Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 ở mức 6,7-6,8%
Tập đoàn Tata: Việt Nam và Myanmar là thị trường trọng điểm
Nghị quyết 19 và chuyện cái lốp xe dính sơn
Tháng đầu năm, tồn kho hàng đồ uống tăng... 95,7%
Nga chuẩn bị cấm nhập khẩu sản phẩm ngô, đậu nành từ Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh 21-10-2015
- Cập nhật : 21/10/2015
Tập đoàn hàng tiêu dùng lớn nhất Thái Lan định đầu tư vào Việt Nam
Bangkok Post đưa tin Saha Group, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Thái Lan, đang đàm phán với các đối tác Nhật Bản về hợp tác mở rộng các dự án cung ứng dịch vụ và bất động sản tại Việt Nam trong năm 2016.
Một lãnh đạo của Saha tiết lộ rằng họ đã nhận được lời đề nghị của đối tác Nhật Bản về việc hợp tác do tập đoàn Thái Lan đã có kinh nghiệm hoạt động ở Việt Nam trong nhiều năm.
Vị lãnh đạo này cho biết: “Chúng tôi (Saha) muốn tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Đối với Việt Nam, chúng tôi quan tâm đến các lĩnh vực như cung ứng dịch vụ, bất động sản và bán buôn. Chúng tôi muốn mở rộng kinh doanh bất động sản ở Việt Nam lâu dài.”
Saha Group có lợi thế về mặt địa lý để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng có kinh nghiệm về cung ứng dịch vụ và phân phối sản phẩm ở Việt Nam. Saha cũng đã thành lập công ty Saha Vietnam Co. nhằm phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng tại Việt Nam thông qua các đại lý bán lẻ.
Hiện, Saha và một công ty Nhật Bản đang trong quá trình đàm phán thành lập liên doanh. Thỏa thuận giữa hai phía không chỉ hưởng lợi từ việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 mà còn từ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết 2 tuần trước. Nếu đạt được thỏa thuận, Saha Group có thể tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường khu vực.
Lãi suất vay ngoại tệ: Khó giảm như kỳ vọng
Lãi suất tiền gửi USD được điều chỉnh giảm sâu được kỳ vọng sẽ khiến lãi suất vay USD giảm theo, từ đó hỗ trợ cho các nhà xuất - nhập khẩu vay vốn cuối năm. Song thực tế diễn biến lãi suất như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, lãi suất vay ngoại tệ chưa giảm như mong muốn. Mặt bằng lãi suất cho vay bằng ngoại tệ đang dao động chỉ 3-3,5%/năm, nhưng theo ý kiến của các doanh nghiệp, lãi suất vay ngoại tệ nên được đưa về mức 2,5-3%/năm, để giúp các công ty giảm chi phí tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mức trên cũng đảm bảo cho ngân hàng có lãi sau khi trừ chi phí huy động vốn và dự trữ bắt buộc. Vay ngoại tệ là chấp nhận rủi ro tỉ giá, lãi suất vay phải hấp dẫn, đủ bù đắp rủi ro, thì bên vay mới chấp nhận.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nếu giảm thêm cũng chỉ có thể kỳ vọng ở mức 0,5%/năm đến gần 1%/năm. Bên cạnh đó, hiện lãi suất cho vay tiền đồng đã giảm đáng kể so với trước và chênh lệch giữa lãi suất vay ngoại tệ - tiền đồng dần thu hẹp, các DN xuất khẩu phần lớn được khuyến khích chọn xu hướng vay tiền đồng để tránh rủi ro biến động tỉ giá như thời gian vừa qua chứ không phải khuyến khích vay USD.
Trong báo cáo mới đây của mình, Ngân hàng HSBC Việt Nam đưa ra nhận định, dù lãi suất tiền gửi USD giảm nhưng lãi suất cho vay USD sẽ khó có khả năng giảm vì thực tế Việt Nam vẫn bám sát lãi suất USD tại thị trường quốc tế. Lãi suất thị trường quốc tế hiện nay đã phản ánh phần nào kỳ vọng của thị trường về việc FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.2015.
