Đừng quá lo ngại áp lực tỷ giá, lãi suất
Sắp có “quà riêng” tái cơ cấu ngân hàng
Khơi nguồn tài chính cho công nghiệp hỗ trợ
Theo chân Volkswagen, Mercedes bị tố gian lận khí thải tại Mỹ
Tổng thống Mỹ lạc quan về triển vọng Quốc hội thông qua TPP
Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-05-2016
- Cập nhật : 20/05/2016
Cần có chiến lược phát triển ngành logistics hội nhập
“Logistics và chuỗi cung ứng: Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập?” là chủ đề hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- Chi nhánh TP.HCM đã tổ chức ngày 18-5.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều tổ chức thương mại khu vực như: TPP, EVFTA, AEC,… điều này cho thấy Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm chế tác lớn của thế giới, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) gia tăng và tạo thị trường cho ngành logistics.
Đặc biệt, khi TPP có hiệu lực với việc gỡ bỏ 18.000 dòng thuế và gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, tạo cơ hội mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cho các DN Việt Nam nói riêng và các DN nước ngoài.
Thế nhưng bài toán lớn nhất hiện nay cho ngành logistics là về kết cấu hạ tầng. Theo ông Bùi Quốc Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, kết cấu hạ tầng chưa định lượng được ở mức quốc gia, khu vực đến từng ngành sản xuất. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa phát triển đầy đủ, tập trung nặng về đường bộ. Trong khí đó, vận tải logistics không chỉ về đường bộ mà bao gồm cả vận tải biển ven bờ, đường thủy nội địa,…
Chính vì vậy, để giúp DN logistics trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, cần có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và các cơ quan quản lý. Theo đó, Nhà nước nên tiến hành xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics quốc gia, đồng thời xây dựng các chính sách phát triển và kế hoạch phù hợp; Xây dựng khung pháp lý thống nhất và tạo thuận lợi cho hoạt động logistics của DN.
Đối với các DN logistics nên tái cơ cấu và xác lập bộ phận chuyên quản trị về logistics nhằm mục đích xác định rõ phương hướng phát triển của công ty và xây dựng chiến lược nhất quán với Chính phủ để tăng cường sức cạnh tranh. Đặc biệt là các DN cần phải đánh giá thực trạng, xác định thị trường của mình và phát huy điểm mạnh để nâng cao tính cạnh tranh. Đồng thời, hợp tác với các DN XNK để tạo chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Tổng kim ngạch XNK của khối doanh nghiệp FDI đạt 67,78 tỷ USD
Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2016, khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 67,78 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 64,9% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Kim ngạch XNK của khối doanh nghiệp FDI chiếm 64,9% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đạt gần 36,67 tỷ USD, giảm 1% và chiếm 35,1%.
Khối các doanh nghiệp FDI vẫn đạt được tốc độ tăng xuất khẩu khá (tăng 10,3%, trị giá đạt 37,23 tỷ USD) trong 4 tháng/2016 với một số nhóm hàng có mức tăng trưởng khá cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 22,7%; giày dép các loại tăng 10,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 15,5%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù tăng 26,3%.
Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước lại giảm 1,5% (trị giá là 15,88 tỷ USD) chủ yếu do trị giá xuất khẩu dầu thô giảm mạnh 51,7%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khối các doanh nghiệp FDI lại giảm sâu hơn 1,9% (trị giá là 30,55 tỷ USD).
Vẫn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản ngân hàng
Dù có thể chưa sửa Thông tư 36, nhưng dự kiến Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giám sát chặt chẽ để phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn đối với thanh khoản hệ thống - Ảnh: Quang Phúc.
Tại báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 công bố mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã đưa ra cảnh báo về những chuyển động tiềm ẩn rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Những chuyển động đó vẫn có dấu hiệu thể hiện.
Cụ thể, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia từng đưa ra cảnh báo, trong năm 2015, tình hình cho vay của hệ thống ngân hàng dịch chuyển rõ ở hai hướng: tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn gia tăng, tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn tăng cao trong cơ cấu.
Cả hai hướng vận động trên đều tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản.
Số liệu thống kê của Ủy ban cho thấy, trong năm 2014, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 20,2%, thì đến cuối 2015 đã tăng mạnh lên 31,8%.
Cùng đó, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn đã tăng lên tới 55,4% trong tổng cơ cấu tín dụng (năm 2011 chỉ 45,1%, 2012 là 45%, 2013 là 45,8% và 2014 là 50,3%).
Đến cuối quý 1/2016, xu hướng trên vẫn tiếp tục thể hiện, khi tín dụng trung dài hạn tiếp tục tăng thêm 3,3% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 55,5% trong tổng cơ cấu tín dụng.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng trung dài hạn gia tăng một phần do doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng đáng chú ý là do tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng tăng, cùng một phần nợ ngắn hạn được cơ cấu sang nợ trung dài hạn.
Trong các nguyên nhân trên, nổi bật là tốc độ tăng rất mạnh của tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản, tăng tới 28,3% trong năm 2015 so với năm 2014.
Trước diễn biến trên, đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã có tín hiệu “hãm phanh”, nhằm tăng cường quản lý rủi ro thanh khoản hệ thống. Tín hiệu này nằm trong định hướng sửa Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Như phản ánh thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước dự kiến “siết” lại tín dụng bất động sản sau khi liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, cũng như xem xét hạ giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Tuy nhiên, theo những thông tin gợi mở gần đây, việc sửa Thông tư 36 có thể sẽ theo lộ trình để thị trường và hoạt động hệ thống ngân hàng dần thích nghi. Nhưng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có các biện pháp để hạn chế hai tín hiệu tiềm ẩn rủi ro thanh khoản nói trên.
Những biện pháp này cũng đặt trong tổng thể các chính sách thực hiện yêu cầu bình ổn lãi suất, thậm chí giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ đề ra trong nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua
Vàng trang sức mở đầu ra, tắc đầu vào
Theo Hội đồng Vàng thế giới, quý I/2016, trong khi thị trường vàng nữ trang thế giới giảm khá mạnh, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Việt Nam lại tăng. Cụ thể, năm 2015, nhu cầu vàng nữ trang ở Việt Nam khoảng 15,6 tấn; riêng quý I/2016 là 4,7 tấn (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước).
Cần nhập 20 tấn vàng nguyên liệu mỗi năm
Ngày 18-5, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM (SJA), cho biết khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp (DN) trong ngành vàng trang sức, mỹ nghệ là không được cấp phép nhập vàng nguyên liệu nên phải mua trôi nổi trên thị trường, vô tình tiếp tay cho nạn buôn lậu vàng và tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ chợ đen tồn tại. Con số thống kê trên khá trùng khớp với ước tính nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất hàng trang sức, mỹ nghệ khoảng 20 tấn/năm của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA).
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, cho biết dù Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng cho phép DN được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, mỹ nghệ (có điều kiện) nhưng gần 5 năm qua, chưa DN nào được cấp giấy phép. Do đó, DN phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thậm chí mua phải hàng lậu.
Tổng giám đốc một thương hiệu có uy tín cũng thừa nhận không ít vàng nguyên liệu để sản xuất hàng trang sức, mỹ nghệ là từ nguồn nhập lậu. Đại diện một DN sản xuất vàng trang sức có tiếng tại TP HCM cho rằng rủi ro lớn của DN ngành vàng trang sức là phải mua nguyên liệu trôi nổi nên có thể gặp họa bất cứ lúc nào nếu mua phải hàng lậu, hàng kém chất lượng.
Cuối năm 2015, việc một tiệm vàng ở Đồng Nai dính cú lừa mua phải vàng nguyên liệu dỏm trị giá hơn 10 tỉ đồng gây chấn động giới kim hoàn. Theo nhiều DN, vàng giả chủ yếu từ Trung Quốc, qua cửa khẩu Campuchia rồi tuồn vào Việt Nam. Không phải DN mất cảnh giác với nguồn hàng này nhưng do nhiều nơi chưa trang bị được máy móc hiện đại mà chủ yếu dùng phương pháp truyền thống để kiểm tra nên nhiều tiệm vàng bị lừa.
Ngày càng tụt hậu
Thời gian qua, do gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa do không có vàng nguyên liệu, không được vay vốn ngân hàng theo quy định hiện hành. Rất nhiều lao động mất việc làm, ngành kim hoàn Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới.
Ông Nguyễn Thành Long nhìn nhận năng lực sản xuất của DN ngành vàng trang sức ngày càng sụt giảm là đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu vàng trang sức sẽ giảm dần xuống 0%. Lúc này, hàng ngoại nhập với mẫu mã đẹp, giá thấp sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, làm cho các sản phẩm nữ trang nội địa “lép vế” ngay trên sân nhà, gây nguy cơ DN trong nước trở thành đại lý bán nữ trang cho nước ngoài.
