Phú Quốc chờ đón bình minh “đặc khu kinh tế”; Vốn từ kế hoạch 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc tìm đến Việt Nam; Quốc Cường Gia Lai đã chi hơn 1.600 tỷ đồng trả nợ trong quý I/2017; Doanh nghiệp chuẩn bị 300 triệu đồng “tiền chuộc” dữ liệu bị hacker đánh cắp
Tin kinh tế đọc nhanh 12-04-2017
- Cập nhật : 12/04/2017
Giám sát quản lý quy hoạch xây dựng đô thị tại Hà Nội
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, trong tháng 4-2017, sẽ tổ chức làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng; các quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Trì… về thực hiện các nội dung được phân cấp trong quy hoạch và xây dựng.
Tiếp đó, Đoàn có thể chia tổ giám sát để thị sát thực tế tại một số khu đô thị, trực tiếp lắng nghe ý kiến người dân.
Đây là chương trình nằm trong kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 2011 đến năm 2016 trên địa bàn TP Hà Nội.
Trên cơ sở giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sẽ làm rõ các khó khăn, vướng mắc, hạn chế và đề xuất các giải pháp hoàn thiện các văn bản pháp luật trong thời gian tới nhằm từng bước tăng cường chất lượng quy hoạch và bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch xây dựng đô thị. (HNM)
--------------------------------------
Đầu tư sân golf 36 lỗ tại Kim Bảng - Hà Nam
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Sân golf Kim Bảng 36 lỗ tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam với diện tích 198,24 ha.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Nam thực hiện thủ tục bổ sung vào điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Hà Nam, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; chỉ đạo và giám sát nhà đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, đất đai, môi trường và cam kết của nhà đầu tư.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm quy mô sân golf GS Củ Chi từ 36 lỗ (200 ha) xuống còn 18 lỗ (90 ha).
Đối với phần diện tích 110 ha do giảm quy mô sân golf GS Củ Chi, UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật về đất đai. UBND Thành phố tiếp thu ý kiến của các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính để xem xét, quyết định việc sử dụng phần diện tích này theo đúng quy định của pháp luật.(VOV)
-------------------------------------------
Thu ngân sách tăng nhờ "thu tăng chứ không phải tăng thu”!
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Đại Trí, mặc dù tăng trưởng kinh tế suy giảm nhưng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn tăng, và ông Trí khẳng định rằng đây là thu tăng chứ không phải tăng thu!
Tại cuộc họp báo quý 1/2017 do Bộ Tài chính tổ chức, lý giải về việc mặc dù tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng đầu năm không khả quan nhưng số thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết:
“Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quý 1/2017, tổng thu ngân sách đã bằng 23,2% dự toán năm, tăng 15,2 so với cùng kỳ năm 2016 trong đó khoản thu về phí, lệ phí chiếm tỷ lệ cao, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ.
Việc tăng này chủ yếu do từ 1/1/2017, một số loại thu về phí và lệ phí có thay đổi, bao gồm: lệ phí sử dụng đường bộ thu trên đầu ô tô, lệ phí hàng hải, thuế môn bài... Và những thay đổi này đã tác động đến số thu phí và lệ phí trong quý đầu năm.
Do vậy, mặc dù tăng trưởng kinh tế suy giảm nhưng số thu tăng trong đó có việc tăng thu từ phí và lệ phí do thay đổi về một số quy định của pháp luật. Nhìn chung việc tăng thu này vẫn đúng theo các quy định của pháp luật và phải khẳng định rằng đây là thu tăng chứ không phải tăng thu”.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện dự toán NSNN 3 tháng đầu năm 2017, tổng thu cân đối NSNN 3 tháng đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2016.
Tổng chi NSNN đạt 284,96 nghìn tỷ đồng, bằng 20,5% dự toán năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Ba tháng đầu năm 2017, bội chi NSNN ước khoảng 4,050 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 2,27% dự toán năm.
Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2017 tính đến ngày 31/3/2017, đã phát hành được 56.497 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bằng 30,8% kế hoạch năm 2017.
Trong công tác quản lý, điều hành NSNN, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ nhà nước và Tài chính từ trung ương đến địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 17/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 3 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi khoảng 183,6 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 40,4 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển, qua đó đã phát hiện khoảng 2.400 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; không chấp nhận thanh toán khoảng 13 tỷ đồng.
Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, tính đến giữa tháng 3, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, bắt giữ 2.599 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 66 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt 32,4 tỷ đồng; Khởi tố 06 vụ; Chuyển cơ quan khác khởi tố 13 vụ.(Infonet)
----------------------------------------------------
Bộ Tài chính: Giá xăng ở Việt Nam rẻ hơn 136 nước
Cùng với xu hướng giảm thuế nhập khẩu và giá xăng Việt Nam đang rẻ so với thế giới, đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh khung thuế môi trường là để "bảo vệ lợi ích quốc gia".
Giá bán lẻ xăng dầu một lần nữa trở thành nội dung được quan tâm nhất tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, diễn ra chiều 10/4. Trước đó, dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường do cơ quan này soạn thảo với việc nâng khung thuế từ 1.000-4.000 đồng lên 3.000-8.000 đồng gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận bởi lo ngại sẽ làm giá bán lẻ trong nước tăng cao.
Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Chính sách thuế, mục tiêu của Bộ Tài chính khi đưa ra đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường là ứng phó với xu hướng giảm thuế nhập khẩu do tham gia các hiệp định thương mại, đảm bảo tính ổn định của Luật (không phải điều chỉnh thêm trong thời gian dài), tránh chênh lệch về giá bán lẻ giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới (dẫn tới buôn lậu)...
Vị này dẫn chứng theo bảng xếp hạng của Global Petrol Prices, tính đến 3/4, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang xếp thứ 137 trên 180 nước (từ cao xuống thấp), đồng nghĩa với việc thấp hơn 136 nước khác. Cũng theo bảng xếp hạng này, Philippines đang đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88 và Lào đứng thứ 97.
Đại diện Bộ Tài chính cũng ước tính giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 tại Việt Nam đang thấp hơn Lào khoảng 4.800 đồng, Campuchia 2.800 đồng, Singapore 16.000 đồng và Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 26.500 đồng. Trong đó, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của xăng tại Việt Nam (37,24%) cũng đứng sau nhiều nước trong khu vực (Hàn Quốc là 70,3%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%).
"Để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi", ông Phạm Đình Thi nhận định.
Theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam hiện ở mức rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới, đặc biệt là so với các nước chung đường biên giới.
Vị này cũng chia sẻ hiện Bộ Tài chính cũng chỉ mới đề xuất thay đổi khung thuế, còn mức áp dụng hiện hành vẫn là 3.000 đồng mỗi lít. "Việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ cũng như đến sản xuất kinh doanh. Chỉ khi điều chỉnh mức thuế cụ thể thì mới tạo ra tác động", ông Thi nói.
Đối với việc sử dụng khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường, đại diện Bộ Tài chính cho rằng nguồn tiền này được xác định là một khoản thu của ngân sách Nhà nước và được sử dụng các nhiệm vụ chi theo Luật (trong đó có chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo xã hội...). Căn cứ theo các quy định này thì hiện tỷ lệ chi cho môi trường hiện chiếm "không ít hơn 1%" và "đang phấn đấu đạt 2%" tổng chi. Trong khi đó, theo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong tổng thu hơn 1 triệu tỷ đồng của ngân sách thì thu từ thuế bảo vệ môi trường đóng góp gần 38.500 tỷ, tương đương gần 4%.
"Không phải thuế bảo vệ môi trường là phải chi hoàn toàn cho các dự án trực tiếp về bảo vệ môi trường. Việc chi như thế nào phụ thuộc vào Luật ngân sách, trong đó có những dự án trực tiếp, có dự án tác động gián tiếp bảo vệ môi trường", ông Phạm Đình Thi cho biết.
Về tình hình ngân sách 3 tháng đầu năm, đại diện Bộ Tài chính cho biết tổng thu ước đạt 280.900 tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm và tăng 15,2% so với cùng kỳ 2016. Riêng thu nội địa chiếm chủ yếu với 232.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ và bằng 23,4% dự toán.
Đối với vấn đề thu thuế hộ kinh doanh, Bộ Tài chính nhìn nhận có việc thất thu do bất cập trong việc áp dụng thuế khoán. Trong đó, lý do thường là nhiều hộ kinh doanh không thực hiện sổ sách kế toán, hoặc do cùng quy mô áp dụng thuế khoán nhưng hiệu quả kinh doanh khác nhau.
Việc khuyến khích những hộ này lên thành doanh nghiệp đã có trong quy định của luật với những hộ kinh doanh có trên 10 lao động hoặc có quy mô lớn như nhà hàng, khách sạn... song việc chuyển đổi còn nhiều khó khăn.
"Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không hề đơn giản. Các hộ sẽ phát sinh thêm chi phí quản lý, thay đổi cách tính thuế... song lại nhận được được những lợi ích khác như được hỗ trợ vay vốn hay mở rộng mạng lưới", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Nguyễn Đại Trí nhận xét.(VNexpress)
-------------------------------
Tỷ giá vẫn khó lường
Theo báo cáo của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến tỷ giá USD/VND trong quý I nhìn chung tương đối bình ổn. So với thời điểm cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố vào thời điểm cuối tháng 3 có mức tăng khoảng 0,5% trong khi tỷ giá giao dịch tại các NHTM tăng nhẹ 0,02%. Cũng có một vài thời điểm tỷ giá tăng khá mạnh (tuần cuối tháng 2, đầu tháng 3) nhưng đợt tăng chỉ diễn ra trong vài ngày và nhanh chóng hạ nhiệt.
Theo BVSC, có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có chiều hướng tăng nhẹ trong quý vừa qua.
Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng giảm mạnh trong quý I. Chỉ số Dollar Index đã giảm 2,3%, trong đó giảm mạnh nhất là so với JPY (-5,2%), tiếp đến là EUR (-1,9%) và CNY (-1%). Đây cũng là diễn biến khá bất ngờ xét trong bối cảnh FED vẫn đang trong tiến trình tăng dần lãi suất (đã tăng thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách tháng 3) trong khi NHTW châu Âu và Nhật Bản vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Do VND “neo” chủ yếu vào đồng USD nên khi USD giảm cũng đồng nghĩa với việc VND mất giá so với phần lớn các đồng tiền còn lại trong rổ tính tỷ giá trung tâm. Điều này dẫn đến tỷ giá trung tâm có xu hướng tăng nhẹ trong quý I.
Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan, cán cân thương mại đã chuyển sang trạng thái nhập siêu trong ba tháng đầu năm 2017 (-1,9 tỷ USD) trong khi cùng kỳ năm 2016 xuất siêu 776 triệu USD. Nhập siêu gia tăng mạnh trong quý I chủ yếu do tốc độ tăng của nhập khẩu (22,4%) cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu (12,8%). Những thông tin liên quan đến nhập siêu đã gây sức ép nhất định, khiến tỷ giá có biến động tương đối lớn tại một số thời điểm.
BVSC cũng cho rằng tỷ giá trong năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.
Ngoài ra, tình trạng nhập siêu gia tăng mạnh trở lại là rủi ro rất đáng chú ý. Cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2017 được dự báo cũng khó có thể đạt mức thặng dư cao như năm 2016. Do vậy, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ có biến động mạnh hơn trong các quý tới với mức mất giá của VND so với USD trong cả năm nay sẽ xoay quanh mức 3%.(CafeF)