Với tình hình ngoại hối trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ của NHNN, HSBC không nghĩ cho vay USD sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, do các DN sẽ cẩn trọng hơn khi vay ngoại tệ nếu không có doanh thu bằng ngoại tệ.
Đại diện một số ngân hàng thương mại cũng cho biết, nhu cầu vay ngoại tệ khó tăng thêm trong bối cảnh khách hàng vẫn đang canh chừng biến động tỉ giá. Hơn nữa, ngân hàng cũng không muốn dãn khoảng cách cho vay tiền đồng và ngoại tệ quá xa, nhất là xu hướng đi lên của lãi suất tiền đồng đang thể hiện ngày một đậm nét.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng tiền đồng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Lãi suất cho vay bằng tiền đồng vẫn ổn định, với mức phổ biến cho các lĩnh vực ưu tiên là 6-7%/năm đối với ngắn hạn.
Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại đưa ra dự báo lãi suất đang chịu sức ép tăng vào giai đoạn cuối năm. Tại hội nghị các nhà đầu tư mới đây, ông Andy Hồ - Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư của Quỹ đầu tư VinaCapital - nhận định, nếu Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế trong năm nay đồng thời với việc tăng lãi suất để hấp dẫn nhà đầu tư, điều này có thể tạo ra sức ép khiến lãi suất (ngân hàng) tăng trong những tháng cuối năm.
Theo ông Andy Hồ, nếu Việt Nam muốn phát hành trái phiếu quốc tế ngay trong năm nay, có khả năng lãi suất ngân hàng sẽ tăng ngay sau đó, còn nếu chờ đến năm 2016, lãi suất sẽ ổn định đến hết năm nay. Ngoài ra, nếu Mỹ tăng lãi suất vào cuối năm 2015, việc này cũng sẽ tạo sức ép khiến lãi suất của Việt Nam có thể tăng lên vào cuối năm.
Giới đầu tư Trung Quốc phát sốt với đồng
Giá đồng kỳ hạn không còn phản ánh chính xác tình hình cung cầu do nhà đầu tư Trung Quốc đổ xô vào thị trường này với mục đích hưởng chênh lệch nhờ biến động giá.
Trước lệnh hạn chế giao dịch cổ phiếu, giới đầu tư Trung Quốc chuyển hướng đổ tiền vào thị trường đồng kỳ hạn. Sự chuyển dịch này theo giới chuyên gia có thể sẽ làm “méo mó” thị trường đồng.
Kể từ đầu tháng 7, khi giới chức Trung Quốc bắt đầu hạn chế giao dịch cổ phiếu ở Trung Quốc, lượng giao dịch cổ phiếu giảm 97% xuống còn khoảng 65.000 hợp đồng/ngày, trong khi đó lượng hợp đồng giao dịch đồng kỳ hạn tăng gấp đôi lên xấp xỉ 710.000 hợp đồng/ngày.
Do giới đầu tư hiện phải đối mặt với thách thức khi đặt cược vào cổ phiếu kỳ hạn, họ quay sang thị trường đồng kỳ hạn trong bối cảnh giá kim loại này biến động mạnh, lượng giao dịch trên thị trường đồng kỳ hạn toàn cầu sắp cán mốc kỷ lục.
Những năm gần đây, giới đầu tư Trung Quốc thường lấy các hợp đồng giao dịch kim loại làm thế chấp vay ngân hàng và đẩy nhu cầu đồng, kẽm, nickel kỳ hạn tăng, kéo theo giá tăng. Hiện một số quan chức trong ngành cho biết giá đồng kỳ hạn không còn phản ánh chính xác tình hình cung cầu .
Ở Trung Quốc, lượng giao dịch đồng kỳ hạn thường tăng đột biến khi ban hành những chính sách điều hành mới. Hôm 2/9, Sở giao dịch tài chính kỳ hạn Trung Quốc thông báo yêu cầu các nhà đầu cơ cổ phiếu kỳ hạn phải đặt cọc 40% giá trị hợp đồng, so với mức 30% trước đó. Ngay sau thông báo này, lượng giao dịch cổ phiếu kỳ hạn giảm từ 1 triệu hợp đồng/ngày xuống 10.000 hợp đồng/ngày. Giao dịch đồng kỳ hạn trong khi đó tăng từ 300.000 hợp đồng lên 1,3 triệu hợp đồng/ngày.
Giới đầu tư có thể thu lời từ biến động giá kim loại bằng cách khi giá tại sàn London cao hơn ở Thượng Hải, nhà đầu tư sẽ mua ở nơi rẻ, bán ở nơi đắt để ăn chênh lệch. Chỉ số đo biến động giá đồng tăng 40% trong tháng 9 so với đầu năm 2015. Cũng kể từ đầu năm khoảng 637 triệu tấn đồng được giao dịch sang tay giữa các nhà đầu tư kỳ hạn, và chuẩn bị vượt mức 737 triệu tấn cả năm 2014.
Amazon khởi kiện hơn 1.000 người phóng đại thông tin sản phẩm
Amazon vừa khởi kiện hơn 1.000 cá nhân và đơn vị cố tình đưa ra các thông tin thổi phồng chất lượng sản phẩm của mình.
Để ngăn chặn tình trạng không trung thực từ phía những người bán hàng và bảo vệ người tiêu dùng, sàn hàng hóa trực tuyến Amazon vừa khởi kiện hơn 1.000 cá nhân và đơn vị cố tình đưa ra các thông tin thổi phồng chất lượng sản phẩm của mình.
Theo cáo buộc của Amazon, những đối tượng bị kiện đã nhận khoản tiền từ 5 USD trở lên, để đưa ra các nhận xét đánh giá không trung thực, phóng đại tính năng của sản phẩm nhằm khuyến khích mua hàng.
Hiện danh tính của các bị đơn chưa được xác định, nhưng Amazon đã cho biết sẽ mở rộng điều tra cả những đơn vị đã thuê dịch vụ nhận xét giả này.
BBC và Bloomberg cho biết, các hãng bán lẻ lớn khác cũng đang phối hợp nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra.
DN dệt Ấn Độ tìm cơ hội hưởng lợi từ TPP tại Việt Nam
Chưa đầy 1 tuần sau khi hoàn tất đàm phán TPP, một đoàn DN dệt Ấn Độ, cường quốc xuất khẩu vải sợi hàng đầu thế giới, đã có mặt ở Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Với quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt, hàng dệt may trong Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP chỉ được hưởng thuế suất 0% khi các DN sử dụng sợi và vải từ các nước TPP. Do đó, hàng vải sợi sản xuất tại Việt Nam hay "made in Vietnam" được xem là một trong các ngành hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Ông Annush Ramaswamy, Chủ tịch Công ty Kadri Mills Coimbatoire cho biết: “Đầu tư vào sợi tốn kém hơn nhiều so với may mặc. Bởi lẽ, đầu tư vào may mặc đơn giản hơn, giống như làm một rạp xiếc lưu động vậy, có thể nay đây mai đó. Nhưng đầu tư vào sợi lại khác, chúng tôi phải tìm được một nền kinh tế ổn định. Và Việt Nam hiện là nền kinh tế ổn định nhất trong khu vực”.
Ấn Độ là cường quốc sản xuất vải, sợi hàng đầu thế giới nhưng không tham gia TPP. Vì thế, nếu Ấn Độ không tìm được các nước trong TPP như Việt Nam để đầu tư sản xuất vải sợi, Ấn Độ sẽ tự loại mình khỏi cuộc cạnh tranh hàng dệt may tại thị trường chiếm 40% GDP toàn cầu của khu vực TPP. Đây là kim chỉ nam cho các DN dệt Ấn Độ khi tìm đến Việt Nam để sản xuất hàng dệt "made in Vietnam".
Ông Annush Ramaswamy cho biết thêm: “Chi phí đất đai không hề rẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ có ở các nước như Việt Nam chúng tôi mới được hưởng lợi triệt để từ mức thuế suất hấp dẫn 0% khi xuất hàng dệt may sang các nước trong TPP”.
Theo kết quả khảo sát của Công ty Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) từ 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước năm 2015 thì có tới 91% doanh nghiệp đánh giá tích cực về thay đổi liên quan đến chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cũng như hi vọng tích cực vào những đổi mới trong chính sách thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh.