Điểm mặt những mặt hàng chịu sức ép từ TPP
Đại gia ngoại không dễ bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam
Triệt phá đường dây đa cấp giả mạo tập đoàn tài chính Mỹ
Chính sách tiền tệ đang được nới lỏng?
Nhà đầu tư chóng mặt vì vàng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-05-2016
- Cập nhật : 21/05/2016
Chìa khóa giúp châu Á đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững
Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương được coi là kỳ tích của thế giới, mang lại sự thịnh vượng cho người dân, làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, chính sự phát triển "nóng" của khu vực này cũng kéo theo những hệ lụy không nhỏ về môi trường, sự mất cân bằng về kinh tế, xã hội… đòi hỏi các quốc gia ở khu vực phải có sự điều chỉnh, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được đánh giá là nơi có một số nền kinh tế năng động và sáng tạo nhất trên thế giới. Báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) cho thấy một số nền kinh tế của khu vực luôn được đánh giá là đầu tàu về môi trường kinh doanh sáng tạo (Singapore); chính phủ năng động, sáng tạo (Hàn Quốc); đầu tư cho nghiên cứu công nghệ cao, phát minh sáng chế (Trung Quốc). Các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng được xếp hạng cao về đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Khu vực này chiếm gần 43% tổng số đầu tư toàn cầu dành cho việc nghiên cứu. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á -Thái Bình Dương đã đầu tư hơn 650 tỷ USD vào việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng những thành tựu đầy ấn tượng chỉ được giới hạn trong phạm vi một số quốc gia. Ví dụ, 95% tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực này rơi vào nhóm 5 quốc gia hàng đầu. Để đáp ứng kỳ vọng mục tiêu Chương trình Phát triển Bền vững đến năm 2030, các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần phải khai thác tất cả các nguồn lực tiềm năng của mình, đặc biệt là tập trung vào việc mở rộng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới (STI). Nếu các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục con đường phát triển như hiện nay mà không quan tâm đến STI thì sẽ khó thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững bởi đầu tư STI từ lâu đã được coi là xương sống của nền kinh tế nhằm phục hồi năng suất lao động và đảm bảo phát triển bền vững.
Quy mô và chiều sâu của Chương trình Phát triển Bền vững đến năm 2030 đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác, đó là ưu tiên cho những đột phá về khoa học và những công nghệ tiên tiến. Để làm được điều này, giới chuyên gia cho rằng các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cần phải khẩn trương thực hiện 4 yếu tố sau.
Thứ nhất, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải nhận thức sâu sắc việc ứng dụng STI sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao hơn, trong khi vẫn đảm bảo được các điều kiện về gìn giữ môi trường, giảm lượng khí thải carbon.
Thứ hai, các chính phủ cần xây dựng chính sách STI tích hợp và có tầm nhìn xa, trong khi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư để sản xuất kinh doanh đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Thứ ba, các chính sách và chiến lược ứng dụng STI cần phải được phổ quát trong toàn xã hội. Việc phát triển các chính sách, chiến lược là để phục vụ cho mọi người dân, đặc biệt là phải làm cho những người có thu nhập thấp cảm thấy họ không bị bỏ lại ở phía sau.
Thứ tư, cần tạo ra cơ chế hợp tác rộng rãi trong toàn bộ các quốc gia của khu vực về STI. Điều đó tạo ra sự phấn khởi cho các quốc gia khác, chia sẻ khoa học công nghệ, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.
Báo cáo của ESCAP là một lời kêu gọi hành động về hợp tác STI của khu vực. Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có rất nhiều cơ hội để đổi mới các doanh nghiệp tư nhân, đổi mới cơ sở và chuyển giao công nghệ quốc tế. Bên cạnh đó, các nước còn cần quan tâm tới việc tạo ra một lực lượng lao động tay nghề cao. Chắc chắn cùng nhau hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm kịp thời thích ứng với những thay đổi của môi trường sẽ làm giúp các nước châu Á-Thái Bình Dương tiến lên phía trước, hướng đến mục tiêu phát triển đã được đề ra.
VietinBank thoái hơn 50% vốn tại SaigonBank
VietinBank cho biết, việc thoái vốn là để đảm bảo tuân thủ Quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 20, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng (TCTD) khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó”.
Ngân hàng SGB có vốn điều lệ hơn 3.080 tỷ đồng. Vốn của VietinBank tại SGB là 319.966.350.000 đồng, chiếm 10,39% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của SGB (theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). Số lượng cổ phiếu đăng ký bán đầu giá là 16.875.000 cổ phần (chiếm 5,48% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của SGB). Số lượng cổ phần sở hữu sau khi thoái vốn: 15.121.635 cổ phần (chiếm 4,91% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của SGB).Loại cổ phiếu: Cổ phiếu phổ thông.
Được biết, phương thức chào bán của VietinBank là bán đấu giá công khai qua Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam, thời gian thực hiện thoái vốn dự kiến trong Quý II/2016.
Cũng liên quan đến mua bán, sáp nhập, tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, dự kiến tháng 5/2016 sẽ có quyết định sáp nhập và tháng 9/2016 sẽ hoàn thành sáp nhập.
Lại thêm lô hàng thủy sản xuất khẩu bị EU cảnh báo
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT: Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm của Ủy ban châu Âu (EC) vừa cảnh báo lô hàng bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường EU mất an toàn thực phẩm.
Đó là lô hàng của Công ty TNHH Đông Đông Hải (DL 195). Để khắc phục tình trạng, Nafiqad yêu cầu Công ty TNHH Đông Đông Hải rà soát toàn bộ hồ sơ kiểm soát nguyên liệu, hồ sơ quản lý sản xuất và thực hiện các chương trình quản lý chất lượng để xác định nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, báo cáo về Nafiqad trước ngày 16-6.
Đối với các Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng, Nafiqad yêu cầu thực hiện chế độ lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu đối với chỉ tiêu bị cảnh báo theo quy định.
Trước đó, ngay cuối tháng 4 vừa qua, Nafiqad cũng thông tin, hàng loạt lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đó là các lô hàng xuất khẩu sản phẩm như cá tra đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá cờ kiếm của các đơn vị: Xí nghiệp Thực phẩm MEKONG DELTA-Công ty Cổ phần XNK TS Cần Thơ (DL 369); Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (DL 14); Công ty Cổ phần Foodtech (DH 174) và Công ty Cổ phần Khang Thông-Nhà máy chế biến thủy sản (DL 621).
Giá thép Hòa Phát đã tăng 15,7% từ khi thép Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu
Thị trường thép Việt Nam từ đầu năm 2016 chịu tác động lớn bởi quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu của Bộ Công Thương. Giá và sản lượng tiêu thụ thép đều tăng mạnh trở lại.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng thép xây dựng tiêu thụ nội địa trong quý I đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 56% với cùng kỳ năm ngoái.
Sang tháng 4, các thánh viên VSA tiếp tục bán ra hơn 1,1 triệu tấn thép các loại và xuất khẩu gần 200 nghìn tấn thép. Tổng lượng tiêu thụ tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, giá thép cũng tăng mạnh sau khi quyết định áp thuế được công bố hôm 7/3. Tâm lý đầu cơ của các đơn vị thương mại được xem là nguyên nhân chính đẩy giá thép tăng cao.
Mặc dù các nhà sản xuất thép lớn trên thị trường đều đã cam kết không tăng giá nhưng có một thực tế là giá bán ra của các nhà phân phối đều tăng khoảng 15% so với đầu tháng 3.
Số liệu từ một nhà phân phối phía Nam cho thấy: Giá bán bình quân các sản phẩm thép cây mã CB400/ SD390 của Hòa Phát tăng 15,7% từ hôm 7/3 đến 16/5.
Còn tại nhà máy Gang thép Thái Nguyên, giá bán được công bố cũng tăng 14% đối với nhóm sản phẩm tương tự trong khoảng thời gian từ 19/2 đến 10/5.
Kết quả từ việc tăng giá thép là lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng mạnh so với quý I năm ngoái.
Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận kinh doanh gần 1.000 tỷ đồng từ mảng thép. Con số này vẫn vượt trội so với các doanh nghiệp khác cùng ngành như Pomina hay Gang thép Thái Nguyên….
Gang thép Thái Nguyên báo cáo lãi 53 tỷ đồng trong quý I, gần bằng cả số lãi năm ngoái công ty này đạt được.
Pomina, doanh nghiệp đang đứng thứ 2 trên thị trường, cũng báo lãi 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty này lỗ 34 tỷ.
Tuy nhiên từ quý I, giá nguyên liệu sản xuất thép có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian giảm kéo dài. Điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành từ các quý tiếp theo.
Cụ thể, giá chào phôi thép dao động ở mức khoảng 390 USD/tấn CFR Đông Nam Á, khoảng 60 - 70 USD/tấn so với tháng trước. Còn trong nước, theo VSA, giá phôi thép trong nước hiện đang giao dịch ở mức 9,2-9,3 triệu đồng/tấn so với giá đầu năm khoảng 6,9 triệu đồng/tấn.
Chi phí của các nhà sản xuất thép chắc chắn sẽ tăng, kéo theo việc giá thép thành phẩm bị đẩy lên mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Đường thiếu, liệu giá có tăng?
Đến thời điểm này, đã có thể khẳng định chắc chắn rằng sản lượng đường trong nước niên vụ 2015/2016 vừa giảm hụt nhiều so với niên vụ trước, vừa thấp hơn khá nhiều so với nhu cầu tiêu dùng.
Theo TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, sản lượng đường niên vụ 2015/2016 chỉ đạt 1,22 triệu tấn, giảm gần 200 ngàn tấn so với niên vụ 2014/2015.
Nguyên nhân giảm chủ yếu do hạn hán, xâm nhập mặn đã làm hỏng nhiều diện tích mía, làm giảm năng suất và chất lượng mía (chữ đường) ở nhiều diện tích khác.
Nếu cộng thêm 85.000 tấn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mà Bộ Công Thương đang tổ chức đấu giá và 50.000 tấn đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào được nhập về Việt Nam với thuế suất 0%, thì tổng lượng đường trong nước sẽ vẫn chưa tới 1,4 triệu tấn, hụt khá nhiều so với nhu cầu tiêu dùng nội địa mà Bộ Công thương tính toán là khoảng 1,6 triệu tấn.
Sản lượng trong nước giảm mạnh, cộng với một số yếu tố khác như tâm lý cuối vụ, và nhất là giá đường thế giới tăng do sản lượng giảm mạnh ở nhiều nước, đã làm cho giá đường liên tục tăng trong thời gian qua.
So với tháng 3, trong tháng 4 vừa rồi, giá bán buôn đường kính trắngtăng khoảng 300-600 đ/kg (nằm ở mức 15.300-15.700 đ/kg), đường tinh luyện tăng 800-1.500 đ/kg (nằm ở mức 15.800-17.200 đ/kg). Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường sẽ còn tăng trong thời gian tới, nhất là khi đã vào mùa hè làm tăng nhu cầu sử dụng đường.
Tuy nhiên, giá đường tăng mạnh còn có nguyên nhân từ hiện tượng một số nhà máy găm đường lại để đẩy giá lên. Cụ thể, trong tháng 4, một số doanh nghiệp sử dụng đường đã phản ánh lên Bộ Công thương về việc họ không mua được đường ở trong nước để sản xuất.
Do đó, những doanh nghiệp này đã đề nghị cho nhập khẩu đường. Trước thông tin đó, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối chủ trì lập đoàn kiểm tra tình hình tiêu thụ và tồn kho tại một số nhà máy sản xuất đường tinh luyện, đồng thời tham gia với Bộ Công thương đi khảo sát nhu cầu sử dụng đường của một số doanh nghiệp như Vinamilk, Bibica, Coca Cola.
Sau đợt kiểm tra từ 20-27/4, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối có công văn số 335/CB – NS ngày 4/5/2016 gửi Hiệp hội Mía đường, trong đó có nêu ý kiến như sau: “Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, niên vụ 2015/16 có sụt giảm sản lượng mía, đường và tồn kho so với vụ trước; giá đường và giá mía tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân một số doanh nghiệp đã tích trữ, găm hàng chờ giá lên, gây ra sự khan hiếm giả tạo trên thị trường đường”.
Riêng về đề nghị nhập khẩu thêm đường của một số doanh nghiệp sử dụng đường, chủ trương của Bộ NN-PTNT là phải thật thận trọng. TS Lê Văn Bảnh cho biết, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ họp với các Bộ, ngành có liên quan về vấn đề này, rồi sẽ có đề xuất cụ thể lên Chính phủ.
Về nguồn cung đường trong nước, theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến hết tháng 4, lượng đường còn tồn trong kho của các nhà máy là 421.828 tấn, tại các công ty thương mại là 20.154 tấn. Việc nhập khẩu 85.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan nhiều khả năng sẽ bắt đầu được thực hiện từ cuối tháng 5. Ngoài ra, đường nhập lậu vẫn vào qua biên giới Tây Nam, khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Vì thế, trước mắt, nguồn cung đường cho nhu cầu nội địa sẽ chưa đến mức căng thẳng.
Thế giới thiếu hụt hàng triệu tấn đường
Không chỉ ở Việt Nam, do ảnh hưởng của El Nino, trong niên vụ 2015/2016, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế liên quan đến ngành đường cho thấy, sản lượng đường trên thế giới cũng bị sụt giảm mạnh và thiếu hụt khá nhiều so với nhu cầu.
Mới đây nhất, ngày 16/5, dựa trên báo cáo về sản lượng đường của Brazil (nước sản xuất đường lớn nhất thế giới), Platts Kingsman đã đưa ra dự báo rằng niên vụ 2015/2016, toàn thế giới sẽ thiếu hụt 5,48 triệu tấn đường.
Trước đó mấy ngày (13/5), Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cũng dự báo rằng sản lượng đường thế giới niên vụ 2015/2016 hụt 6,65 triệu tấn so với nhu cầu.
Ngày 9/5, Datagro dự báo sản lượng đường thế giới hụt 6,49 triệu tấn… Các dự báo của những tổ chức khác, được đưa ra từ tháng 2-4/2016, cũng đều cho rằng sản lượng đường thế giới năm nay thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Dự báo lạc quan nhất là cung thấp hơn cầu khoảng 3 triệu tấn, còn dự báo bi quan nhất thì cho rằng nguồn cung bị thiếu hụt tới 11,4 triệu tấn.