Theo Bộ trưởng Kinh tế phụ trách TPP của Nhật Bản, Akira Amari, mức dỡ bỏ thuế theo TPP là gần 100%. Tuy nhiên, mức thuế mà Nhật Bản dỡ bỏ theo TPP vượt so với mức 88,4% theo các hiệp định thương mại tự do giữa Nhật Bản với Philippines và với Australia - mức miễn thuế lớn nhất trong số các hiệp định thương mại tự do hiện có của nước này.
Mức độ dỡ bỏ thuế của Nhật Bản theo TPP là thấp hơn 11 nước thành viên khác, khi thuế áp vào một số nông sản nhạy cảm vẫn được duy trì. Trong số 586 sản phẩm, khoảng 30% sản phẩm sẽ được miễn thuế.
Nhưng mặt khác, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ ngay thuế quan đánh vào 95,3% số sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ các nước thành viên khác, trong khi các nước thành viên khác sẽ miễn thuế đối với 86,9% số sản phẩm mà Nhật Bản xuất khẩu khi TPP có hiệu lực.
Bộ trưởng Amari bác bỏ quan ngại rằng người nông dân Nhật Bản có thể đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn về giá khi nông sản nhập khẩu giá rẻ ào ạt đổ vào.
Ông cho biết khối lượng hàng nông sản nhập khẩu được miễn thuế đặc biệt là thấp và Nhật Bản phụ thuộc lớn vào nhập khẩu các sản phẩm này để đáp ứng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu TPP có phù hợp với nghị quyết được Ủy ban Quốc hội thông qua năm 2013, đề xuất rằng năm loại nông sản chủ lực là gạo, lúa mỳ, thịt bò và thịt lợn, đường và các sản phẩm bơ sữa cần nằm ngoài danh sách dỡ bỏ thuế hay không.
TPP bao trùm một khu vực chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Các nước tham gia sẽ cần phải hoàn tất văn bản thỏa thuận để chính thức ký trước khi thông qua lần cuối./.
Nguy cơ đô thị hóa quá nhanh ở châu Á
Báo cáo “Tình trạng các thành phố châu Á - Thái Bình Dương năm 2015: Sự chuyển đổi đô thị từ số lượng sang chất lượng” cho thấy người dân trong khu vực này phải đối mặt với những thách thức lớn từ việc đô thị hóa quá nhanh trong năm 2050.
Báo cáo của LHQ vừa công bố hôm 19-10.
"Nhu cầu phát triển sẽ làm tăng áp lực về nguồn lực và chính sách trong khi các thành phố của chúng ta sẽ là nơi cư ngụ của khoảng 2 tỉ người thuộc tầng lớp trung lưu trong năm 2050" - bà Shamshad Akhtar, thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Trong bản báo cáo, các nhà khoa học LHQ cho rằng sự tăng trưởng kinh tế trong các siêu đô thị sẽ tạo ra tầng lớp trung lưu đông hơn và cũng làm gia tăng khoảng cách thu nhập và sự bất bình đẳng xã hội.
Lấy ví dụ tại Trung Quốc, tầng lớp trung lưu nay đã lên đến 200 triệu người (theo định nghĩa của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì người trung lưu ở nước này là người có thu nhập khoảng 11.000 - 17.000 USD/năm) và họ chỉ sống tập trung ở những đô thị lớn của nước này.
Sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn cũng đe dọa làm suy yếu sự gắn kết xã hội và khả năng chi trả chi phí sinh hoạt là một điểm khủng hoảng hiện tại ở nhiều thành phố lớn trong khu vực.
Báo cáo cũng nêu bật những thách thức môi trường như chất lượng cuộc sống, tiêu chuẩn không khí và ô nhiễm nguồn nước mà các siêu đô thị trong khu vực phải đối mặt.
Hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 17 siêu đô thị với mật độ dân cư hơn 10 triệu người trong mỗi siêu đô thị. Dự đoán đến năm 2030 khu vực này sẽ có thêm 5 siêu đô thị nữa.
Nhà đầu tư ngoại tìm kiếm cơ hội ở VN
Theo báo cáo của Công ty Jones Lang LaSalle VN (JLL), tại VN đang có sự tăng trưởng ngoạn mục trong hoạt động M&A (mua bán doanh nghiệp) suốt 12 tháng qua và vẫn đang tiếp tục xu hướng gia tăng.
Qua phân tích, JLL cho biết thị trường bất động sản VN có tổng giá trị giao dịch từ hoạt động M&A đạt 535 triệu USD. Bên cạnh sự cải thiện của thị trường bất động sản, nhà nước có những thay đổi tích cực trong các chính sách và quy định pháp luật liên quan đến thị trường đầu tư. Theo luật Đầu tư sửa đổi 2014, việc cải thiện quá trình cấp phép đầu tư, đặc biệt cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đã thông thoáng hơn.
VN đang là lựa chọn ưa thích của các nhà đầu tư Singapore. Ngoài ra, có một số lượng lớn các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines và Indonesia đang tích cực tìm kiếm để sở hữu một phần của chiếc bánh bất động sản VN.
Ngân hàng Pháp Natixis: Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất của khu vực
Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, Philippines để trở thành trung tâm sản xuất của khu vực thay thế Trung Quốc khi dòng đầu tư chuyển hướng ra khỏi đại lục.
Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của khu vực - Ảnh minh họa: Reuters
Đó là nhận định trong báo cáo của ngân hàng Pháp Natixis, theo Inquirer ngày 19.10. Báo cáo “Con ngỗng sẽ bay về miền tây Trung Quốc hay ASEAN?” được ngân hàng Pháp phân tích về khả năng dịch chuyển trung tâm sản xuất của thế giới.
Theo báo cáo của Natixis, khi chi phí đang gia tăng ở Trung Quốc, các nhà sản xuất bao gồm nước ngoài và Trung Quốc ở đại lục muốn chuyển sang nước khác có lợi thế cạnh tranh hơn trong khu vực Đông Nam Á và 3 nước được chú ý nhiều nhất là Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Việt Nam được đánh giá là vượt trội nhất nhờ lương lao động thấp, môi trường kinh doanh và hạ tầng cơ sở tốt, theo bản báo cáo. Bản báo cáo nói rằng chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn bên Trung Quốc và cơ sở hạ tầng được phát triển khá tốt, thuận lợi cho các nhà đầu tư... Thêm vào đó, thuế doanh nghiệp đã giảm xuống còn 22% và sẽ xuống còn 20% vào năm 2016, trong khi ở Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 25%, theo báo cáo. Từ đó ngân hàng Pháp cho rằng sản xuất ở Việt Nam có thể mở rộng nhanh hơn đặc biệt là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.
Thái Lan có thể là lựa chọn tốt ở Đông Nam Á khi điều kiện chính trị được cải thiện và nhất là khi nước này tham gia vào Hiệp định TPP.
Báo cáo của ngân hàng Pháp lưu ý rằng tăng lương ở Trung Quốc tăng nhanh hơn năng suất khi so sánh với các nước ASEAN. Hơn nữa, tiền lương cho các kỹ sư và đóng góp xã hội bắt buộc của giới chủ doanh nghiệp ở phía đông và phía tây Trung Quốc nói chung là cao hơn so với các nước ASEAN.
Chính vì vậy giới đầu tư có xu hướng chuyển sang ASEAN thay vì về phía tây Trung Quốc. Sự hấp dẫn của ASEAN còn nằm ở các hiệp định tự do thương mại của khu vực và cả hiệp định TPP mà Việt Nam và Malaysia, hai thành viên của ASEAN tham gia.
Theo dòng phát triển, trung tâm sản xuất thế giới từng dịch chuyển từ Mỹ, EU sang Nhật, sau đó Hàn Quốc. Trong những năm gần đây, dòng dịch chuyển đổ về Trung Quốc. Câu hỏi được các nhà đầu tư quan tâm, đó là sau Trung Quốc sẽ là nước nào hay khu vực nào?
Chậm nộp phí bảo trì đường bộ sẽ bị tính lãi suất
Cục Đăng kiểm được giao chủ trì tính toán phương án truy thu số phí bảo trì đường bộ chủ xe chậm nộp...
Đó là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa kết luận, giao Cục Đăng kiểm phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung báo cáo Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong việc thu phí bảo trì đường bộ đối với ôtô.
Theo đó, Cục Đăng kiểm được giao chủ trì xây dựng phương án thống nhất hai loại tem kiểm định và tem thu phí bảo trì đường bộ đang dán trên kính ôtô hiện nay thành một loại tem, đồng thời tính toán phương án truy thu số phí bảo trì đường bộ chủ xe chậm nộp và phải cộng thêm chi phí chậm nộp theo lãi suất ngân hàng theo hướng giảm phí cho trường hợp nộp trước và tăng phí với các trường hợp chậm nộp, thực hiện trong tháng 10-2015.
Ngoài ra, trong kết luận tại cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô VN và Hội đồng Khoa học - công nghệ, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ soạn thảo các nội dung sửa đổi, bổ sung thông tư 63/2014/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 10-2015 để bỏ thủ tục chấp thuận tuyến vận tải hành khách bằng ôtô theo tuyến cố định; các sở GTVT trên cơ sở quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách thực hiện xây dựng và công bố khai thác biểu đồ, tần suất chạy xe để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện đăng ký.
(
Tinkinhte
tổng hợp)