tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-04-2017

  • Cập nhật : 11/04/2017

AirAsia vào Việt Nam, hàng không sắp chia lại thị phần

Trong khi dư luận đang tranh cãi về đề xuất áp giá sàn cho vé máy bay, AirAsia Bhd – công ty điều hành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á AirAsia - có kế hoạch hợp tác với một công ty nội địa thành lập một hãng hàng không mới ở Việt Nam.

Bloomberg đưa tin, hãng hàng không này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2018 và có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Air Asia nắm 30% cổ phần; 70% cổ phần còn lại là vốn góp từ công ty TNHH Gumin thuộc sở hữu của Tập đoàn Thiên Minh (TMG) và cá nhân ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch HĐQT của TMG. TMG hiện điều hành sở hữu chuỗi khách sạn Victoria Hotels & Resorts tại Việt Nam và Lào. Trong khi đó, ông Kiên cũng là thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) kiêm thành viên HĐQT Công ty THHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Á Châu.

Sự gia nhập ngành của hãng hàng không mới này chắc chắn sẽ gây áp lực cạnh tranh cho các hãng hàng không trong nước, nhưng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì có thêm sự lựa chọn. Các hãng hàng không trong nước vì thế cũng sẽ phải cạnh tranh về giá vé và chất lượng dịch vụ.

Trong những năm qua, AirAisa cũng đã thành lập các công ty liên kết tại Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản. Với quy mô và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam, việc áp dụng chiến lược tương tự đối với Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Thị trường hàng không Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn, nhưng hiện chỉ có 3 hãng hàng không hoạt động tại thị trường nội địa Việt Nam gồm: Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hai hãng hàng không giá rẻ VietJet Air và Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam Airlines.  Xét về thị phần, đến cuối năm 2016, Vietnam Airlines nắm 43% thị phần, VietJet Air nắm 42% và Jetstar Pacific nắm 15% thị phần.

Trong năm 2016, tổng lượng hành khách hàng không nội điạ của Việt Nam lên tới 57 triệu khách, tăng trưởng 30%. Việt Nam là thị trường hàng không lớn thứ 5 ở Châu Á với lượng hành khách đã tăng trưởng bình quân 18%/năm trong giai đoạn 2010-2016.

Sự xuất hiện của liên doanh mới sẽ thực sự là mối bận tâm lớn của 3 hãng hàng không Việt Nam nói trên. Do liên doanh hàng không giá rẻ này sẽ cạnh tranh trực tiếp với VietJet Air và Jetstar Pacific. Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, liên doanh này sẽ đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn để điều hành một đội bay từ 11-30 máy bay.

 

Xét về quy mô đội bay, tính đến cuối năm 2016, Vietnam Airlines có 87 máy bay với kế hoạch tăng đội bay lên 91 máy bay và 94 máy bay lần lượt vào cuối năm 2017 và 2018. VietJet Air có đội bay gồm 41 máy bay và dự kiến sẽ tăng lên 54 máy bay vào cuối năm 2017 và 66 máy trong vào cuối năm 2018. Jetstar Pacific do Vietnam Airlines năm 70% cổ phần, có đội bay gồm 18 máy bay, dự kiến tăng lên 24 máy bay vào cuối năm 2017 và 26 máy bay vào cuối năm 2018.

Theo kịch bản cơ sở của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC), sau hai năm đi vào hoạt động, hãng hàng không mới có thể giành được 6%-15% thị phần từ thị phần của những hãng hàng không hiện tại, cụ thể là từ VietJet Air và Jetstar Pacific do cả hai hãng này hiện cạnh tranh trên phân khúc giá rẻ.

Theo đó, HSC đưa ra hai kịch bản: Giả định đến năm 2020 hãng mới giành được 6% thị phần, tăng trưởng doanh thu trung bình của VietJet Air sẽ giảm từ 22%/năm xuống 18% trong 3 năm tới. Giả định đến năm 2020, hãng mới giành được 15% thị phần, tăng trưởng doanh thu trung bình của VietJet Air sẽ giảm từ 22%/năm xuống 10%/năm trong 3 năm tới.

