Doanh nghiệp kêu thua lỗ vì vênh biểu giá nhập khẩu
Trung Quốc bán phá giá thép khiến hàng ngàn người mất việc
Brand Finance: Thương hiệu FPT có giá trị 239 triệu USD
Giá lúa ở Hậu Giang tăng mạnh
Vinacomin dự kiến hợp tác nhập khẩu than với doanh nghiệp Nhật Bản
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-10-2015
- Cập nhật : 21/10/2015
Sẽ tiếp tục bán vốn nhà nước tại nhiều DN lớn
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo SCIC đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước ...
Chiều 19-10, phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo SCIC cần đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước không cần nắm giữ và thực hiện tốt vai trò cổ đông nhà nước tại các DN có quy mô lớn, kinh doanh những lĩnh vực then chốt, trọng yếu đối với nền kinh tế.
Cũng tại buổi lễ, bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, đánh giá cao quyết định thoái vốn tại 10 DN lớn do SCIC đại diện phần vốn nhà nước như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), FPT... bởi động thái này thể hiện chủ trương của Chính phủ là thoái vốn nhà nước tại các DN kinh doanh ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Tuy nhiên, theo bà Kwakwa, SCIC cũng nên tiếp tục cải thiện năng lực của mình, đặc biệt tập trung vào một số ngành trọng điểm hơn là dàn trải quá nhiều vốn vào các ngành nghề như hiện nay.
Theo ông Lại Văn Đạo - tổng giám đốc SCIC, đến nay SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 DN với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỉ đồng. Đa số DN này hiện có kết quả kinh doanh tốt, chỉ có 60 DN nhỏ rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ.
Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các DN này khoảng 15-17%, một số DN có ROE bình quân trên 30%, như Công ty Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (46%), Vinamilk (39%), Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (37%), Công ty CP FPT (31% )…
Tập đoàn Hàn Quốc muốn mở 60 siêu thị tại Việt Nam
“Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 4.000 doanh nghiệp. Đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tính đến tháng 7/2015 đạt 32,8 tỉ USD”.
Đây là thông tin được ông Hoong Soon Chang, Phó Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, cho biết tại buổi trao học bổng cho 54 sinh viên xuất sắc của tám trường đại học ở TP.HCM do Lotte Mart vừa tổ chức.
Theo ông Hoong Soon Chang, trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, Lotte Mart là một trong những tập đoàn có sức đầu tư mạnh mẽ nhất và đang dẫn đầu trong một số lĩnh vực với các mô hình bán lẻ, khách sạn, rạp chiếu phim...
Ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam, cho biết thêm Việt Nam là thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Vì vậy tập đoàn muốn đầu tư mạnh mẽ hơn. Mục tiêu đến năm 2020 mở 60 siêu thị và hiện nay đã mở 11 siêu thị tại Việt Nam.
Dầu khí sẽ được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
Cùng với đó, các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng cũng được sử dụng ngoại hối, sau khi được NHNN chấp thuận.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 3/12/2015 bổ sung thêm các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam gồm các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí sau khi được NHNN chấp thuận.
Ngoài ra, Thông tư bổ sung thêm yêu cầu về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt, bao gồm văn bản đề nghị chấp thuận sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; Bản sao giấy tờ chứng minh việc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác tương đương; Các hồ sơ, tài liệu chứng minh nhu cầu cần thiết sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong 10 ngày làm việc kể từ lúc nhận được hồ sơ, NHNN có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Cổ phần hóa DNNN 2011-2015 không thể về đích
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015 không thể về đích khi mới chỉ có 340 trong tổng số hơn 1.300 doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ phê duyệt đã hoàn tất cổ phần hóa, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Trao đổi với báo chí hôm 19-10 về tình hình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước và tiến độ thoái vốn của nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn, ông Tiến cho biết "Kế hoạch cổ phần hóa cả giai đoạn là khoảng 531 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đến tháng 9-2015 đã CPH được gần 340 doanh nghiệp; đạt tỷ lệ 64%. Tổng số DNNN cần sắp xếp lại là 1.309 doanh nghiệp tại thời điểm 1-1-2011; dự kiến tới cuối năm 2015 số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn hơn 600 đơn vị".
Kết quả CPH và sắp xếp DNNN cho thấy số DNNN đã giảm mạnh song vẫn chưa đạt được mong muốn của Chính phủ.
Ông Tiến cho rằng giai đoạn 2016-2020 phải tiếp tục làm quyết liệt hơn khi mọi cơ chế đã rõ ràng. Quan trọng nhất là cải thiện thông tin minh bạch để tiếp tục CPH, thu hút nhà đầu tư ngoại.
Theo ông, giai đoạn 2016-2020 phải tiến hành CPH bước hai, tức là đưa các doanh nghiệp đã CPH nhưng chưa bán được cổ phần như mong đợi thành công ty đại chúng, niêm yết để thu hút các nhà đầu tư
Ông Tiến cũng trao đổi với báo chí một vấn đề "nóng" khác là chỉ đao của Chính phủ cho phép SCIC thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, trong tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp không diễn ra theo đúng kế hoạch.
Việc lựa chọn chính xác thời điểm nào để bán hết vốn nhà nước mà SCIC đang quản lý tại 10 doanh nghiệp lớn là do tổng công ty này quyết định. Chính phủ chỉ “bật đèn xanh” chứ không trực tiếp chỉ đạo doanh nghiệp phải chọn thời điểm nào, miễn là thời điểm nào họ thấy có lợi nhất, ông Tiến nói.
“Sở dĩ Chính phủ quyết định việc đó vào thời điểm này vì thời điểm trước thị trường chưa tốt, đưa hàng hóa ra chưa chắc đã tìm được giá tốt nhất và nhà đầu tư tốt,” ông Tiến nói, và phân tích rằng nếu thời điểm không thuận lợi mà đưa hàng hóa ra giá thấp thì bất lợi. “Vì chúng ta không bán tháo bằng mọi giá,” ông Tiến giải thích.
Bộ Tài chính: Giá xe nhập khẩu có thể giảm một nửa từ 2019
Thông tin trên được ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế Bộ tài chính chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 20/10. Theo nội dung mới nhất được Chính phủ trình Quốc hội, sửa đổi một số điều của các luật về thuế hôm 16/10, cơ quan quản lý dự kiến sẽ giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt các dòng xe ôtô dung tích dưới 2 lít trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0% theo các cam kết hội nhập.
Lộ trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xe từ 9 chỗ trở xuống
Dòng xe | Thuế sửa đổi | Thuế hiện hành |
- Dung tích một lít trở xuống | ||
+ Từ tháng 7/2016 đến hết năm 2017 | 40% | 45% |
+ Từ năm 2018 | 30% | 45% |
+ Từ năm 2019 | 20% | 45% |
- Dung tích 1-1,5 lít | ||
+ Từ tháng 7/2016 đến hết năm 2017 | 40% | 45% |
+ Từ năm 2018 | 35% | 45% |
+ Từ năm 2019 | 25% | 45% |
- Dung tích 1,5-2 lít | ||
+ Từ năm 2018 | 40% | 45% |
+ Từ năm 2019 | 30% | 45% |
Lý giải về đề xuất này, ông Phạm Đình Thi cho biết việc này nhằm thúc đẩy dung lượng thị trường với những dòng xe ưu tiên phát triển (dung tích nhỏ, tiêu hao nhiên liệu ít, phù hợp với thu nhập của người dân). Theo lộ trình, trong 2 năm 2016, 2017, thuế suất tiêu thụ đặc biệt cho xe dưới một lít sẽ giảm 5% về 40%; năm 2018 giảm tiếp về 30% và năm 2019 chỉ còn 20%.
Trong khi đó, thuế nhập ôtô từ 9 chỗ trở xuống sẽ về 0% theo các cam kết của Việt Nam khi hội nhập. Theo ông Phạm Đình Thi, khi thuế nhập khẩu giảm sẽ kéo theo thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng giảm theo.
Nhờ vậy, theo tính toán của Vụ Chính sách Thuế, đến năm 2019 - thời điểm cuối cùng trong lộ trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá những dòng xe được ưu đãi nhất (xe dung tích dưới một lít) thậm chí có thể giảm 42% so với hiện nay.
Ngược lại, Chính phủ quyết định tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt cao với dòng ôtô nhập khẩu dung tích lớn (trên 3 lít), một số loại xe có thể tăng gấp đôi so với trước.
Lý giải về việc này, ông Phạm Đình Thi cho biết chính sách giảm thuế cho xe dung tích nhỏ, tăng với xe phân khối lớn của cơ quan soạn thảo còn nhằm hướng đến các nhà sản xuất. "Tại sao đến 2019, thuế mới giảm sâu? Bởi với lộ trình này, khi có trước dự báo về chính sách, các nhà đầu tư sản xuất xe sẽ có những tính toán đầu tư vào ngành ôtô Việt Nam cho phù hợp. Thông thường, từ khi bắt đầu đầu tư đến khi hoàn thành cũng mất cỡ 2-3 năm. Khi đó Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp hỗ trợ", ông Thi nói.
Khi giảm một loạt thuế, lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tài chính cũng tự tin cho rằng quy mô ngân sách có thể không bị ảnh hưởng. Ông dẫn chứng: "Thuế giảm, giá xe giảm, dung lượng thị trường sẽ lớn hơn đồng nghĩa số người mua ôtô có thể tăng gấp 2,5 lần. Khi đó, quy mô ngân sách thu về có thể còn tăng".