Apple sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào Việt Nam
Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam sẽ sớm quay lại thời đỉnh cao 2008
Giá tiêu đang “rơi” tự do
Cá tra nguyên liệu bắt đầu sốt giá
Doanh nghiệp Việt hứng khởi … nửa vời?
Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-03-2016
- Cập nhật : 15/03/2016
“Giải mã” nguyên nhân giá dầu tăng mạnh
Mối quan hệ giữa giá dầu với mức tồn kho dầu của Mỹ đã bị phá vỡ một cách ngoạn mục khi năm 2016 bắt đầu...
Các nhà giao dịch dầu lửa giao sau đã dịch chuyển sự chú ý sang sự suy giảm sản lượng dầu thay vì bị “ám ảnh” bởi lượng dầu tồn kho gia tăng như trước kia.
Sự dịch chuyển này có thể đã giúp đặt ra một mức sàn đối với giá dầu, khi triển vọng sản lượng nguồn cung dầu ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) suy giảm.
Theo hãng tin Bloomberg, cho tới hết tháng 12/2015, báo cáo hàng tuần về lượng dầu thô tồn kho của Mỹ do Bộ Năng lượng nước này đưa ra luôn dẫn tới phản ứng có thể đoán trước của thị trường. Khi lượng dầu tồn kho tăng, giá dầu giảm, và ngược lại, khi mức tồn kho giảm, giá dầu tăng.
Khi số thùng dầu tồn kho ở Mỹ tiếp cận những kỷ lục mới, tất cả mọi sự chú ý đều đổ dồn vào bản báo cáo được công bố hàng tuần này.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giá dầu với mức tồn kho dầu của Mỹ đã bị phá vỡ một cách ngoạn mục khi năm 2016 bắt đầu.
Số lượng dầu được chứa trong các bể chứa ở Mỹ vẫn không ngừng tăng lên những đỉnh cao mới, nhưng không còn khiến giá dầu “lao dốc không phanh” như hồi năm ngoái nữa. Ngược lại, giá dầu vẫn tăng dù lượng dầu tồn kho ở Mỹ đi lên trong 4 tuần trở lại đây.
Có thể nói, đã tạm qua một thời mức tồn kho dầu của Mỹ giữ vai trò là động lực chính chèo lái giá dầu. Cùng với đó, một mối quan tâm khác của thị trường cũng nổi lên.
Các nhà giao dịch dầu lửa có vẻ đã chuyển sự chú ý của họ từ tình trạng thừa mứa dầu hiện tại sang nguy cơ thiếu dầu trong tương lai.
Vấn đề là Bộ Năng lượng Mỹ đang tỏ ra bi quan hơn về triển vọng sản lượng của các nước ngoài OPEC.
Năm nay là năm thứ hai liên tiếp vốn đầu tư cho ngành dầu lửa của các nước ngoài OPEC suy giảm. Chưa kể, giá dầu giảm sâu đã dẫn tới việc đóng cửa những mỏ dầu lâu năm và những giếng dầu không đem lại hiệu quả kinh tế tích cực.
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn mới đây nhất, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 440.000 thùng/ngày trong năm 2016, so với mức dự báo giảm chỉ 90.000 thùng/ngày đưa ra hồi tháng 1.
Ngoài ra, sự suy giảm sản lượng dầu của Mỹ vốn được dự báo từ lâu cũng đang có chiều hướng tăng tốc. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm trong vòng 6/7 tuần trở lại đây. Nếu so với thời điểm giữa tháng 1, sản lượng dầu của Mỹ hiện đã giảm 157.000 thùng/ngày.
Không chỉ Bộ Năng lượng Mỹ trở nên bi quan về vấn đề sản lượng dầu. Trong báo cáo mới nhất công bố hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng nói rằng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 750.000 thùng/ngày trong năm nay. Tháng trước, IEA dự báo sản lượng dầu của các quốc gia ngoài OPEC sẽ giảm 600.000 thùng/ngày trong năm 2016.
Vậy đâu là lý do khiến các nhà giao dịch quyết định chú ý tới các dự báo sản lượng, thay vì tập trung vào vấn đề lượng dầu tồn kho tăng cao?