Hãng hàng không mới sẽ khai thác hệ thống đường bay khu vực và đường dài của AirAsia và ngược lại. Vì vậy, mặc dù về dài hạn vị trí thứ ba trong ngành của Jetstar Pacific có thể bị đe dọa, đối thủ mới này sẽ khó có thể thay thế một trong hai hãng hàng không giá rẻ lớn nhất hiện tại. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm do cạnh tranh gia tăng.

Điểm thuận lợi cho liên doanh mới này là Chính phủ Việt Nam vốn mong muốn đẩy mạnh vận chuyển hàng không, giúp hình thành hệ thống đường bay khu vực, từ đó gia tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam.(Infonet)
----------------------------------

Phó thủ tướng: Bán vốn Nhà nước phải nhanh hơn, giá thu về cao hơn

Yêu cầu đẩy nhanh việc cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp nào được giữ lại phải hoạt động "ra tấm ra món".

Chỉ đạo này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nêu tại cuộc họp về công tác sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chiều 10/4.

Theo Phó thủ tướng, số lượng doanh nghiệp cần cổ phần hoá tuy không nhiều, nhưng tỷ trọng vốn Nhà nước trong số này rất lớn. Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thực hiện các thủ tục cổ phần hoá các tổng công ty phát điện, hay năm nay cổ phần hoá Tập đoàn Cao su... Đây đều là những doanh nghiệp lớn mà Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán lại kết quả định giá giá trị doanh nghiệp để tránh thất thoát vốn, tài sản Nhà nước."Không cần cổ phần hoá thật nhiều, nhưng phải đảm bảo vốn Nhà nước được bán, thoái tốt và giá thu về cao hơn", Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh.

pho thu tuong vuong dinh hue yeu cau cac bo, nganh chu dong hon trong ban von nha nuoc

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành chủ động hơn trong bán vốn Nhà nước

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cả nước sẽ cổ phần hoá 137 doanh nghiệp trong 3 năm tới. Tuy nhiên, tình hình thực tế có vẻ đang chững lại, khi hết quý I/2017 mới có 8 doanh nghiệp Nhà nước và một đơn vị sự nghiệp cổ phần hoá. 41 doanh nghiệp công bố giá trị nhưng chưa phê duỵêt phương án cổ phần hoá; 108 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị và duy nhất một trường hợp doanh nghiệp thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam buộc giải thể...

Lý giải sự chững lại này, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, do các doanh nghiệp này có quy mô vốn lớn lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, như Tổng công ty cà phê, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)... 

Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương có tâm lý chờ Chính phủ sửa đổi xong Nghị định số 59/2015 về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần (liên quan tới việc xử lý vấn đề sở hữu đất đai của doanh nghiệp cổ phần hóa), cũng như chờ thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

"Đang có tâm lý chờ sửa Nghị định 59 về chủ trương xác định giá trị giá đất", ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thừa nhận.

Không đồng tình trước tâm lý cố ý chờ, thiếu quyết liệt của các Bộ, ngành, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, chậm một ngày thì lỡ tiến độ thực hiện tới hàng tháng, cả một quý, rồi tới cả năm của doanh nghiệp.

Ông nhấn mạnh, cổ phần hoá chỉ là một giải pháp cuối cùng để thu hẹp phạm vi hoạt động của số doanh nghiệp này trong các lĩnh vực tư nhân không muốn đầu tư. "Doanh nghiệp nào được giữ lại thì phải thay đổi quản trị, hoạt động cho ra tấm ra món", ông nói.

Nhắc lại một lần nữa việc sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu, đại diện vốn Nhà nước nếu cố tình sai phạm, chây ỳ cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới yêu cầu các Bộ, ngành tăng cường thanh tra giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tiêu cực trong thoái vốn, cổ phần hóa.