Hiện trên địa bàn TP HCM có khoảng 3.000 DN sản xuất, kinh doanh vàng. Tuy không đưa ra con số cụ thể nhưng theo ông Dưng, rất nhiều DN trong số này đã tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa, chuyển ngành nghề khác do khó khăn.
VGTA kiến nghị để tránh nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan, ảnh hưởng tới điều hành chính sách tiền tệ của nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những DN đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Nhiều DN vàng trang sức cho rằng sản xuất, kinh doanh vàng trang sức là hoạt động thông thường, không thuộc đối tượng bị cấm hay hạn chế kinh doanh. Hiện nay, thị trường vàng khá ổn định, giá vàng trong nước đã theo sát giá thế giới và không còn những cú sốc lớn trên thị trường, nhà nước cần tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách để tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. “Trên thực tế, ngành vàng nữ trang cũng như các ngành kinh tế khác hoạt động bình đẳng theo Luật DN nên nếu hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các DN nữ trang là không công bằng” - Chủ tịch VGTA nói.
Đến lượt Suzuki dính bê bối, cổ phiếu lao dốc chóng mặt
“Lời thú tội” của Suzuki đánh dấu sự loang rộng của một vụ bê bối trong ngành ôtô Nhật bắt nguồn với Mitsubishi...
Cổ phiếu hãng xe Nhật Suzuki Motor Corp. lao dốc chóng mặt sau khi hãng này cho biết đã sử dụng một biện pháp thiếu chính xác để thử nghiệm khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe do hãng sản xuất. “Lời thú tội” này của Suzuki đánh dấu sự loang rộng của một vụ bê bối trong ngành ôtô Nhật bắt nguồn với Mitsubishi.
Theo tin từ Bloomberg, phát ngôn viên Hidehiro Hirano của Suzuki nói rằng Chủ tịch hãng là ông Osamu Suzuki sẽ báo cáo vấn đề lên Bộ Giao thông Nhật Bản trong ngày 18/5.
Giá cổ phiếu của Suzuki đã có thời điểm sụt 15% vào buổi trưa nay theo giờ Tokyo, mức giảm mạnh nhất trong một phiên giao dịch trong vòng 16 năm qua. Vào lúc 1h30 chiều theo giờ địa phương, giá cổ phiếu Suzuki giảm 12% so với đóng cửa phiên trước.
Suzuki hiện có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 11,5 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu công ty này đã giảm 31%.
“Ấn tượng là rất xấu, đặc biệt khi thị trường đã trở nên đặc biệt lo ngại sau vụ bê bối ở Mitsubishi”, nhà phân tích Koji Endo thuộc công ty Advanced Research Japan, nhận định. “Cho dù Suzuki có không thao túng các dữ liệu, thì đây vẫn là tin xấu”.
Suzuki là nhà sản xuất ôtô đầu tiên thừa nhận có thể đã làm sai sau khi Bộ Giao thông Nhật yêu cầu các hãng xe tiến hành điều tra nội bộ kể từ sau vụ bê bối ở Mitsubishi bị đưa ra ánh sáng vào tháng trước.
Mitsubishi Motors đã “nói quá” tới 10% về khả năng tiết kiệm nhiên liệu của 4 mẫu xe mini do hãng sản xuất. Ngoài ra, hãng còn thao túng các dữ liệu liên quan đến các mẫu xe này. Hiện Mitsubishi đang điều tra về việc sử dụng phương pháp kiểm tra thiếu chính xác đối với các mẫu xe khác sản xuất từ năm 1991.
Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016, sản lượng toàn cầu của Suzuki giảm 3%, còn 2,95 triệu xe. Suzuki đã giảm sản lượng xe sản xuất tại Nhật 13 tháng liên tiếp. Trong tài khóa vừa qua, sản lượng xe của hãng tại thị trường nội địa giảm 18%.
Hãng tin Nikkei sáng 18/5 nói rằng Giám đốc điều hành (CEO) Mitsubishi là ông Tetsuro Aikawa đã từ chức.
Ông Suzuki, 86 tuổi, đã chuyển giao cương vị CEO của hãng này cho con trai là Toshihiro vào tháng 6 năm ngoái, sau 37 năm điều hành hãng. Ông Suzuki hiện giữ cương vị Chủ tịch hãng.