Có lẽ, một phần nguyên nhân nằm ở việc mức tồn kho dầu của Mỹ luôn tăng trong quý 1 hàng năm. Bởi vậy, việc tồn kho dầu của Mỹ tăng trong quý 1 năm nay, dù thiết lập những mức đỉnh mới, có thể cũng chỉ được coi là “chuyện bình thường”.
Và chính sự dịch chuyển chú ý sang sản lượng thay vì lượng dầu tồn kho đã lý giải tâm trạng lạc quan của thị trường về khả năng giá dầu đã chạm đáy.
Kể từ giữa tháng 2 tới nay, giá dầu thế giới đã tăng 46%, trong đó giá dầu WTI giao sau tại thị trường Mỹ đang tiến gần ngưỡng 40 USD/thùng, so với mức đáy 26,21 USD/thùng vào tháng 2.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bloomberg, giá dầu tăng cao hơn có thể dẫn tới việc các công ty dầu lửa đảo ngược kế hoạch giảm sản lượng. Và nếu dự trữ dầu thô của Mỹ đến đầu tháng 5 vẫn không giảm xuống, thì dữ liệu này sẽ lại trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, và giá dầu rất có thể sẽ nhanh chóng sụt giảm trở lại.
Đây mới là nguy cơ tiềm ẩn của suy thoái đối với kinh tế Mỹ
Tăng trưởng kinh tế Mỹ thời gian gần đây khiến nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã qua và thời gian tới là lúc để nền kinh tế toàn cầu vực dậy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ảnh hưởng từ cuộc suy thoái năm 2008 vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Những phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán, sự xì hơi của bóng bóng bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trước đây không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ mà còn tác động mạnh đến tâm lý của cả một thế hệ người tiêu dùng.
Giám đốc đầu tư chiến lược Liz Ann Sonders của Charles Schwab nhận định những biến động trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất đã “hù dọa” người tiêu dùng Mỹ, khiến họ có cái nhìn bi quan về nền kinh tế và điều đặc biệt nguy hiểm là tình trạng này vẫn sẽ còn tiếp diễn.
“Cách mà người Mỹ nhận định về nền kinh tế cho thấy những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Cuộc suy thoái trước đó thực sự đã làm thay đổi nhận thức của cả 1 thế hệ”, ông Sonder nói.
Minh chứng cho tâm lý tiêu cực của người dân Mỹ được thể hiện rất rõ ràng. Hiện nhiều người tiêu dùng đang giảm chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn.
Số liệu của hãng Master Card và Visa Card cho thấy người tiêu dùng Mỹ hiện nay bình quân sử dụng mỗi 1/3 thu nhập của mình cho chi tiêu, tiết kiệm và trả nợ. Con số này khác rất nhiều so với trước đây khi người dân Mỹ chi tiêu nhiều hơn, qua đó thúc đẩy thị trường tiêu dùng và nền kinh tế.
Tồi tệ hơn, sự bi quan của người tiêu dùng không hề được xoa dịu khi giá dầu giảm mạnh. Theo lý thuyết, giá nhiên liệu giảm sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, nhưng điều này trên thực tế lại không xảy ra.
Hơn nữa, những suy nghĩ tiêu cực về nền kinh tế cũng khiến người dân Mỹ hạn chế vay nợ. Trước đây sự gia tăng tín dụng đã kích thích tiêu dùng cũng như nền kinh tế, nhưng điều này không còn xảy ra nữa kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008.
Bất chấp những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục, người dân nước này vẫn chưa thực sự quay trở lại với thị trường tín dụng cũng như mua sắm trả góp.
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng lên trong khi tỷ lệ nợ trên thu nhập tại Mỹ lại đi xuống cho thấy người dân nước này giờ đây không còn thói quen vay nợ để chi tiêu như trước và điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Tỷ lệ nợ trên thu nhập cá nhân giảm (%)
Thậm chí, thị trường chứng khoán Mỹ vốn được coi là vô cùng sôi động cũng không còn thu hút được người dân như trước đây. Số liệu của ông Sonders cho thấy nếu tính thanh khoản ròng trên thị trường chứng khoán, các quỹ hưu trí và nhà đầu tư cá nhân không hề gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008.
Đặc biệt, chuyên gia Sonders nhận định tâm lý bi quan của người dân Mỹ sẽ vẫn còn tồn tại trong một khoảng thời gian dài và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đau đầu để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
S Trần Đình Thiên “Ngân sách năm nay gay rồi!”
Sáng ngày 14.3, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) tổ chức.
Bàn về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Ngân sách năm gay rồi, dự báo năm sau sẽ tiếp tục gay thì ảnh hưởng thị trường tài chính của Việt Nam”.
Tiến sĩ Trương Văn Phước- Phó chủ tịch UBGSTC Quốc gia cho biết việc cân đối ngân sách năm nay ngày càng khó khăn hơn. Trần nợ cộng gần như chạm ngưỡng 65%, bội chi ngân sách là 5,7% đặt ra thách thức cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, dư địa chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế.
Tại hội thảo, TS Vũ Viết Ngoạn- Chủ tịch UBGSTCQG đánh giá “Điểm nổi bật trong năm 2015 của kinh tế Việt Nam là thành tựu kiểm soát được lạm phát (0,63%) trong khi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, qua đó đã tạo được tâm thế mới, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh, bền vững sau này. Tăng trưởng 2015 có tăng nhưng không bền vững, bội chi ngân sách tăng, nợ công tăng nhanh.
Tăng đầu tư khu vực tư nhân. Đầu tư tín dụng cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất ở mức độ hạn chế có thể gây hệ lụy rủi ro. Đầu tư tín dụng bất động sản tăng cao. Đầu tư tư nhân có tăng nhưng nếu nhìn số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa thì đó cũng không phải là tốt. Nếu FDI vẫn tiếp tục chiếm vai trò chủ lực thì VN sẽ đi từ rủi ro này đến rủi ro khác.”.
Ủy ban dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt khoảng 6,7%-6,8%, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3-3,5%.
Áp thuế giá thép tăng vụt, có tích trữ đầu cơ?
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng việc các xe tải ùn ùn chờ mua thép là do chính sách tăng thuế của Bộ Công thương thì các chuyên gia lại khẳng định đây là tâm lý tích trữ đầu cơ...
Sáng 13-3, ông Đỗ Duy Thái, chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Việt (Pomina), xác nhận: “Đang nhức đầu với...cơ quan công an vì xe tải nối đuôi chờ lấy hàng nhà máy dưới Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù nỗ lực giao hàng cho các tài xế chở hàng nhưng số phiếu xuất hàng rất nhiều, lại tập trung đông hơn mức bình thường nên vẫn còn xe chờ bên ngoài”.
Theo ông Thái, sở dĩ có tình trạng các đại lý, nhà phân phối điều nhà xe đến lấy thép nhiều hơn một cách bất thường là do quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công thương ban hành hôm 7-3 (mức 23,3% đối với phôi thép, 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung, có hiệu lực từ ngày 22-3 tới). Thuế tăng, một số người suy đoán giá sau ngày 21-3 sẽ cao hơn so với thời điểm hiện nay nên đổ xô đi mua.
Ông Thái cũng không phủ nhận việc Pomina vừa điều chỉnh giá bán thép các loại giao tại nhà máy đã tăng thêm 250.000 đồng/tấn kể từ ngày 9-3, tức hai ngày sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định nói trên, từ 8,7 triệu đồng/tấn lên 8,95 triệu đồng/tấn (chưa VAT). Dự kiến từ ngày 14-3, Pomina sẽ tiếp tục điều chỉnh giá bán.
Cũng có đoàn xe xếp hàng dài chờ lấy thép tại nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng ông Nguyễn Đình Phúc, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thép Miền Nam (VNSteel), cho rằng không phải là vì mức thuế tăng của Bộ Công thương, mà do sự tình cờ trùng hợp một số nguyên liệu sản xuất thép như thép phế, phôi thép, quặng... đều có xu hướng nhích giá sau một thời gian dài giảm giá.
