Thế giới di động mua lại bao nhiều cổ phần của Trần Anh?; Nhà Trắng ngăn chặn Nga kiểm soát công ty dầu mỏ tại Mỹ; Đấu thầu 9 chung cư cũ chọn nhà đầu tư; Việt Nam sẽ có Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân trước 2025
Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-04-2017
- Cập nhật : 10/04/2017
Ngân hàng ồ ạt tăng vốn
Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Ngân hàng (NH) TMCP VN Thịnh vượng (VPBank) tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỉ đồng lên 10.765 tỉ đồng để phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định.
Techcombank tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng cho cổ đông hiện hữu, từ 8.878 tỉ đồng lên 13.878 tỉ đồng
Các cổ đông NH TMCP Bưu điện Liên Việt cũng vừa thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ thêm 540 tỉ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu mới, vốn điều lệ tăng lên 7.000 tỉ đồng.
NH TMCP Á Châu (ACB) đang xin ý kiến cổ đông thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 10.273 tỉ đồng lên 11.259 tỉ đồng. NH TMCP Kỹ thương (Techcombank) tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng cho cổ đông hiện hữu, từ 8.878 tỉ đồng lên 13.878 tỉ đồng…
Theo các NH, việc tăng vốn là điều cần thiết khi các quy định đều gắn các tỷ lệ giới hạn (chẳng hạn như cấp tín dụng) với vốn chủ sở hữu/vốn điều lệ. NH tăng vốn điều lệ sẽ giúp tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng. Đồng thời NH có thêm nguồn vốn đầu tư các giải pháp và hệ thống như công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, hệ thống quản trị rủi ro.(Thanhnien)
----------------------------------------
Nhà đầu tư ngoại mua ròng chứng khoán hơn 554 triệu USD
Theo Báo cáo tình hình kinh tế quý 1/2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa công bố, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục tin tưởng vào triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) VN.
Điều này thể hiện qua giá trị mua ròng của nhà ĐTNN trong tháng 3 cao nhất từ đầu năm, đạt 303 triệu USD. Tính chung lũy kế từ đầu năm 2017, tổng giá trị mua ròng của nhà ĐTNN đạt 554 triệu USD, trong đó gồm 418 triệu USD trái phiếu và 136 triệu USD cổ phiếu.
Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư ngoại ước đạt 23,4 tỉ USD, tăng 14,8% so với cuối năm 2016. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài của khối ngoại trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,2% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 6,2%.
Cũng theo báo cáo này, giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu nói riêng tới cuối tháng 3 đạt xấp xỉ 100 tỉ USD, tương đương 50,9% GDP. Xu hướng thị trường tích cực như thời gian qua sẽ tạo nhiều thuận lợi cho huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu của các công ty đại chúng, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất trong tháng 3 không tác động nhiều đến dòng vốn nước ngoài do phần lớn các quỹ ngoại đầu tư vào VN với định hướng dài hạn.(TN)
---------------------------------
Quý 1/2017: Chi ngân sách vượt thu hơn 4.000 tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2017, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, trong khi đó số chi ngân sách đạt mức 284,96 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, tổng thu NSNN quý 1 ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 23,4% dự toán, tăng 13,3%; thu về dầu thô đạt 28,9% dự toán, tăng 15,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 21% dự toán, tăng 28,6% so cùng kỳ năm 2016.
Còn chi NSNN quý 1 ước tính đạt 284,96 nghìn tỷ đồng, bằng 20,5% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 12,4% dự toán, tăng 9%; chi trả nợ lãi đạt 29,4% dự toán, tăng 6,7%; chi thường xuyên đạt 23,6% dự toán, tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2016; đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán được giao và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, xử lý kịp thời các nhiệm vụ phát sinh để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết một số thông tin đáng mừng: trong quý 1/2017, số thu NSNN của một số ngành đã tăng trưởng khá như: Thu từ dầu thô tăng 15,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 28,6% so với cùng kỳ.
Tiến độ một số khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt khá so với dự toán và cùng kỳ năm 2016, như: thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,4% dự toán, tăng 13,6%; thuế thu nhập cá nhân đạt 30,3% dự toán, tăng 22,8%; các loại phí, lệ phí đạt 27% dự toán, tăng 65,6%; các khoản thu từ nhà, đất đạt 35,2% dự toán, tăng 16,7%.
Tuy nhiên, cũng còn một số khoản có tiến độ thu đạt thấp như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 15,4% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 23,5% dự toán; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 21% dự toán; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản tại xã đạt 22,8% dự toán.
Được biết, số thu trong quý 1 tăng khá là do tăng trưởng của nền kinh tế quý 4 năm 2016 đạt mức cao với 6,68%. Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành những tháng đầu năm 2017 duy trì đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ.(Viettimes)
--------------------------------------------
Cá tra Việt Nam xuất sang Mỹ sắp trở lại với tên gọi 'catfish'
Theo trang thông tin về thủy sản Seafoodsourse.com, từ ngày 1/9/2017, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ giám sát cá da trơn, cá tra với một tên gọi thống nhất là catfish.
Cá tra của Việt Nam, lâu nay vẫn phải dùng tên gọi tra fish, sẽ chuyển thành catfish (Ảnh minh họa: KT)
Theo đó, cho đến khi quyết định trên có hiệu lực, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn chịu sự kiểm tra của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA); còn sau thời điểm 1/9, USDA sẽ làm thay công việc này của FDA, kiểm tra tất cả các khâu của chuỗi sản xuất ở Việt Nam, từ khi ươm trứng cho đến sản phẩm đóng gói cuối cùng.
Hiện nay, khoảng 90% sản phẩm cá tra sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ - thị trường khó tính và kiểm soát rất nghiêm ngặt các mặt hàng xuất khẩu từ các nước khác, trong đó có cá tra Việt Nam.
Tên gọi catfish là một câu chuyện dài của con cá tra Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ban đầu, cá tra xuất khẩu sang thị trường này dưới tên gọi là catfish nhưng đến năm 2002, phía Mỹ yêu cầu Việt Nam không được sử dụng tên catfish ghi trên bao bì khi xuất vào thị trường này. Vì thế, cá tra, cá basa buộc phải lấy tên tra fish khi xuất vào Mỹ.
Tuy nhiên đến năm 2008, USDA đưa ra quy định mới là Luật Nông nghiệp 2008, trong đó, gộp cả hai nhóm Ictalurus và Pangasius (Ictalurus là loài cá da trơn có nguồn gốc từ khu vực Bắc Mỹ và Pangasius là loài cá da trơn nhập khẩu từ nước ngoài - chủ yếu là từ Việt Nam) dưới tên gọi chung là catfish (cá da trơn). (VOV)