Thái Lan cải cách kinh tế bằng tiền tươi thóc thật; Hàng Việt muốn chinh phục thị trường Thái Lan; Đến lượt Hàn Quốc cấm tất cả dự án gọi vốn cho tiền ảo; Số triệu phú ở Nga, Indonesia và Hà Lan tăng mạnh
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-10-2015
- Cập nhật : 20/10/2015
Nhập siêu Việt Nam lên 4 tỉ USD
Nhập siêu 9 tháng đầu năm 2015 của VN đã vọt lên 4,03 tỉ USD, bằng 3,4% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, cao hơn so với 3,86 tỉ USD con số ước tính trước đó.
Hàng rau củ, trái cây từ Trung Quốc vẫn tràn về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Tiến Long
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố, nhập siêu 9 tháng đầu năm 2015 của VN đã vọt lên 4,03 tỉ USD, bằng 3,4% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, cao hơn so với 3,86 tỉ USD con số ước tính của Bộ Công thương trước đó.
Chỉ riêng trong tháng 9-2015, cán cân hàng hóa VN đã thâm hụt thương mại khoảng 220,6 triệu USD.
Trong đó, đáng chú ý khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đóng góp chính vào mức tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, chiếm tỉ trọng ưu thế.
Chín tháng đầu năm 2015 khu vực này xuất siêu khoảng 8,55 tỉ USD với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 155,34 tỉ USD, tăng 20,8% (tương ứng tăng 26,8 tỉ USD).
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 12,55 tỉ USD do xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu tăng.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm chủ yếu đến từ những ngành hàng chủ lực như nông lâm thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản… cho thấy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn.
Khởi động dự án đường ống xăng dầu qua Lào
Toàn tuyến ống có 25 đoạn vượt sông, một đoạn cắt qua đường sắt Bắc - Nam, sáu lần vượt qua quốc lộ 1 và các quốc lộ khác…
Ngày 19-10, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết Công ty TNHH Petro Lào và tỉnh Quảng Bình vừa thống nhất việc khảo sát và phóng tuyến chuẩn bị thi công dự án xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn xăng dầu từ cảng biển Hòn La (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) sang tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Kho ngoại quan Hòn La có diện tích 30ha, sức chứa 150.000 - 200.000m3xăng dầu.
Tuyến ống từ kho ngoại quan đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hóa) dài khoảng 135km, gồm hai đường song song cách nhau 5m, được đặt sâu 1,3m, đi qua các huyện Quảng Trạch (32km), Tuyên Hóa (28km), Minh Hóa (75km).
Bao bì táo Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế
Cục Hải quan Quảng Ninh vừa chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với mặt hàng Táo đỏ Phú Sỹ nhập khẩu từ Trung Quốc có bao bì mang nội dung vi phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Cơ quan hải quan Quảng Ninh cho biết từ ngày 23-9 đến nay, trên địa bàn TP. Móng Cái xuất hiện mặt hàng Táo đỏ (có tên gọi là ) đóng gói bao bì bằng loại thùng 10kg, kích thước 20x15x25cm.
Loại táo này được nhập khẩu từ Trung Quốc, bên ngoài bao bì in hình 1 hòn đảo và cờ Trung Quốc, phía dưới hình có ghi dòng chữ tiếng Trung Quốc và tiếng Anh mang nội dung “Đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc”.
Việc phía Trung Quốc lợi dụng hoạt động thương mại để tuyên truyền nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác đang trong thời kỳ tranh chấp (Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku) trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật quốc tế, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam và các quốc gia liên quan.
Trước tình hình đó, ngày, Cục Hải quan Quảng Ninh vừa có công văn yêu cầu các Chi cục Hải quan trực thuộc, Đội Kiểm soát Hải quan số 1, 2 và Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với mặt hàng Táo đỏ Phú Sỹ.
Theo đó, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện đúng quy trình thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với mặt hàng Táo đỏ Phú Sỹ nhập khẩu qua cửa khẩu có bao bì in nội dung vi phạm nêu trên.
Cơ quan hải quan phải yêu cầu người nhập khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu phải hủy bỏ bao bì có in nội dung này hoặc thay đổi bao bì đóng gói rồi mới được làm thủ tục nhập khẩu. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các bao bì chứa hàng hóa nhập khẩu mang nội dung vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm pháp luật Việt Nam.
VietinBank được định giá thương hiệu lớn nhất ngành ngân hàng Việt Nam
Hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) vừa công bố danh sách 50 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam năm 2015 (Vietnam Top 50 brands 2015). Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank dẫn đầu ngành ngân hàng với giá trị thương hiệu được định giá 197 triệu USD.
Đây là lần đầu tiên các thương hiệu Việt Nam được Brand Finance đưa vào danh sách được định giá hằng năm. Các tiêu chí đánh giá gồm khả năng làm tăng giá trị sản phẩm của một thương hiệu; mức độ ảnh hưởng đối với quyết định mua của khách hàng; chi phí để xây dựng thương hiệu thành công; giá trị mua bán trên thị trường chứng khoán; và khả năng tạo ra lợi nhuận của thương hiệu. Brand Finance cũng đánh giá độ mạnh của các thương hiệu theo thang A, AA và AAA.
Thương hiệu VietinBank được đánh giá ở mức A, giá trị thương hiệu đạt 197 triệu USD. Với giá trị này, VietinBank có giá trị thương hiệu số 1 của Ngành Ngân hàng Việt Nam.