"Nhà nước không bỏ thêm tiền để tái cơ cấu doanh nghiệp. Các địa phương, bộ, ngành chủ động xử lý các doanh nghiệp yếu kém, không dồn việc lên Chính phủ", Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đúc kết.(VNE)
-------------------------------------------

Giá dầu được dự báo có thể tăng 20% vài tháng tới

Giá dầu có thể tăng mạnh trong mấy tháng tới, lên mức hơn 60 USD/thùng. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thế giới lên mức cao nhất trong 4 tuần sau vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria.

Trao đổi với hãng tin CNBC vào cuối tuần vừa rồi, bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản của RBC Capital Markets dự báo giá dầu sẽ tăng lên vùng 60-65 USD/thùng trong vòng vài tháng tới, tương đương mức tăng gần 20% từ ngưỡng hiện tại.

“Chúng tôi dự báo giá dầu tăng cao hơn trong nửa cuối của năm nay”, bà Croft phát biểu. “Các nhà máy lọc dầu bắt đầu kết thúc mùa bảo dưỡng. Bởi vậy, lượng dầu tồn kho của Mỹ sẽ nhanh chóng giảm xuống. Mức tồn kho dầu cao của Mỹ là một nguyên nhân gây sức ép giảm giá cho dầu trong thời gian qua”.

Bà Croft cũng nhấn mạnh rằng nhu cầu đi lại gia tăng ở Mỹ trong mùa hè cũng sẽ đẩy giá dầu lên.

Tuần trước, giá dầu thế giới đã bật tăng mạnh sau khi Mỹ tấn công vào Syria. Dù có giảm trở lại sau đó, giá dầu thô ngọt nhẹ vẫn kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 52,24 USD/thùng, cao nhất trong 1 tháng.

Trong phiên châu Á sáng nay, giá dầu tiếp tục nhích cao hơn. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York có lúc tăng 0,11 USD/thùng, lên mức 52,35 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tại London tăng thêm 0,07 USD/thùng, lên mức 55,31 USD/thùng.

Trang MarketWatch nói rằng ở thời điểm hiện tại, rủi ro địa chính trị đang là nhân tố hỗ trợ chính cho giá dầu.

Rủi ro địa chính trị không chỉ gia tăng ở Syria, mà còn cả ở Đông Bắc Á. Nhóm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã hủy một kế hoạch thăm cảng ở Australia và thay vào đó di chuyển về phía bán đảo Triều Tiên như một động thái cảnh báo Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử tên lửa thời gian gần đây.

Trong vòng 9 phiên giao dịch tính đến ngày thứ Sáu tuần trước, giá dầu đã có 8 phiên tăng. Trong tuần trước, giá dầu tăng 3%, trong đó chỉ một phần nhỏ là mức tăng ghi nhận sau khi Mỹ tấn công Syria.

Cuộc tấn công của Mỹ vào Syria không dẫn tới nguy cơ gián đoạn nguồn cung lớn từ nước này, bởi phần lớn hoạt động khai thác dầu ở nước này đã bị ngưng trệ trong cuộc nội chiến 6 năm qua. Thay vào đó, giới đầu tư lo ngại về một cuộc trả đũa nhằm vào Mỹ của Nga và Iran - hai nước sản xuất dầu lớn và là đồng minh thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hiện vẫn đang có một số yếu tố có thể cản trở sự đi lên của giá dầu. Chuyên gia Phin Ziebell thuộc National Australia Bank nhấn mạnh việc số giàn khoan dầu ở Mỹ đã tăng 12 tuần liên tiếp. “Chắc chắn là giá dầu tăng hiện nay chỉ do những lo ngại về địa chính trị mà thôi”, ông Ziebell nói.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã giảm khoảng 3%, sau khi tăng mạnh vào cuối năm ngoái nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối bao gồm Nga.

