Tháng 12/2015, trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh
Dell chi 67 tỷ USD làm M&A lớn nhất lịch sử ngành công nghệ
Đã thu được 12,39 nghìn tỷ đồng từ thoái vốn DNNN
Cần rà soát toàn diện thị trường phân bón
Khó giữ bội chi ngân sách ở 5% GDP
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-10-2015
- Cập nhật : 22/10/2015
Cá nhân tại Việt Nam được phép thăm dò, khai thác dầu khí
Chính phủ quy định một số điều khoản cụ thể đối với quá trình thăm dò, tìm kiếm và khai thác dầu khí...
Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định 95/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.
Theo đó, nghị định quy định một số nội dung về việc thực hiện hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản; đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí (kể cả xử lý, thu gom, tàng trữ, vận chuyển dầu khí trong khu vực khai thác cho tới điểm giao nhận và các hoạt động dịch vụ dầu khí); thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí trong phạm vi lãnh thổ đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam.
Nghị định nêu rõ, cá nhân, tổ chức có quyền tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, tuy nhiên phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và phải thực hiện các công việc về an toàn.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí phải lập vùng an toàn và duy trì tín hiệu an toàn cho các công trình dầu khí và máy móc thiết bị như khoảng cách tối thiểu vùng an toàn cho các công trình dầu khí trên biển là 500 m trở ra tính từ rìa ngoài cùng của các công trình về mọi phía hoặc từ vị trí thả neo đối với các phương tiện nổi, công trình di động, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đồng thời, trong phạm vi 2 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí (bao gồm các công trình ngầm dưới đáy biển), các phương tiện, tàu thuyền không được thả neo hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển.
Trong phạm vi vùng an toàn, người không có trách nhiệm không được xâm nhập, trừ trường hợp đặc biệt do nhà thầu chấp thuận hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí không được xây dựng công trình, thả phương tiện nổi cũng như không thiết lập vành đai an toàn xung quanh công trình, phương tiện ở nơi có nguy cơ cản trở cho việc lưu thông các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế và tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý cảng biển, luồng hàng hải...
Cùng với đó, tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác dầu khí phải tuân thủ các quy định về khai thác tài nguyên dầu khí; thực hiện đúng nội dung kế hoạch phát triển mỏ dầu khí hoặc kế hoạch phát triển sớm mỏ dầu khí đã được phê duyệt; áp dụng các biện pháp kỹ thuật và thiết bị tiên tiến nhằm thu hồi dầu khí tối ưu nhưng không gây tác hại đến lòng đất, môi trường sinh thái và an toàn mỏ.
Cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường về tài sản, con người nếu để xảy ra những thiệt hai trong quá trình thăm dò, tìm kiếm dầu khí và phải chịu trách nhiệm về môi trường, phải làm sạch, khôi phục hiện trạng môi trường do tác hại của hoạt động dầu khí gây ra.
Warren Buffett mất thêm nửa tỷ USD vì cổ phiếu IBM
Đây không phải là lần đầu tiên cổ phiếu IBM khiến Berkshire “thua đau” vì kết quả kinh doanh quý không như ý muốn...
Nhiều người tin tưởng rằng nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffettkhông bao giờ “dính” thua lỗ, nhưng theo hãng tin CNBC, cổ phiếu của hãng công nghệ IBM đang khiến vị tỷ phú này mất những khoản không hề nhỏ.
Ngày 19/10, khi thị trường chứng khoán Phố Wall đã đóng cửa phiên chính và chuyển sang giao dịch điện tử, IBM công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 gây thất vọng.
Ngay lập tức, giá cổ phiếu IBM sụt hơn 5%, khiến giá trị cổ phần mà tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett nắm giữ trong hãng này “bốc hơi” 517 triệu USD trên giấy tờ.
Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối tháng 6, nhà tiên tri xứ Omaha nắm 59,57 triệu cổ phiếu IBM, khiến cổ phiếu này là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của ông.
Ngoài ra, Buffett cũng là cổ đông lớn nhất của IBM, nắm giữ lượng cổ phiếu nhiều hơn 20 triệu cổ phiếu so với mức nắm giữ của cổ đông lớn thứ nhì.
Chắc chắn là Buffett có cái nhìn dài hạn, và ông đã mua thêm cổ phiếu IBM vào đầu năm nay. Hồi tháng 5, Buffett tuyên bố kỳ vọng sẽ kiếm được một khoản “đáng kể” từ cổ phiếu IBM trong dài hạn.
Tuy vậy, đây không phải là lần đầu tiên cổ phiếu IBM khiến Berkshire “thua đau” vì kết quả kinh doanh quý không như ý muốn.
Tháng 10 năm ngoái, cổ phiếu IBM cũng rớt giá mạnh sau khi báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, cuốn phăng 1 tỷ USD khỏi giá trị sổ sách của Berkshire. Tháng 7 năm nay, một báo cáo hàng quý u ám nữa của IBM khiến Berkshire “mất đứt” hơn 700 triệu USD vào ngày hôm sau.
Trong quý 3 vừa qua, lợi nhuận ròng của IBM giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 3 tỷ USD. Doanh thu của hãng giảm 14%, còn 19,6 tỷ USD.
Kết quả kinh doanh này của IBM khiến giới phân tích đặt ra những câu hỏi xung quanh tiến trình dịch chuyển sang những lĩnh vực kinh doanh mới của hãng.
Phần lớn sự suy giảm lợi nhuận và doanh thu này được cho là bắt nguồn từ đồng USD mạnh lên và việc năm ngoái IBM bán lại một trong các bộ phận phần cứng máy tính của hãng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều dấu hiệu của sự yếu kém ở IBM, trong đó doanh thu ở mảng phần mềm có quy mô lớn và khả năng sinh lợi cao của hãng đã giảm 3%, chưa tính đến yếu tố tỷ giá.
Ferrari thu về 10 tỷ USD trong ngày đầu niêm yết tại Phố Wall
Ngay trong ngày đầu tiên niêm yết (IPO) trên Thị trường chứng khoán phố Wall (Mỹ), hãng sản xuất ôtô thể thao nối tiếng Ferrari của Italy đã thu về 10 tỷ USD, với giá trị mỗi cổ phiếu lên tới 52 USD.
Ngay trong ngày đầu tiên niêm yết (IPO) trên Thị trường chứng khoánphố Wall (Mỹ), hãng sản xuất ôtô thể thao nối tiếng Ferrari của Italy đã thu về 10 tỷ USD, với giá trị mỗi cổ phiếu lên tới 52 USD.
Giá trị cổ phiếu đạt mức cao nhất trong khoảng kỳ vọng 48-52 USD mà Fiat Chrysler Automobiles, công ty mẹ của Ferrari, đặt ra trước đó cho thấy sức hút đầu tư của hãng xe hơi nổi tiếng này. Điều này cũng ghi nhận sự thành công của kế hoạch đầy tham vọng mà Chủ tịch Tập đoàn Fiat Chrysler Automobiles, Sergio Marchionne quyết tâm thực hiện nhằm đưa thương hiệu xe huyền thoại này đến thị trường Mỹ.
Các nhà bảo lãnh đã phát hành 17,2 triệu cổ phiếu và dự định sẽ phát hành thêm 1,7 triệu cổ phiếu nữa tùy theo nhu cầu sau ngày đầu giao dịch chính thức 21/10, với mã giao dịch "RACE."
Các phân tích cho biết trong những tuần gần đây thị trường không mấy hào hứng với buổi IPO của Ferrari do nền kinh tế của thị trường tiêu thụ lớn nhất của Ferrari là Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên công ty vẫn rất tự tin về những triển vọng đem lại từ những mẫu ôtô mới được hãng đưa vào giới thiệu trong hồ sơ IPO.
Năm 2014, Ferrari đã bán ra 7.255 siêu xe mới cho các khách hàng và dự đoán con số này sẽ tăng dần lên 9.000 xe trong năm 2019.
Mỹ phạt ngân hàng Pháp 800 triệu USD
Ngân hàng Credit Agricole của Pháp đã chấp nhận nộp phạt 800 triệu USD để giải quyết những rắc rối pháp lý.
Theo hãng tin AFP, thông tin trên được đưa ra sau khi Credit Agricoleđạt được thỏa thuận dàn xếp vụ việc với Bộ Tư pháp, cùng các cơ quan khác gồm: Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và Bộ Tài chính New York.
Trước đó, các cơ quan chức năng Mỹ đã cáo buộc ngân hàng Credit Agricole thực hiện các giao dịch chuyển hàng tỷ USD trái phép từ các nước bị Washington áp đặt lệnh trừng phạt như: Sudan, Cuba và Iran trong giai đoạn 2003-2008. Một số quan chức ngân hàng cấp cao tại Credit Agricole liên quan đến hoạt động phi pháp này đã từ chức.
Hồi đầu năm nay, ngân hàng BNP Paribas của Pháp cũng phải nộp khoản tiền phạt kỷ lục 8,9 tỷ USD vì những vi phạm tương tự.
Thủ tướng: TPP có thể được chính thức ký kết vào cuối năm 2015
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, sau khi kết thúc đàm phán các bên sẽ tiếp tục hoàn tất các văn bản thủ tục để có thể ký kết chính thức vào cuối năm 2015 và đầu 2016.
Trình bày trước phiên họp Quốc hội sáng nay (ngày 20/10/2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mạitự do tiêu chuẩn cao với sự tham gia của 12 quốc gia có quy mô chiếm khoảng 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.
Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt và trở thành thành viên từ tháng 11/2010.
Mục tiêu chung của TPP là hiệp định toàn diện tiêu chuẩn cao, cân bằng về lợi ích, có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát huy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều việc làm mới, nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo.
Sau 5 năm các nước đã kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015. Trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập kinh tế quốc tế theo Nghị quyết, đảm bảo lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết hiệp định bằng mọi giá, các nước tôn trọng thể chế chính trị của nước ta, đối xử linh hoạt, giành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, sau khi kết thúc đàm phán các bên sẽ tiếp tục hoàn tất các văn bản thủ tục để có thể ký kết chính thức vào cuối năm 2015 và đầu 2016.
Sau đó các nước sẽ tiến hành phê chuẩn hiệp định và theo quy chuẩn của mỗi nước với mục tiêu đưa hiệp định có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
Việc thực hiện TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội thuận lợi cho kinh tế xã hội, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định, bên cạnh cơ hội là những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Đối với một số ngành hàng mà khả năng cạnh tranh còn thấp, đàm phán đã đạt đươc lộ trình với thời gian thực thi phù hợp để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện thành công TPP phụ thuộc lớn vào sự nỗ lực phấn đấu, nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Với kinh nghiệm thực tế sau hơn 8 năm tham gia WTO, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của Cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn thách thức, phát huy tối đa cơ hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong việc thực hiện TPP, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn hiệp định theo đúng quy định của pháp luật” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.