Các hãng thuốc lá giở trò bẩn ở châu Phi; Nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, trăm tỷ đồng; Quỹ ngoại rót hàng chục triệu đô vào Bệnh viện FV; Đề xuất chỉ định tư vấn nước ngoài mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Tin kinh tế đọc nhanh 11-04-2017
- Cập nhật : 11/04/2017
Thiết lập các thể chế hành chính - kinh tế đặc biệt cho Phú Quốc theo chuẩn mực quốc tế
Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ cho biết ngày 8/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc là cần xây dựng một bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý.
Đồng thời thiết lập các thể chế hành chính, đầu tư, thương mại theo chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, thương mại quốc tế.
Tuy nhiên cần bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam; các thể chế, chính sách này phải bảo đảm tính nhất quán, ổn định và lâu dài...
Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phải tính đến đặc thù của từng đơn vị trong đó có Phú Quốc; các nội dung cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế-xã hội phải được quy định trong luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Về nguyên tắc, việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có ranh giới địa lý xác định nên có thể mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, mới, có tính đột phá về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì phải có cơ chế, chính sách đặc biệt.
“Chúng ta cần có đánh giá, phân tích hết sức kỹ lưỡng các đề xuất chính sách, hình thành các luận cứ khoa học, thuyết phục, có tính thực tiễn cao, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc và xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng đặt vấn đề, quá trình thể chế hóa thành luật đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này cần phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, nhưng phải có sự vượt trội về hạ tầng, thuế quan, tín dụng, tài chính để thu hút nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, cần lưu ý thiết kế mô hình của các cơ quan tư pháp như thế nào để xử lý đúng thẩm quyền các tranh chấp kinh tế, thương mại cũng như đối với các tội phạm về công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…
Mục tiêu để khi Luật được thông qua sẽ thúc đẩy kinh tế các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phát triển mạnh mẽ, phát huy được lợi thế, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân.(NDH)
-------------------------------------
Gần 27.000 ô tô bán ra trong tháng 3/2017
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 3-2017 toàn thị trường ô tô Việt Nam bán ra 26.872 xe, tăng 52% so với tháng 2/2017 và tăng 8% so với tháng 3/2016.
Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 26.872 xe, bao gồm 16.805 xe du lịch; 8.278 xe thương mại và 1.789 xe chuyên dụng.
Như vậy, so với tháng trước, doanh số xe du lịch tăng 67%; xe thương mại tăng 31% và xe chuyên dụng tăng 45%.
Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 18.388 xe, tăng 35% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.484 xe, tăng 114% so với tháng trước.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3/2017 tăng 8% so với cùng kì
năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 23%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 13% so với cùng kì năm ngoái.
Trong khi đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 1% trong khi xe nhập khẩu tăng 41% so với cùng kì năm ngoái.
VAMA cũng cho biết, Toyota Vios là mẫu sedan được ưa chuộng nhất trong tháng 3 với doanh số bán ra 1.415 xe, tăng đáng kể so với 1.033 xe bán được trong tháng 2/2017. Đây đã là tháng thứ 6 liên tiếp, Toyota Vios đứng ở vị trí số 1 trong Top 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng tại Việt Nam.(Viettimes)
-------------------------------------------
Đình chỉ hoạt động 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Công ty cổ phần thương mại dịch vụ - tư vấn giáo dục Hoàng Phát (Hà Nội) và Công ty cổ phần Việt Hà (Hà Tĩnh) bị đình chỉ hoạt động 9 tháng; Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long (Hà Nội) bị đình chỉ hoạt động 6 tháng.
Bộ Lao động thương binh và xã hội vừa cho biết đã có quyết định đình chỉ hoạt động đối với 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động nêu trên với các lý do:
Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và tư vấn giáo dục Hoàng Phát vì đã thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 2 và Khoản 6 Điều 7 Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Sử dụng Giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng Giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động.
Công ty cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh vì không thực hiện tổ chức bộ máy theo Khoản 7 Điều 7 Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc khi chưa đăng ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
Đồng thời, Công ty cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh còn chưa thực hiện các trách nhiệm tại Điều 24 và Điểm b, Khoản 7, Mục 1 Thông tư 21/2007/TT - BLĐTBXH.
Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và tư vấn giáo dục Hoàng Phát chưa thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định tại Điều 24 Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Điểm b, Khoản 7, Mục 1 Thông tư 21/2007/TT - BLĐTBXH.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng quyết định xử phạt hành chính 120 triệu đồng đối với Công ty cổ phần thương mại, tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS (Hà Nội), 185 triệu đồng đối với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu than - Vinacomin do vi phạm các quy định về quy định tuyển dụng trong hoạt động đưa lao động đi nước ngoài làm việc.
