đoan so với diễn biến giá vàng thế giới.
Mới đây, những ai nhanh nhạy có thể dễ dàng thu lợi lớn khi vàng tăng thẳng đứng từ mức trên 37 triệu đồng/lượng lên 40 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng 2 ngày (5 và 6-7). Sự tăng giá đột biến của vàng trong nước được cho do giá vàng thế giới tăng dưới tác động của Brexit, cộng với chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu đề án tái huy động vàng trong dân đã kích thích sức mua của người dân.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo lâu năm trong ngành vàng, lực mua vàng mạnh chủ yếu đến từ các tổ chức, trong đó có cả NHTM, và họ không phải đợi đến lúc vàng nóng trong các ngày 5 và 6-7 mà đã âm thầm mua từ những ngày trước đó. Một phần, các tổ chức này đã có đánh giá, dự báo được phần nào giá vàng thế giới sẽ bị tác động và được hỗ trợ bởi Brexit. Do đã mua được vàng giá rẻ trong những ngày trước đó, nên khi mặt hàng kim loại quý này leo thang trong ngày 5 và 6-7, họ đã đẩy hàng ra để kiếm lời.
Một nhân viên của Sacombank cho biết trong những ngày giá vàng cao, bộ phận mua - bán vàng miếng của NH đã phải tăng tốc lực làm việc, do khách hàng tới giao dịch khá đông. Đáng chú ý, khi vàng tăng giá mạnh chủ yếu các khách hàng giao dịch mua.
Chính điều này đã tạo cơ hội kiếm lời cho các nhà kinh doanh vàng miếng khi giãn biên độ niêm yết giá mua-bán lên đến hàng trăm ngàn đồng. Cụ thể, trong ngày 5-7, giá mua và giá bán cách nhau từ 300.000-550.000 đồng/lượng. Giải thích về hiện tượng này, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp ngành vàng tại TPHCM khẳng định không phải do các nhà kinh doanh vàng tự ý điều chỉnh, mà do cung-cầu thị trường quyết định.
Thực tế, do cung vàng miếng lâu nay trên thị trường nội địa bị hạn chế kể từ khi Nghị định 24 được ban hành nhằm thu hẹp kinh doanh vàng miếng và chỉ cho giao dịch mỗi nhãn hiệu SJC. Trong khi đó, cầu về vàng luôn có, thậm chí tăng mạnh mỗi khi vàng tăng.
Lúc này, các nhà kinh doanh vàng chốt được giá nào từ nguồn bán sẽ niêm yết giá bán ra theo nguồn cung, vì vậy khó tránh được việc biên độ mua - bán giãn mỗi khi vàng cao giá. Hơn nữa, thị trường vàng trong nước đã bị khép kín so với thế giới khi không còn được nhập - xuất trong nhiều năm qua. Điều này đã làm cho thị trường vàng bị méo mó và giá trong nước thường diễn biến cực đoan so với giá vàng thế giới.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), khi người tiêu dùng mua vào ở thời điểm vàng cao giá coi như đã chấp nhận lỗ và chờ giá tăng, song giá vàng những ngày sau đó đã không tăng như kỳ vọng, ngược lại còn quay đầu giảm. Và khi vàng có hiện tượng quay đầu trong giữa phiên sáng ngày 7-7, nhiều người lo lắng bán lại cho NH, cửa hàng kinh doanh vàng, kể cả chấp nhận lỗ, do lo ngại vàng sẽ xuống giá trong những ngày tiếp theo.
Trong cơn bão vàng ở thị trường nội địa diễn ra vào ngày 5 và 6-7 vừa qua, không ít người bất chấp lao vào vàng, cho dù giá trong nước và thế giới chênh nhau đến hàng triệu đồng/lượng. Kết quả, chỉ sau 3 ngày nhiều người đã mất hàng trăm triệu đồng khi vàng quay đầu giảm.
Trong những ngày vàng cao giá, mặc dù NHNN đã lên tiếng để chấn chỉnh tâm lý thị trường và cho biết sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, đánh giá đưa ra từ một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho rằng nếu muốn “cầm cương” thị trường vàng như đã từng tuyên bố và được lặp lại mới đây, NHNN cần tung vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình ra bán (như thực hiện trong năm 2014) với giá chỉ định nào đó thấp hơn giá thị trường. Nếu không, giá vàng trong nước dễ bị đội lên nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới và lực cầu thị trường nội địa tăng mạnh.(SGĐT)
Sản lượng dầu đá phiến Mỹ giảm tháng thứ 10 liên tiếp
Sản lượng dầu đá phiến Mỹ tháng 8 được dự đoán giảm 99.000 thùng/ngày, theo dự báo của chính phủ Mỹ công bố hôm 18/7.
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tổng sản lượng dầu đá phiến của nước này trong tháng 8/2016 dự đoán giảm xuống 4,55 triệu thùng/ngày. Các công ty dầu đá phiến Mỹ đã liên tục giảm sản lượng kể từ khi giá dầu WTI của Mỹ rơi từ 100 USD/thùng năm 2014. Giá dầu WTI hiện dao động ở mức 45 USD/thùng.
Sản lượng dầu đá phiến tại North Dakota dự đoán giảm 32.000 thùng/ngày, ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp trong khi sản lượng tại Eagle Ford, Texas, giảm 48.000 thùng/ngày, mức giảm hàng tháng nhỏ nhất kể từ tháng 3.
Sản lượng dầu đá phiến tại Permian Basin ở Tây Texas dự đoán giảm 6.000 thùng/ngày.
Cũng theo EIA, công suất tại các giếng dầu mới tại vùng Bakken, North Dakota, dự đoán tăng 17 thùng/ngày lên 858 thùng/ngày, tại Permian tăng 12 thùng/ngày lên 515 thùng/ngày và tại Eagle Ford tăng 24 thùng/ngày lên 1.076 thùng/ngày.
Dỡ bỏ thuế chống bán phá giá tôm Minh Phú sang Mỹ
Việt Nam và Mỹ đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết vấn đề tranh chấp về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm Việt Nam.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, ngày 18/7, tại Washington (Hoa Kỳ), Bộ Công Thương Việt Nam đã ký thoả thuận với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong hai vụ Việt Nam kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm của Việt Nam.
Cụ thể, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ để sửa lại biên độ phá giá của CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú và xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho Minh Phú.
Theo kết luận sơ bộ của DOC, biên độ phá giá của Minh Phú là 0%, có nghĩa là Minh Phú không bán phá giá sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ. Đồng thời, DOC cũng đề xuất dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm cho Minh Phú vì tập đoàn này đã thỏa mãn các tiêu chí về việc dỡ bỏ lệnh áp thuế riêng cho từng công ty.
Như vậy, Minh Phú đã được đưa ra khỏi diện áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, một phần thuế đã tạm nộp trong những năm trước sẽ được hoàn lại cho Minh Phú, dự kiến lên tới nhiều triệu USD, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết
Vicem ngổn ngang trước IPO
Tổng nợ của Vicem đã xấp xỉ gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu, nằm trong tốp các doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ cao nhất.
Một trong những Tổng công ty lâu đời nhất của Việt Nam là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) sẽ tiến hành cổ phần hóa (IPO) vào quý IV năm nay. Theo kế hoạch IPO, Nhà nước sẽ giảm mạnh tỉ lệ nắm giữ cổ phần tại Vicem, có thể chỉ còn 51%.
Được thành lập vào năm 1980, Vicem hiện sở hữu 8 công ty thành viên, đang đứng đầu thị trường với 34% thị phần, công suất 20 triệu tấn/năm. Có thể kể đến một số cái tên nổi bật trong hệ thống của Vicem là Xi măng Hà Tiên 1 đang dẫn dầu thị trường cả nước với 9%, riêng ở phía Nam lên tới 28,5% thị phần. Các thành viên đáng chú ý khác trong hệ thống Vicem là Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Bút Sơn.
Sau nhiều năm khó khăn, khá nhiều doanh nghiệp xi măng đã được hưởng lợi nhờ thị trường xây dựng và bất động sản phục hồi kể từ năm 2015. Kết thúc năm 2015 doanh thu của Vicem đạt hơn 32.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.381 tỉ đồng, gấp 2 lần năm 2014 và là mức cao nhất từ trước tới nay.
Giá cổ phiếu của Xi măng Hà Tiên 1 đã tăng hơn 50% trong 1 năm gần đây, trong khi mức tăng của Xi măng Bỉm Sơn vào khoảng 20%. Trong cùng giai đoạn, chỉ số VN-Index tăng khoảng 17%. Rõ ràng, việc Vicem thực hiện IPO vào thời điểm này dường như khá thuận lợi. Và đã có một số nhà đầu tư đến từ Thái Lan và Indonesia thể hiện sự quan tâm đến cổ phần của Vicem.
Tuy Vicem sở hữu quy mô tài sản lớn với nhiều tài sản hấp dẫn, thương hiệu phổ biến, điều kiện thị trường đang thuận lợi, nhưng cũng có không ít hoài nghi về khả năng thành công của đợt phát hành lần này do một số thách thức mà tập đoàn này đang đối mặt.