Với nguồn cung khoảng 40.000 tấn/tháng như hiện nay, ông Phúc khẳng định đoàn xe đến lấy hàng chủ yếu là các đại lý, nhà phân phối đến chở hàng theo hợp đồng đã ký với VNSteel. “Phần lớn các nhà phân phối đều có hợp đồng dài hạn với các công trình xây dựng nên họ phải cam kết giữ giá và cần sự ổn định về nguồn hàng cung cấp.
Chúng tôi vẫn xuất hàng bán bình thường, nguồn cung sản xuất thép vẫn vượt cầu nên không có chuyện không có hàng, hoặc ghim hàng từ nhà sản xuất. Vấn đề là mọi người cùng kéo đến một lúc thì nó sẽ đông hơn so với bình thường” - ông Phúc giải thích.
Dù các doanh nghiệp giải thích như vậy nhưng ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho rằng thị trường tăng giá ào ạt là vô lý bởi năng lực sản xuất thép trong nước đang vượt rất xa nhu cầu. “Thị trường sẽ điều tiết theo nhu cầu thật của nó, chứ không thể tác động bởi các nhu cầu hoặc thông tin ảo được” - ông Sưa nói.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong tháng 1 và 2-2016, tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ trên thị trường xấp xỉ 1,1 triệu tấn, tăng lần lượt 36,6 - 90% so với cùng kỳ năm 2015, bất chấp đây là tháng cận tết và trong tết. Nếu cộng thêm lượng thép tồn kho tại các doanh nghiệp (tức chưa bán được) tính đến ngày 29-2 xấp xỉ 500.000 tấn nữa, nên việc thiếu thép rất khó xảy ra.
Ông Sưa cho rằng việc một số doanh nghiệp điều chỉnh giá bán với lý do giá nguyên liệu tăng chỉ có thể chấp nhận được nếu nguyên liệu đó cập cảng VN từ tháng 4 trở đi. Còn nếu vẫn sử dụng các nguyên liệu giá thấp trước đã mua trong các tháng cuối năm 2015, hay thậm chí đầu tháng 1-2016 mà vẫn tăng giá theo kiểu đón đầu thì chưa hợp lý.
Tình trạng hàng đoàn xe tải ùn ùn xếp hàng dài chờ đến lượt lấy hàng tại các nhà máy thì không ít doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng do chính sách tăng thuế của Bộ Công thương mà ra. Còn các chuyên gia thị trường lại khẳng định tâm lý tích trữ kéo theo đầu cơ mới là nguyên nhân thật sự.
Một số ngân hàng hiện phải liên tục huy động tiền gửi mới trả lãi tiền gửi cũ
TS. Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định, trong khi ngành ngân hàng vẫn chưa giải quyết xong vấn đề nợ xấu thì nay lại thêm vấn đề lãi dự thu.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 diễn ra sáng nay (14/3) do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức, TS. Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright bày tỏ ý kiến lo ngại về tình trạng nhiều ngân hàng đang phải huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho khoản tiền gửi cũ, còn lãi cho vay là tiền thật thì mới chỉ ghi nhận dự thu chứ chưa thu được trên thực tế.
"Vừa rồi chúng tôi có một báo cáo nhưng không thể công bố được. Vì nói đến dự thu thì phải điểm tên chỉ mặt các ngân hàng, vấn đề này lại rất nhạy cảm", vị chuyên gia này cho hay.
Ông Thành phân tích, các ngân hàng vẫn đang phải nuôi nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được tiền. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân. Thế nên, trong con số thu nhập lãi thuần 2,74% mà các ngân hàng công bố có một phần tiền "ảo" trong đó.
Theo ông Thành, cần cảnh báo được sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này. Vấn đề này không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu mà tồn tại cả ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên.
"Một số ngân hàng hiện nay đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này", ông Thành nhận định.
Như vậy, bên cạnh việc xử lý nợ xấu thì còn phải giải bài toán làm sao giải quyết được vấn đề lãi dự thu của các ngân hàng bởi đây là một vấn đề lớn trong tái cấu trúc ngành.