Theo ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quản trị Thương hiệu Mibrand, việc công bố kết quả định giá các thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt một cách nhìn nhận mới mẻ và thực chất về giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp. Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh Việt Nam đã ký Thoả thuận Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, thương hiệu sẽ là vũ khí tối thượng giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh với thương hiệu ngoại.
Trước đó hồi trung tuần tháng 10/2015, theo công bố Bảng xếp hạng 1.000 Doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2015 (V1000) thì VietinBank đứng thứ 5 trong Top 10. Đặc biệt, VietinBank 6 năm liên tiếp dẫn đầu trong số 9 ngân hàng nằm trong Top 50 của V1000.
Cũng trong năm 2015, lần thứ 4 liên tiếp, VietinBank lọt vào Top 2000 Doanh nghiệp lớn nhất thế giới do Tạp chí Forbes xếp hạng (Forbes Global 2000). Mới đây, VietinBank vinh dự lần thứ 6 liên tiếp vào Top 10 Sao Vàng đất Việt. Giải thưởng nhằm bình chọn và tôn vinh các doanh nghiệp có thương hiệu và sản phẩm đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tính đến 30/6/2015, tổng tài sản toàn hệ thống VietinBank đạt 686.000 tỷ đồng, tăng 24.600 tỷ đồng (+3,72%) so với đầu năm, đạt 92% kế hoạch Đại hội Đại cổ đông giao; tổng nguồn vốn huy động đạt gần 615.000 tỷ đồng, tăng 19.700 tỷ đồng (+3,3%) so với đầu năm, đạt 91% kế hoạch Đại hội Đại cổ đông giao; tổng dư nợ cho vay và đầu tư đạt 638.900 tỷ đồng, tăng 22.000 tỷ đồng (+3,6%) so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế lũy kế đến 30/6/2015 ở mức 3.879 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch năm 2015.
Ông Tony Blair muốn tư vấn cổ phần hóa cho VEC, Vinalines
Sáng 19/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có buổi tiếp và làm việc với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Bày tỏ sự vui mừng được gặp lại Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngài Tony Blair cũng cảm ơn Bộ trưởng vì đã dành thời gian cho buổi làm việc ngày hôm nay.
Cho biết mình vừa có buổi làm việc với Bộ trưởng Tài chính về một số vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các thức thu hút đầu tư vào DNNN, ngài Tony Blair nhấn mạnh trong ngành GTVT có 2 DNNN mà Văn phòng Tony Blair tại Việt Nam đang hỗ trợ là TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
“2 DN này đều khá hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và chắc chắn sẽ có khả năng phát triển mạnh mẽ nếu tìm được nhà đầu tư tốt. Tôi mong muốn nghe ý kiến của ngài Bộ trưởng để biết đâu là trở ngại, cách thức hỗ trợ như thế nào để thu hút đầu tư vào các DN này” – ngài Tony Blair nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết theo chương trình Chính phủ phê duyệt thì năm nay phải cơ bản cổ phần hóa (CPH) DNNN ngành GTVT. Bộ đang làm rất tốt công việc này và được Chính phủ đánh giá là Bộ đi đầu trong công tác CPH, đổi mới doanh nghiệp.
“Với VEC, Bộ đã hoàn thành phương án CPH và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm căn cứ triển khai thực hiện” – Bộ trưởng nói và cho biết đây là DN nhà nước đầu tư nhiều dự án giao thông với quy mô lớn. Vấn đề đặt ra với VEC hiện nay là triển khai có hiệu quả việc tái cơ cấu và tăng vốn điều lệ để tham gia các dự án lớn, kêu gọi đầu tư vào VEC khi thực hiện CPH hay không.
Tương tự, với Vinalines, Bộ trưởng cho biết đã trình Thủ phương án tái cơ cấu và CPH. Hiện Chính phủ đang lấy ý kiến Bộ ngành trước khi có quyết định cuối cùng. “Vấn đề lớn nhất với Vinalines là xử lý khoản nợ xấu, xử lý tài chính trước khi CPH. Kế đó là phương án sản xuất kinh doanh của Vinalines sau khi CPH, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục, vận tải biển còn nhiều khó khăn” – Bộ trưởng cho biết.
Hoan nghênh Văn phòng Tony Blair tham gia tư vấn giúp VEC, Vinalines nhưng Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc này phải tuân thủ theo quy định pháp luật VN. Cụ thể, quy định lựa chọn đơn vị tư vấn CPH phải thông qua đấu thầu. Nếu muốn chỉ định thầu, phải báo cáo và được sự đồng ý của Chính phủ.
Khẳng định sẵn sàng hỗ trợ cho VEC và Vinalines, ngài Tony Blair nói: "Chuyên gia của tôi có trên 20 năm kinh nghiệm, sẵn sàng đề xuất các phương án tối ưu. VEC sở hữu nhiều tài sản, quỹ đất dọc trục đường giao thông, chúng tôi có thể tư vấn thanh khoản đất đai này thành dòng tiền đầu tư. Theo cách thức này, VEC sẽ không còn phải chờ đợi dòng tiền của ngân sách nhà nước để tạo vốn điều lệ nữa” – ông Blair nói.
Một lần nữa cảm ơn và hoan nghênh sự hỗ trợ của Văn phòng Tony Blair tại Việt Nam với VEC và Vinalines, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Bộ GTVT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các bên có thể tiếp xúc, bàn bạc các vấn đề cụ thể".