Khó dự báo kiều hối 2016
Soi tài sản khủng của tỷ phú Amancio Ortega - ông chủ Zara
Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm những khoản nào?
Thông tư số 39/2016/TT-BTC:Nâng mức tạm ứng các khoản chi ngân sách lên đến 50% giá trị hợp đồng
Thị trường bất động sản: Phân khúc nào phục hồi mạnh nhất?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-10-2015
- Cập nhật : 22/10/2015
Hà Nội phê duyệt quy hoạch Cảng Nội địa Mỹ Đình 1.600 tỷ đồng
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Quyết định số 5459/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Cảng nội địa (ICD) Mỹ Đình tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/500.
Quy hoạch nhằm xây dựng Cảng nội địa (ICD) Mỹ Đình phù hợp với định hướng Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển hệ thống Cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch phân khu đô thị S2 được phê duyệt, nhằm hình thành một khu Cảng nội địa kiểu mẫu, có quy mô tương xứng, đáp ứng nhu cầu của công tác thông quan và xuất nhập khẩu trong điều kiện hiện nay cũng như trong tương lai.
Quy hoạch đáp ứng việc di chuyển Cảng ICD Mỹ Đình về xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo hoạt động bình thường ở địa điểm mới cho các doanh nghiệp đã và đang thực hiện nghiệp vụ thông quan hàng hóa tại ICD Mỹ Đình.
Trước đó, đầu năm 2015 UBND Thành phố Hà Nội đã ký quyết định chấp nhận đầu tư xây dựng cảng Nội địa (ICD) Mỹ Đình tại xã Đức Thượng – huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (INTERSERCO) làm chủ đầu tư. Nguồn vốn xây dựng cảng là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và nguồn do doanh nghiệp tự huy động.
Vị trí xây dựng Cảng Nội địa mới tại khu đất nằm ở phía Bắc huyện Hoài Đức, diện tích khoảng 18,2ha, thuộc quy hoạch phân khu S2. UBND Thành phố đã chỉ đạo, việc xây dựng cảng IDC phải phù hợp với quy hoạch phân khu S2 đã được duyệt.
Công trình xây dựng bao gồm Nhà điều hành, nhà làm việc, kho ngoại quan, kho chứa hàng, trung tâm thương mại, bãi đấu giá và các công trình hạ tầng kỹ thuật…với tổng diện tích khoảng 18,2ha. Tổng mức đấu tư dự kiến vào khoảng 1.600 tỷ đồng, sẽ khởi công xây dựng vào năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào quý 3/2017.
Được biết, Cảng nội địa IDC Mỹ Đình thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế được ủy quyền quản lý, điều hành và khai thác. Được cấp phép hoạt động từ 8/2005. IDC Mỹ Đình được xây dựng trên khu đất 52.000m2, tại Số 17 Phạm Hùng, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, nằm trên tuyến vành đai 3 của Hà Nội nối Cảng Hải Phòng, Sân bay Quốc tế Nội Bài và cửa khẩu biên giới Hữu nghị quan (Lạng Sơn). Trước nay, ICD Mỹ Đình Hà Nội là Cảng cạn lớn nhất ở phía Bắc Việt Nam.
Hiện nay, do nhu cầu ngày càng lớn của các doanh nghiệp, INTERSERCO đã quyết định mở rộng thêm IDC Mỹ Đình. Việc di chuyển cảng nội địa (IDC) Mỹ Đình tại đường Phạm Hùng về huyện Hoài Đức là để tránh ùn tắc giao thông trong nội đô và có đủ diện tích để đáp ứng nhu cầu kho bãi cho các doanh nghiệp.
Vietnam Airlines thoái vốn đạt hơn 90,45%
Vietnam Airlines đã hoàn thành thoái toàn bộ số cổ phần tại 10/15 danh mục và 900.000 CP tại In hàng không (IHK) với giá trị vốn đầu tư tính theo mệnh giá là 537,74 tỷ đồng, chiếm 90,45% tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, tổng công ty có 15 danh mục đầu tư cần thoái vốn. Đến cuối năm 2014, đã hoàn thành việc thoái vốn tại 5 doanh nghiệp là Techcombank, Bảo hiểm Bảo Minh, Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình, Công ty CP Giao nhận kho vận hàng không, cổ phiếu France Telecom.
8 tháng đầu năm 2015, tổng công ty tiếp tục thực hiện thành công thoái vốn tại Công ty CP Cung ứng dịch vụ hàng không (Airserco) và Công ty CP Bảo hiểm hàng không (VNI).
Ngày 14/9 và 15/9/2015, tổng công ty đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ số cổ phần tại Avicon, AEC, In HK, Ô tô HK. Đến nay, nhà đầu tư trúng đấu giá đã chuyến tiền mua toàn bộ cổ phần tại Avicon, AEC, Ô tô HK và 900.000 CP tại In HK. Đối với số cổ phần chưa bán tại In HK (192.420 cổ phần), công ty tư vấn đang tiếp tục đề xuất phương án chào bán theo quy định.
"Như vậy, tính đến thời điểm này thì tổng công ty đã thoái toàn bộ số cổ phần tại 10/15 danh mục và 900.000 CP tại In hàng không với giá trị vốn đầu tư tính theo mệnh giá là 537,74 tỷ đồng, chiếm 90,45% tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái (tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái của 15 danh mục đầu tư tính theo mệnh giá là 594,53 tỷ đồng)", Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh cho biết.
Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh cũng cho biết thêm, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thoái vốn đầu tư, Vietnam Airlines cũng đã triển khai thực hiện chuyển Công ty Bay Dịch vụ Hàng không (VASCO), 3 Xí nghiệp Thương mại mặt đất thành các chi nhánh của tổng công ty để từng bước tổ chức lại các đơn vị này thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đề án Công ty VASCO đang được hoàn thiện và cũng dự kiến hoàn thành trong quý IV/2015 để công ty có thể hoạt động từ 1/1/2016.
Tập đoàn Aeroport de Paris muốn đầu tư vào Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV)
Nếu được chọn là cổ đông chiến lược, đối tác đến từ Pháp chắc chắn sẽ góp phần nâng tầm cho Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thời hậu cổ phần hóa.
Chỉ 48 giờ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV, Tập đoàn Aeroport de Paris (Pháp) rất nhanh chóng gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng xác nhận quyết tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp này. Không chỉ vậy, Aeroport de Paris cũng cam kết sát cánh hỗ trợ ACV tiến hành cổ phần hóa thành công.
Theo ông Frederic Dupeyron, Tổng giám đốc Aeroport de Paris, trong nhiều tháng qua, Tập đoàn đã cùng các tư vấn của mình dành nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị cho quá trình trở thành đối tác chiến lược của ACV khi phương án cổ phần hóa được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.
CEO Aeroport de Paris cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng để làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải nhằm đạt mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của ACV theo đúng lộ trình cổ phần hóa được Chính phủ Việt Nam thông qua, mà trước mắt là việc tiếp cận ngay các thông tin dữ liệu của doanh nghiệp.
Là tập đoàn toàn cầu trong ngành công nghiệp hàng không, Aeroport de Paris đang trực tiếp vận hành 37 cảng hàng không trên toàn thế giới thông qua công ty con là Công ty Quản lý Airports de Paris (ADPM), trong đó có những cảng hàng không lớn nhất châu Âu như: Paris - Charles de Gaulle và Paris - Orly. Năm 2014, các cảng hàng không tại châu Âu, châu Á, Nam Mỹ do ADPM vận hành đã phục vụ hơn 220 triệu hành khách, đạt doanh thu 3 tỷ EUR.
Được biết, Aeroport de Paris là nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm sớm nhất trong việc trở thành đối tác chiến lược của ACV. Những cuộc tiếp xúc với Bộ Giao thông - Vận tải, ACV của Aeroport de Paris được ghi nhận ngay từ đầu năm 2014 đã cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư Pháp.
Cảnh báo hiện tượng nở rộ KCN dệt may đón đầu TPP
Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi UBND các địa phương khuyến cáo về hiện tượng nở rộ khu công nghiệp (KCN) dệt may để đón đầu TPP...
Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi UBND các địa phương khuyến cáo về hiện tượng nở rộ khu công nghiệp (KCN) dệt may để đón đầu TPP, đồng thời cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, khả năng cung cấp chỗ ở cho công nhân, nhập khẩu thiết bịcông nghệ lạc hậu và tiêu tốn nhiều năng lượng…
Để phát huy hiệu ứng tích cực từ TPP, theo Bộ KH&ĐT, việc đầu tư xây các KCN dệt may phải đáp ứng tỉ lệ lấp đầy, đáp ứng tiêu chuẩn về công nghệ và môi trường theo quy định. Ngoài ra, UBND các địa phương cần xây dựng kế hoạch giám sát và đặc biệt “khi cấp giấy chứng nhận đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ quy trình thẩm tra, trong đó chú trọng đánh giá công nghệ sử dụng trong dự án”.
Hà Nội: Tín dụng 10 tháng tăng trưởng 15%
Tháng 10, tổng dư nợ của Hà Nội được công bố tăng 1,4% so với tháng trước tuy nhiên lũy kế 10 tháng đầu năm chỉ tăng 15% so với cuối năm 2014 trong khi báo cáo tháng 9, tổng dư nợ đã tăng 18,3%.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tháng 10 ước đạt 1.399 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn huy động từ 12 tháng trở lên chiếm 30,5%), tăng 2% so tháng trước và tăng 17,5% so tháng 12 năm trước.
Trong đó, tiền gửi chiếm 94,3% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 1,9% so với tháng trước và 15,9% so tháng 12 năm trước (tiền gửi tiết kiệm tăng 2,2% và tăng 13,2%; tiền gửi thanh toán tăng 1,7% và 17,9%); phát hành giấy tờ có giá tăng 4,2% và tăng 51,1%. Trong tổng nguồn vốn huy động, nguồn vốn huy động bằng tiền Việt Nam chiếm 74,2%.
Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ trên địa bàn Thành phố tháng 10 ước đạt 1.162 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và 15% so tháng 12. Trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 3,3% và 9,3%; dư nợ trung và dài hạn giảm 1,3% so tháng trước và tăng 24,9% so tháng 12 năm trước.
Tuy nhiên, theo báo cáo tháng 9 của Cục Thống kê Hà Nội công bố cách đây 1 tháng, tổng dư nợ cho vay tháng 9/2015 đạt 1.195,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so cuối tháng trước và tăng 18,3% so với cuối năm 2014.
Như vậy xét về con số tuyệt đối, dư nợ đến cuối tháng 9 cao hơn so với cuối tháng 10. Theo tính toán của người viết, tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 10 trên địa bàn Hà Nội Như vậy đã giảm 2,83% so với tháng 9 chứ không phải tăng 1,4% như báo cáo.