Có thể thấy, áp lực cạnh tranh trên thị trường xi măng Việt Nam vẫn hết sức khốc liệt. Việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường ngày càng nhiều như Xuân Thành, Công Thanh, The Vissai bên cạnh các doanh nghiệp nước ngoài ớn như Semen (Indonesia), SCG (Thái Lan) hay LafargeHolcim khiến cho thị phần của Vicem giảm khá nhanh, từ mức 40% các năm trước xuống còn chỉ 34%.
Bên cạnh đó, mặc dù sức tiêu thụ tăng khá mạnh trong năm qua, nhưng nguồn cung trong nước vẫn đang vượt so với cầu (khoảng 60 triệu tấn so với công suất sản xuất 81 triệu tấn). Nếu không có chính sách cho phép xuất khẩu clinker và các sản phẩm xi măng của Chính phủ thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành e rằng sẽ còn chịu áp lực hơn gấp bội.
Chính vì áp lực thừa cung này mà trong năm 2015, Tập đoàn Semen đã tạm dừng kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, trong đó có việc thâu tóm thêm một công ty tư nhân có thị phần khoảng 4%.
Nhưng một thách thức lớn hơn đang dần hiện diện. Đó là rủi ro từ các sản phẩm xi măng của Trung Quốc. Đối mặt với nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước đang đi xuống, hiện công suất dư thừa của các công ty xi măng Trung Quốc lên đến 670 triệu tấn - một con số quá lớn, cao hơn nhiều so với cả tổng công suất của các nhà máy Việt Nam gộp lại.
Giống như thép, xi măng Trung Quốc đang khiến các chuyên gia lo ngại sẽ tràn ngập thị trường trong khu vực. Hiện tại, ở thị trường nước ngoài, giá xuất khẩu của các sản phẩm xi măng Việt Nam đã bắt đầu kém cạnh tranh về giá so với các đối thủ Trung Quốc, khoảng vài USD mỗi tấn, thậm chí khoảng cách này có thời điểm lên đến 10 USD/tấn. Cạnh tranh với các đối thủ ngoại sẽ không hề dễ dàng cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Đáng lẽ Vicem đã thực hiện cổ phần hóa vào năm 2015 nhưng kế hoạch này bị lùi sang cuối năm nay, khi Vicem bất ngờ tiếp nhận 2 công ty đang thua lỗ lớn hàng ngàn tỉ đồng là Xi Măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long. Việc tái cấu trúc các thành viên này là điều bắt buộc trước khi tiến hành cổ phần hóa, nhưng sẽ gây sức ép đáng kể đến năng lực tài chính, vốn chưa dư dả nhiều của Vicem.
Đặc điểm chung của các công ty xi măng là gánh nặng nợ rất lớn bởi chi phí vốn đầu tư vào các nhà máy. Một nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam 2013 cho thấy tổng nợ của Vicem đã xấp xỉ gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu, nằm trong tốp các doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ cao nhất.
Hiện trên thị trường đã xuất hiện nguồn tin cho rằng LafargeHolcim sẽ chuyển giao toàn bộ phần vốn góp trong liên doanh Công ty Xi măng Holcim Việt Nam cho Vicem, nằm trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ hệ thống của Tập đoàn trên thế giới sau khi hợp nhất.
Trên thực tế, hồi tháng 3.2016, đại diện Tập đoàn LafargeHolcim đã làm việc với ban lãnh đạo Vicem về chủ trương và kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn tại Holcim Việt Nam. Hai bên đã thống nhất lộ trình thoái vốn của LafargeHolcim, dự kiến đến cuối tháng 7 này sẽ công bố đối tác tiếp quản và tiến hành ký sơ bộ. Hiện Vicem đang cân nhắc các đề nghị mua lại phần vốn này.
Bên cạnh nguồn vốn cần để tiến hành M&A, Vicem sẽ cần một lượng tiền không nhỏ để nâng cấp công nghệ cho các nhà máy. Cuộc khảo sát của các chuyên gia nước ngoài năm 2014 cho thấy, nhiều nhà máy của Vicem gặp phải những nút thắt về mặt công nghệ, khiến chi phí hoạt động vẫn còn cao. Ngoài ra, khi so sánh chỉ tiêu phát thải của các nhà máy này so với Trung Quốc thì các nhà máy Việt Nam sẽ cần phải cải tiến hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo tính thân thiện hơn với môi trường.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng một tin vui là trong nửa đầu năm nay, tình hình tiêu thụ xi măng có dấu hiệu tăng tốc. Báo cáo của Bộ Xây Dựng cho biết, doanh số bán của ngành là 38,7 triệu tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Viễn cảnh của các doanh nghiệp xi măng vì thế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm nay.