Mới đây, thông tin từ Bộ LĐTB&XH cho biết, Hàn Quốc đã ngừng nhận lao động tại 58 quận/huyện của Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2017 vì các quận huyện này đã có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.(Viettimes)
-----------------------------------------
Cay đắng với tiêu chuẩn, quy chuẩn
Dù là nước được xếp vào nhóm quốc gia có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn nhất hiện nay nhưng thực tế không ít quy định mà VN đang áp dụng lại... chưa phù hợp, dàn trải.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại kết quả giám định ở VN vênh với nước ngoài có thể khiến họ mất uy tín, thiệt hại. Trong ảnh: làm hàng xuất khẩu cho các tập đoàn đa quốc gia tại một doanh nghiệp sản xuất linh kiện VN - Ảnh: Anh Đức
“Chúng ta có một “rừng” tiêu chuẩn và quy chuẩn” - ông Nguyễn Hoàng Linh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - công nghệ), khẳng định như vậy tại diễn đàn “Chính sách thương mại an toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu VN” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) vừa tổ chức gần đây ở TP.HCM.
Với nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn như vậy, đáng ra người dân, doanh nghiệp VN phải được an tâm và hài lòng với việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa...
Tuy nhiên, cũng theo ông Linh, dù là nước được xếp vào nhóm quốc gia có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia nhất hiện nay, với rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều tiết nhưng thực tế không ít quy định mà VN đang áp dụng lại... chưa phù hợp, dàn trải.
Hệ thống quản lý vẫn còn tình trạng “giật cục”, dẫn đến quy chuẩn áp dụng chung cho doanh nghiệp không thống nhất, đồng bộ.
Với tiêu chuẩn VN, hiện đang có đến 795 tiêu chuẩn VN, trong đó 75% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu là tiêu chuẩn Codex, ISO. VN cũng có tới 97 quy chuẩn VN.
Chính ông Linh cũng băn khoăn đặt vấn đề: “Vì sao vẫn còn tình trạng kết quả thử nghiệm, chứng nhận được thực hiện trong nước không chính xác, có mức độ sai số cao?
Dẫn đến trường hợp dù doanh nghiệp đã cung cấp đầy đủ quy trình sản xuất, chế biến được kiểm soát hoàn chỉnh, nhưng khi bị đối tác thử nghiệm lại thì không đáp ứng yêu cầu”.
Để xảy ra tình trạng nói trên, ông Linh cho rằng chất lượng thử nghiệm, chứng nhận, giám định của một số tổ chức hoạt động, thử nghiệm hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Cũng như chưa có quy định chế tài, buộc phải chịu trách nhiệm đền bù cho doanh nghiệp nếu kết quả thử nghiệm không chính xác.
Ông V.H.N., giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, kể thực tế mà ông đã phải “chịu trận”: hàng bị trả về vì kết quả thử nghiệm, giám định ở VN có sự sai biệt rất lớn đối với kết quả của nước ngoài.
“Tôi sốc vô cùng. Mất tiền bạc, thời gian là một lẽ. Mà cái sợ nhất là mất uy tín, rồi mất luôn thị trường mới đáng sợ. Nhưng kiện ai bây giờ khi các quy định liên quan về lĩnh vực này gần như còn để trống” - ông N. cay đắng nói.
Không chỉ một mình ông V.H.N. từng phải chịu cảnh “cay đắng” trên. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết họ phải chịu rất nhiều thách thức, áp lực về việc phải duy trì chất lượng, thực hiện các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của nước nhập khẩu.
Điều này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là khi hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu bị đối tác trả về sẽ bị mất uy tín trầm trọng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước sức ép hội nhập quá sâu và mạnh như hiện nay, việc cần làm là nhanh chóng xã hội hóa hoạt động thử nghiệm, chứng nhận.
Trong đó, nên mạnh dạn mở rộng thử nghiệm chứng nhận cho tất cả tổ chức đánh giá sự phù hợp tư nhân, đầu tư của nước ngoài vào hoạt động trong lĩnh vực này, chứ không chỉ cho phép các tổ chức thuộc cơ quan quản lý.
Từ đó mới mong việc thúc đẩy hoạt động thừa nhận lẫn nhau cũng như kết quả đánh giá sự phù hợp do các tổ chức trong nước thực hiện sẽ được thừa nhận tại các nước nhập khẩu, như một sự “bảo chứng” có chất lượng hơn, kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. (Tuoitre)