Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết từ tháng 1 - 9.2015, VN thâm hụt thương mại 4,03 tỉ USD. Cụ thể, xuất khẩu đạt gần 120,2 tỉ còn nhập khẩu 124,2 tỉ USD.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp chính vào tổng kim ngạch xuất khẩu của VN 81,95 tỉ USD so với 38,3 tỉ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp FDI xuất khẩu tăng gần 21% thì xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm 9,5%.
Về thị trường xuất nhập khẩu, VN nhập tới 36,7 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, còn xuất khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới 12,4 tỉ USD. Như vậy, chỉ riêng thị trường Trung Quốc, VN nhập siêu tới 24,3 tỉ USD trong vòng 9 tháng.
Vingroup là thương hiệu bất động sản giá trị nhất VN
Thương hiệu Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup vừa được tôn vinh là thương hiệu bất động sản đắt giá nhất VN 2015, do Hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance công bố.
Cụ thể, thương hiệu kinh doanh và quản lý bất động sản Vinhomes được định giá 343 triệu USD, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 10 thương hiệu giá trị nhất VN năm nay. Đặc biệt, trong top 10, Vinhomes là doanh nghiệp tư nhân duy nhất và là thương hiệu duy nhất thuộc lĩnh vực bất động sản.
Theo báo cáo của Brand Finance, các tiêu chí đánh giá thương hiệu gồm khả năng làm tăng giá trị sản phẩm của một thương hiệu; mức độ ảnh hưởng đối với quyết định mua của khách hàng; chi phí để xây dựng thương hiệu thành công; giá trị mua bán trên thị trường chứng khoán và khả năng tạo ra lợi nhuận của thương hiệu.
Ngoài giá trị thương hiệu, thương hiệu Vinhomes được đánh giá độ mạnh thương hiệu ở mức AA+, chỉ đứng sau 1 doanh nghiệp dẫn đầu (mức AAA-).
Bên cạnh Vinhomes, hai thương hiệu khác của Tập đoàn Vingroup cũng được xếp hạng trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất VN là Vincom (vị trí thứ 28) - hoạt động trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng bán lẻ hiện đại và Vinmec (vị trí thứ 32) - thuộc lĩnh vực y tế. Hai thương hiệu này được đánh giá cao với thang AA. Ngoài ra, hai công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng - chủ đầu tư dự án Vinhomes Riverside và Công ty cổ phần phát triển đô thị Nam Hà Nội - Chủ đầu tư dự án Times City cũng hiện diện trong Top 50.
Đánh giá của Brand Finance đã khẳng định uy tín và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của thương hiệu Vinhomes, Vincom, Vinmec trên thị trường. Đồng thời, việc có tới 5 thương hiệu cùng lúc hiện diện trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất VN năm 2015 đã cho thấy quy mô, tầm vóc và giá trị tổng thể hàng đầu của thương hiệu Vingroup bình diện quốc gia.
Tập đoàn Thái Lan hợp tác quản lý tổ hợp 1,5 tỉ USD tại Quảng Nam
Ngày 18.10, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam) cho biết địa phương rất khuyến khích mối quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn HB Group và Tập đoàn khách sạn quốc tế ONYX Hospitality Group (Thái Lan) để hỗ trợ thu hút du khách lưu trú tại Hội An, sau sự kiện ký kết quản lý dự án OZO Hội An giữa đối tác có cơ sở hạ tầng và đối tác có năng lực quản lý.
Dự án OZO Hội An là tổ hợp khách sạn, làng ăn uống và khu vui chơi giải trí, khu căn hộ, biệt thự… xây dựng trên diện tích khoảng 400 ha thuộc địa bàn Điện Dương (TX.Điện Bàn) và Cẩm An (TP.Hội An) với tổng vốn đầu tư lên đến 1,5 tỉ USD. Riêng khách sạn OZO Hội An (do Công ty CP Tri Việt Hội An thuộc Tập đoàn HB Group làm chủ đầu tư) dự kiến khai trương vào cuối năm 2016.
ONYX Hospitality Group là tập đoàn khách sạn quốc tế danh tiếng hiện đang sở hữu 4 thương hiệu khách sạn gồm: Saron, Amari, Shama, OZO.
Intel ra mắt công cụ quản lý bán hàng thông minh tại Việt Nam
Sản phẩm giúp doanh nghiệp vừa vả nhỏ, cửa hàng phân phối có thể quản lý việc kinh doanh, giảm chi phí hoạt động...
Công ty Intel Việt Nam cùng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (VECITA) và đối tác vừa ra mắt hệ thống quản lý bán hàng thông minh mang tên Alepo. Chương trình vừa giúp quản lý chi phí và hoạt động, vừa nâng cao năng suất và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Alepo gồm 5 nhóm nghiệp vụ cơ bản là tạo hàng bán, nhập, bán hàng, in hóa đơn và quản lý báo cáo. Theo đại diện VECITA, chương trình phù hợp với nhiều quy mô kinh doanh, từ quầy, cửa hàng, chuỗi nhà hàng cho tới siêu thị hay đại siêu thị... Hệ thống giao diện được nghiên cứu kỹ nên người dùng có thể làm quen nhanh chóng để tự sử dụng.
Chương trình hoạt động đa nền tảng (từ máy tính, thiết bị di động...) và trả phí theo thời gian sử dụng (tháng hoặc năm). Người dùng có thể cài đặt Alepo để quản lý kinh doanh trên cả chuỗi cửa hàng, không giới hạn số lượng điểm bán.
Theo thống kê của VECITA, cả nước đang có hơn 3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng phân phối bán lẻ. Trong đó, địa bàn buôn bán rất đa dạng, từ mặt tiền của tuyến phố, cửa hàng trong trung tâm thương mại tới các chợ lớn nhỏ, hộ gia đình hay mô hình thương mại điện tử trên Internet.
"Đây là bộ phận chủ đạo của khu vực kinh tế tư nhân, thành phần năng động nhất của nền kinh tế", lãnh đạo VECITA nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhóm này vẫn dùng hình thức quản lý hoạt động kinh doanh bằng sổ sách, giấy tờ thủ công.
Nhập khẩu bông tăng đột biến
9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu bông tăng 44,2% về lượng và 17,1% về trị giá so với cùng kỳ 2014.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), tính riêng tháng 9, nhập khẩu bông của cả nước ước đạt 100.000 tấn, trị giá 163 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và 11,9% về trị giá so với tháng trước, tăng 34,1% so với cùng kỳ 2014. Giá bông nhập khẩu 9 tháng giảm 18,8%, xuống còn 1.608 USD một tấn.
Theo Vitas, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng dồi dào cho quý IV, đặc biệt, nhiều đơn vị còn ký luôn cho quý I/2016. Cho nên, quý IV, Vitas dự báo, lượng bông nhập khẩu tiếp tục trên đà tăng 50% so với cùng kỳ 2014, ước đạt 290.000 tấn.
Bên cạnh bông, các mặt hàng khác như vải, xơ, sợi không có dấu hiệu tăng đột biến. 9 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này chỉ tăng khoảng 3 - 9% so với cùng kỳ 2014.
(
Tinkinhte
tổng hợp)