Mặc dù vậy, hãng tin Bloomberg dẫn số liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (CFTC) cho thấy số hợp đồng đầu cơ giá lên dầu thô tại thị trường Mỹ đang nhiều hơn số hợp đồng đầu cơ giá xuống với khoảng cách ngày càng lớn. Tính đến tuần trước, khoảng cách này là 9,2%.

Số liệu này cho thấy giới đầu cơ đang đặt cược nhiều hơn vào sự lên giá của dầu thô trong thời gian tới. “Các nhà đầu cơ dầu giá xuống sẽ rút lui vì OPEC có vẻ như tuân thủ khá tốt hạn ngạch sản lượng và có khả năng họ sẽ mở rộng việc cắt giảm sản lượng”, ông Michael Lynch, Chủ tịch công ty nghiên cứu Strategic Energy & Economic Research, nhận định.

Theo bà Croft, trong ngắn hạn, OPEC sẽ là nhân tố tác động chính đối với đường đi của giá dầu. Chuyên gia này tin rằng cuộc họp vào ngày 25/5 của OPEC sẽ có ảnh hưởng tức thời đến thị trường.

“Các nước trong và ngoài OPEC đang cắt giảm sản lượng ở mức 1,8 triệu thùng/ngày. Họ sẽ gia hạn việc cắt giảm này thêm 6 tháng nữa. Đó là lý do vì sao chúng tôi lạc quan về triển vọng giá dầu trong 6 tháng cuối năm nay”, bà Croft phát biểu. (VNECO)
----------------------------

Vẫn đề xuất khung trần thuế môi trường với xăng dầu 8.000 đồng/lít

Theo đại diện Bộ Tài chính, nếu Ủy ban TVQH đồng ý, luật Bảo vệ môi trường sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tháng 10 tới, trong đó quy định khung trần thuế suất thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng gấp đôi.

Thông tin trên được công bố tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1.2017 của Bộ Tài chính vừa diễn ra chiều nay, 10.4.

Thuế đang áp dụng gần đụng trần

Trao đổi với báo giới, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thì dự kiến luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến, thảo luận và thông qua trong kỳ họp tháng 10.2017.

Theo đó, khung trần thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng gấp đôi, từ 4.000 lên 8.000 đồng/lít. Lý giải việc phải đề xuất tăng thuế, ông Thi nhấn mạnh, do xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng. Theo đó, các nước trên thế giới cũng đã đưa xăng dầu vào diện thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo vệ môi trường với những tên gọi khác nhau (thuế năng lượng, thuế nhiên liệu…).

Hiện nay, xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và khung thuế hiện hành 1.000 - 4.000 đồng/lít và mức thuế đang áp dụng là 3.000 đồng/lít đã gần chạm mức tối đa trong khung thuế hiện hành. Bộ Tài chính đánh giá, trong trường hợp cần thiết, để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ là rất khó.Trong khi đó, thuế nhập khẩu thì lại bị cắt giảm theo thỏa thuận quốc tế, còn giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam lại thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực. Đây chính là lý do khiến Bộ Tài chính phải đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này, ông Thi lý giải.

 

Trên cơ sở tính toán tất cả những vấn đề nói trên, Bộ Tài chính đề nghị nâng khung thuế bảo vệ môi trường lên 3.000 - 8.000 đồng/lít và áp dụng trong một lộ trình dài. Bộ chỉ đề xuất khung còn mức điều chỉnh cụ thể phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, tùy vào từng thời kỳ kinh tế xã hội, sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.

“Tôi khẳng định khung này chưa có tác động gì tới doanh nghiệp và cũng chưa tác động gì đến giá cả xăng dầu. Chỉ khi áp dụng mức cụ thể thì mới tác động đến giá cả và doanh nghiệp”, ông Thi nói. (Thanh Niên)
-----------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục